Núi Cậu Hồ Dầu Tiếng: vị trí, sự tích & 7 trải nghiệm đáng thử

Với thiên nhiên hoang sơ cùng không gian tĩnh lặng, núi Cậu Tây Ninh (còn được biết đến là núi Cậu Bảy Tây Ninh hay núi ông Cậu Tây Ninh) đã và đang trở thành địa điểm thu hút lượng lớn du khách gần xa đến thư giãn và khuây khỏa. Đặc biệt, nơi đây ẩn chứa những sự tích ly kỳ, bí ẩn được lưu truyền từ ngàn xưa và nhiều trải nghiệm du lịch độc đáo đang chờ bạn khám phá.

Núi Cậu Tây Ninh nhìn từ xa
Núi Cậu Tây Ninh – danh sơn kỳ vĩ gắn liền với các điển tích tâm linh (Nguồn: Internet)

1. Núi Cậu có gần Tây Ninh không? Địa chỉ núi Cậu Tây Ninh chính xác

Quần thể núi Cậu thuộc địa phận ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, sát bên bờ hồ Dầu Tiếng. Trước khi phân chia lại địa giới hành chính, cụm núi này vốn dĩ nằm ở tỉnh Tây Ninh nên vẫn được dân bản địa quen gọi bằng cái tên thân thương – núi Cậu Tây Ninh.

Hiện nay, núi Cậu cách ranh giới đất liền Tây Ninh – Bình Dương khoảng 10km về hướng Đông Bắc. Do đó, đây là địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ tại tỉnh nhà mà còn với nhiều du khách trên hành trình ghé thăm vùng đất “Thánh”.

Địa chỉ cụ thể của núi Cậu trên bản đồ vệ tinh
Vị trí thực tế của núi Cậu trên bản đồ vệ tinh (Nguồn: Google Maps)

2. 3 sự tích & câu chuyện truyền miệng kỳ bí tại núi Cậu

Không biết tự bao giờ, người dân địa phương đã lưu truyền sự tích núi Cậu Tây Ninh và những câu chuyện huyền bí về các nhân vật lịch sử, các vị thần tiên cư ngụ tại cụm núi thiêng. Từ đó, nhiều công trình tâm linh đã được xây dựng, trùng tu để thờ phụng và trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các tín đồ hành hương.

2.1. Chàng Lê Sĩ Triệt (Cậu Bảy)

Từ lúc khai hoang, người dân đã phát hiện trên đỉnh núi Ông (thuộc cụm núi Cậu) có một hang đá thờ miếu Cậu Bảy. Suốt hàng trăm năm nay, vẫn chưa có bất kỳ tài liệu chính thống nào nghiên cứu cặn kẽ về di tích văn hóa tâm linh này. Trong quyển “Tây Ninh xưa và nay” (1972), tác giả Huỳnh Minh cũng chỉ đề cập đến cụm núi một cách sơ lược, khái quát. Thế nên, sự tích Cậu Bảy chỉ được nhắc đến qua lời kể của các bậc kỳ lão cao niên – những người cho rằng Cậu Bảy và Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen có liên hệ mật thiết với nhau.

Hình ảnh núi Cậu bên trái và núi Bà Đen bên phải
Núi Cậu (bên trái) có liên hệ mật thiết với núi Bà Đen (bên phải) (Nguồn: Internet)

Tương truyền vào khoảng thế kỷ XVIII, nhà sư Trí Tân – một võ quan nhà Nguyễn ẩn tu đã cưu mang và nuôi dưỡng một bé trai mồ côi tại chùa trên lưng chừng núi Một (tên gọi trước đây của núi Bà Đen) và đặt tên là Lê Sĩ Triệt. Thời gian thấm thoát thoi đưa, cậu bé lớn lên trong tiếng tụng kinh gõ mõ của sư thầy đã trở thành chàng thanh niên tướng mạo khôi ngô, văn võ song toàn.

Trong một lần hành hiệp trượng nghĩa, chàng Lê Sĩ Triệt đã cứu được nàng Lý Thị Thiên Hương xinh đẹp, đoan trang khỏi tay cường hào ác bá. Được sự cho phép của sư Trí Tân và cha mẹ nàng, hai người nên duyên vợ chồng và ước hẹn trăm năm. Hạnh phúc không bao lâu, chàng Lê Sĩ Triệt buộc phải chia tay nàng Thiên Hương để lên đường tòng quân đánh Tây Sơn theo lời chiêu mộ của Nguyễn Ánh.

