Với quần thể chùa chiền, miếu mạo đa dạng, Tây Ninh thường được người dân Việt ví von là “bảo tàng tâm linh” của cả nước. Bên cạnh hệ thống chùa Núi Bà trứ danh, các ngôi chùa Tây Ninh khác cũng khiến nhiều khách du lịch trầm trồ trước không gian linh thiêng và kiến trúc đầy cuốn hút. Nếu bạn là một du khách đam mê khám phá, tìm hiểu về tín ngưỡng và văn hóa Phật giáo tại các ngôi chùa Tây Ninh, sau đây là 12 ngôi chùa mà bạn không nên bỏ qua.
1. 6 ngôi chùa ở Tây Ninh thuộc hệ thống chùa Núi Bà
Khi nhắc đến các ngôi chùa ở Tây Ninh, chắc chắn phải kể đến quần thể các ngôi chùa linh thiêng tọa lạc ở khu vực núi Bà Đen và cũng là điểm du lịch tâm linh hàng đầu cả nước. Hệ thống chùa Núi Bà không chỉ ghi dấu với những lễ hội quan trọng như Hội Xuân Núi Bà Đen, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu… mà còn khiến nhiều du khách mê mẩn với không gian linh thiêng cùng lối kiến trúc cổ kính, trang nghiêm. Hãy cùng điểm qua 6 ngôi chùa Tây Ninh thuộc hệ thống chùa Núi Bà này nhé!
1.1. Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (chùa Bà)
Linh Sơn Tiên Thạch Tự (hay còn gọi là chùa Bà Tây Ninh) hình thành năm 1745 là ngôi chùa có “tuổi đời” lâu nhất trong hệ thống các chùa trong quần thể Khu du lịch núi Bà Đen, tọa lạc tại Núi Điện Bà. Theo tác giả Thích Nhật Từ chia sẻ trong cuốn Phật Giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam Bộ: “Linh Sơn Tiên Thạch là ngôi chùa Phật giáo Bắc tông đầu tiên ở Tây Ninh”.
Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiệu thuộc chi phái Thiền Liễu Quán đã khai sơn danh lam cổ tự này từ thế kỷ XVIII – đánh dấu cho bước phát triển đầu tiên của Phật giáo ở Tây Ninh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự đã được trùng tu tổng cộng 5 lần trước khi có diện mạo hài hoà và ấn tượng như hiện nay.
Toạ lạc ở độ cao 350 mét giữa lưng chừng núi, chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự có không gian rộng rãi với tổng diện tích lên đến 6.151,8m2. Ngôi chùa nổi bật với vô số tiểu cảnh cùng những bức tượng điêu khắc mang đậm dấu ấn Phật giáo. Ngay khi bước vào chùa, du khách sẽ bắt gặp bức tượng Bồ tát Quán Thế Âm uy nghiêm ở giữa sân.
Điểm nhấn ấn tượng nhất của chùa phải kể đến 2 cột đá xanh chạm khắc hình rồng uốn lượn được bố trí ở tiền đường. Hai cột đá này được tạc thời Tổ Tâm Hòa (năm 1919), trong đó, mỗi cột có đường kính khoảng 0.45m, cao khoảng 4.5m. Ngoài ra, Linh Sơn Tiên Thạch Tự còn là nơi lưu giữ ngọc Xá lợi – bảo vật do Vua Sãi Thái Lan tặng cho Hòa thượng Thích Hiển Pháp – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chùa Bà thờ cúng theo lối “tiền Phật hậu tổ” với bàn thờ ba vị tổ sư của chùa được bố trí ở sau Chánh điện. Tổ đường nằm ở phía bên phải từ cổng chùa đi vào, là nơi thờ chư vị tổ sư tiền bối của chùa. Phía trước Tổ đường là bia khắc tên chư liệt vị tổ khai sáng chùa Linh Sơn Tiên Thạch.
