15 loại rau rừng Tây Ninh cuốn bánh tráng, bò tơ, bánh xèo ngon lạ

Từ xưa, người dân xứ nắng đã phát hiện nhiều loại rau có hương vị thơm ngon, hấp dẫn sinh sống chủ yếu dọc các bìa rừng, ven nguồn nước tự nhiên nên gọi chung là rau rừng Tây Ninh. Hiện nay, nhờ kỹ thuật nhân giống tiên tiến, các hộ nông dân địa phương đã thành công đưa rau rừng vào canh tác tại vườn tược, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế tỉnh nhà. Hãy cùng Sun World điểm danh qua 15 loại rau rừng độc lạ vừa lôi cuốn vị giác, vừa tốt cho sức khỏe thông qua bài viết dưới dây.

Cận cảnh rau rừng Tây Ninh
Rau rừng Tây Ninh – sản vật dung dị thấm đượm hồn quê chân chất (Nguồn: Internet)

1. Rau mặt trăng 

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Rau mặt trăng (chi Trâm, họ Đào kim cương) là loài thực vật thân gỗ vỏ nâu, cây trưởng thành có chiều cao dao động từ 3 – 4m. Lá của loại rau này thuộc dạng kép chẵn gồm 2 cặp lá thuôn dài như hình trái xoan úp ngược hoặc trăng lưỡi liềm. Phần lá non trên đỉnh cây có màu đỏ sẫm sặc sỡ, sau khi phát triển sẽ đổi dần sang màu xanh lục và đạt đến chiều dài 5 – 10cm, chiều rộng 2 – 3cm. Rau mặt trăng thường phân bổ chủ yếu tại các tỉnh Nam Bộ và có thể sinh trưởng tốt trên nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau.

Màu lá của rau mặt trăng
Rau mặt trăng có màu sắc phân tầng rõ rệt (Nguồn: Internet)

1.2. Hương vị đặc trưng của rau mặt trăng

Rau mặt trăng – loại rau rừng Tây Ninh đặc trưng được nhiều dân bản địa và du khách yêu thích nhờ vị chát nhẹ và hương thơm lừng tựa như lá mận (roi) – một thức quà dân dã của ngày hè. Khi ăn, hương vị của rau mặt trăng kích thích khứu giác và vị giác, đem đến chút nhẫn ở vòm họng nhưng không tạo ra cảm giác khó chịu cho người thưởng thức.

1.3. Tác dụng của rau mặt trăng với sức khỏe

Rau mặt trăng không chỉ đóng góp vào kho tàng ẩm thực vùng miền mà còn có công hiệu bồi bổ sức khỏe. Cụ thể:

    • Thanh nhiệt: Rau có tính hàn nên cung cấp độ ẩm cần thiết cơ thể, giúp bạn cảm thấy tươi mát, khoan khoái, hỗ trợ giảm bớt các triệu chứng sốt cao, cảm cúm, nóng trong người.
    • Nhuận tràng: Rau chứa hàm lượng chất xơ cao, giúp vi khuẩn đường ruột phát triển đa dạng, khỏe mạnh, tăng cường quá trình tiêu hóa, từ đó hỗ trợ nhuận tràng và điều trị táo bón.
  • Chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa trong rau giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác động tiêu cực của môi trường bên ngoài, giúp bạn có làn da khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt.

1.4. Cách thưởng thức rau mặt trăng

Bộ phận ăn được của rau mặt trăng nằm ở phần lá non mềm đỏ ửng ở đọt cây, trong khi phần lá già tương đối xơ cứng, đắng chát, không phù hợp để chế biến món ăn. Loại rau này xuất hiện cùng nhiều loại rau rừng khác trên những dĩa thịt ba chỉ luộc cuốn bánh tráng hay bánh xèo đẫm nhân. Vị chát dịu nhẹ của rau mặt trăng đã cân bằng hoàn hảo độ béo ngậy của thịt ba chỉ nhiều mỡ hay bánh xèo chiên rán nhiều dầu. Đồng thời, hương thơm thoang thoảng không dứt trong miệng đem đến cho thực khách trải nghiệm thú vị khó tả.

