Khám phá “Thủ đô kháng chiến” Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Mảnh đất xinh đẹp Tây Ninh không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình và các công trình chiêm bái tâm linh độc đáo, mà còn vang danh lịch sử cách mạng với nhiều chiến công hiển hách và tinh thần yêu nước bất diệt. Vì lẽ đó, trải nghiệm về nguồn tại “Thủ đô kháng chiến” Căn cứ Trung ương Cục miền Nam chắc chắn sẽ để lại trong mỗi du khách ghé thăm Tây Ninh nhiều cảm xúc lắng đọng, bồi hồi về một thời chiến tranh khốc liệt nhưng hào hùng của dân tộc.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm ẩn mình giữa rừng cây rậm rạp
Khu Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đặc biệt nằm ẩn mình giữa rừng cây rậm rạp (Nguồn: Internet)
  • Địa chỉ: xã Tân Lập, H. Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

  • Năm xây dựng: thành lập lần đầu tại rừng U Minh Thượng năm 1951, tái thành lập tại Đồng Nai năm 1961, sau đó mới di chuyển vị trí trú đóng về tỉnh Tây Ninh

  • Giờ hoạt động: 8h00 – 16h00 hằng ngày

  • Giá vé tham quan: miễn phí

  • Chi phí khác: khoảng 50.000 – 200.000 VNĐ/người (bao gồm chi phí ăn uống tự túc và mua quà lưu niệm)

  • Chỉ đường: Tại đây

1. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở đâu?

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tọa lạc trong cánh rừng Rùm Đuôn – Chàng Riệc xanh biếc, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 60km về phía Bắc và cách biên giới hai nước Việt Nam – Campuchia khoảng 4km. Trong lịch sử, căn cứ với diện tích 72 ha này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân cách mạng miền Nam lưu trú, công tác, tránh khỏi công cuộc tầm soát quy mô lớn của quân địch.

Địa chỉ cụ thể của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trên Google Maps
So sánh vị trí Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trên Google Maps và thực tế (Nguồn: Google Map và Internet)

2. Tên gọi khác của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Do sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình cách mạng hai miền, cơ quan đầu não chiến lược của cách mạng miền Nam phải liên tục chuyển đổi giữa hai tên: Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam. Cụ thể hơn, Xứ ủy Nam Bộ được thành lập năm 1946, trở thành tiền thân của Trung ương Cục miền Nam thành lập năm 1951.

Đến năm 1954, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giải thể tổ chức này và thành lập lại Xứ ủy Nam Bộ. Cuối cùng, “Thủ đô kháng chiến” Căn cứ Trung ương Cục miền Nam Tây Ninh được tái thiết vào năm 1961. Sự nhập nhằng này xuất phát từ hệ quả chính trị – xã hội của các dấu mốc mang tính quyết định, chuyển hóa từ kháng chiến chống thực dân Pháp sang đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên cạnh đó, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam còn được gọi bằng nhiều danh xưng thân quen khác. Chẳng hạn: tên gọi “R” bắt nguồn từ mật danh của Trung ương Cục miền Nam; Căn cứ Chàng Riệc đặt theo khu rừng cứ điểm Chàng Riệc – Rùm Đuôn; Căn cứ Phạm Hùng theo tên đồng chí Bí thư Trung ương Cục đã lãnh đạo tổ chức trong một thời gian dài; hoặc Căn cứ địa Bắc Tây Ninh dựa trên vị trí địa lý của cứ điểm.

Căn cứ từng được gọi theo tên đồng chí Bí thư Phạm Hùng
Căn cứ từng được gọi theo tên đồng chí Bí thư Phạm Hùng (Nguồn: Internet)

3. Lịch sử hoạt động của khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Trong suốt chiều dài hoạt động và phát triển, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, gắn liền với sự nghiệp giành giữ độc lập tại miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Cụ thể:

3.1. Giai đoạn 1951 – 1954: Thuở đầu thành lập, Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư. Sau đó, chức vụ Bí thư được trao lại cho đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Phạm Hùng đảm nhiệm Phó Bí thư. Khi đã đạt đến thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tại Điện Biên Phủ năm 1954, Trung ương Cục miền Nam đổi tên và nhận nhiệm vụ lãnh đạo công tác tập kết chuyển quân từ Nam ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại ba nước Đông Dương.

