Về thăm Tây Ninh trong tiết trời mát mẻ giữa thu, du khách thập phương không nên bỏ lỡ Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh – đại lễ thường niên của những tín đồ sùng đạo Cao Đài. Hành trình khám phá vẻ đẹp tâm linh kỳ ảo của nghi lễ và thưởng thức những chương trình nghệ thuật phong phú chắc chắn sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm du lịch đặc trưng, ấn tượng tại vùng “đất thánh”.
1. Tìm hiểu sơ lược Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh
Trước khi đi vào các hoạt động chi tiết, bài viết sẽ cung cấp đến quý độc giả một số thông tin sơ lược về Hội Yến Diêu Trì Cung. Khi đã tường tận gốc gác, lịch sử, các điển tích tôn giáo và bí pháp cao siêu, du khách càng cảm thán hơn trước ý nghĩa sâu sắc của lễ hội truyền thống này với đời sống văn hóa dân tộc.
1.1. Nguồn gốc và lịch sử lễ hội
Trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của các tín đồ đạo Cao Đài, Diêu Trì Cung là chốn cư ngụ linh thiêng trên thiên đình, trên có Diêu Trì Kim Mẫu (còn gọi là Đức Phật Mẫu, Lệnh Bà hoặc Cửu thiên nương nương) cai quản, dưới có Cửu vị tiên nương phụ trách chín tầng mây.
Các tài liệu chính thức của Hội Thánh Cao Đài thuật lại rằng: Vào rằm tháng 8 năm Ất Sửu 1925, ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang đã lập bàn cầu cơ, thiết yến Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị tiên nương. Ngay sau đó, các vị lần lượt giáng cơ và để lại bài thi (thơ) 4 câu làm kỷ niệm.
Sự kiện này được xem như buổi khai đạo cứu đời đầu tiên, mang ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của đạo giáo. Cái tên Hội Yến Diêu Trì Cung có nguồn gốc như một tiệc chiêu đãi chốn nhân gian, kết nối tâm linh giữa chư vị thánh thần và phàm phu tục tử, giữa phần vô hình và phần hữu hình.
Căn cứ vào những ghi chép trên, Hội Yến Diêu Trì Cung tiếp tục được con dân sùng đạo hưởng ứng và tổ chức qua các năm. Hiện nay, lễ hội đã phát triển thành nghi lễ linh thiêng và là nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo, không thể thiếu trong giáo lý đạo Cao Đài.
1.2. Giải thích tích các vị Phật Mẫu và Cửu tiên nương
Có thể thấy, hình tượng Đức Phật Mẫu và Cửu tiên nương đóng vai trò quan trọng trong tâm niệm của con dân đạo Cao Đài. Bên cạnh “Mẹ Sinh” có ơn sinh thành dưỡng dục thể xúc, thì “Mẹ Độ” lại mang sứ mệnh dẫn dắt phần hồn con người được độ trì an yên. Nhiều điển tích vẫn được lưu truyền trong dân gian, ca ngợi đức ân của những vị này.
Đức Phật Mẫu được miêu tả có diện mục thanh tú, đầu đội mũ phượng hoàng, tay trái cầm quả đào tiên hoặc gậy như ý, tay phải cầm cây phất trần của trời. Với pháp tướng trang nghiêm, nụ cười hiền từ, Ngài thường ngồi trên cỗ xe cửu phượng hoàng và từ bi quan sát đời sống vạn linh.
Truyền thừa của Chân Phật Tông đặc biệt ca ngợi Diêu Trì Kim Mẫu là một trong ba vị bổn tôn cùng với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Liên Hoa Đồng Tử. Các truyền thuyết thần tiên xa xưa tại Trung Quốc khẳng định vị trí cao quý của Ngài với pháp lực vô song, vượt qua mọi lằn ranh giới hạn. Theo kinh điển đạo giáo, Đức Chí Tôn giao cho Đức Phật Mẫu làm chủ phần âm trong càn khôn vũ trụ, chấp sự vườn đào, giáo hóa chúng sinh và hướng con người đến con đường tu hành chân chính.