Rau mặt trăng ăn kèm bánh xèo
Rau mặt trăng ăn kèm bánh xèo giúp giảm bớt độ ngấy dầu đặc trưng (Nguồn: Internet)

2. Rau quế vị/ xá xị

2.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Rau quế vị (Limnophila rugosa, họ Hoa mõm sói) là loài thực vật thân thảo, có chiều cao dao động 10 – 50cm. Thân cây tròn, có lông tơ và tỏa ra hương tinh dầu hồi. Lá cây hình bầu dục mọc đối xứng với chiều dài 3 – 9cm, chiều rộng 1 – 5cm, mặt trên trơn nhẵn trong khi mặt dưới nhiều lông, mép lá răng cưa. Cụm hoa nhỏ tập trung trên ngọn cây có màu tím xanh, nang trong màu vàng, kết thành quả dạng trứng. Rau quế vị thường mọc rải rác ven nguồn nước tại các quốc gia nhiệt đới châu Á.

Cận cảnh hoa của rau quế
Rau quế vị thường ra hoa từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm (Nguồn: Internet)

2.2. Hương vị đặc trưng của rau quế vị

Nhắc đến rau rừng Tây Ninh không thể không kể đến rau quế vị. Rau quế vị có mùi thơm ngào ngạt tựa như nước ngọt xá xị nên còn có tên gọi khác là rau xá xị. Loại rau này có vị cay nồng, tác động mạnh mẽ đến đến vị giác của người thưởng thức cũng như để lại chút tê nóng ở đầu lưỡi. Càng nhai kỹ, bạn càng cảm nhận được hương xá xị hiện lên rõ ràng và quấn quýt vòm họng, đem đến mùi vị “độc nhất vô nhị” mà hầu như không loại rau nào có thể sánh bằng.

2.3. Tác dụng của rau quế vị với sức khỏe

Tại một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… rau quế vị được xem như một loại thảo dược dân gian hỗ trợ điều trị bệnh. Cụ thể:

    • Ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, tiểu đường: Theo các nghiên cứu, loại rau này có khả năng điều tiết hàm lượng axit béo, cholesterol trong máu, cải thiện tình trạng kháng insulin, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường.
  • Giảm hôi miệng, ngừa sâu răng: Tinh dầu của rau có thể giúp hơi thở của bạn trở nên thơm tho, dễ chịu, tiêu diệt các vi khuẩn có hại bám trên men răng.
  • Điều trị các bệnh đường hô hấp: Theo Đông y, rau quế vị có tính bình, vị cay nồng nên được sử dụng như một liều thuốc sắc giải nhiệt, giúp thuyên giảm các triệu chứng viêm họng, viêm phế quản, ho khan, cảm cúm…

2.4. Cách thưởng thức rau quế vị

Khi chế biến rau quế vị thành các món ăn ngon, bạn cần lưu ý chọn những phần lá xanh trơn, không có những lỗ nhỏ lốm đốm vàng (rau thiếu ánh sáng và nước). Bên cạnh đó, loài thực vật này thường được ăn kèm cùng nhiều đặc sản Tây Ninh như bánh canh, bánh xèo, bò tơ… Nếu chưa quen vị nồng của rau, bạn nên trụng sơ qua nước dùng nóng hổi của bánh canh Trảng Bàng. Khi ấy, vị nước dùng thanh đạm hòa quyện sâu sắc với hương xá xị phảng phất tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn.

