Chiêm bái chùa Bà Tây Ninh & Cẩm nang lễ chùa bạn nên biết

Chùa Bà Tây Ninh (hay chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Phật, chùa Thượng) là một trong những danh lam cổ tự lâu đời bậc nhất tại miền đất địa linh. Với lối kiến trúc độc đáo và văn hóa thờ cúng truyền thống, chùa Bà mang đến những giá trị vượt thời gian, khắc sâu vào đời sống tinh thần của cư dân bản địa. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin cụ thể, chi tiết về chùa Bà cũng như những kinh nghiệm lễ chùa không nên bỏ qua.

Quang cảnh chùa Bà Tây Ninh
Chùa Bà Tây Ninh – chốn tĩnh tâm thanh tịnh giữa núi rừng
  • Địa chỉ: X. Thạnh Tân, TP. Tây Ninh (lưng chừng núi Bà Đen)

  • Năm xây dựng: 1763

  • Thờ các vị: chư Phật, Bồ Tát, La Hán, Tổ Sư Đạt Ma, Tổ chùa (Linh Sơn Thánh Mẫu thờ riêng tại điện Bà)

  • Thời gian hoạt động: theo giờ hoạt động của tuyến cáp treo Chùa Hang (từ 05h30 đến 18h00 thứ Hai – thứ Sáu và từ 05h30 đến 21h00 thứ Bảy – Chủ Nhật)

  • Diện tích: 6.151,8m2 (tổng thể khuôn viên)

  • Kiến trúc chủ đạo: kết hợp giữa nhiều danh lam cổ tự trên cả nước

  • Giá vé: miễn phí

  • Chi phí khác: vé vào cổng Khu du lịch núi Bà Đen và vé cáp treo (nếu sử dụng cáp treo lên quần thể chùa)

  • Hoạt động phổ biến: tham quan, chiêm bái, lễ chùa, chụp ảnh, nghiên cứu…

  • Chỉ đường: Tại đây

1. 7 câu hỏi thường gặp về chùa Bà Tây Ninh 

Trước khi khám phá kinh nghiệm lễ chùa, hãy cùng Sun World trả lời các câu hỏi liên quan đến địa danh này và hiểu thêm ý nghĩa linh thiêng của ngôi cổ tự trăm tuổi.

1.1. Chùa Bà Đen ở đâu? 

Chùa Bà Tây Ninh tọa lạc trên lưng chừng núi Bà Đen ở độ cao 350m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng Đông Bắc. Mặt khác, khu vực này còn tập trung những ngôi chùa vang danh khác của thiên sơn Bà Đen như chùa Quan Âm, chùa Hang, chùa Hòa Đồng…

Chùa Bà Đen nhìn từ trên cao
Chùa Bà Tây Ninh nằm trên lưng chừng núi Bà Đen
Định vị chùa Bà Đen ở Tây Ninh trên bản đồ
Xác định vị trí của chùa Bà Tây Ninh trên bản đồ địa lý (Nguồn: Google Maps)
Vị trí chùa Bà núi Bà Đen trên bản đồ Khu du lịch núi Bà Đen
Xác định vị trí của chùa Bà Tây Ninh tại số 25 trên bản đồ Khu du lịch núi Bà Đen

1.2. Chùa Bà Đen ở Tây Ninh mấy giờ mở cửa – đóng cửa?

Thông thường, chùa Bà Đen mở cửa, đóng cửa dựa trên lịch hoạt động của tuyến cáp treo Chùa Hang, từ 05h30 đến 18h00 thứ Hai – thứ Sáu và từ 05h30 đến 21h00 thứ Bảy – Chủ Nhật (cập nhật ngày 06/02/2024). Bạn nên sắp xếp thời gian hợp lý để tham quan không gian thờ cúng bên trong. Đặc biệt, vào những dịp lễ lớn như hội xuân núi Bà (nửa đầu tháng Giêng) hay lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (mùng 4, 5, 6 tháng 5 Âm lịch), thời gian mở cửa của quần thể tâm linh chùa Bà có thể tăng lên 22 tiếng mỗi ngày, giúp du khách tận hưởng trọn vẹn mùa lễ hội.