Phụ tá cho Đức Phật Mẫu có Cửu vị tiên nương cai quản chín tầng mây của thiên đình, mỗi tầng mây lại có những phương thức riêng để chúng sinh tu tập. Chín tiên nữ xinh đẹp đã lập nhiều công quả, dẫn dắt các vị nguyên can thành môn đồ của Đức Chí Tôn, mở ra thời kỳ khai môn lập đạo huy hoàng.
Trong Hội Yến, Đức Phật Mẫu và các tiên nương đã cảm ơn ba ông Cư – Tắc – Sang bằng 10 bài thơ, mỗi bài thơ gồm 4 câu. Mượn hình ảnh ý vị của tự nhiên như hoa, trăng, gấm, tuyết… ngôn ngữ thơ được khoác thêm lớp áo trữ tình bay bổng. Thông qua đó, lời thơ hàm súc nhắc nhở các tín đồ phải vững vàng niềm tin vào đạo phái, giữ cho tâm hồn trong sáng và thuần khiết như đóa bạch liên.
1.3. Bí pháp Hội Yến Diêu Trì cung
Theo cổ luật, người tu hành đắc đạo khi về trời sẽ được dự Hội Yến Bàn Đào trên Diêu Trì Cung, được Đức Phật Mẫu ban thưởng đào tiên và tiên tửu. Ngày nay, vâng lệnh của Đức Chí Tôn trong Tam Kỳ Phổ Độ, con dân giáo phái dâng bái hoa, quả, rượu, chè lên Đức Phật Mẫu thiêng liêng và các vị tiên nương vào ngày Hội Yến Diêu Trì Cung. Từ đó, tín đồ gội hưởng hồng ân của Đức Phật Mẫu, tiến gần hơn đến cõi hằng và giải thoát khỏi luân hồi khổ nhục.
1.4. Địa điểm – Thời gian diễn ra hội
Tại Điện thờ Phật Mẫu thuộc nội ô Tòa Thánh Tây Ninh, Hội Thánh Cao Đài tổ chức Hội Yến Diêu Trì Cung một cách long trọng. Đại lễ bắt đầu từ ngày 15 tháng 8 Âm lịch trùng với dịp Tết Trung thu, kéo dài đến hết đêm ngày 16 tháng 8. Vốn là ngày lễ lớn thường niên của giáo phái Cao Đài, lễ hội thu hút được sự tham gia đông đảo của các tín đồ hành hương trên ba miền Bắc – Trung – Nam. Đồng thời, sự tò mò cũng kích thích nhiều khách tham quan quy tụ về Tây Ninh để trải nghiệm sự kiện.
1.5. Ý nghĩa lễ hội
Hội Yến Diêu Trì Cung là niềm tự hào của mảnh đất và con người Tây Ninh. Qua đó, đại lễ đã mang đến cho nơi đây nhiều giá trị về văn hóa – tinh thần và mở rộng tầm vóc du lịch – kinh tế.
1.5.1. Ý nghĩa về mặt văn hóa – tinh thần
Hội Yến Diêu Trì Cung tạo cơ hội cho con dân đạo Cao Đài tỏ lòng thành kính, biết ơn với công đức, phẩm hạnh của Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị tiên nương. Khi đã thấm nhuần bí pháp của hội, mỗi tín đồ tham gia đều được thanh tẩy phần hồn, phơi phới tâm đạo và càng thêm vững tin trên con đường tu hành. Ngoài ra, hội yến còn là nơi học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa những ai yêu thích tìm tòi về các tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam.
1.5.2. Ý nghĩa về mặt du lịch – kinh tế
Thông qua Hội Yến Diêu Trì Cung, nét đẹp của đạo Cao Đài và hình ảnh của tỉnh Tây Ninh được quảng bá rộng rãi đến du khách cả nước. Mỗi dịp Trung thu, Hội Yến góp phần gia tăng doanh thu của ngành du lịch và thúc đẩy nền kinh tế Tây Ninh phát triển theo chiều hướng bền vững. Dựa trên ghi nhận của Trang báo điện tử VnExpress, Hội Yến Diêu Trì Cung 2023 có sự tham dự của từ 100.000 đến 200.000 người. Đây là những con số biết nói, thể hiện tầm quan trọng của đại lễ trong đời sống du lịch – kinh tế tỉnh.