Bên cạnh việc cúng bái, cầu nguyện, du khách khi đến chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự vào các ngày 4, 5, 6/5 (âm lịch) sẽ có cơ hội tham gia lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu tại Điện Bà (nằm bên cạnh Linh Sơn Tiên Thạch tự) theo nghi thức Phật giáo cổ truyền. Đây cũng là địa điểm hành hương yêu thích của người dân Đông Nam Bộ vào tháng Giêng hằng năm – thời điểm diễn ra hội Xuân Núi Bà Đen Tây Ninh.
1.2. Chùa Linh Sơn Hòa Đồng
Nằm ở một góc biệt lập trong khu vực chùa ở lưng chừng núi Bà Đen, chùa Linh Sơn Hòa Đồng là công trình kiến trúc được khôi phục lại từ ngôi chùa cũ nơi Hòa Thượng Thích Giác Điền từng tu tập trong những năm giữa thế kỷ XX. Du khách có thể đi theo bảng chỉ dẫn, men theo các bậc thang bên hông chùa Bà Đen để đến địa điểm này. Trên đường đi, bạn có thể dừng chân check-in, ngắm cảnh hoặc nghỉ ngơi cạnh giàn hoa giấy nở rộ (khoảng tháng 6 – tháng 8 Dương lịch), đẹp đến nao lòng. Đặc biệt, vẻ đồ sộ của tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn trên đường đi chắc chắn sẽ khiến bạn choáng ngợp.
Được ví như một “lầu vọng cảnh” của núi Bà Đen, chùa Linh Sơn Hòa Đồng có diện tích khá khiêm tốn, chỉ khoảng 200m2. Tuy nhiên, chính không gian nhỏ lại giúp tôn lên nét cổ kính cho ngôi chùa này.
Chùa Linh Sơn Hòa Đồng sở hữu lối kiến trúc 2 lớp nhà song song đặc trưng của chùa miếu Nam Bộ, tạo cảm giác gần gũi, quen thuộc cho nhiều du khách. Mái ở tiền sảnh và nhà phụ thấp hơn phía sau đều có hình mái đao cong cong. Lớp chính điện phía trước cấu trúc kiểu tứ tụ (bộ khung bốn cột ở giữa) với 3 gian và 3 nhịp.
Du khách đến với chùa Linh Sơn Hòa Đồng có thể thực hiện các hoạt động tâm linh như thắp hương, khấn vái hay cầu nguyện trước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Tiêu Diện Đại Sĩ, Di Đà Hộ pháp, Đại Thế Chí Bồ Tát… Đặc biệt, đứng ở độ cao 350 mét, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hữu tình của mảnh đất này.
1.3. Chùa Quan Âm
Chùa Quan Âm nằm ở ngay gần Động Ba Cô nên một số người dân thường gọi chùa với cái tên tương tự. Đây là ngôi chùa tọa lạc ở vị trí cao nhất trong hệ thống chùa ở núi Bà Đen, cao hơn chùa Hang khoảng 150 mét. Từ xa xưa, đây đã là một trong những ngôi chùa thờ Quan Thế Âm Bồ Tát trên núi Bà Đen.
Để đến ngôi chùa này, du khách sẽ phải vượt qua 100 bậc thang dốc đứng từ chùa Hang, đi qua động Ba Cô, sau đó mới đến chùa Quan Âm. Vì không có chiếu nghỉ nên trong quá trình di chuyển, bạn có thể dừng chân tạm nghỉ ở hai bên bậc thang dẫn lên chùa. Động Ba Cô vốn sở hữu hệ sinh thái phong phú nên trên đường lên chùa Quan Âm, rất có thể du khách sẽ bắt gặp những chú khỉ đáng yêu tại đây.
Ngoài ra, trong quá trình di chuyển qua động Ba Cô, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những phiến đá khổng lồ tạo thành hang động, những khối nhũ đá kết tinh qua hàng nghìn năm, lắng mình nghe tiếng nước chảy róc rách từ khe đá vừa trong trẻo lại yên bình. Dịp đầu năm là thời điểm nhiều du khách thường đến chùa Quan Âm để cầu may mắn và bình an cho gia đình.