1.3. Giá vé chùa Bà Tây Ninh bao nhiêu? Miễn phí hay tính phí? 

Hiện tại, Ban quản lý chùa Linh Sơn Tiên Thạch không tính phí tham quan nhằm tạo điều kiện cho mọi đối tượng du khách chiêm bái các gian thờ tự và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, khi đi qua cổng vào Khu du lịch núi Bà Đen dưới chân núi, nhân viên sẽ thu vé vào cổng với biểu phí chỉ 10.000 VNĐ với người lớn và 5.000 VNĐ với trẻ em cao từ 1m đến 1m4. Ngoài ra, bạn sẽ cần bỏ thêm chi phí di chuyển nếu lựa chọn đi cáp treo từ chân núi lên khu vực quần thể chùa Bà để tiết kiệm thời gian và công sức leo núi.

(*) Lưu ý: Thông tin giá vé cập nhật vào tháng 02 năm 2024.

Du khách cần chi trả vé vào cổng khi đi đi chùa Bà Tây Ninh
Khi viếng thăm chùa Bà Tây Ninh, du khách chỉ cần chi trả vé vào cổng dưới chân núi

1.4. Lịch sử hệ thống tâm linh tại núi Bà Đen có gì đặc biệt? 

Lịch sử hệ thống tâm linh tại núi Bà Đen trải dài trong suốt 300 năm với nhiều thăng trầm và cột mốc đáng nhớ. Chùa Bà bắt đầu hình thành từ năm 1745 khi phong trào Nam tiến khai hoang trở nên sôi nổi, đưa các thiền sư đến với vùng đất Tây Ninh. Theo quyển “Những ngôi chùa tại Nam Bộ” (1994), nhóm tác giả nhấn mạnh Hòa thượng Đạo Trung – Thiện Hiếu (hay Tổ Bưng Đỉa) là người có công khai sơn hóa đạo, chính thức lập nên Linh Sơn Tiên Thạch Tự vào năm 1763.

Thuở đầu, ngôi chùa mang dáng dấp của một am tranh lợp lá mộc mạc, đơn sơ để đệ tử Phật môn tĩnh tâm tu luyện. Sau khi trải qua 5 lần trùng tu cùng 11 đời sư trụ trì, chùa Bà Tây Ninh mới đạt đến diện mạo khang trang, cổ kính như ngày nay. Trên hết, chùa từng hứng chịu mưa bom bão đạn từ hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ khốc liệt, hào hùng. Lần trùng tu lớn nhất hoàn thành vào năm 1997 đã đưa Linh Sơn Tiên Thạch Tự trở thành một trong những ngôi chùa đẹp nhất của tỉnh Tây Ninh.

Hiện tại, chùa Bà vẫn lưu giữ nhiều hiện vật từ thời xa xưa – chứng tích của quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Trong đó, hai cột đá xanh cao 4,5m, đường kính 0,45m tạc tạo hình rồng uốn lượn đẹp mắt tại sảnh tiền đường đã có niên đại từ thời Tổ Tâm Hòa (1919). Các nghiên cứu học thuật cũng chỉ ra đây là ngôi chùa Phật giáo Bắc tông đầu tiên tại đất “Thánh”, gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của cư dân trong vùng.

Hai cột đá xanh tại chùa Bà Đen ở Tây Ninh
Chiêm ngưỡng hai cột đá xanh tồn tại từ thời Tổ Tâm Hòa

1.5. Chùa Bà Tây Ninh thờ ai? 

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch là nơi thờ cúng nhiều vị chư Phật, Bồ Tát đáng kính của hệ Phật giáo đại thừa cùng với những vị Tổ sư có công hoằng khai cổ tự. Theo đó, chùa chia thành gian thờ Phật từ sân chùa vào đến chánh điện và gian thờ Tổ cũng thuộc chánh điện nhưng nằm phía sau bàn thờ Phật.