Trong thời gian đợi chàng về, nàng Thiên Hương không may bị kẻ ác vây khốn khi lên núi lễ Phật và buộc phải gieo mình xuống vách đá để giữ đạo trung trinh. Từ đó, nàng nhiều lần hiển linh báo mộng, cứu giúp người đời. Khi bị quân Tây Sơn truy lùng ráo riết về phương Nam, Lê Sĩ Triệt đưa Nguyễn Ánh lẩn trốn vào vùng núi Một. Tại đây, vua đã được nàng chỉ dẫn tìm quả dại và cứu giúp binh sĩ khỏi cơn đói khát. Để đền ơn, vua trực tiếp chỉ phong nàng Lý Thị Thiên Hương chức Linh Sơn Thánh Mẫu cao quý. Chi tiết sự tích ly kỳ về người con gái báo mộng, hiển linh, mời bạn tham khảo tại đây.

Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ cúng trang trọng tại núi Bà Đen
Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ cúng trang trọng tại núi Bà Đen đến tận ngày nay

Trước khi tiếp tục xuôi Nam bôn tẩu, Nguyễn Ánh đã giao cho chàng Lê Sĩ Triệt nhiệm vụ nhang khói cho nàng Thiên Hương và chiêu binh mãi mã. Tuy nhiên, để tránh sự truy đuổi gắt gao của quân địch, chàng đành lánh sang núi Yên Ngựa (tức núi Cậu sau này) và mai danh ẩn tích, tự xưng là Cậu Bảy. Dù vậy, Cậu vẫn tiếp tục tu luyện phép thuật trên đỉnh núi cao nhất và âm thầm rèn luyện đao kiếm, chờ ngày phục quốc.

Đến nay, hình tượng Cậu Bảy Tây Ninh đã khắc sâu trong tâm thức của giới huyền thuật như một vị Bồ Tát người Việt. Nếu người có uy lực cao nhất trong các vị thần tướng của văn hóa Trung Hoa là Quan Công thì giới pháp sư Đông Nam Á như Trà Kha, Lỗ Ban, “bùa lèo”, “bùa Xiêm”… lại tôn sùng Cậu Bảy.

Gian thờ Cậu Bảy tại núi Cậu Tây Ninh
Gian thờ Cậu Bảy tại núi Cậu Tây Ninh (Nguồn: Internet)

2.2. Dấu chân in trên đá 

Dấu chân khổng lồ (còn gọi là “dấu chân tiên”) in sâu vào các tảng đá rắn chắc nằm rải rác khắp cụm núi Cậu. Điều đặc biệt là những dấu chân kỳ lạ này cũng xuất hiện tại núi Bà Đen Tây Ninh. Theo ghi nhận, người ta đã phát hiện tổng cộng 7 dấu chân trên đá tại cụm núi Cậu, trong đó 2 dấu nằm gần suối Trúc, 2 dấu nằm gần miếu Cậu và 3 dấu nằm tản mạn quanh sườn núi Ông.

Các dấu chân này hầu như có tỷ lệ cân đối, in đầy đủ năm ngón chân hằn sâu trên mặt phiến đá, tưởng chừng như chính con người khổng lồ đi qua và để lại. Theo ước lượng, dấu chân tiên lớn nhất dài 50cm, rộng 20cm và sâu 3cm. Có nhiều truyền thuyết dân gian xoay quanh sự xuất hiện của dấu chân trên núi Cậu và núi Bà Đen, trong đó nổi bật nhất là chuyện ông Khổng Lồ tìm vợ và chuyện đấu phép giữa Cậu Bảy với Linh Sơn Thánh Mẫu.

Dấu chân khổng lồ nằm rải rác khắp cụm núi Cậu
Dấu chân khổng lồ để lại nhiều bí ẩn cho hậu thế (Nguồn: Internet)

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng thuở xưa có một vị thần to lớn cư ngụ trên hang động tại núi Bà Đen, gọi là ông Khổng Lồ. Một ngày nọ, người vợ trẻ của ông Khổng Lồ không nghe lời và tự ý rời khỏi nơi ở. Do đó, một chân ông đứng tại núi Điện Bà, một chân bước qua núi Cậu để tìm vợ khắp nơi. Bởi vì tức giận nên bước chân của ông giẫm mạnh lên đá và để lại dấu tích cho đến ngày nay.