3.2. Giai đoạn 1954 – 1961: Kế thừa Trung ương Cục miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ đã đưa ra nhiều đối sách hợp lý, gây áp lực, khó khăn lên chính quyền Ngô Đình Diệm và hạn chế sự bành trướng sức mạnh của lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Từ đó, quân và dân ta tạo được thế chủ động tấn công trên cả mặt trận chính trị lẫn mặt trận quân sự, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo của cuộc kháng chiến.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam Tây Ninh từng là diễn ra các cuộc họp quan trọng
Nơi từng diễn ra các cuộc họp tại căn cứ Trung ương Cục (Nguồn: Internet)

3.3. Giai đoạn 1961 – 1975: Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ra quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam. Đầu năm 1965, đồng chí Nguyễn Văn Linh đảm nhiệm chức vụ Bí thư Trung ương Cục. Đến năm 1967, ông cùng các đồng chí Phan Văn Đáng và Hoàng Văn Thái làm Phó Bí thư, trọng trách Bí thư giao lại cho đồng chí Phạm Hùng.

3.4. Sau năm 1975: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam Tây Ninh dẫu không còn hoạt động chính trị trong thời bình, nhưng vẫn được Nhà nước quan tâm tu sửa, trở thành một điểm tham quan về nguồn thu hút của tỉnh Tây Ninh.

Khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gắn bó mật thiết với nhiều sự kiện cách mạng lớn
Căn cứ Chàng Riệc gắn bó mật thiết với nhiều sự kiện cách mạng lớn (Nguồn: Internet)

4. Thành tựu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đạt được

Với những đóng góp vượt trội cho sự nghiệp cách mạng, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam vinh dự đón nhận hai thành tựu lớn. Cụ thể:

  • Ngày 31/8/1990: được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc Gia (Quyết định số số 839/QĐ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

  • Ngày 10/5/2012: được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Từ đây, “Thủ đô cách mạng” xuất hiện trong đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, hướng đến giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam Tây Ninh được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia (Nguồn: Internet)

5. Vai trò của khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Dù trong chiến tranh hay khi hòa bình, độc lập, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam vẫn chứng tỏ vai trò quan trọng với sự nghiệp cách mạng và đời sống nhân dân.

5.1. Vai trò trong thời chiến 

Sự ra đời của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam Tây Ninh đánh dấu bước trưởng thành trong tư duy tổ chức, bản lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ của Việt Nam.

  • Lãnh đạo cuộc kháng chiến: Đây là nơi đặt bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ở miền Nam, bao gồm Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương… Tất cả tạo nên một “Thủ đô cách mạng” vững chắc, trực tiếp nắm giữ tình hình và đưa ra nhiều quyết sách chiến lược linh hoạt, kịp thời.

  • Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành địa điểm tổ chức các lớp huấn luyện nhằm phổ biến chủ trương của Đảng, nâng cao năng lực chiến đấu của quân dân ta.

  • Tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm: Là trạm trung gian giữa hậu phương miền Bắc và các tỉnh phía Nam, đảm bảo an ninh vũ trang, an ninh lương thực cho toàn bộ chiến trường Nam Bộ.

  • Cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu: Ngoài chức năng chính trị – quân sự, nơi đây còn là nguồn khơi dậy tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ quê hương của bộ đội cụ Hồ.

Căn cứ đóng vai trò quan trọng trong thời chiến
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đóng vai trò quan trọng trong thời chiến (Nguồn: Internet)

5.2. Vai trò trong thời bình 

Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đã giúp đầu tư, phục dựng lại vẻ đẹp cách mạng của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đến tận ngày nay.

  • Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam như một chứng nhân lịch sử cho truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc, là tấm gương sáng cho những người con Việt Nam tự hào kế tục.

  • Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa: Với bề dày hoạt động cách mạng sôi nổi, Căn cứ lưu giữ nhiều hiện vật cách mạng quan trọng và giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng, chỉ tìm thấy ở thời kỳ oanh liệt của đất nước.

  • Điểm tham quan hấp dẫn cho nhiều du khách: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thu hút khách tham quan tìm về với cội nguồn, từ đó, đem lại giá trị bền vững cho ngành kinh tế – du lịch của tỉnh Tây Ninh.

Di tích có vai trò giáo dục truyền thống yêu nước trong thời bình
Di tích có vai trò giáo dục truyền thống yêu nước trong thời bình (Nguồn: Internet)

6. Khám phá Căn cứ Trung ương Cục miền Nam qua 3 khu vực chính

Khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được chia thành 3 phân khu dựa trên các chức năng chính, bao gồm Khu di tích, Khu tưởng niệm – trưng bày và Khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên & phát triển du lịch.