Đến với hệ thống gian thờ tại chùa Bà Tây Ninh, nhiều du khách cảm thấy ngạc nhiên với phong cách bố trí “tiền Phật hậu Tổ” độc đáo. Vừa bước vào khuôn viên sân chùa, bạn đã được diện kiến tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao lớn, tiền đường thờ Tiêu Diện nguy nga và tầng trên thiết kế mở thờ các vị Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù.

Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được đặt tại sân trước chùa Bà núi Bà Đen
Sân trước chùa Bà Tây Ninh đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm

Trung tâm chánh điện Linh Sơn Tiên Thạch Tự tôn trí tượng đức Trung Tôn thiền định cùng chư Phật, Bồ Tát như Phật Thích Ca, Di Đà Tam Tôn, Ngọc Hoàng, Bồ Tát Địa Tạng… Nhìn về hai bên trái phải, bạn có thể thắp hương cúng bái trước bàn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí. Bên cạnh đó, chánh điện cũng là nơi đặt ngọc Xá Lợi Phật trân quý – bảo vật của vua Sãi Thái Lan được sư thầy Thích Hiển Pháp cúng dường cho chùa vào năm 2000.

Bàn thờ đức Trung Tôn và chư Phật, Bồ Tát tại trung tâm chánh điện
Bàn thờ đức Trung Tôn và chư Phật, Bồ Tát tại trung tâm chánh điện

Sát vách chánh điện lần lượt bố trí tượng Thập Điện Minh Vương, Thập Bát La Hán, Quan Thánh, Mục Kiền Liên với kích thước đa dạng. Trong khi phía trước bàn thờ Phật là tượng Tứ Thiên Vương và Hộ Pháp Vi Đà canh giữ thiền môn thì phía sau lại là nơi thờ cúng Tổ Sư Đạt Ma và các vị Tổ chùa Bà. Từ đó, khách hành hương có thể tỏ lòng thành kính với các vị trụ trì quá vãng đã cống hiến hết mình cho sự hưng thịnh của chùa Bà Tây Ninh.

Không gian thờ tượng tại chùa Bà Đen linh thiêng
Gian thờ tượng Tổ Sư Đạt Ma, Tổ Thanh Thọ, Tổ Trừng Tùng và Tổ Tâm Hòa

1.6. Kiến trúc chủ đạo của chùa Bà Tây Ninh có gì đặc biệt? 

Chùa Bà Đen ở Tây Ninh có lối kiến trúc độc đáo, phối hợp hài hòa nét đẹp của nhiều danh lam cổ tự vang danh cả nước. Tổng thể chùa được sơn vàng nổi bật nhưng vẫn đồng điệu với những công trình xung quanh như điện Bà, nhà Tổ, Đại hồng chung… Phần mái nhà được lợp ngói đỏ bắt mắt và xây dựng theo kiểu mái đao cong vút, thường bắt gặp tại đình làng, đền thờ, phủ quan hay nhà gỗ cổ truyền. Ở đỉnh mái, người thợ tài hoa thêm thắt hình ảnh vân mây, rồng bay hay biểu tượng chữ Vạn đại diện cho Phật giáo Bắc Tông.

Hoạ tiết đặc sắc trên mái đao Linh Sơn Tiên Thạch Tự
Cận cảnh họa tiết đặc sắc trên mái đao Linh Sơn Tiên Thạch Tự (Nguồn: Internet)

Không gian chánh điện chùa Bà Tây Ninh được phân chia thành ba khu vực chính: tiền đường, điện thờ Phật và điện thờ Tổ. Nhờ hệ thống cửa ra vào được bố trí hợp lý nên ngôi cổ tự đem lại cảm giác thông thoáng và rộng rãi. Mỗi khung cửa, vách tường, cột kèo, trần nhà đều được đắp nổi hoặc chạm khắc họa tiết, hoa văn tỉ mỉ, công phu. Đặc biệt, các gian thờ sơn son thếp vàng gây ấn tượng mạnh về thị giác, khiến du khách bất chợt lạc vào chốn thiền tu an tĩnh và cổ xưa.