Bánh canh Trảng Bàng ăn cùng rau quế vị
Món bánh canh Trảng Bàng chính gốc không thể thiếu vắng một dĩa rau quế vị (Nguồn: Internet)

3. Lá bứa

3.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Bứa (Garcinia oblongifolia, họ Măng cụt) là loài thực vật thân gỗ có chiều cao trưởng thành dao động 6 – 7m. Lá bứa mọc đối xứng, dạng thuẫn, chóp dài, mép nguyên, nhẵn bóng và có vài điểm mờ đục. Hoa đực mọc thành cụm ở nách lá trong khi hoa cái mọc đơn độc ở đỉnh hoặc kẽ lá. Quả khi chín có vỏ dày vàng ươm, chia thành các múi, thịt bên trong đỏ và mọng nước. Bứa hoang dã thường được ghi nhận trong rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh Đông Dương, nhất là tại Tây Ninh và An Giang.

Cận cảnh quả bứa
Thời gian bứa chín thường rơi vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa (Nguồn: Internet)

3.2. Hương vị đặc trưng của lá bứa

Lá bứa chua chua lạ miệng, tuy không đậm vị bằng me, chanh nhưng đem lại cảm giác thanh mát đến lạ. Nhấm nháp vài chiếc lá bứa, bạn có thể nhận thấy vị chua thanh từ từ lan tỏa khắp khuôn miệng chứ không vội vàng “tập kích” vị giác. Ngoài ra, lá bứa không có mùi nồng nên dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng thưởng thức khác nhau.

3.3. Tác dụng của lá bứa với sức khỏe

Bên cạnh hương vị đặc trưng, lá bứa còn có những tác dụng y khoa hữu ích đối với sức khỏe con người. Cụ thể:

    • Giảm béo, hỗ trợ ăn kiêng: Theo nghiên cứu của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, dịch chiết xuất lá bứa chứa hàm lượng axit hydroxycitric lành tính, có thể ứng dụng vào sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân.
  • Điều trị các bệnh đường ruột: Theo Đông y, lá bứa có tác dụng tiêu viêm, hạ nhiệt, thường được sử dụng để trị viêm loét dạ dày, tá tràng, tăng cường chức năng tiêu hóa.
  • Ngăn ngừa lão hóa: Lá bứa cung cấp lượng vitamin C cần thiết, bảo vệ làn da trước tác động của tia cực tím và môi trường ô nhiễm xung quanh, hạn chế các đốm nâu, tàn nhang, mụn nhọt.

3.4. Cách thưởng thức lá bứa

Nếu muốn thưởng thức lá bứa thơm ngon, bạn nên chọn phần lá non hồng hào, mềm mại tại ngọn cây, tránh phần lá già thô cứng và đắng chát. Du khách có thể ăn sống lá bứa cùng nhiều món đặc sản trứ danh Tây thành hoặc thái nhỏ để nấu canh chua. Vị thanh mát giúp món ăn bình dị, đơn sơ này tạo ra sự khác biệt so với canh chua me, canh chua khóm thường thấy. Theo kinh nghiệm, bạn nên nấu canh chua với các loài cá sông, cá suối để chất ngọt tự nhiên của cá kết hợp hài hòa với vị chua độc đáo của rau rừng.

Món canh chua lá bứa
Canh chua lá bứa đem đến vị ngon mới lạ cho hành trình khám phá ẩm thực (Nguồn: Internet)

4. Lá trâm ổi

4.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Trâm ổi là loài thực vật thân gỗ, có chiều cao khoảng 2 – 3m, thân cây vỏ nâu phân chia thành nhiều nhánh lá um tùm. Phần lá trưởng thành có màu xanh sẫm, dáng thuôn dài, đỉnh nhọn, mép nguyên và trơn láng. Mặt khác, phần lá non lại có màu nâu nhạt, tập trung ở khoảng 20 – 30cm đọt cây. Trâm ổi là loài ưa ẩm nên thường phân bố ven sông, kênh rạch, mương nước và cần được cung cấp lượng ánh sáng mặt trời vừa phải.