Sơ đồ Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Sơ đồ Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Nguồn: Internet)

6.1. Khám phá Khu di tích

Từ những bước chân đầu tiên đến Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, du khách sẽ cảm thấy trầm trồ, thán phục khi nghe thuyết minh về quá trình xây dựng chiến khu bí mật trong phong trào đấu tranh chống giặc, cứu nước. Nhiều di tích lịch sử kháng chiến vẫn được lưu giữ hoặc phục chế trong khuôn viên khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đến tận ngày nay.

Gian nhà của cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại khu di tích
Gian nhà của cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phục dựng gần như hoàn hảo (Nguồn: Internet)

Đầu tiên, du khách được chiêm ngưỡng những cỗ xe tăng thiết giáp mạnh mẽ. Những chiếc xe xanh rờn, cũ kỹ, nhuốm màu thời gian, thậm chí còn lưu lại vết đạn nổ, vết bom phá, cho thấy tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh trường kỳ. Rải rác khắp khu căn cứ còn có những hố đất sâu hoắm tạo nên bởi máy bay B52 – loại máy bay ném bom tầm xa khét tiếng của đế quốc Mỹ.

Cận cảnh xe tăng M41 còn lưu giữ những vết tích chiến tranh
Cận cảnh xe tăng M41 với nhiều vết tích chiến tranh (Nguồn: Internet)

Men theo những con đường nhỏ quanh co của Khu di tích, du khách tiếp tục đến thăm các trạm canh gác, nhà bảo vệ, hội trường, nhà ở của cán bộ, chiến sĩ ẩn mình dưới những tán cây cao um tùm, rậm rạp.

Dù có là nơi sinh sống của Bí thư Trung ương Cục miền Nam như đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng hay các lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản như đồng chí Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô… thì mọi ngôi nhà đều chỉ dựng đơn giản từ tre, nứa, gỗ, không có kèo, không lót đòn tay. Vật dụng hằng ngày của các vị cũng được tái hiện trực quan với chõng tre, bàn học, sách báo, đèn dầu…

Đồ dùng sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ thời chiến
Đồ dùng sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ được bảo quản trong tủ kính (Nguồn: Internet)

Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người trong trường hợp bị quân địch tập kích, các khu nhà được phân bổ khá xa, cách nhau hàng trăm mét. Mỗi ngôi nhà đều được bố trí hầm chữ A, các địa đạo nối liền với hệ thống giao thông hào dày đặc như mạng nhện. Điều này thể hiện được trí thông minh và óc sáng tạo của lãnh đạo Trung ương Cục khi tận dụng triệt để không gian rộng lớn của rừng cây Rùm Đuôn – Chàng Riệc.

Giao thông hào xuất hiện rải rác khắp căn cứ địa cách mạng
Giao thông hào xuất hiện rải rác khắp căn cứ địa cách mạng (Nguồn: Internet)

Nhiều đặc điểm của đời sống sinh hoạt cách mạng cũng được Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gìn giữ và phát huy một cách tinh tế. Chẳng hạn như người tu bổ đã giữ lại mái nhà lợp bằng lá trung quân – loại dây leo thân gỗ trồng nhiều ở vùng Đông Nam Bộ, có tính chất dai, mềm, khó bắt lửa và chịu ẩm tốt. Hoặc du khách có cơ hội quan sát hệ thống bếp lửa Hoàng Cầm – một sáng chế nổi bật thời chiến với thiết kế ống dẫn khói đi vào các rãnh nhỏ trên mặt đất, tránh được sự lùng soát gắt gao của máy bay địch.

Minh chứng về phát minh Bếp Hoàng Cầm
Ấn tượng với phát minh sáng tạo đặt theo tên của anh lính nuôi quân (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, tại khu nhà của các cán bộ, chiến sĩ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam Tây Ninh đều bày biện gian bàn thờ trang nghiêm với ảnh và lư hương. Thông qua đó, du khách có thể dâng hương, bái lễ, tỏ lòng thành kính, biết ơn với các bậc anh hùng đã hy sinh thân mình vì hòa bình Tổ quốc.