Chánh điện chùa Bà ở Tây Ninh hoành tráng với diện tích hơn 200m2
Chánh điện rộng hơn 200m2 với nhiều cột kèo, gian thờ trang hoàng mãn nhãn

1.7. Đi chùa Bà Tây Ninh cầu gì? 

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều du khách tìm cách sắp xếp thời gian viếng bái chùa Bà Tây Ninh mỗi năm dù bận rộn, tất bật với công việc, cuộc sống. Sự linh thiêng, ứng nghiệm chùa Bà núi Bà Đen được truyền miệng rộng rãi trong dân gian. Có người được thần thánh ban cho tài lộc, công danh, có người lại được phù hộ sức khỏe dồi dào, tinh thần phấn chấn.

Vì vậy, bạn có thể đến chùa Linh Sơn Tiên Thạch để cầu bình an, may mắn, thiện duyên, phúc lộc, tiền tài cho bản thân và những người thân yêu. Bên cạnh đó, nhiều Phật tử sùng đạo đến chiêm bái chùa Bà để khấn nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an cũng như sám hối tội căn, cầu cho tâm hồn luôn hướng thiện.

Khách hành hương cầu nguyện tại chánh điện chùa Bà
Khách hành hương cầu nguyện tại chánh điện chùa Bà

2. Cẩm nang hướng dẫn đi lễ chùa Bà Đen cho tín đồ

Lễ chùa là hoạt động không còn xa lạ với các tín đồ hành hương núi Bà Đen. Tuy nhiên, lễ chùa vào thời điểm nào, cần chuẩn bị lễ phẩm gì hay cần kiêng kỵ điều gì vẫn khiến một số người băn khoăn, trăn trở. Theo dõi cẩm nang hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn có chuyến hành hương như ý đến chùa Bà Tây Ninh.

2.1. Tổng hợp danh sách các lễ trong 1 năm tại chùa Bà Tây Ninh 

Bạn có thể cân nhắc viếng thăm chùa Bà Tây Ninh vào những dịp lễ hội trong năm để tận hưởng trường năng lượng tích cực và tham gia các hoạt động tâm linh, văn hóa, nghệ thuật đặc trưng.

Lễ hội 

Thời gian diễn ra 

Ý nghĩa lễ hội

Lễ vía Đức Phật Di Lặc

01/01 Âm lịch

Thực hành tâm thế hoan hỷ, cầu mong năm mới sung túc

Hội xuân núi Bà Đen

04 – 16/01 Âm lịch

Ca ngợi Linh Sơn Thánh Mẫu và trẩy hội đầu xuân

Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh

19/02 Âm lịch

Kỷ niệm ngày sinh và ca ngợi công đức Bồ Tát

Lễ Phật đản

16 – 17/04 Âm lịch

Kỷ niệm sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

04 – 06/05 Âm lịch

Dịp lễ chính bày tỏ lòng thành kính với Linh Sơn Thánh Mẫu

Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo

19/06 Âm lịch

Kỷ niệm bước phát triển vượt bậc trong con đường tu hành của Bồ Tát

Lễ Vu Lan báo hiếu

11 – 15/07 Âm lịch

Tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục

Lễ hội rằm Trung thu

14 – 16/08 Âm lịch

Thể hiện lòng biết ơn với tự nhiên, sum họp bên gia đình

Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia

19/09 Âm lịch

Kỷ niệm ngày Bồ Tát xuất gia để cầu tìm chân lý

Trong các sự kiện nổi bật trên, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được xem là ngày lễ quan trọng nhất đối với người dân Tây Ninh. Giá trị sâu sắc của lễ vía được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019. Xuyên suốt ba ngày mùng 4, 5, 6 tháng 5 Âm lịch, nhiều hoạt động thờ cúng diễn ra liên tục tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch và điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu.