2. Chi tiết các hoạt động trong Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh
Các hoạt động đa dạng của Hội Yến Diêu Trì Cung được chuẩn bị tỉ mỉ, công phu với hai phần chính: phần Lễ và phần Hội. Mỗi phần đều mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị riêng.
2.1. Hoạt động trong phần Lễ
Theo tập tục truyền thống, trước lễ Hội Yến, Hội Thánh Tây Ninh tổ chức cúng tiểu đàn tại Đền Thánh vào thời tý – tức 00 giờ sáng ngày 15 tháng 8 Âm lịch, cúng đại đàn Đức Phật Mẫu tại Báo Ân Từ vào thời ngọ – tức 12 giờ trưa cùng ngày. Sau đó, Hội Yến chính thức diễn ra vào 22 giờ đêm trong không gian trang nghiêm, ấm cúng từ khu vực ngoại nghi trở vào lễ viện Báo Ân Từ. Nhìn từ ngoài vào, các đồng đạo nữ phái ngồi bên tay trái, các đồng đạo nam phái ngồi bên tay phải, còn các vị chức sắc hầu lễ ngồi chính giữa bửu điện trước bàn thờ Phật Mẫu.
Tại khu vực thờ cúng, người tổ chức sắp xếp ly và tách riêng biệt dùng để kính Đức Phật Mẫu và Đức Chí Tôn. Phẩm quả linh đình được bày lên một chiếc bàn dài, đặt trước bàn thờ Phật Mẫu. Xung quanh bàn dài là 12 chiếc ghế thuê hoa tinh xảo của Cửu vị tiên nương và ba vị nguyên can (Hộ pháp – Thượng phẩm – Thượng sanh), trên ghế đặt bửu bối của từng vị một cách tinh tế.
Khi giờ lành đã điểm, mọi người cùng nhau cung nghênh Đức Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương giáng lâm, hội họp cùng với con cháu sùng đạo. Âm thanh kính cẩn của năm bài Bắc (bao gồm Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Tiểu khúc) hòa vào điệu nhạc bát âm huyền bí của đàn kìm, cò, sáo tam, sến… khiến nghi lễ Hội Yến trở nên thiêng liêng, ảo diệu hơn bao giờ hết. Tiếng đàn vừa dứt cũng là lúc mọi người tiến hành dâng hoa, dâng rượu, dâng trà. Cuối cùng, vào sáng ngày 16 tháng 8 Âm lịch, phần Lễ kết thúc với buổi cầu an và phát quà miễn phí cho nhi đồng.
2.2. Hoạt động trong phần Hội
Phần Hội của Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh tuy sôi nổi, náo nhiệt nhưng vẫn mang đậm dấu ấn của đạo Cao Đài. Ngày 15 tháng 8 Âm lịch được xem là ngày lễ hội của phụ nữ Cao Đài – nơi các tín nữ được đua xảo tài khéo léo về nữ công gia chánh, có ban chấm thi phát thưởng. Những tác phẩm trưng bày đặc sắc trở thành lễ phẩm cao quý dâng lên Đức Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương. Đồng thời, nhiều bữa ăn chay cũng được tổ chức miễn phí nhằm lan tỏa tình đồng đạo đáng mến.
Điểm đặc sắc nhất của phần Hội có lẽ là màn rước cộ bông hoành tráng xung quanh nội ô Tòa Thánh Tây Ninh. Những cộ bông được tỉa tót, trang trí mãn nhãn dựa trên hình ảnh của Đức Phật mẫu và Cửu vị tiên nương, tôn vinh đức hạnh khoan dung, độ lượng của các Ngài và cầu chúc cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Ngoài ra, nhiều tiết mục văn nghệ dân gian cũng thành công cuốn hút tâm trí của du khách với điệu trống Chhay Dăm tấu hỉ liên hồi hay những bước nhảy hào sảng của đội múa Long Mã – Ngọc Kỳ Lân, múa Rồng Nhang. Cuộc diễu hành của Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng), tam thiên quân (Phúc – Lộc – Thọ), thầy trò Đường tăng và nhiều bậc thầy hóa trang khác khiến không gian lễ hội thăng hoa, tựa như một chuyến du ngoạn tâm linh huyền ảo chốn phàm trần.