Cận cảnh lá trâm ổi
Lá trâm ổi chuyển giao giữa sắc nâu và xanh (Nguồn: Internet)

4.2. Hương vị đặc trưng của lá trâm ổi

Lá trâm ổi mang lại vị chát, nhẫn đắng gần giống với chuối chát. Món rau rừng này sẽ khó thưởng thức với một số thực khách khi lần đầu trải nghiệm. Tuy vậy, những ai “sành” ăn rau sống sẽ nhanh chóng làm quen với hương vị này và mê mẩn độ chát vương vấn trên đầu lưỡi, tôn thêm vị ngon tinh túy của những món ăn kèm.

4.3. Tác dụng của lá trâm ổi với sức khỏe

Lá trâm ổi là một trong những vị thuốc nam cổ truyền có hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao sức chống chịu của cơ thể. Cụ thể:

  • Thanh nhiệt: Lá cây có tình hàn, cung cấp độ ẩm, giải tỏa cơn nóng, đồng thời hỗ trợ trị những cơn sốt lâu không dứt và bệnh quai bị.
  • Tiêu viêm vết thương ngoài da: Lá trâm ổi giã nhuyễn có thể đắp lên vết thương, nơi lở loét hoặc vết rắn cắn để cầm máu, khử trùng, loại bỏ những độc tố có hại.

4.4. Cách thưởng thức lá trâm ổi

Theo kinh nghiệm, bạn nên lựa chọn những bó lá trâm ổi non có màu nâu bóng loáng, không bị sâu mọt để thưởng thức tròn vị món ngon. Đặc biệt, đây là món ăn kèm lý tưởng cùng bánh tráng thịt luộc. Món bánh tráng rau rừng Tây Ninh với vị chát đặc trưng của rau làm nổi bật hơn vị ngọt tự nhiên của thịt, để lại ấn tượng khó phai trong lòng thực khách. Nếu chưa quen với độ chát của lá trâm ổi, bạn có thể ăn cùng nhiều loại rau rừng khác để cân bằng lại hương vị.

Món bánh tráng cuốn rau rừng Tây Ninh
Bánh tráng thịt luộc ăn kèm lá trâm ổi làm say đắm bao du khách khi đến với Tây Ninh (Nguồn: Internet)

5. Rau sao nhái

5.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Rau sao nhái (Cosmos caudatus, chi cúc Tây) là loài thực vật thân thảo có chiều cao khoảng 0,3 – 3m. Thân cây thẳng đứng, phân nhánh rộng thành bụi và có màu xanh nhạt ánh tía. Lá sao nhái mọc so le, thuộc dạng kép ba lần tựa như hình ngọn giáo, cuống lá phát triển thành bẹ với chiều dài 10 – 20cm. Hoa của cây mọc đơn độc hoặc tập trung thành cụm ở đỉnh, màu hồng phớt, nhụy vàng và thường chia thành 7 – 8 cánh. Rau sao nhái phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới và rất được ưa chuộng tại Malaysia, Indonesia, Philippines…

Cận cảnh rau sao nhái
Rau sao nhái trong tiếng Malaysia là “ulam raja” – vua của các loại rau (Nguồn: Internet)

5.2. Hương vị đặc trưng của rau sao nhái

Khi thưởng thức, rau sao nhái mang đến vị chua chua, ngọt ngọt và một chút đắng nhẹ ở vòm họng. Độ đắng của rau không quá nồng, lấn át các hương vị khác nên dễ dàng cuốn hút nhiều tín đồ đam mê ẩm thực. Thêm vào đó, mỗi bộ phận thân, cành, lá của cây đều thoang thoảng hương xoài chín quyến rũ, gia tăng cảm giác thèm ăn.

5.3. Tác dụng của rau sao nhái với sức khỏe

Từ lâu, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra những tác dụng thần kỳ của rau sao nhái trong việc nâng cao sức khỏe con người. Cụ thể:

  • Ngăn ngừa nguy cơ loãng xương: Dịch chiết rau sao nhái có khả năng tăng lượng estrogen giúp duy trì mật độ xương và giảm thiểu khả năng loãng xương ở người cao tuổi, phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh.
  • Chống oxy hóa: Trong loại rau này chứa hơn 20 hoạt chất chống oxy hóa, nổi bật nhất là hàm lượng vitamin C dồi dào, hỗ trợ điều trị các vết thâm nám và bảo vệ làn da khỏi tia cực tím.
  • Tăng cường thị lực: Lá sao nhái chứa nhiều vitamin A, tăng cường sắc tố võng mạc và giúp mắt người hoạt động tốt trong môi trường ánh sáng yếu.