Chùa Bà Tây Ninh trong ngày lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu 
Chùa Bà Tây Ninh trong ngày lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu

Tham gia lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, du khách có cơ hội chiêm ngắm chùa Bà Tây Ninh trong khung cảnh cờ hoa lung linh đầy màu sắc. Bạn có thể chứng kiến những nghi thức thờ cúng truyền thống như lễ Tắm Bà, lễ Hưng Tác, lễ khoa Trình Thập Cúng, lễ Bái sám hồng danh… và dâng lên thánh thần những thức quà cao quý. Ngoài ra, chương trình pháp thoại và các tiết mục văn nghệ dân gian cũng để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách.

Nghi thức thờ cúng được cử hành tại chánh điện chùa Bà
Một trong các nghi thức thờ cúng được cử hành tại chánh điện chùa Bà

Tham khảo các thông tin chi tiết về lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu tại đây.

2.2. Sắm lễ đi chùa Bà Tây Ninh 

Với tâm thế của một tín đồ hành hương du hành đến địa danh tâm linh nổi tiếng, việc chuẩn bị lễ phẩm cúng dường chu đáo sẽ giúp bạn gửi gắm ước nguyện đến chư vị thánh thần cũng như đền đáp ân đức phù hộ, độ trì. Bạn có thể chuẩn bị lễ phẩm trước tại nhà hoặc mua tại các đại lý, cửa hàng trên đường đến núi Bà Đen.

Đồ cúng tươi – dạng thực phẩm 

Loại đồ cúng 

Thực phẩm cụ thể 

Số lượng 

Quả

Mãng cầu, dừa, cam, quýt, bưởi, lựu, táo, đu đủ, xoài, chuối, thanh long, sung, nho, chuối, phật thủ…

(Không nên cúng trái cây giả, quá chín, các loại mọc sát đất hoặc có vị nồng)

1 dĩa/giỏ/mâm có khoảng 5 loại quả (gợi ý: cầu, dừa, đủ, xoài, sung)

Bánh kẹo

Bánh tổ, bánh bao, bánh chưng, bánh pía, bánh đậu xanh, kẹo dừa, kẹo vừng…

(Không chọn bánh có thành phần trứng, hoặc nhân mặn)

1 hộp/túi

Gạo/Muối

Chọn gạo ngon như hương Lài, Nàng Xuân, Tám Xoan… và chọn muối sạch, không lẫn tạp chất

1 túi

Trầu cau

Chọn cau tươi, lá trầu xanh, không bị dập, có thể têm trầu cánh phượng để tạo hình đẹp mắt

1 dĩa/giỏ/mâm

Trà

Trà sen, trà nhài, trà xanh, trà đen, trà hoa cúc, trà thảo mộc…

1 hộp/túi

Món ăn chay

Xôi, chè, cháo trắng…

1 phần

Đồ cúng dạng vật phẩm 

Loại đồ cúng 

Vật phẩm cụ thể 

Số lượng 

Nhang/Hương

Nhang quế, nhang thẻ, nhang trầm hương…

1 bó

Nến/Đèn cầy

Nến cây, nến đũa, nến ly cốc, nến bơ…

1 hộp/túi

Hoa

Hoa cúc vàng, hoa sen, hoa lay ơn, hoa đồng tiền, hoa mai, hoa mẫu đơn…

(Không nên chọn các loại hoa có tên hoặc hình dáng không đẹp)

1 bó/bình

Các lễ phẩm cúng dường phong phú và đa dạng
Du khách có thể lựa chọn các lễ phẩm cúng dường phong phú, đa dạng (Nguồn: Internet)

2.3. Những lưu ý cần biết khi lễ chùa Bà Đen

Khi đi lễ chùa Bà Tây Ninh, bạn nên quan tâm đến một số lưu ý sau để tránh phạm phải các điều kiêng kỵ làm ảnh hưởng đến tâm trạng hành hương.

