Chào mừng quý khách đã đến với Sun World Ba Den Mountain và chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật “Núi Bà Đen (Tây Ninh)” của họa sĩ Hoàng Phong
Nằm cách Thành phố Tây Ninh khoảng 11 km, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam bộ. Từ lâu, người dân Nam bộ coi nơi đây là vùng đất tâm linh gắn liền với nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian.
Núi Bà Đen trải rộng trên diện tích khoảng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo – núi Phụng – núi Bà Đen. Nơi tiếp giáp giữa ba ngọn núi này tạo thành một thung lũng mang tên Ma Thiên Lãnh. Với độ cao 986m so với mực nước biển, nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón khổng lồ.
Núi Bà Đen thực chất là một ngọn núi lửa đã tắt cách đây khoảng 11.700 năm, có cấu tạo địa chất bởi nhiều tầng đá tảng chồng lên nhau tạo ra nhiều hang động tự nhiên và một thảm động, thực vật phong phú đa dạng về sinh thái.
Theo Gia Định thành thông chí, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Đinh. Những bậc kỳ lão địa phương gọi đây là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đen. Gia Định thành thông chí mô tả ngọn núi này: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù, tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”. Núi Bà Đen được coi là ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế.
Các nghiên cứu cho thấy núi Bà Đen là một trong số các huyệt đạo thiêng nhất nước Nam, là nơi hội tụ linh khí đất trời, là điểm giao hoà giữa trời và đất. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, vốn dĩ giữa cánh đồng mênh mông nổi lên ngọn núi đơn côi một mình, thì bao giờ núi ấy cũng thiêng: “Đây là ngọn núi hút sinh lực của trời cha xuống cho lòng đất mẹ, để cho muôn loài sinh sôi. Đó cũng chính là một trục vũ trụ nối trời với đất để thúc đẩy cho hạnh phúc được tràn đầy trong tất cả mọi nhà, mọi nơi”.
Ngọn núi cao nhất Nam bộ này cũng gắn liền với huyền thoại về Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát), với các câu chuyện hiển linh báo mộng và lòng từ bi phổ độ chúng sinh. Vì vậy, nhiều người xem việc đặt chân đến ngọn núi thiêng Bà Đen, hành hương tại hệ thống chùa Bà và chiêm bái các công trình văn hoá tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh núi là việc phải làm mỗi năm để cầu bình an và may mắn.
——————————————————————————————
Triển lãm tranh “Về Ngộ”
“Về Ngộ” là bộ tranh gồm 45 bức tranh về chủ đề Đền Chùa của hoạ sĩ Hoàng Phong.
“Ngộ” là sự tỉnh thức, sự hiểu biết thấu đáo, là nhận ra chân lý. “Về” là sự tìm về, trở về, thuộc về. “Về Ngộ” chính là hành trình hoạ sĩ trở về quán chiếu nội tâm, soi rõ bản thể, tìm kiếm sự giác ngộ để chạm đến sự an yên trong tâm hồn.
Vẻ đẹp linh thiêng, kỳ vĩ và nguồn năng lượng của núi Bà Đen đã khơi gợi cảm hứng để hoạ sĩ vẽ bộ tranh “Về Ngộ”. Nhiều công trình tâm linh mang hồn cốt của núi Bà Đen được phác hoạ sống động như chùa Bà, hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu, Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, tượng Di Lặc Bồ Tát, đại lễ dâng đăng trên đỉnh thiêng…
Cùng với núi Bà Đen, người yêu nghệ thuật còn có thể gặp lại những ngôi đền, những mái chùa rất quen thuộc trên khắp cả nước như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Đồng (Yên Tử), chùa Keo (Thái Bình), chùa Hương (Hà Nội)… Vẻ đẹp cổ kính, nên thơ, trầm mặc của các ngôi chùa được hoạ sĩ khắc hoạ sống động với phương pháp tả thực, cùng các chi tiết được đặc tả với sự tỉ mỉ cao độ. Bộ tranh sử dụng kỹ thuật vẽ màu nước chất tự nhiên được nghiền từ khoáng sản trên giấy Arches Pháp.
Bộ tranh “Về Ngộ” được triển lãm tại núi Bà Đen nhằm hướng đến Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025.
Hoạ sĩ Hoàng Phong
Họa sĩ Hoàng Phong sinh năm 1987, tại TP.HCM. Hội viên Hội mỹ thuật TP.HCM, thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015, Phó Chủ nhiệm CLB Friendly Art club tại Đường sách Nguyễn Văn Bình năm 2016. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã theo đuổi trường phái hội họa hiện thực được 13 năm.