Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát (Bà Đen) 02

44 Linh Sơn Thánh Mẫu 2

Chào mừng quý khách đã đến với Sun World Ba Den Mountain và chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát (Bà Đen)” của họa sĩ Hoàng Phong

 

Linh Sơn Thánh Mẫu được xem là nữ thần chủ, là hiện thân uy linh cao nhất của ngọn núi Bà Đen. Thay vì toạ lạc tại một vị trí duy nhất, Linh Sơn Thánh Mẫu đã hiển linh ở khắp vùng núi. Nơi nào có cơ sở thờ tự, nơi đó có sự hiện diện của Bà.

Có nhiều truyền thuyết khác nhau kể về xuất thân của Linh Sơn Thánh Mẫu. Truyền thuyết được biết đến nhiều nhất là nàng Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn. Trong một lần lên núi lễ Phật, Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan làm nhục. Để giữ lòng chung thuỷ với chàng Lê Sĩ Triệt, nàng nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi thác oan, Lý Thị Thiên Hương hiển thánh trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa, báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết nơi nàng bị nạn. Vì người phụ nữ báo mộng rất đen đúa nên vị sư gọi là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính. 

Một lần, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, phải chạy đến vùng đất Trảng Bàng Bà Đen xuất hiện trong mộng của chúa Nguyễn Ánh, chỉ đường chạy thoát thân. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho đúc tượng Bà Đen bằng đồng đen và giao cho vị quan trấn thủ đưa lên núi tại động thờ Bà, đồng thời sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu. Người dân gọi nơi thờ là Linh Sơn Tiên Thạch Động, và gọi ngọn núi là núi Bà Đen.

Trên núi hiện nay, hệ thống chùa Bà gồm có 6 ngôi chùa, đồng thời cũng là 6 điểm dựng điện thờ Bà, đó là: chùa Quan Âm, chùa Hang (chùa Linh Sơn Long Châu), chùa Hoà Đồng, chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Long Châu Phước Trung và chùa Linh Sơn Phước Trung. Trong đó, Điện Bà và Linh Sơn Tiên Thạch Tự – ngôi chùa được tạo lập từ thế kỷ 18, là điểm thờ chính và lâu đời nhất tại núi Bà Đen.

Dù ở mỗi điện thờ, Linh Sơn Thánh Mẫu được tạo tác khác nhau, nhưng Bà vẫn là hiện thân uy linh cao nhất vùng núi này, là hoá thân của Bồ Tát với lòng từ bi hỉ xả phổ độ chúng sinh. 

——————————————————————————————

Triển lãm tranh “Về Ngộ”

“Về Ngộ” là bộ tranh gồm 45 bức tranh về chủ đề Đền Chùa của hoạ sĩ Hoàng Phong.

“Ngộ” là sự tỉnh thức, sự hiểu biết thấu đáo, là nhận ra chân lý. “Về” là sự tìm về, trở về, thuộc về. “Về Ngộ” chính là hành trình hoạ sĩ trở về quán chiếu nội tâm, soi rõ bản thể, tìm kiếm sự giác ngộ để chạm đến sự an yên trong tâm hồn.

Vẻ đẹp linh thiêng, kỳ vĩ và nguồn năng lượng của núi Bà Đen đã khơi gợi cảm hứng để hoạ sĩ vẽ bộ tranh “Về Ngộ”. Nhiều công trình tâm linh mang hồn cốt của núi Bà Đen được phác hoạ sống động như chùa Bà, hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu, Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, tượng Di Lặc Bồ Tát, đại lễ dâng đăng trên đỉnh thiêng…

Cùng với núi Bà Đen, người yêu nghệ thuật còn có thể gặp lại những ngôi đền, những mái chùa rất quen thuộc trên khắp cả nước như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Đồng (Yên Tử), chùa Keo (Thái Bình), chùa Hương (Hà Nội)…  Vẻ đẹp cổ kính, nên thơ, trầm mặc của các ngôi chùa được hoạ sĩ khắc hoạ sống động với phương pháp tả thực, cùng các chi tiết được đặc tả với sự tỉ mỉ cao độ. Bộ tranh sử dụng kỹ thuật vẽ màu nước chất tự nhiên được nghiền từ khoáng sản trên giấy Arches Pháp.

Bộ tranh “Về Ngộ” được triển lãm tại núi Bà Đen nhằm hướng đến Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025.

Hoạ sĩ Hoàng Phong

Họa sĩ Hoàng Phong sinh năm 1987, tại TP.HCM. Hội viên Hội mỹ thuật TP.HCM, thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015, Phó Chủ nhiệm CLB Friendly Art club tại Đường sách Nguyễn Văn Bình năm 2016. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã theo đuổi trường phái hội họa hiện thực được 13 năm.

:

Other News