Nội dung văn khấn chùa Bà Tây Ninh và lưu ý khi khấn vái

Chùa Bà Tây Ninh – một trong những danh lam cổ tự linh thiêng nhất Nam Bộ, thu hút hàng triệu du khách thập phương mỗi năm. Người dân Nam Bộ tin rằng khi đến đây lễ bái sẽ được Linh Sơn Thánh Mẫu cùng các vị thần khác hiển linh và phù hộ. Nhằm giúp du khách có chuyến hành hương chùa Bà trọn vẹn nhất, Sun World sẽ giới thiệu đến bạn một số mẫu văn khấn chùa Bà Tây Ninh để cầu bình an, tài lộc, tình duyên. Mời bạn cùng theo dõi!

Cách khấn vái khi đi chùa Bà và một số lưu ý
Cách khấn vái khi đi chùa Bà và một số lưu ý

1. Cách mở đầu bài văn khấn chùa Bà Tây Ninh

Phần mở đầu bài văn khấn không chỉ để người khấn giới thiệu về bản thân, lý do đến chùa hay các nguyện vọng muốn cầu xin từ các vị thần mà còn thể hiện lòng thành kính, tôn trọng đối với bậc thần linh. Khi du khách đi lễ tại chùa Bà Tây Ninh, tuỳ theo từng ban thờ bạn đang đứng mà nội dung mở đầu của bài văn khấn sẽ có sự điều chỉnh nhất định.

Trước tiên, để biết ngôi chùa mình đang chiêm bái thờ vị thần nào, du khách căn cứ theo bảng ghi tên vị được đặt dưới chân tượng trong chùa Bà. Ngoài tượng Bồ tát Quán Thế Âm được đặt ở sân chùa Bà, ngôi chùa này còn thờ tượng Tiêu Diện ở tiền đường. Điện Phật là nơi thờ tượng đức Trung Tôn (ở giữa) cùng chư Phật, Bồ Tát. Hai bên có bàn thờ tượng Bồ Tát Đại Thế Chí và Quán Thế Âm Bồ tát.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm uy nghiêm giữa sân chùa Bà
Tượng Bồ tát Quán Thế Âm uy nghiêm giữa sân chùa Bà

Trước điện Phật thờ tượng Tứ Thiên Vương và Hộ Pháp Vi Đà, còn phía sau điện thờ Tổ sư Đạt Ma và các vị Tổ của chùa. Tầng trên của chùa là nơi thờ 3 vị Bồ tát (Bồ tát Di Lặc, Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ tát). Ngoài ra, Điện Bà (ngôi chùa nằm bên cạnh chùa Bà) là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu – người cai quản ngọn núi Bà Đen linh thiêng.

Bức tượng Linh Sơn Thánh Mẫu - biểu tượng cho tín ngưỡng của người dân Nam Bộ
Bức tượng Linh Sơn Thánh Mẫu – biểu tượng cho tín ngưỡng của người dân Nam Bộ

Dưới đây là mẫu bài văn khấn Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen tại chùa Bà:

Nam mô a di đà Phật!

Tín chủ chúng con thành tâm kính lạy đức hiệu Linh Sơn Thánh Mẫu.

Kính lạy:

• Đức Thế Tôn
• Tiêu Diện Đại Sĩ
• Tứ Thiên Vương
• Hộ Pháp Vi Đà
• Tổ sư Đạt Ma
• Bồ tát Quán Thế Âm
• Bồ Tát Đại Thế Chí
• Bồ tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền

Cùng mười phương Phật Chư Bồ Tát Thánh Hiền.

Tín chủ con là ………………………………..tuổi…………..ngụ tại……….

Tín chủ con nay sửa lễ tại Điện Bà (Tây Ninh).

Xin chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái. Lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin, mong các Ngài ………………………………………………………………………………

Van Khan Linh Son Thanh Mau Tai Chua Ba
Bài văn khấn Linh Sơn Thánh Mẫu tại chùa Bà

Lưu ý:

  • Sau câu “Nam mô a di đà Phật!”, đối tượng được nhắc đến ở phần “Tín chủ chúng con thành tâm kính lạy…” sẽ tương ứng với vị ở ban thờ bạn đang đứng. Ví dụ: Bạn đang đứng ở ban Quan Thế Âm Bồ Tát thì cần xưng là “Tín chủ chúng con thành tâm kính lạy Quan Thế Âm Bồ Tát”.
  • Tại phần “Kính lạy”, du khách cần lạy các vị được thờ trong chùa Bà Tây Ninh (đã giới thiệu ở trên).