Truyền thuyết thứ hai lại cho biết khi Cậu Bảy tu luyện thành tiên thì có khả năng dời non lấp bể và thường xuyên đấu phép cùng Linh Sơn Thánh Mẫu. Trong khi Cậu hóa phép thành voi ba đầu ủi cho núi Bà ngày càng cao lên, Bà lại cho hàng ngàn con gà sang quấy phá núi Cậu. Vì thế, rải rác khắp hai địa danh là dấu chân của Cậu và Bà cùng những vết hằn ngang dọc như gà bới khắp các tảng đá quanh cụm núi Cậu.

Ngày nay, những dấu chân tiên trở thành điểm tham quan kết hợp check in thú vị của nhiều du khách khi ghé thăm, viếng bái núi Cậu ở Tây Ninh.

Vết hằn ngang dọc rõ nét trên các tảng đá núi Cậu
Vết hằn ngang dọc rõ nét trên các tảng đá núi Cậu (Nguồn: Internet)

2.3. Đạo binh vô hình 

Nhiều bô lão Tây Ninh vẫn nhắc nhở con cháu về huyền thoại đạo binh vô hình trên vùng núi Cậu vào đầu thế kỷ XX. Đội quân này thường xuất hiện vào ban đêm, mỗi tháng hai ba lần và liên tục trong vòng 15 năm. Binh lính đội mũ gỗ chỉnh tề được chỉ đạo bởi một tướng lĩnh oai phong lẫm liệt, lưng vắt gươm trần. Bước đi nhịp nhàng và tiếng reo hò nhiệt huyết của đạo binh rền vang khắp núi rừng, đèn đuốc rực rỡ thắp sáng cả một vùng trời nơi đây.

Những người may mắn chứng kiến tin rằng đây là những vong binh tử trận của cố tri phủ Huỳnh Công Giản trong trận chiến kháng Miên trên cánh đồng Trà Vong. Cũng vì vậy, dân bản địa tôn sùng oai linh của các vị anh hùng đã gìn giữ bờ cõi giang sơn và lập nên đền thờ Quan Lớn Trà Vong bên hữu ngạn suối Vàng gần đó. Từ sau năm 1945, cư dân nơi đây di tản dần và không còn ghi chép nào về sự xuất hiện trở lại của đạo binh vô hình.

Đền thờ Quan Lớn Trà Vong bên hữu ngạn suối Vàng
Đạo binh vô hình được cho là vong hồn của quân lính Quan Lớn Trà Vong (Nguồn: Internet)

3. Hướng dẫn cách di chuyển đến núi Cậu 

Để giúp hành trình khám phá Tây Ninh kết hợp núi Cậu của du khách được thuận lợi nhất, Sun World gợi ý đến bạn các tuyến lộ trình sau đây.

3.1. Di chuyển từ thành phố Tây Ninh tới chân núi Cậu

Xuất phát từ trung tâm thành phố Tây Ninh, bạn di chuyển theo hướng Đông Bắc đường Bời Lời, sau đó rẽ phải vào lộ Khe Đón. Tiếp theo, bạn rẽ trái để vào đường Nguyễn Chí Thanh hướng về ngã ba Bờ Hồ. Tại ngã ba, bạn tiếp tục rẽ phải vào đường tỉnh 781 và rẽ trái vào đường tỉnh 789 tại Cầu K33. Sau khi băng qua Cầu Mới, bạn tiến vào đường huyện 703, rẽ trái qua đường Trần Văn Lắc, tiếp tục rẽ trái vào đường huyện 702 và tiến đến chân núi Cậu. Tổng quãng đường kéo dài gần 40km mất hơn 50 phút di chuyển.

Đường đi từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến chân núi Cậu nhìn trên bản đồ
Tuyến đường từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến chân núi Cậu (Nguồn: Google Maps)

Bạn có thể đi xe máy hoặc xe ô tô đến chân núi Cậu, mỗi phương thức phù hợp với những du khách khác nhau. Cụ thể:

  • Xe máy: Phương tiện này có tính cơ động và linh hoạt, phù hợp với nhóm bạn trẻ đam mê “phượt” và tìm hiểu về những cung đường đẹp tại Tây Ninh và Bình Dương.