6.2. Khám phá Khu tưởng niệm – trưng bày

Quần thể Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được xây dựng với nhiều dãy nhà khang trang, hiện đại như nhà đón tiếp, nhà của các cơ quan lãnh đạo chủ chốt như Ban An ninh miền, Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam, Đảng ủy các cơ quan dân chính Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam… Nằm trong khuôn viên đón tiếp khách tham quan, nhà tưởng niệm là nơi phục vụ các đoàn khách đến dâng hoa, dâng hương, tri ân các cán bộ, chiến sĩ có công với cách mạng.

Du khách tỏ lòng thành kính tại nhà tưởng niệm
Du khách tỏ lòng thành kính tại nhà tưởng niệm (Nguồn: Internet)

Với khoảng 1000 hình ảnh, hiện vật gắn liền đời sống sinh hoạt, chiến đấu của quân dân Việt Nam, không gian triển lãm đã tái hiện chân thực quãng thời gian hào hùng, máu lửa của dân tộc. Từ bàn làm việc thô sơ của đồng chí Lê Duẩn, chiếc lược ngà làm từ xác máy bay, cái bật lửa tạo ra từ vỏ lựu đạn… đến sa bàn mô tả căn cứ địa hay súng tự tạo mang tên “Ngựa Trời”, tất cả đều bình dị, mộc mạc đến khó tin, giúp ta thấu hiểu hơn về những khó khăn, thiếu thốn của thời chiến.

Sa bàn được đặt tại Nhà trưng bày, giúp du khách tìm hiểu diễn biến trận phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City năm 1967hiểu sâu về
Sa bàn được đặt giữa Nhà trưng bày, giúp du khách hiểu thêm về diễn biến trận phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City năm 1967 (Nguồn: Internet)
Không gian làm sống dậy những năm tháng nghĩa tình cách mạng
Không gian giàu hình ảnh làm “sống” dậy những năm tháng nghĩa tình cách mạng (Nguồn: Internet)

Nằm đối diện với nhà trưng bày là một quảng trường lớn, nơi đặt bức phù điêu mô tả chi tiết quá trình 21 năm kháng chiến chống Mỹ của quân dân cả nước. “Bức tranh hoành tráng” có dạng hình cong, kích thước 5m x 42m, đặt trước tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn, chạm khắc tinh xảo từ chất liệu gốm sứ. Nếu có dịp ghé thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, bạn nên tranh thủ chụp một bức ảnh với công trình nghệ thuật độc đáo này.

Bức phù điêu mô tả chi tiết quá trình 21 năm kháng chiến chống Mỹ của quân dân cả nước
Bức tranh được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) (Nguồn: Internet)

6.3. Khám phá Khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên & phát triển du lịch

Với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nói riêng và khu di tích lịch sử – văn hóa nói chung, quan điểm lưu giữ giá trị truyền thống cách mạng phải đi liền với công tác bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Rừng cây từ lâu đã trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi sống quân dân ta, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, là nỗi khiếp đảm của nhiều cựu chiến binh Mỹ khi đổ bộ lên chiến trường Việt Nam.

Đường về thăm Căn cứ “R” với hai hàng cây xanh mướt
Đường về thăm Căn cứ “R” thoáng đãng với hai hàng cây xanh (Nguồn: Internet)

Đi trên các con đường phủ đầy rêu phong, du khách được quan sát nhiều loài thực vật phổ biến của rừng cây Nam Bộ như kơ nia, thao lao, bình linh… Đặc biệt, khu bảo tồn vô cùng trân quý từng cây chuối rừng, từng bụi măng le vì đây chính là những thực phẩm dân dã giúp nâng cao chất lượng bữa ăn của các cán bộ, chiến sĩ thời trước.

Du khách đi bộ vào các khu nhà, hai bên đường là các bụi cây xanh tốt
Lối đi vào các khu nhà nổi bật với nhiều bụi cây um tùm, xanh tốt (Nguồn: Internet)

Không khí núi rừng yên ả, mát rượi làm du khách quên đi bao muộn phiền của đời sống thường nhật. Tiếng ve sầu gọi bạn hòa vào điệu chim hót líu lo, dòng suối Tiên Cô róc rách dưới chân cầu gỗ mộc mạc. Tất cả tạo nên một bản giao hưởng của riêng rừng Rùm Đuôn – Chàng Riệc, chứng tỏ giá trị sinh thái vượt bậc của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Dòng suối Tiên Cô mát lạnh chảy qua Căn cứ địa
Dòng suối Tiên Cô mát lạnh chảy qua Căn cứ địa Bắc Tây Ninh (Nguồn: Internet)

Mặt khác, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam miễn phí vé tham quan cho tất cả các đối tượng, giúp mọi du khách đều có cơ hội trải nghiệm Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, bạn có thể mua những món quà tại quầy hàng lưu niệm như khăn rằn, mũ tai bèo, dép râu… để ủng hộ nhân dân địa phương.