2. Cách đọc văn khấn chùa Bà Tây Ninh theo 4 mục đích khác nhau

Sau khi đã biết cách mở đầu một bài văn khấn chùa Bà, du khách tiếp tục xây dựng nội dung văn khấn tùy theo từng mục đích khác nhau. Có 4 mục đích phổ biến nhất là cầu sức khỏe, thi cử đỗ đạt, khấn ngày rằm và khai trương cửa hàng. Tùy theo từng mục đích mà du khách cần thỉnh vị thần chứng giám tương ứng. Dưới đây là một số bài khấn mẫu, mời bạn cùng tham khảo.

2.1. Cách đọc văn khấn cầu sức khỏe

Nếu muốn cầu về sức khỏe, bạn có thể thỉnh mời các vị như Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Phổ Hiền… chứng giám. Sau đây là mẫu văn khấn cầu sức khoẻ tại chùa Bà:

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Con xin kính lạy Đức Phật, Đức Bồ Tát và các vị thần linh. Con tên là…. Địa chỉ… Con đến đây thành tâm cầu xin sự sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người.

Con xin Đức Phật, Đức Bồ Tát và các vị thần linh ban cho chúng con một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Con xin Ngài giúp chúng con tránh xa mọi bệnh tật và tai ương.

Con xin Đức Phật, Đức Bồ Tát và các vị thần linh cho chúng con biết cách bảo vệ sức khỏe của mình và của mọi người.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Văn khấn chùa Bà Tây Ninh cầu sức khỏe
Văn khấn Bà Đen Tây Ninh cầu sức khỏe

2.2. Cách đọc văn khấn cầu thi cử đỗ đạt

Các sĩ tử, cán bộ công nhân viên chuẩn bị có kỳ thi quan trọng có thể thỉnh mời Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ Tát Đại Thế Chí chứng giám bởi đây là hai vị Bồ Tát tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ, giúp chúng sinh thoát khỏi vô minh. Mẫu bài văn khấn cầu thi cử đỗ đạt tại chùa Bà như sau:

Con Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, kính lạy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Đại Thế Chí chứng giám.

Kính nguyện Phật Thánh chứng tâm thiện thần bảo hộ.​

Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..

Tên con là ….

Hữu duyên hữu ngộ Thánh độ chỉ đường, mà hôm nay nhằm ngày…. tháng ……..năm …., đệ tử được đem thân về hầu đê đầu bái yết cửa …….. linh từ. Con xin kêu thay cho… (nêu đầy đủ họ tên, phòng thi, số báo danh) được đỗ đạt trong kỳ thi sắp tới.

Con nguyện noi gương sáng đức Thánh để tỏ rạng trí tâm chuyên cần sự học. Hữu sự con nguyện ngài khuông phù gia hộ – bật độ phù trì để con thi cử đỗ đạt qua kỳ thi là:​ Kỳ thi… (nêu tên kỳ thi),

Nguyện xin ngài bồi hơi tiếp sức, gia lực hộ trì cho con Long Vân đạt hội, thẳng lối đường mây, công danh thỏa nguyện. Con chẳng dám quên công ân trời bể nhà ngài.​

Con là người trần mắt thịt, con ăn chưa sạch, bạch chưa thông còn nhiều lầm lỗi xin gia tiên nội ngoại và bà cô ông mãnh xá lú xá mế, xá lầm lỗi cho con, mở được cho con lội, mở lối cho con đi. Độ cho con được tâm cầu sở nguyện, như ý sở cầu, kỳ thi đỗ đạt như ý muốn.

Con Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Văn khấn núi Bà Đen Tây Ninh cầu thi thử đỗ đạt
Văn khấn núi Bà Đen Tây Ninh cầu thi thử đỗ đạt

2.3. Cách đọc văn khấn ngày Rằm

Vào dịp đặc biệt như ngày Rằm, bạn có thể thỉnh mời tất cả các vị trong chùa như Linh Sơn Thánh Mẫu, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền, Tổ sư Đạt Ma… thụ hưởng lễ vật và chứng giám cho mong ước của bạn.

Dưới đây là mẫu văn khấn ngày Rằm mà bạn có thể tham khảo:

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, Hộ pháp Thiện thần, Thiên Long Bát Bộ.