  • Xe ô tô: Nếu đi cùng nhóm đông người hoặc dẫn theo trẻ em, người lớn tuổi, bạn nên ưu tiên thuê hoặc tự lái xe ô tô để đảm bảo thuận tiện và an toàn. Ngoài ra, phương tiện này cũng giúp bạn chuẩn bị lễ phẩm trang trọng dâng lên các điểm thờ cúng trên núi Cậu như chùa Thái Sơn, miếu Cậu Bảy…

(*) Lưu ý: Chưa có tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến chân núi Cậu.

3.2. Di chuyển từ núi Bà tới chân núi Cậu

Tại cổng chào núi Bà Đen, bạn di chuyển theo đường Bời Lời hướng về lộ Khe Đón. Tại đây, bạn tiếp tục di chuyển theo lộ trình và cách thức như trên. Điểm khác biệt nằm ở quãng đường và thời gian đã rút xuống còn gần 33km và khoảng 45 phút di chuyển.

Đường đi từ úi Bà Đen đến chân núi Cậu nhìn từ bản đồ
Tuyến đường từ núi Bà Đen đến chân núi Cậu (Nguồn: Google Maps)

3.3. Di chuyển từ chân núi Cậu tới đỉnh núi

Đường từ chân núi Cậu đến lưng chừng núi là một cung đường bê tông đẹp, độ dốc không lớn và không phải rẽ hướng nhiều lần nên rất dễ di chuyển. Bạn có thể lựa chọn đi xe máy hoặc xe ô tô từ cổng vào Khu du lịch sinh thái núi Cậu đến chùa Thái Sơn nằm cách 50m so với mực nước biển và mất khoảng 5 phút di chuyển.

Đường trên núi khang trang và sạch đẹp
Đường trên núi được xây dựng khang trang, sạch đẹp (Nguồn: Internet)

Từ chùa Thái Sơn, có hai con đường dẫn đến đỉnh núi Cậu:

  • Đường bậc thang phía sau chùa: Hàng ngàn bậc tam cấp phủ đầy rong rêu nên khá trơn trượt, bạn cần cẩn thận khi di chuyển. Con đường này phù hợp với những ai yêu thích vận động, mong muốn gần gũi hơn với rừng cây núi Cậu và ghé thăm điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu dọc đường. Tùy theo thể lực mỗi người, bạn có thể mất từ 45 phút đến 1 tiếng để lên đến đỉnh núi.

  • Đường vòng qua chùa: Từ cổng chùa, bạn rẽ trái để tiếp tục đi theo đường bê tông và rẽ theo những cung đường có dốc cao hơn tại các ngã ba. Khi lên đến đỉnh, bạn sẽ bắt gặp biển báo nhỏ ven đường dẫn vào di tích miếu Cậu. Bạn có thể cân nhắc thuê xe ôm với giá chỉ khoảng 50.000 VNĐ/lượt để dễ dàng tận hưởng cảnh đẹp và không khí tĩnh mịch. Thông thường, đoạn đường này mất khoảng 15 phút di chuyển.

Các bậc tam cấp phía sau chùa Thái Sơn núi Cậu
Các bậc tam cấp phía sau chùa Thái Sơn núi Cậu (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi người dân địa phương hướng dẫn cách men theo đường rừng đi từ chân núi lên đỉnh núi Cậu. Mặc dù địa hình tại đây khá thoải, ít dốc cao, vực sâu, thích hợp tổ chức những chuyến đi bộ trekking, nhưng rừng cây rậm rạp có thể khiến bạn lạc đường. Vì vậy, bạn chỉ nên cân nhắc phương thức di chuyển này nếu đồng hành cùng những người dày dặn kinh nghiệm.

4. 7 trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi đến núi Cậu 

Núi Cậu là danh thắng địa linh được thiên nhiên ưu ái và con người quý trọng. Tại đây, du khách không nên bỏ qua những trải nghiệm đặc trưng, ghi lại kỷ niệm khó quên bên gia đình và bạn bè.