2.3.1. Thái độ kính cẩn – nội dung khấn vái phù hợp

Dù lễ phẩm cầu kỳ, xa hoa đến đâu nhưng thái độ kính cẩn và nội dung khấn vái phù hợp mới là yếu tố chạm đến tâm thức của đấng thiêng liêng. Cụ thể:

  • Về thái độ: Bạn cần chân thành, tín tâm với chư vị thánh thần và nêu rõ ước muốn cầu an, cầu tự, cầu tài, cầu công danh… Ngoài ra, bạn không nên nói chuyện lớn tiếng, gây ồn ào, mất trật tự tại chốn thiền tu.

  • Về nội dung: Trước khi khấn vái, bạn phải nên tìm hiểu gian thờ đang tôn trí tượng của các vị nào để gọi đúng tên của những vị ấy. Nội dung văn khấn chùa Bà Tây Ninh cũng phụ thuộc vào mục đích cầu nguyện của bạn. Tham khảo thêm thông tin chi tiết tại đây.

Du khách thành tâm khấn vái trong khuôn viên sân chùa
Du khách thành tâm khấn vái trong khuôn viên sân chùa

2.3.2. Không thổi tắt hương khi lễ chùa 

Theo chia sẻ của các sư thầy cao niên, trong các bộ phận của cơ thể con người, miệng là nơi phát ra những hơi thở, âm thanh bất tịnh. Tự tiện thổi tắt hương bằng miệng khiến cho giá trị tâm linh của nén hương bị hao mòn, đồng thời biểu hiện hành động bất kính trước tượng Phật hay tượng Tổ Sư. Vì thế, bạn chỉ nên dùng tay phẩy nhẹ nhàng khi muốn dập tắt lửa hương.

3. 4 điều nên làm khi đến chùa Bà (cho tín đồ đi lễ & du khách chiêm bái)

Khi ghé thăm chùa Linh Sơn Tiên Thạch để dâng lễ hoặc chiêm bái, bạn không nên bỏ qua một số hoạt động sau đây nhằm lưu giữ những kỷ niệm quý giá với danh lam cổ tự.

3.1. Chiêm bái các vị chư Phật tại chùa Bà

Linh Sơn Tiên Thạch Tự chia thành nhiều gian thờ cúng đa dạng, phong phú với những bức tượng Phật uy nghi từ sân chùa, tiền đường đến chánh điện. Những bức tượng cổ kính không chỉ khiến quang cảnh chùa Bà thêm yên bình, tự tại mà còn tạo cơ hội cho du khách học hỏi về tôn giáo, tín ngưỡng đạo Phật. Từ đó, bạn có thể tìm thấy sự an yên, thanh thản sâu trong tâm hồn và giải tỏa hết những căng thẳng, ưu phiền của cuộc sống.

Chiêm ngưỡng các gian thờ Phật tại chánh điện chùa Bà Tây Ninh
Ấn tượng với các gian thờ Phật tại chánh điện chùa Bà Tây Ninh

3.2. Xin lộc Bà Linh Sơn Thánh Mẫu 

Tại điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu kề cạnh chùa Bà, bạn có thể xin sư cô túc trực tại điện một bao giấy chứa lộc Bà (đựng gạo, muối hoặc tiền lẻ). Đặc biệt, sau khi hoàn tất nghi thức cúng Bà, các sư cô thường chia lại trái cây, hoa tươi, nhang đèn cho khách hành hương để mang về lấy vía, lấy lộc. Nhiều người tin rằng những món quà này có thể giúp người nhận được khỏe mạnh, may mắn, thành công trong công việc.

Lưu ý, bạn chỉ nhận lộc khi được các sư cô trao tặng, không tự tiện chạm tay vào lễ phẩm vẫn đang được thờ cúng hoặc tự ý lấy bao giấy chứa lộc – hành vi bất kính với Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen.