Bên cạnh Quan Âm Tự là nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, chánh điện của chùa Quan Âm là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu mặc áo bào, đầu đội mũ phụng, ngồi thiền kiết già trên toà sen (mặt đen). Ngoài ra, chùa cũng có nhiều hang động nhân tạo và miếu thờ Cô và thờ Mẫu.
1.4. Chùa Linh Sơn Long Châu (chùa Hang)
Chùa Linh Sơn Long Châu hay còn gọi là chùa Hang Tây Ninh được xây dựng từ năm 1830, theo hệ phái Bắc Tông. Trước khi có diện mạo như ngày hôm nay, ngôi chùa này đã trải qua một lần trùng tu vào năm 1995.
Chùa Linh Sơn Long Châu gắn liền với sự tích “ông Đá nứt” trên núi Điện Bà. Truyện kể rằng, trước đây có một tảng đá lớn chặn đường đến chùa. Người dân muốn vào chùa phải đi vòng qua đường suốt rất gian nan. Thấy vậy, Sư tổ Tánh Thiền đã tụng kinh cầu nguyện suốt ngày đêm, đến ngày thứ 100 thì tảng đá tách đôi ra, tạo thành lối đi rộng khoảng 1.5 mét dẫn vào chùa. Dấu tích ấy hiện chính là lối đi giữa hai khối đá lớn vào chùa Hang.
Ngoài các nghi lễ tâm linh truyền thống, chùa Hang còn níu chân nhiều du khách với khu tưởng niệm 181 cán bộ chiến sĩ trinh sát thuộc Phòng Quân bảo – Bộ Tham mưu miền B2. Ngoài ra, chùa Hang còn đặt một bàn thờ Cửu huyền – trưng bày di ảnh của thế hệ đi trước như một hình thức để tưởng nhớ công ơn. Du khách đến đây không chỉ để lễ bái, cầu an… mà còn thể hiện lòng thành kính trước hương hồn của những người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
1.5. Chùa Linh Sơn Phước Trung (chùa Trung)
Chùa Linh Sơn Phước Trung nằm ở ngay cổng ra vào của Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain và thường là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình chiêm bái của du khách thập phương khi đến núi Bà Đen. Ngôi chùa này có tên gọi khác là chùa Trung, được xây dựng từ thời các vị Tổ Thanh Thọ và Tổ Phước Chí về núi hành đạo (1876).
Chùa Linh Sơn Phước Trung theo hệ phái Bắc tông, có diện tích 2.329,2m2. Chùa Trung gây ấn tượng với mái vuốt cong nhẹ, những họa tiết chạm khắc tinh tế như vân mây, hoa lá – vốn đặc trưng cho lối kiến trúc của Phật giáo Nam Bộ. Khu vườn thoáng mát, rợp bóng bồ đề của ngôi chùa này cũng ghi dấu trong lòng nhiều du khách. Kể từ cuối năm 2016, chùa Trung chính thức khánh thành giảng đường Tâm Hòa – một trong những hạng mục công trình trùng tu mới của ngôi chùa này.
Du khách có thể thực hành các hoạt động tâm linh như cúng bái, thiền định… khi đến chùa Linh Sơn Phước Trung. Chính giữa cổng ra vào chùa là nơi thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra, hàng năm, bạn có thể tham dự các lễ hội như Lễ vía Bà vào ngày 3/4 âm lịch, hội Xuân Núi Bà Đen vào tháng Giêng, lễ hội vào 20/12, 10/10 (âm lịch)… và đến chiêm bái chùa.
1.6. Chùa Long Châu Phước Trung
Nếu chùa Linh Sơn Phước Trung là điểm dừng chân đầu tiên khi du khách bắt đầu chiêm bái từ chân núi Bà Đen thì chùa Long Châu Phước Trung là điểm đến thứ hai. Ngôi chùa cổ này đã hình thành từ hàng trăm năm trước, khi các vị Tổ khai sơn về núi hành đạo.