Bên cạnh đó, ở hai bên hông và phía trước Báo Ân Từ, Hội Thánh Tây Ninh dựng lên hơn 100 gian trưng bày của 400 họ đạo, giới thiệu đến về nguồn cội, lịch sử phát triển của đạo Cao Đài. Sự phong phú, đa dạng của triển lãm kết hợp với không gian đèn hoa rực rỡ đã khẳng định giá trị sâu sắc của Hội Yến Diêu Trì Cung trong văn hóa dân tộc.
Trên hành trình khám phá xứ Tây thành và tận hưởng không khí sôi động của Hội Yến Diêu Trì Toà Thánh Tây Ninh, bạn đừng bỏ lỡ các món ăn đặc sản địa phương để hiểu hơn về đất trời, ẩm thực và con người tại vùng đất Thánh. Tham khảo bài viết ăn gì ở Tây Ninh, quán cafe đẹp ở Tây Ninh, quán ăn chay Tây Ninh để lên hành trình trải nghiệm ẩm thực cùng người thân và bạn bè. |
3. 10 hình ảnh đẹp tại Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh
Với những du khách lần đầu tiên tham gia Hội Yến Diêu Trì Cung, hẳn ai cũng phải ngạc nhiên với tà áo dài trắng truyền thống phủ khắp con đường vào Điện thờ Phật Mẫu. Màu trắng thuần khiết, tinh khôi trực tiếp bộc lộ bản tính giản dị, khiêm tốn, không phân biệt giàu sang, chức quyền của người tu đạo. Qua đó, không khí Hội Yến không chỉ nhộn nhịp, đông vui mà còn trang trọng lễ nghĩa, thể hiện quan niệm đạo giáo Cao Đài. Ngoài ra, Hội Yến còn đem lại nhiều khoảnh khắc ấn tượng, độc đáo thông qua các hoạt động ý nghĩa.
4. Phương tiện di chuyển đến tham gia Hội Yến Tòa Thánh Tây Ninh
Chỉ cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 6km, du khách có thể di chuyển đến tham gia Hội Yến Diêu Trì Cung tại Tòa Thánh Tây Ninh một cách nhanh chóng, thuận tiện. Bạn nên cân nhắc đi xe máy, xe ô tô hoặc xe buýt, miễn sao phù hợp với điều kiện cho phép.
-
Xe máy: Đi về hướng đông thành phố theo đường Bời Lời, sau đó rẽ trái vào đường Điện Biên Phủ, bạn chỉ mất khoảng 10 phút để đến được Tòa Thánh Tây Ninh. Xe máy có tính cơ động rất cao và là phương tiện di chuyển hiệu quả nếu gặp phải sự cố tắc đường vào những dịp lễ lớn như Hội Yến Diêu Trì Cung.
-
Xe ô tô: Cùng lộ trình với xe máy, xe ô tô lại cung cấp một không gian rộng rãi nên sẽ tiện với du khách đi theo đoàn hoặc đi cùng gia đình, bạn bè. Ngoài ra, xe ô tô giúp bạn chủ động hơn trong việc chuẩn bị lễ phẩm cúng bái Đức Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương.
-
Xe buýt: Từ bến xe Tây Ninh, bạn đón tuyến 701 và nhắc tài xế cho dừng tại đoạn giao giữa đường Lạc Long Quân và đường Lý Thường Kiệt, sau đó đi bộ đến Tòa Thánh Tây Ninh. Ngoài ra, nếu trực tiếp đón xe từ Sài Gòn, bạn nên chọn tuyến 702 đến thẳng bến xe Hòa Thành, và chỉ mất 3 phút đi bộ để đến vị trí mong muốn.
5. Cảm nhận thực tế khi tham gia Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh
Tựu trung lại, những ai đã ghé thăm Tòa Thánh Tây Ninh ngày rằm tháng Tám đều đọng lại nhiều cảm xúc bồi hồi, khó tả. Chiêm ngưỡng Hội Yến Diêu Trì Cung thông qua lăng kính của du khách các năm sẽ mang đến cho bạn nhiều đánh giá hữu ích, khách quan.