Hoa quả dâng lên điện Bà thường được chia lại cho khách hành hương để lấy vía lấy lộc
Hoa quả dâng lên điện Bà thường được chia lại cho khách hành hương để lấy vía, lấy lộc

3.3. Lắng nghe huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu 

Khi thăm viếng ngôi cổ tự lâu đời bậc nhất tại “Đệ Nhất Thiên Sơn”, bạn nên nhờ quý tăng ni chùa Bà hoặc cư dân bản địa thuật lại huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu để biết thêm nhiều dị bản và hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Bà. Hơn hết, bạn có thể tìm thấy những mẩu chuyện kỳ ảo về sự linh nghiệm của mẫu thần qua chia sẻ của người dân.

Tích cổ Linh Sơn Thánh Mẫu tạo nên vẻ đẹp huyền bí của núi Bà Đen
Tích cổ Linh Sơn Thánh Mẫu tạo nên vẻ đẹp huyền bí của núi Bà Đen

3.4. Ngủ lại qua đêm tại chùa Bà Tây Ninh 

Theo thông lệ, nhân dịp lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu hằng năm, chùa Bà sẽ mở cửa gần như xuyên suốt chào đón các đoàn khách tham quan. Để tận hưởng những làn gió đêm se lạnh, thể hiện lòng thành tâm và trải nghiệm trọn vẹn ba ngày lễ vía, bạn có thể ngủ lại tại khuôn viên chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Tuy nhiên, bạn cần trang bị sẵn chiếu, nệm, đồ vệ sinh cá nhân, thuốc chống công trùng, thức ăn, nước uống…

4. Hướng dẫn di chuyển đến chùa Bà Đen Tây Ninh 

Nhằm giúp bạn thuận tiện di chuyển đến chùa Bà Tây Ninh và có chuyến hành hương trọn vẹn, Sun World gợi ý đến bạn lộ trình và các phương thức di chuyển dưới đây.

4.1. Hướng dẫn di chuyển từ trục đường chính đến chân núi Bà

Từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện theo trục đường chính đến chân núi Bà Đen. Cụ thể:

  • Xe máy: Lộ trình QL22 > QL22B > Bời Lời > TL784 > chân núi, phù hợp với những các nhóm du khách nhỏ, yêu thích “phượt” và khám phá các cung đường đẹp.

  • Xe ô tô: Cùng lộ trình với xe máy, phù hợp với đoàn khách đông hoặc đi cùng trẻ em, người cao tuổi.

  • Xe khách: Đặt vé tại các nhà xe uy tín như Đồng Phước, Lê Khánh, Lê Hải, Saco Travel với giá khoảng 100.000 – 200.000 VNĐ/lượt, phù hợp với những ai không thông thuộc đường đi.

  • Xe buýt: Bắt tuyến 603 Bến xe Củ Chi – Bến xe Tây Ninh rồi tiếp tục bắt tuyến số 1 đến chân núi, phù hợp với những ai muốn tiết kiệm chi phí (khoảng 30.000 – 40.000 VNĐ/lượt).

Quãng đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến chân núi Bà Đen
Tuyến đường ô tô từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến chân núi Bà Đen (Nguồn: Google Maps)

Trong các phương thức trên, bạn nên cân nhắc lựa chọn xe ô tô để chủ động mang theo lễ vật cúng bái hoặc đi xe máy vào những ngày lễ hội giúp di chuyển nhanh hơn qua các con đường tấp nập xe cộ.

4.2. Hướng dẫn di chuyển từ chân núi Bà Đen đến chùa Bà 

Để đến được chùa Linh Sơn Tiên Thạch ở lưng chừng núi Bà Đen, du khách có thể leo bộ hoặc đi cáp treo từ khu vực chân núi. Tuy nhiên, phương thức leo bộ sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức, chỉ thích hợp với những người có thể lực tốt và bền bỉ. Bên cạnh đó, các tuyến đường bộ sẽ trở nên trơn trượt vào các ngày mưa hoặc sương mù dày đặc, gây khó khăn cho việc bưng bê đồ lễ.