Sau khi được trùng tu, chùa Long Châu Phước Trung khoác lên mình diện mạo mới với những nét cổ kính xen lẫn kiến trúc hiện đại. Đặc biệt, tượng Linh Sơn Thánh Mẫu (mặt trắng) chình là điểm nhấn tại khu thờ tự này, được đặt ở vị trí cao nhất trong điện thờ chính. Hàng bên dưới có năm bà Ngũ Hành, ngũ vị Thánh Mẫu, bốn góc thờ Tứ Vị Thiên Vương và hai bên điện thờ là ban thờ Cậu Tài, Cậu Quý.
Tọa lạc ngay dưới chân núi, chùa Long Châu Phước Trung được thiết kế bao gồm ba khu vực chính: Gian trước (vỏ ca), nhà ăn (nhà trù) và khu vực nhà khách (Đông lang, Tây lang) được sử dụng để tiếp đón Phật tử và du khách tới chiêm bái. Tương tự như chùa Linh Sơn Phước Trung, chùa Long Châu Phước Trung cũng thờ Quan Âm Bồ Tát ở ngay sân chùa.
2. 6 ngôi chùa Tây Ninh tại các địa điểm khác
Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng thuộc hệ thống chùa Núi Bà trên, vùng đất Tây Ninh còn hội tụ nhiều ngôi chùa linh thiêng khác. Dưới đây là một vài ngôi chùa tiêu biểu nhất, được du khách thường xuyên ghé thăm. Bạn có thể xem thêm thông tin trên các ứng dụng bản đồ như Google Maps, Apple Maps… để tìm hiểu thêm về những ngôi chùa khác tại Tây Ninh.
2.1. Chùa Gò Kén
Chùa Gò Kén nằm giữa cánh đồng rộng lớn, cách trung tâm thành phố Tây Ninh chỉ khoảng 8km. Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1904 bởi trụ trì chùa Gò Kén lúc bấy giờ – hòa thượng Thích Trí Lượng. Ngôi chùa ban đầu chỉ được dựng đơn sơ từ tre và nứa, mục đích chủ yếu là để Phật tử tu dưỡng tinh thần. Sau khi được trùng tu và tôn tạo lại kiên cố hơn, chùa đã đổi tên là chùa Thiền Lâm.
Chùa Gò Kén Tây Ninh là hiện thân của sự hòa quyện giữa lối kiến trúc phương Tây hiện đại và lối kiến trúc phương Đông tinh tế. Tổng thể chùa Gò Kén đều được lợp ngói móc, cổng chính được thiết kế dạng mái vòm với hai đầu hồi có kiến trúc mở, tạo không gian thoáng đãng. Cửa vào chính điện được làm từ song gỗ vuông, mang lại cảm giác cổ kính của những ngôi chùa ngày xưa. Ở phía trong điện, các cột được thiết kế thành hai hàng dài song song, mỗi hàng có 6 cột, chia đều cho 3 gian chùa.
Dạo một vòng quanh khuôn viên chùa, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước những công trình kiến trúc, những tác phẩm điêu khắc có kích thước khổng lồ, được chạm khắc tỉ mỉ tại đây. Điển hình như bức tượng Thích Ca Mâu Ni đang thiền dưới gốc cây bồ đề, tượng Phật nhập Niết bàn, Bảo Tháp Xá Lợi cao 9 tầng… Đặc biệt, điểm nhấn của cổ tự trăm năm tuổi này là bức tượng Quán Thế Âm lớn nhất Đông Nam Bộ được đặt trên đài sen giữa hồ trong khuôn viên chùa.
Vào các ngày lễ lớn trong năm, chùa Gò Kén đón rất nhiều Phật tử, người dân và khách du lịch tới ghé thăm và tham gia lễ hội. Trong đó, hoạt động thả hoa đăng vào Rằm tháng 7 thu hút đông đảo người tham gia hơn cả. Mỗi chiếc hoa đăng là biểu tượng của ánh sáng thiện lương, dẫn lối con người vô minh đến với Đức Phật, đồng thời cũng thể hiện lời nguyện cầu của người dân cho một năm may mắn, bình an. Để chuẩn bị hành trang cho chuyến hành hương đến chùa Gò Kén, mời bạn tham khảo chi tiết tại đây.