Hôm nay là ngày Rằm tháng … năm … Tín chủ (chúng) con là ……………………………….. Ngụ tại: ……………………………….. thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con xin dốc lòng kính lễ:

  • Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc Tây phương.
  • Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi Sa Bà.
  • Đức Phật Dược Sư Lưu Ly giáo chủ cõi Đông phương.
  • Đức Thiên thủ, Thiên nhãn, Ngũ bách danh tầm thanh cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
  • Kính lạy Đức Hộ Pháp thiện thần Chư Thiên Bồ Tát.

Kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con, nguyện được ………………………. (công danh, tài lộc, giải hạn, bình an…). Chúng con người phàm trần tục còn nhiều lỗi lầm. Cúi mong Phật, Thánh từ bi đại xá cho con (và gia đình) được tai qua nạn khỏi, mọi sự tốt lành, điều lành đem đến, điều dữ tiêu tan, già trẻ trên dưới thuận hoà an khang thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Cách khấn vái khi đi Chùa Bà ngày rằm
Cách khấn vái khi đi Chùa Bà ngày rằm

2.4. Cách đọc văn khấn khai trương cửa hàng

Khi khai trương cửa hàng, ngoài việc cúng thần Tài, Thổ Địa, các vị tổ tiên và thần linh tại nhà, du khách có thể đến chùa Bà Tây Ninh thỉnh mời Linh Sơn Thánh Mẫu và Quan Âm Bồ Tát phù hộ cho việc làm ăn thuận lợi, buôn may bán đắt. Mẫu văn khấn thỉnh mời như sau:

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương. Con kính lạy Đại từ, Đại bi Linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát. Kính lạy Linh Sơn Thánh Mẫu chứng giám.

Tín chủ (chúng) con là: ……………………………….. – Tuổi ……………… Hiện ở tại: ………………………………..

Hôm nay là ngày …. tháng …. năm ….., tín chủ con thành tâm sắm sửa lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, lòng thành tâu rằng: Tín chủ con xây cất (hoặc thuê được) một gian hàng (cửa hàng, nhà xưởng, văn phòng…) tại ……………………………….. Tín chủ con là .………… (chức vụ của người khấn), nay muốn khai trương khởi đầu việc kinh doanh (hoặc sản xuất) phục vụ nhân sinh, phục vụ sinh hoạt. Chúng con chọn được ngày lành tháng tốt sắm sính lễ vật cáo yết Linh Sơn Thánh Mẫu cùng Bồ Tát Quán Thế Âm cúi mong soi xét.

Các vị linh thiêng giáng hiện trước hương án, thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành. Cúi xin các vị phù hộ cho chúng con buôn bán hanh thông, gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi, lộc tài vượng tiến. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Bài cúng chùa Bà Tây Ninh khai trương cửa hàng
Bài cúng chùa Bà Tây Ninh khai trương cửa hàng

3. Cách kết thúc bài văn khấn chùa Bà Tây Ninh

Cách kết thúc bài văn khấn khi đi núi Bà Đen cũng tương tự như cách mở đầu: Du khách đang đứng ở ban thờ vị nào thì thỉnh mời và lạy tạ người đó. Việc thỉnh mời ở phần kết nhằm mời các vị thần phụ hưởng lễ vật mà Phật tử dâng lên, còn việc lạy tạ thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc thần linh đã lắng nghe tâm nguyện của mình. Sau đây là mẫu chung cho phần kết thúc bài văn khấn chùa Bà Tây Ninh:

Con xin thỉnh mời…………………………..

Nay nhân ngày………………………………

Tín chủ con có Phù tửu, nhang, đăng, lễ nghi, phẩm vật. Nhất Tâm tướng, vạn tâm cầu, mang miệng để tâu, mang đầu đến lễ, cùng cô cùng cậu, rủ lòng thương xót trước sau như một đôi đức từ bi, nay con có lỗi lầm điều chi, xin Mẫu đại xá phù trì, tổng thể con cháu khang ninh, Tổ đức hiếu sinh, anh linh Thánh mẫu, cứu khổ trừ tai, tiến Phúc tăng tài, xin Ngài chứng giám.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Mẫu kết thúc bài khấn Chùa Bà Tây Ninh
Mẫu kết thúc bài khấn Chùa Bà Tây Ninh

4. Lưu ý khi đọc văn khấn và vái lạy chùa Bà Tây Ninh

Người xưa quan niệm rằng đền chùa là nơi linh thiêng nên các hoạt động dâng hương, lễ bái trong chùa cần được thực hiện một cách thành tâm và trang nghiêm nhất. Sau đây là một số lưu ý quan trọng khi khấn và vái lạy tại chùa Bà Tây Ninh:

Mặc trang phục kín đáo khi khấn vái

Trang phục kín đáo không chỉ thể hiện lòng thành kính với các vị thần mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với không gian linh thiêng của chùa và các du khách thập phương khác. Người khấn vái nên mặc quần áo dài tay, lịch sự, không cắt xẻ hở hang hoặc bó sát gây phản cảm. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế trang điểm đậm, quá lòe loẹt.