Vì vậy, bạn nên lựa chọn tuyến cáp treo chùa Hang đi từ nhà gà Bà Đen đến quần thể chùa Bà. Hệ thống cáp treo tiên tiến và hiện đại bậc nhất của Sun World sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian leo núi chỉ còn khoảng 5 phút. Đặc biệt, từ cabin cáp treo, bạn có thể ngắm nhìn những cánh rừng xanh biếc, hùng vĩ trải dài trên khắp các sườn núi Bà Đen. Tuy nhiên, bạn lưu ý không mang theo quá nhiều đồ lễ cồng kềnh và không ăn trong cabin cáp treo.

Di chuyển từ chân núi Bà Đen đến chùa Bà bằng tuyến cáp treo chùa Hang
Tuyến cáp treo chùa Hang có thể đáp ứng công suất lên đến 4.400 khách/giờ

5. 3 lưu ý & kinh nghiệm đi chùa Bà Tây Ninh

Ngoài những kiêng kỵ trong hoạt động lễ chùa, bạn cũng nên ăn mặc lịch sự, giữ trật tự và tự bảo vệ tư trang khi tham quan Linh Sơn Tiên Thạch Tự.

5.1. Lựa chọn trang phục kín đáo 

Khi viếng bái chùa Bà Tây Ninh, du khách nên lựa chọn trang phục thanh lịch, kín đáo, không ăn mặc phản cảm, ảnh hưởng đến đến sự tôn nghiêm cũng như văn hóa tín ngưỡng – tâm linh. Cụ thể, bạn nên chọn các kiểu áo thun, áo sơ mi, áo dài, áo lam… và tránh các loại quần áo hở hang, phá cách, cắt xẻ táo bạo. Thêm vào đó, bạn có thể chuẩn bị một đôi dép lê hoặc giày đế bằng đơn giản để tiện tháo rời khi tiến vào bên trong chùa Bà.

Du khách nên lựa chọn trang phục lịch sự khi đi chùa Bà Tây Ninh
Du khách dâng hương tại chùa trong trang phục lịch sự

5.2. Giữ trật tự khi xếp hàng chiêm bái

Do tính chất linh thiêng, chùa Bà Tây Ninh đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm. Địa danh này hầu như lúc nào cũng đông vui, nhất là vào các ngày cuối tuần hay các dịp lễ hội. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức giữ gìn trật tự, không chen lấn, xô ngã người khác khi xếp hàng dâng hương, dâng lễ, thể hiện sự tôn trọng với nơi thờ cúng trang nghiêm.

Du khách nên giữ trật tự khi tham quan chùa
Du khách nên giữ trật tự khi tham quan, chiêm bái chùa Linh Sơn Tiên Thạch

5.3. Bảo vệ tư trang khi lễ chùa Bà 

Vấn đề an ninh, phòng ngừa trộm cắp thường được Ban quản lý khu du lịch nhắc nhở qua hệ thống loa phát thanh đến khách tham quan. Để chủ động hơn trong việc này, bạn không nên mang theo các trang sức vòng vàng, đá quý mắc tiền trên người khi đi lễ chùa, tránh khiến kẻ xấu nổi lòng tham. Ngoài ra, bạn nên bảo quản điện thoại, ví tiền, giấy tờ tùy thân… trong các túi đựng chắc chắn và kiểm tra thường xuyên.

“Sống” cùng người dân vùng đất “Thánh” qua ba thế kỷ, chùa Bà Tây Ninh đã “bén rễ” thành nguồn cội của văn hóa thờ cúng bản địa. Những thông tin hữu ích trên đây hy vọng đã giúp bạn hiểu hơn về chùa Bà và các kinh nghiệm lễ chùa cần thiết. Nếu có dịp ghé thăm nơi đây, đừng quên trải nghiệm các công trình, biểu tượng du lịch đặc sắc khác tại Sun World Ba Den Mountain bạn nhé!

:

Other News