Khăn rằn và chiếc mũ xanh rêu mang dấu ấn của người chiến sĩ Việt Nam
Khăn rằn và chiếc mũ xanh rêu mang dấu ấn của người chiến sĩ Việt Nam (Nguồn: Internet)

7. Cách di chuyển đến Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm ở vị trí khá xa so với trung tâm thành phố Tây Ninh và gần sát biên giới với Campuchia. Từ đường Bời Lời, du khách có thể đi xe máy hoặc xe ô tô rẽ trái vào Tỉnh lộ 793, sau đó mất từ 1 tiếng đến 1 tiếng 20 phút để đến được Căn cứ. Tuy có cùng lộ trình nhưng mỗi phương thức di chuyển sẽ tương ứng với những nhu cầu khác nhau.

  • Xe máy: Đây là phương tiện phù hợp với những dân “phượt” yêu thích khám phá các cung đường tuyệt đẹp của tỉnh Tây Ninh.

  • Xe ô tô: Nếu đi cùng người lớn tuổi hoặc học sinh, trẻ nhỏ, bạn nên lựa chọn di chuyển bằng ô tô để đảm bảo an toàn và tiện lợi. Ngoài ra, khuôn viên Căn cứ còn có bãi đỗ xe rộng phục vụ các đoàn khách tham quan lớn.

(*)Lưu ý: Hiện tại chưa có tuyến xe buýt đi thẳng đến Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Tuy nhiên, bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách đi tuyến số 7 từ bến xe Tây Ninh đến cửa khẩu Xa Mát, sau đó ghé trạm gần nhất và tiếp tục đón xe đến địa điểm mong muốn.

8. 5 lời khuyên khi tham quan Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Kinh nghiệm từ người đi trước chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều tư liệu trải nghiệm đáng quý. Bài viết đã góp nhặt những lời khuyên hữu ích sau đây nhằm giúp cho chuyến hành trình khám phá Căn cứ Trung ương Cục miền Nam của bạn được trọn vẹn.

Du khách nên lưu ý về việc chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống để có chuyến tham quan trọn vẹn
Du khách nên chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống
Du khách Huỳnh Mai gợi ý về thời điểm lý tưởng để ghé thăm Căn cứ “R”
Du khách Huỳnh Mai gợi ý thời điểm lý tưởng để ghé thăm Căn cứ “R”
Một du khách để lại lưu ý về việc nên đi đường mòn thay vì đường rừng để tránh động vật hoang dã
Môi trường sinh thái tự nhiên còn ẩn chứa nhiều động vật hoang dã
Bạn nên chuẩn bị kem chống nắng, mũ, áo, nước nếu đi vào mùa nắng nóng
Nếu đi vào mùa nắng, bạn nên chuẩn bị vật dụng chống nắng và tránh mất nước
Du khách cần cẩn trọng khi tham quan hầm trú ẩn
Cẩn trọng khi tham quan hầm trú ẩn qua lời kể của du khách Trần Quang Phú

Ngoài tham quan Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ở Tây Ninh còn rất nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút khác, chẳng hạn như Sun World Bà Đen Mountain, Tòa Thánh Cao Đài, chùa Gò Kén, hồ Dầu Tiếng, thung lũng Ma Thiên Lãnh, Tháp cổ Bình Thạnh, Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát… Mỗi địa danh đều có những nét đặc trưng riêng, hứa hẹn đưa du khách đi từ bất ngờ này sang đến bất ngờ khác.

Tham khảo thông tin chi tiết qua bài viết: Tây Ninh có gì chơi? 28 tọa độ ăn chơi & lịch trình chi tiết

Hy vọng những thông tin cụ thể liên quan đến Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã giúp du khách tìm về cội nguồn với “Thủ đô kháng chiến” trong lịch sử đấu tranh gìn giữ hòa bình. Qua đó, mỗi người con Việt Nam càng thêm quý trọng nền độc lập – tự do được đánh đổi bằng nước mắt, mồ hôi, xương máu của dân tộc, tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập, cống hiến để đưa Tổ quốc sánh vai với các cường quốc năm châu.

:

Other News