2.2. Chùa Tây Pháp
Chùa Tây Pháp không chỉ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Tây Ninh mà còn là một điểm check-in đầy mộng mơ của giới trẻ. Nằm cách Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain khoảng hơn 50km, chùa Tây Pháp được du khách ưu ái gọi với cái tên chùa Hàn Quốc bởi khuôn viên chùa tựa như một Hàn Quốc thu nhỏ.
Không quá lời khi nói rằng chùa Tây Pháp sở hữu khuôn viên Thủy Hoa Viên (khu du lịch tích hợp được xây dựng bên trong chùa) đẹp nhất nhì tỉnh Tây Ninh. Bước vào chùa, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một vườn hoa anh đào nở rộ nên thơ. Tiếp nối hành trình là một vườn hoa đa dạng sắc màu và phong phú về chủng loại, từ hoa hướng dương, hoa sen, hoa súng đến hoa ngũ sắc… Du khách cũng sẽ có cơ hội dạo qua những con đường rợp bóng cây hay vườn rau quả sum suê, xanh mát…
Chính Điện của chùa Tây Pháp được lợp mái ngói, có cửa vào hình tròn khá độc đáo, chính giữa thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên là Đức Phổ Hiển và Văn Thù Bồ Tát. Khuôn viên bên ngoài Chính Điện được bố trí tòa tháp thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và tiểu cảnh ao sen nhỏ ở hai bên.
Ghi thẻ gỗ điều ước là hoạt động mà bất cứ ai từng ghé đến chùa Tây Pháp đều nên thử ít nhất một lần trong đời. Tương truyền rằng nếu bạn ghi ước nguyện của mình lên những chiếc thẻ gỗ vào treo lên giá thì chúng sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. Ngoài trải nghiệm trên, chùa Tây Pháp còn tổ chức nhiều hoạt động tâm linh như các khóa tu, pháp thoại, thả đèn hoa đăng,…
2.3. Chùa Giác Ngạn
Chùa Giác Ngạn nằm cách Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain khoảng 25km và cách TP. Tây Ninh chỉ khoảng 5km. Đây là một trong số ít chùa ở Tây Ninh còn giữ được nét kiến trúc dân gian độc đáo, đậm đà văn hóa Phật giáo truyền thống.
Chùa Giác Ngạn có diện tích khoảng 400m2, được phái Phật giáo Lục Hòa Tăng xây dựng trên khu đất rộng 1ha từ cách đây hơn 100 năm. Chùa được thiết kế khá hài hoà với 3 gian cao 8 mét, hai gian hai bên đều có cầu thang đi lên. Phía bên phải chùa là nơi yên nghỉ của các Phật tử quá cố. Ở sân chùa là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lúc nhập diệt và tượng đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Chính giữa điện chùa thời Phật Thích Ca Mâu Ni cùng các vị Bồ Tát, thánh tăng khác.
Hàng năm, vào những ngày lễ lớn như đầu xuân năm mới, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy… Chùa Giác Ngạn đón một lượng lớn du khách đến chiêm bái. Không khí trong chùa cũng náo nức và vui tươi hơn với nhiều hoạt động tâm linh đặc sắc.
2.4. Chùa Phước Lâm
Chùa Phước Lâm tọa lạc trên đường Phan Chu Trinh, nằm cách Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain khoảng 25km, cách trung tâm TP.Tây Ninh khoảng 3.8km. Ngôi chùa này được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX bởi Thiên sư Phước Trí – trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Phước Lâm hiện tại đã có diện mạo khang trang, bề thế hơn.
Lối kiến trúc cổ xưa của chùa Phước Lâm là điểm đặc biệt hấp dẫn đối với nhiều du khách. Mái chùa được lợp từ ngói âm dương – biểu tượng một thời của văn hoá phương Đông. Bên trong chùa bày trí những pho tượng điêu khắc mới xen lẫn với một vài bức tượng gỗ còn giữ được từ ngày xưa. Gian đằng sau là nơi tiếp đón du khách thập phương đến chiêm bái và nghỉ chân.