4.1. Ghé thăm Chùa Thái Sơn tại lưng chừng núi

Chùa Thái Sơn là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất tại núi Cậu nói riêng và Bình Dương nói chung. Chùa được nhà sư Thích Đạt Phẩm (còn gọi là thầy Sáu) xây dựng năm 1988 và trùng tu năm 2003. Hằng năm, nhiều quý tăng ni, Phật tử và khách hành hương thường ghé thăm chùa Thái Sơn để cúng dường, cầu tài lộc, bình an, nhất là vào dịp lễ Phật đản (rằm tháng 5), Vu Lan (rằm tháng 7) hoặc lễ “Mẹ” (rằm tháng 8).

Ảnh chụp cổng Tam Quan chùa Thái Sơn
Cổng Tam Quan chùa Thái Sơn được cặp lân sư trấn giữ (Nguồn: Internet)

Lạc vào khuôn viên chùa Thái Sơn rộng 5 ha, nhiều du khách trải nghiệm và chiêm bái phải trầm trồ, thán phục trước các công trình tôn giáo theo lối kiến trúc phương Đông đặc sắc như Cổng Tam Quan, Chánh điện, Dinh Cậu, Cửu Trùng Đài, tượng Quan Âm Nam Hải, tượng Phật nằm cùng vô vàn tượng Hộ pháp, Tiêu Diện, Quan Công, Thập Bát La Hán… Vì đây là nơi thờ cúng trang nghiêm, bạn cần chú ý ăn mặc lịch sự, tác phong chỉn chu khi viếng thăm chùa.

Chánh điện chùa Thái Sơn với phong cách cổ lầu bắt mắt
Phong cách cổ lầu ấn tượng của Chánh điện chùa Thái Sơn (Nguồn: Internet)
Tượng Quan Âm Nam Hải cao 12m đặt trước Chánh điện
Tượng Quan Âm Nam Hải cao 12m đặt trước Chánh điện (Nguồn: Internet)
Tượng Phật nằm đặt dưới bóng cây thanh tịnh
Tượng Phật nằm đặt dưới bóng cây thanh tịnh (Nguồn: Internet)
Bảo tháp Cửu Trùng Đài 9 tầng, cao 36m
Bảo tháp Cửu Trùng Đài 9 tầng, cao 36m thấp thoáng từ xa (Nguồn: Internet)

4.2. Trekking/Lái xe dọc cung đường lên núi 

Khi đi bộ trekking hoặc lái xe dọc cung đường lên núi, du khách mê trải nghiệm có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ của rừng cây núi Cậu. Đây là hoạt động được các nhóm bạn trẻ ưa chuộng với mong muốn tìm về với thiên nhiên sau những ồn ào, hối hả của đô thị phồn hoa.

Hai bên đường đi lên núi đôi lúc lại hiện ra những trảng rừng cao su mênh mông, xanh biếc hoặc những khóm trúc mọc thành lũy, thành hàng vươn mình thẳng tắp. Chỉ cần dừng chân đôi chút, bạn có thể cảm nhận tiếng gió thổi xào xạc, tiếng chim muông ríu rít và tiếng suối chảy róc rách lay động lòng người.

Cây cối xanh mát dọc đường lên chùa
Sắc xanh của cây cối giúp du khách hòa vào nhịp sống danh sơn (Nguồn: Internet)

Trước khi bắt đầu chuyến hành trình trekking/lái xe để thỏa thú vui “xê dịch”, bạn nên kiểm tra tình hình thời tiết để tránh các ngày mưa bão. Đặc biệt, mưa trút xuống có thể khiến đường lên núi trở nên trơn trượt và cản trở tầm nhìn của du khách khi chiêm ngưỡng rừng cây núi Cậu.

4.3. Khấn nguyện tại gian thờ Cậu Bảy

Như đã đề cập, miếu thờ Cậu Bảy đặt trong hang đá trên đỉnh núi Cậu, được giới huyền thuật cũng như nhân dân địa phương ca tụng và sùng bái. Nếu là một tín đồ hành hương hoặc yêu thích nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian, bạn không nên bỏ qua tọa độ này khi chiêm bái cụm núi Cậu linh thiêng.

Qua những lần quyên góp cải tạo, miếu thờ đã có diện mạo khang trang với hai tầng tách biệt: tầng dưới thờ Thái Thượng Lão Quân, tầng trên thờ Cậu Bảy Tây Ninh mặc áo võ, đứng thủ tấn oai vệ, uy nghiêm. Nhiều khách hành hương không quản ngại đường xa để đến thắp nhang, dâng lễ với các vị thần, khấn nguyện mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý.