5.4. Cách thưởng thức rau sao nhái

Thông thường, người làm vườn sẽ thu hoạch những cành sao nhái non, mềm, vị chát vừa phải để cung cấp cho khách hàng. Dù vậy, phần lá già của cây vẫn có thể ăn được nhưng độ đắng sẽ rõ ràng hơn. Vị ngon chuẩn chỉnh của rau sao nhái nằm ở sự kết hợp với các món ăn dân dã như cá kho, thịt luộc, bánh canh, bánh xèo, lẩu mắm… Ngoài ra, loại rau rừng này còn có thể thay thế xoài, cóc, khế trong món gỏi bò tơ Tây Ninh bóp thấu. Chất ngọt của bò, độ mát của rau tạo nên một món khai vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng.

Gỏi bò tơ rau sao nhái đem đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo
Gỏi bò tơ rau sao nhái đem đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo (Nguồn: Internet)

6. Rau săng máu

6.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Săng máu (Horsfieldia amygdalina, họ Máu chó) là loài thực vật thân gỗ có thể đạt đến độ cao 25m, nhựa cây có màu đỏ như máu. Lá cây trơn nhẵn mang dạng phiến bầu dục thuôn, chiều dài 12 – 20cm, chiều rộng 3,5 – 6cm. Hoa mọc thành chùm thưa tại nách lá, phân chia thành hoa đực và hoa cái, bao phấn nhị hoa dính liền thành một khối, kết ra quả hình trứng, kích thước khoảng 2cm. Rau săng máu thường tập trung ven khe suối trong các cánh rừng thường xanh, rừng mưa nhiệt đới của Myanmar, Việt Nam, Thái Lan…

Chùm quả săng máu chín mọng
Chùm quả săng máu chín mọng trĩu nặng trên thân cây (Nguồn: Internet)

6.2. Hương vị đặc trưng của rau săng máu

Rau săng máu có vị đan xen hài hòa giữa chát và chua nên thường được ưu tiên ăn sống để giữ tròn hương vị tươi mát. Lá non giòn, mềm, tan nhanh trong miệng và để lại dư vị đặc trưng. Độ chát và chua của rau săng máu không quá nồng, lấn át vị ngon của các món ăn kèm mà trở thành yếu tố cốt lõi làm nổi bật chất thôn quê dân dã, bình dị.

6.3. Tác dụng của rau săng máu với sức khỏe

Rau săn máu vừa thơm ngon, vừa được sử dụng như một loại dược liệu quý. Cụ thể:

  • Điều trị ghẻ lở: Dịch chiết săng máu có khả năng ức chế hoạt động của ký sinh trùng gây ngứa, từ đó giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây ghẻ lở.
  • Giải độc gan: Rau săng máu cung cấp nguồn chất diệp lục dồi dào cho cơ thể con người, tăng cường hệ miễn dịch, giải trừ độc tố và ngăn ngừa nguy cơ gan nhiễm mỡ.

6.4. Cách thưởng thức rau săng máu

Để thưởng thức rau săng máu ưng ý, bạn nên lựa những bó lá non mềm, xanh nhạt, không bị dập nát hoặc xuất hiện những vết đốm lạ. Hương vị chát nhẹ, chua chua của loại rau rừng này có thể dùng để thay thế khế, chuối chát, xoài bào trên những mâm rau tập tàng ăn kèm món kho, món cuốn hấp dẫn. Nếu có dịp ghé thăm thị xã Trảng Bàng, bạn không nên bỏ lỡ món đặc sản thịt ba chỉ luộc cuốn rau săng máu. Cái chua, cái chát của rau đã phần nào giảm đi độ béo ngậy của mỡ, giúp trải nghiệm ẩm thực thêm trọn vẹn.