Trang phục của người khấn nên đảm bảo tính lịch sự, kín đáo
Trang phục đảm bảo tính lịch sự, kín đáo lúc khấn vái khi đi chùa bà tây ninh

Thay đổi nội dung bài khấn phù hợp với tâm nguyện của mình

Bài khấn chùa Bà Đen Tây Ninh thể hiện tâm nguyện và mong muốn cụ thể của người khấn. Vì vậy, không có bài khấn mẫu cố định cho mọi du khách. Nội dung nguyện vọng trong bài khấn nên được thay đổi sao cho phản ánh đúng những điều mà bạn muốn cầu xin từ các bậc thần linh.

Ghi chép văn khấn ra giấy và đọc nếu không thuộc

Trong trường hợp bạn chưa thuộc văn khấn Chùa Bà Đen Tây Ninh, có thể chép bài khấn ra giấy và cầm đọc. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng bạn thỉnh mời sai vị thần hoặc nêu thiếu mong muốn khi cầu nguyện. Việc đọc giấy chép văn khấn cũng sẽ không ảnh hưởng đến nghi thức lễ bái miễn là bạn đọc một cách thành tâm và nghiêm túc, không nên đọc quá nhanh hay cẩu thả. Bạn có thể lưu lại các ảnh về nội dung văn khấn trong bài để sử dụng.

Thành tâm khấn vái – Không nói chuyện, cười đùa

Đền, chùa là không gian thanh tịnh nên bạn chú ý tuyệt đối không to tiếng, cười đùa hay cãi cọ, xô xát, gây ảnh hưởng tới những du khách khác và quá trình lễ bái tại chùa Bà. Trước khi đọc văn khấn đi núi Bà Đen Tây Ninh và xin lộc núi Bà Đen, bạn cần dâng hương (nên dâng số lẻ) và sau khi đọc xong bài khấn cần cúi lạy ba lần trước bàn thờ để tỏ lòng thành kính.

Trong quá trình dâng hương lễ bái, du khách cần thành tâm khấn vái, không nói chuyện, cười đùa
Trong quá trình dâng hương lễ bái, du khách cần thành tâm khấn vái, không nói chuyện, cười đùa

Thắp hương – Dâng lễ vật trước khi khấn vái

Thắp hương và dâng lễ vật là một phần không thể thiếu trong văn hoá lễ bái của người Việt, thể hiện lòng thành và sự biết ơn đối với các vị thần trên núi Bà Đen. Đồ lễ cúng không cần quá cao sang nhưng cũng không nên quá hà tiện, có thể chuẩn bị tùy tâm mỗi người. Sau khi đặt lễ vào các ban, du khách mới bắt đầu thắp hương và đọc văn khấn. Đồng thời, bạn đừng quên thu xếp thời gian tới chùa Bà lễ tạ các vị thần vào dịp cuối năm hoặc sau khi đạt được tâm nguyện.

Vào các dịp lễ hội núi Bà Đen tiêu biểu như ngày vía Linh Sơn Thánh Mẫu, du khách đổ về núi Bà rất đông. Để chu đáo và trọn vẹn trong việc lễ lạt, bạn nãy chuẩn bị lễ vật đầy đủ tại các điện thờ trước khi tiến hành khấn vái. Lựa chọn khách sạn Tây Ninh gần núi Bà Đen để cư trú cũng thuận tiện cho việc đi lễ và nghỉ ngơi.

Không gian lễ Vía Bà
Không gian núi Bà Đen treo đầy cờ hoa đa sắc nhân ngày lễ vía

Trên đây là hướng dẫn cách đọc văn khấn chùa Bà Tây Ninh cùng những lưu ý quan trọng khi thực hiện nghi lễ khấn vái. Nếu có dịp vãn cảnh đến ngôi chùa linh thiêng bậc nhất miền Nam Bộ này, du khách đừng quên bớt chút thời gian sắm lễ và cầu nguyện. Bởi những lời mong ước chân thành và tôn kính nhất định sẽ được gửi đến các vị thần linh. Chúc du khách có chuyến hành hương trọn vẹn và ý nghĩa!

:

Other News