6. 5 điểm trải nghiệm khác sau khi đi Hội Yến Diêu Trì Cung
Sau khi tham gia Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh, du khách có thể tiếp tục khám phá vùng “đất thánh” với nhiều địa danh nổi tiếng khác. Bạn có thể tham khảo lộ trình dưới đây để trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp đặc sắc của Tây Ninh.
1 – Sun World Ba Den Mountain
Từ Tòa Thánh Tây Ninh, bạn đi khoảng 25km về hướng bắc để đến Sun World Ba Den Mountain. Bạn nên chọn di chuyển bằng xe máy hoặc xe ô tô đến chân núi Bà, sau đó mua vé cáp treo đến địa điểm mong muốn. Quần thể kiến trúc tâm linh phong phú, các trải nghiệm độc đáo mới lạ hòa vào cảnh sắc núi rừng hoang sơ chính là điểm sáng thu hút lượng lớn khách du lịch tràn về đây mỗi năm.
Đặc biệt, giữa không khí lễ hội độ rằm tháng 8, “nóc nhà Đông Nam Bộ” hân hoan đón chào du khách với hàng ngàn đèn lồng, cờ hoa rực rỡ, những tiết mục văn nghệ truyền thống, không gian thưởng lãm thanh tịnh và lễ dâng đăng trang trọng dưới chân đại tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Tham khảo thông tin chi tiết về lễ hội rằm Trung thu và nhiều sự kiện khác trong năm ở núi Bà Đen TẠI ĐÂY.
2 – Thung lũng Ma Thiên Lãnh
Bên cạnh hoạt động trẩy hội tại Hội Yến Diêu Trì Cung và ghé thăm Sun World Ba Den Mountain, du khách có thể tìm về chốn bình yên, thư giãn với núi rừng, sông suối, ao hồ tại thung lũng Ma Thiên Lãnh. Cách núi Bà Đen khoảng 15 – 20 phút đi xe máy hoặc ô tô, cảnh sắc sinh thái của Ma Thiên Lãnh vẫn giữ được nét đẹp trữ tình, nên thơ từ thời ban sơ nguyên thủy nhờ tách biệt hoàn toàn với phố thị đông đúc.
3 – Hồ Núi Đá
Hồ Núi Đá tọa lạc ngay giữa thung lũng Ma Thiên Lãnh và được ưu ái ví von như viên ngọc bích xanh ngát của đất trời Tây Ninh. Mặt hồ yên ả trong xanh, tiếng chim hót líu lo vang vọng, bầu không khí thanh thuần, khuây khỏa, tất cả tạo nên một bức tranh thủy mặc rung động lòng người. Tuy nhiên, du khách cần lưu ý lựa chọn trang phục đơn giản, dễ vận động khi khám phá hồ Núi Đá vì đường đi ở đây tương đối gập ghềnh, trơn trượt.
4 – Miếu thờ Quan lớn Trà Vong
Cách Hồ Núi Đá khoảng 2km về hướng Bắc là miếu thờ Quan lớn Trà Vong – khu di tích lịch sử lâu đời của tỉnh Tây Ninh. Nếu có dịp ghé thăm công trình, du khách sẽ được lắng nghe những chiến công hiển hách của ba ông Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ và thăm thú kiến trúc đình tự đậm chất Nam Bộ.
5 – Chùa Gò Kén
Trên đường trở lại Sài Gòn hoặc các địa phương khác dọc theo tuyến Quốc lộ 22B, du khách không nên bỏ qua “Thiền Lâm cổ tự” chùa Gò Kén – ngôi chùa có lịch sử hình thành hơn trăm năm. Với lối kiến trúc cổ kính xen lẫn hiện đại cùng với nhiều khu trưng bày tượng Phật linh thiêng, chùa Gò Kén sẽ đặt dấu chấm trọn vẹn, kết thúc chuyến hành trình dạt dào cảm xúc của du khách trên mảnh đất Tây Ninh trù phú, xinh đẹp.
Trên đây là một số thông tin khái quát và chi tiết về Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh. Qua đó, hy vọng du khách gần xa có cơ hội về Tây Ninh trẩy hội mỗi dịp trăng rằm tháng Tám Âm lịch hằng năm, cũng như hiểu thêm về văn hóa tâm linh của đạo giáo Cao Đài – một trong những tôn giáo có sức ảnh hưởng bậc nhất Việt Nam.