Thịt ba chỉ luộc cuốn rau săng máu
Thịt ba chỉ luộc cuốn rau săng máu vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng

7. Bí bái

7.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Bí bái (Acronychia pedunculata, họ Bưởi bung) là loài thực vật thân gỗ có chiều cao khoảng 5 – 10m, vỏ cây màu nâu đỏ và thơm mùi xoài. Lá bí bái mọc đối xứng, không lông, có dáng thuôn nhọn, cuống lá phù ở hai đầu. Hoa của cây có màu trắng xanh tập trung thành cụm ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả hạch hình cầu, khi chín chuyển dần sang màu vàng cam, vị ngọt nhạt và có thể ăn được. Bí bái thường được tìm thấy trong rừng thứ sinh, rừng cây bụi tại các nước Đông Dương và Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Cành cây bí bái xum xuê
Cành cây bí bái xum xuê quả nhỏ trong những tháng mùa mưa (Nguồn: Internet)

7.2. Hương vị đặc trưng của bí bái

So với các loại rau rừng Tây Ninh khác, lá bí bái có vị ngọt, cay và phảng phất hương xoài thơm dịu nhẹ. Những hương vị tưởng chừng xung đột nhau này lại trở thành gia vị xuất sắc cho nhiều món ngon của mảnh đất Tây Ninh. Thưởng thức những chiếc lá bí bái tươi non sẽ giúp bạn cảm nhận một “bữa tiệc” vị giác ngay trong khoang miệng, lúc thì tê cay đầu lưỡi, lúc thì ngọt thanh tự nhiên.

7.3. Tác dụng của bí bái với sức khỏe

Trong dân gian, lá bí bái thường được đem đi nấu nước tắm, giã nhuyễn hoặc sắc thuốc để chữa một số chứng bệnh phổ biến. Cụ thể:

  • Giảm đau xương khớp: Nghiên cứu của Đại học Sri Jayewardenepura (Sri Lanka) cho biết chiết xuất bí bái có khả năng chống oxy hóa và ức chế NO. Evolitrine, giúp giảm đau thấp khớp, thoát vị đĩa đệm.
  • Điều trị cảm mạo: Tinh dầu bí bái có hoạt tính kháng khuẩn mạnh, bảo vệ cơ thể khỏi những loại virus gây bệnh cảm cúm, làm thuyên giảm các triệu chứng sổ mũi, sốt cao, đau họng…
  • Ngăn ngừa bệnh dạ dày: Bổ sung lá bí bái vào thực đơn hằng ngày giúp kích thích tiêu hóa, giảm đầy hơi, chướng bụng và đảm bảo dạ dày hoạt động tốt.

7.4. Cách thưởng thức bí bái

Vị ngon đúng điệu của lá bí bái nằm ở những chồi lá non mềm, xanh mướt, đem lại vị ngọt thanh, cay nhẹ và mùi xoài đặc trưng. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp loại rau rừng này tại các hàng quán đặc sản như bò tơ, bánh tráng, bánh xèo… trong đó phải kể đến bò tơ nướng ăn kèm lá bí bái. Thịt bò ngọt tự nhiên, mềm dai vừa phải, thơm mùi sữa tươi nên không cần ướp nhiều gia vị. Nhờ vậy, rau bí bái thành công gia tăng hương vị đậm đà của món ăn mà không phá vỡ vị ngon sẵn có.

Bò tơ nướng ăn kèm lá bí bái
Bò tơ nướng ăn kèm lá bí bái tạo nên sự kết hợp mới mẻ (Nguồn: Internet)

8. Chòi mòi/ chùm mồi

8.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Chòi mòi (Antidesma ghaesembilla, họ Diệp hạ châu) là loài thực vật thân gỗ cao khoảng 3 – 8m, cành và nhánh có dạng cong, màu xám nhạt, phủ một lớp lông tơ. Phiến lá cây có hình bầu dục tròn, hình thoi hẹp hoặc trái tim, mặt trên trơn nhẵn, mặt dưới có lông mịn. Cụm hoa chòi mòi mọc ở ngọn và nách lá gồm 3 – 8 bông, hầu như không có cuống, kết thành quả tròn, khi chín chuyển dần sang màu đỏ và đen. Loài cây này ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc dại ven rừng thưa trên khắp cả nước.