Trong các bức tượng ở chùa Phước Lâm, tượng Bà Linh Sơn Thánh mẫu được coi là pho tượng có mối duyên đặc biệt nhất với chùa. Hầu hết du khách đến đây đều dành thời gian lễ bái trước nhan Ngài. Trong khuôn viên chùa cũng được trồng nhiều cây xanh, vừa toả bóng mát lại tạo nên khung cảnh hữu tình.
2.5. Chùa Phước Lưu
Chùa Phước Lưu nằm cách TP. Hồ Chí Minh chỉ 40km, tọa lạc tại khu phố Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ngôi chùa này ban đầu là am Bà Đồng, được xây dựng từ thế kỷ XIX, sau được xây dựng thành chùa và đổi tên là chùa Phước Lưu.
Chùa Phước Lưu thờ Phật phái đại Thừa Nam Bộ, đánh dấu sự kiện cách đây 2 thế kỷ khi người Việt từ vùng Ngũ Quảng di cư mở cõi xuống phía Nam. Đây là một trong những ngôi chùa sở hữu hệ thống tượng Phật và hiện vật cổ đắt giá bậc nhất Tây Ninh. Có thể kể đến như tượng Di Đà Tam Tôn bằng gốm thếp vàng (gốm sứ đời nhà Thanh), tượng Phật Di Lặc, 15 bức tượng Phật được chế tác từ Trung Quốc…
Du khách đến với chùa Phước Lưu sẽ được đắm mình trong không gian tĩnh lặng, bình yên của một danh lam cổ tự. Ghé qua chùa vào các dịp lễ hội và tham gia các hoạt động tâm linh cũng là một trải nghiệm mà bạn nên cân nhắc.
2.6. Chùa Tòa Thánh (Tòa thánh Tây Ninh)
Tòa Thánh Tây Ninh (hay còn được gọi là Đền Thánh) là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất của đạo Cao Đài không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Công trình này khá đặc biệt khi được xây dựng từ năm 1933 và mất đến 14 năm để hoàn thành, sau đó lại mất thêm 8 năm nữa để được khánh thành. Trong khi đa số những công trình kiến trúc đều cần có bản vẽ xây dựng, Tòa Thánh Tây Ninh lại hoàn toàn không dựa trên bất kỳ bản vẽ nào.
Nằm cách ngôi chùa Gò Kén chỉ 3km, Toà Thánh thu hút mọi ánh nhìn của người qua đường với hai lầu chuông và trống cao chót vót. Phần giữa lầu trống và lầu chuông là tòa tháp có tượng Đức Phật Di Lặc ngự trị trên nóc, còn tầng trệt mang tên Tịnh Tâm Đài. Tòa Thánh được bao quanh bởi 112 cây cột tròn cùng tổng cộng 23 ô cửa sổ với họa tiết hoa sen đỡ hình Thiên nhãn.
Khu vực nội ô Tòa Thánh rộng đến 1km2 với những con đường rộng thênh thang. Đây là nơi quy tụ của hàng trăm công trình kiến trúc đạo Cao Đài khác nhau cùng một số bức tượng được chạm khắc công phu như tượng ông Thiện, tượng Hộ Pháp…
Toà Thánh là nơi diễn ra hai lễ hội quan trọng bậc nhất đối với người dân theo đạo Cao Đài: Lễ Vía Đức Chí Tôn (mùng 9 tháng Giêng âm lịch) và Hội Yến Diêu Trì Cung (Rằm tháng 8 âm lịch). Vào những ngày này, du khách sẽ có dịp được hoà vào không khí nhộn nhịp của mảnh đất Tây Ninh, chiêm ngưỡng những màn trình diễn ca múa nhạc, múa Rồng nhang, rước cộ bông Đức Phật… rất đặc sắc.