Miếu thờ Cậu Bảy trên đỉnh núi Cậu được chia thành hai tầng
Miếu thờ Cậu Bảy trên đỉnh núi Cậu được chia thành hai tầng (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, nhiều bậc cao tăng huyền thuật trong và ngoài nước cũng thường xuyên lên miếu Cậu để thiền tu, lễ bái, mong sao sớm ngày đắc đạo. Đặc biệt, vào ngày Giỗ Cậu Bảy mùng 7 tháng 5 Âm lịch hằng năm, miếu Cậu hân hoan đón tiếp nhiều đoàn khách ghé thăm và hòa mình vào không khí lễ hội náo nhiệt.

4.4. Thắp nhang tại khu vực bia lưu niệm 

Sau khi chiêm bái miếu Cậu trên đỉnh núi, bạn có thể thắp nhang tại khu vực bia lưu niệm được đặt ngay bên cạnh. Trải nghiệm này không những giúp du khách viếng thăm một công trình ý nghĩa mà còn hiểu thêm về lịch sử – văn hóa địa phương.

Bia lưu niệm được xây dựng để tưởng niệm hòa thượng Thích Đạt Phẩm. Thầy không chỉ có công khai sơn lập tự chùa Thái Sơn mà còn là thầy thuốc Đông y tiếng tăm lừng lẫy, chuyên chữa bệnh và cứu giúp người nghèo. Vào rằm tháng Giêng năm 2014, thầy quy thiên ở tuổi 80, để lại nhiều nuối tiếc cho Phật tử và nhân dân trong vùng.

Khu vực bia lưu niệm
Bia lưu niệm được đặt trang trọng trên mai rùa (Nguồn: Internet)

Bạn có thể dâng hương, dâng hoa tại khu vực bia lưu niệm để bày tỏ lòng thành kính trước lối sống tốt đời, đẹp đạo của bậc cao tăng. Đồng thời, thông qua những dòng tiểu sử trên bia, bạn sẽ hiểu rõ hơn về sự hình thành và phát triển của chùa Thái Sơn nói riêng cũng như danh lam núi Cậu nói chung trong tiến trình lịch sử.

4.5. Check-in tại bảo tháp 

Ngay tại khu vực đặt bia lưu niệm, dân bản địa cũng xây dựng nên một tòa bảo tháp 3 tầng theo lối kiến trúc của đình tự Nam Bộ xưa, xung quanh được hàng rào sắt chắc chắn bao lại. Hai trụ đỡ của tháp trang trí bắt mắt bằng hình tượng các vị thần thú, cửa ra vào treo câu đối đỏ chữ vàng nổi bật. Do đó, check-in tại bảo tháp hứa hẹn đem đến cho các tín đồ “sống ảo” những thước phim, khung ảnh mang vẻ đẹp cổ kính.

Vẻ đẹp của bảo tháp trên đỉnh núi Cậu
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bảo tháp trên đỉnh núi Cậu (Nguồn: Internet)

Bạn có thể chụp ảnh cùng kiến trúc của bảo tháp để lưu giữ khoảnh khắc thăm viếng một công trình văn hóa – nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, tầng một của tháp là nơi đặt di ảnh của hòa thượng Thích Đạt Phẩm và huyệt mộ tượng trưng để thờ cúng thầy, vậy nên nếu đi vào gian trong, bạn lưu ý cởi bỏ giày dép để thể hiện sự tôn trọng với người đã khuất.

4.6. Nằm võng thư giãn giữa rừng núi

Trải nghiệm nằm võng giữa những tán cây rừng mát mẻ được nhiều du khách “săn đón” với mong muốn hòa mình vào thiên nhiên và giải tỏa căng thẳng, áp lực của cuộc sống. Đó có thể là những cô chú trung niên địa phương hoặc những thanh niên “lén” bỏ phố về rừng vào những ngày cuối tuần.

Khu vực đỉnh núi Cậu có một quán nước nhỏ phục vụ võng nằm để du khách thư giãn giữa khung cảnh núi rừng êm ả. Vì cách mực nước biển gần 300m, không khí tại đây mát mẻ, thoáng đãng, đem đến cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Ngoài ra, từ trên đỉnh núi, bạn có thể trông xuống những mảng rừng xanh ngát và mặt hồ Dầu Tiếng mênh mông.