3. Một số lưu ý khi chiêm bái các chùa ở Tây Ninh bạn nên biết
Để hành trình khám phá chùa Tây Ninh của bạn diễn ra an toàn và thuận lợi nhất, hãy ghi lại một vài lưu ý sau khi đi chiêm bái:
3.1. Lựa chọn thời điểm chiêm bái chùa Tây Ninh phù hợp nhất
Với các du khách muốn tham gia lễ hội đầu năm đặc trưng tại các ngôi chùa ở Tây Ninh nói chung, tháng Giêng chính là thời điểm hoàn hảo nhất để bạn đi chiêm bái. Ngoài ra, mùa khô ở Tây Ninh (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) có thời tiết khá ôn hòa và nắng đẹp nên du khách cũng có thể cân nhắc đi tham quan chùa Tây Ninh trong khoảng thời gian này.
3.2. Lựa chọn phương tiện phù hợp để di chuyển đến Tây Ninh
Du khách có thể di chuyển đến Tây Ninh bằng nhiều phương thức khác nhau như xe máy, ô tô, xe bus, xe khách, xe limousine. Xe máy và ô tô là hai phương tiện thuận tiện nhất nếu bạn muốn đi tham quan các ngôi chùa. Xe bus là phương thức di chuyển khá kinh tế với chi phí di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Tây Ninh chỉ khoảng 60.000 VNĐ. Tuy nhiên, thời gian di chuyển sẽ lâu hơn các phương tiện khác và du khách sẽ hạn chế về số đồ đạc mang theo.
Với phương thức di chuyển bằng xe khách, chi phí mua vé rơi vào khoảng 100.000 – 200.000 VNĐ và du khách sẽ được trả ở điểm cố định của nhà xe. Giá vé xe limousine cao hơn, dao động từ 200.000 – 250.000 VNĐ cho một lượt đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Tây Ninh nhưng nhà xe sẽ trả ở địa điểm mà du khách yêu cầu.
3.3. Tuân thủ nội quy của chùa khi chiêm bái
Tây Ninh được mệnh danh là “vùng đất thánh” với sự hiện diện đậm nét của các yếu tố Phật giáo và tâm linh. Vì vậy, khi đến chiêm bái các ngôi chùa ở vùng đất linh thiêng này, du khách lưu ý nên mặc trang phục lịch sự, quần áo dài, rộng rãi, thoải mái.
Ngoài ra, du khách cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc của chùa như không vứt rác bừa bãi, không bẻ cành hái hoa, không tự ý sờ vào tượng Phật… Việc này không chỉ thể hiện lòng tôn kính với bậc thần thánh mà còn giữ gìn không khí linh thiêng cho ngôi chùa.
3.4. Cân nhắc sử dụng cáp treo khi chiêm bái chùa ở đỉnh núi Bà Đen
Khi đi chiêm bái chùa ở đỉnh núi Bà Đen, du khách có thể lựa chọn giữa việc đi bộ và sử dụng cáp treo. Hình thức đi bộ sẽ phù hợp với những người có sức khỏe và thể lực tốt, dư dả về thời gian và yêu thích trekking.
Trong khi đó, đối với đối tượng trẻ em hoặc người lớn tuổi, những người có tiền sử về bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp… việc đi bộ có thể khiến du khách cảm thấy mệt mỏi và ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch, tâm linh. Trong trường hợp này, hệ thống cáp treo núi Bà Đen của Sun World sẽ là giải pháp hoàn hảo, vừa giúp du khách tiết kiệm thời gian, đảm bảo sức khoẻ lại có thể thưởng ngoạn cảnh sắc tuyệt vời từ trên cao.
Không chỉ là một điểm đến du lịch, các ngôi chùa Tây Ninh còn là những thánh địa lý tưởng – nơi du khách có thể tìm về chốn bình yên, phục hồi Thân – Tâm – Trí sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi. Nếu có dịp ghé thăm “vùng đất thánh”, bạn đừng quên tham quan những ngôi chùa trên đây và trải nghiệm văn hoá tâm linh đặc sắc tại Tây Ninh nhé!