Trải nghiệm nằm võng giữa rừng
Nằm võng giữa rừng đem đến cảm giác thoải mái, thư thả (Nguồn: Internet)

Mặt khác, bạn cũng có thể tự trang bị võng và dừng chân dọc theo sườn núi để nghỉ ngơi. Bạn nên chọn những gốc cây to, chắc chắn, tán cây rộng lớn để mắc võng. Thêm vào đó, bạn lưu ý mua/thuê những loại võng hai lớp bền bỉ và loại dây thừng chắc chắn để trải nghiệm được như ý.

4.7. Ngắm hoàng hôn/Cắm trại tại hồ Dầu Tiếng 

Dưới chân núi Cậu hướng về phía Tây không xa là hồ Dầu Tiếng thơ mộng, trữ tình. Đây là địa điểm săn hoàng hôn và hạ trại yêu thích của các nhóm gia đình, bạn bè khi tham quan cụm thắng cảnh hồ Dầu Tiếng – suối Trúc – núi Cậu. Quang cảnh ánh chiều tà phản chiếu lên mặt nước sóng sánh cùng đỉnh thiên sơn lừng danh lấp ló xa xăm đã làm say đắm biết bao tâm hồn yêu thích cái đẹp.

Khung cảnh hoàng hôn tại hồ Dầu Tiếng
Cảnh hoàng hôn huyền ảo tại hồ Dầu Tiếng (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, trải nghiệm cắm trại qua đêm tại hồ Dầu Tiếng cũng để nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Du khách được dịp quây quần bên những người thân yêu để dựng lều trại, tổ chức tiệc nướng và vui chơi thỏa thích bên ánh lửa bập bùng. Theo kinh nghiệm, bạn nên cắm trại ở những gò đất cao để tránh nước hồ dâng lên gây ngập lụt.

Du khách có thể trải nghiệm cắm trại qua đêm tại hồ Dầu Tiếng
Cắm trại giúp con người xích lại gần nhau hơn (Nguồn: Internet)

5. 4 lưu ý khi ghé thăm núi Cậu hồ Dầu Tiếng 

Để trải nghiệm trọn vẹn núi Cậu hồ Dầu Tiếng cũng như giữ gìn vẻ đẹp của thắng cảnh địa linh, bạn nên quan tâm đến một số vấn đề sau đây:

  • Thời gian mở cửa của núi Cậu: Núi Cậu Tây Ninh có mở cửa không là thắc mắc chung của nhiều du khách. Tuy nhiên, địa danh này có thời gian mở cửa cả ngày nên bạn hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian ghé thăm sao cho phù hợp với lịch trình bản thân.
  • Mua sẵn đồ lễ từ dưới chân núi: Nếu muốn cúng bái thần Phật tại chùa Thái Sơn, miếu Cậu hoặc các gian thờ xung quanh, bạn nên chuẩn bị lễ phẩm trước khi lên núi. Mặc dù có vài hàng quán dọc theo sườn núi và một khu chợ nhỏ trước chùa Thái Sơn, nhưng các mặt hàng nhìn chung không quá đa dạng.

  • Không giẫm chân lên các dấu chân trên đá: Theo quan niệm của người xưa, bạn chỉ nên ướm thử chân lên các dấu chân tiên nếu có ý nguyện cầu con. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế giẫm chân qua lại để tránh làm tổn hại vết tích quý giá.

  • Không xả rác trên núi: Không chỉ ở núi Cậu và còn nhiều địa danh khác, bạn tuyệt đối không xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, phá hoại cảnh quan. Đặc biệt, hành vi này có thể bị hạt kiểm lâm huyện Dầu Tiếng nhắc nhở, cảnh cáo vì đây là khu vực rừng phòng hộ.

  • Nên xuống núi trước khi trời tối: Vào ban đêm, rừng núi Cậu trở nên vắng vẻ và âm u dù đường lộ đã được trang bị hệ thống đèn hiện đại. Vì vậy, bạn nên xuống núi trước khi trời tối, xin tá túc tại chùa hoặc các hộ dân xung quanh.

Dừng chân ghé lại núi Cậu Tây Ninh, du khách bước vào công cuộc tìm hiểu những huyền tích tâm linh độc đáo và khám phá những trải nghiệm đa dạng, phong phú. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ hỗ trợ bạn chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến du lịch núi Cậu trong thời gian sắp tới!

:

Other News