Cận cảnh cây chòi mòi
Cận cảnh các đặc điểm sinh học của cây chòi mòi (Nguồn: Internet)

8.2. Hương vị đặc trưng của chòi mòi

Lá chòi mòi có vị chua gắt, không nồng mùi thảo mộc, có thể ăn sống, luộc hoặc chế biến thành gia vị độc đáo, tiếp cận được nhiều đối tượng thực khách. Khi thưởng thức, loại rau rừng này đọng lại chút vị chát nhẹ trong miệng nhưng không gây ảnh hưởng đến tổng thể thơm ngon của món ăn.

8.3. Tác dụng của chòi mòi với sức khỏe

Các báo cáo khoa học và tài liệu Đông y đã ghi nhận một số công dụng trị bệnh nổi bật của lá chòi mòi. Cụ thể:

  • Tăng lượng sữa mẹ: Loại rau này có khả năng bổ huyết, thúc đẩy tuần hoàn máu và gia tăng lượng sữa tiết ra trong thời kỳ cho con bú.
  • Đắp ngoài chữa đau đầu: Lá cây giã nhuyễn chứa các hợp chất kháng khuẩn, chống oxy hóa nên có thể hỗ trợ thuyên giảm chứng đau đầu.
  • Điều tiết kinh nguyệt: Dịch chiết chòi mòi có tác dụng giảm lượng đường huyết có trong máu, kiểm soát nồng độ insulin và điều trị rối loạn kinh nguyệt.

8.4. Cách thưởng thức chòi mòi

Khi thu hoạch, người làm vườn ưu tiên cắt những đọt chòi mòi xanh non, lá mềm và không bị sâu bệnh tác động. Do có hương vị chua gắt và chát nhẹ, loại rau rừng này thường được dùng để nấu canh chua, ăn sống kèm món kho, món cuốn hoặc giã với muối để tạo thành món chấm lạ miệng. Độ tươi mát của rau cũng rất thích hợp để cuốn cùng bánh xèo để cân đối lại độ béo ngậy nước cốt dừa, nhân thịt mỡ hay dầu chiên rán.

Bánh xèo rau rừng Tây Ninh, cụ thể là ăn kèm cùng rau chòi mòi
Chòi mòi là loại rau không thể thiếu tạo nên món bánh xèo Tây Ninh chuẩn vị (Nguồn: Internet)

9. Rau cách/ lá cách

9.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Rau cách (Premna serratifolia, họ Cỏ roi ngựa) là loài thực vật thân gỗ nhỏ cao khoảng 2 – 7m, một số cá thể mọc dựa vào các cây gỗ lớn như dây leo, đôi khi có gai. Lá cách có hình trái xoan bầu dục, đầu lá tù hoặc nhọn, cuống lá hơi tròn, chiều dài 10 – 16cm, rộng 5 – 10cm, mặt dưới phủ lông tơ. Hoa mọc nhiều thành ngù ở đầu cành, có màu trắng xanh, kết quả hạch nhỏ bằng hạt đậu, khi chín chuyển dần sang màu đen nhạt. Rau cách thường mọc dại khắp các vùng nhiệt đới từ Ấn Độ, Đông Nam Á đến châu Úc.

Cận cảnh rau cách
Rau cách tươi ngon có thể thu hoạch quanh năm (Nguồn: Internet)

9.2. Hương vị đặc trưng của rau cách

Rau cách có vị đắng, mùi hắc nên có thể khó thưởng thức với một số người. Tuy nhiên, chính yếu tố ấy cũng khiến loại rau rừng này trở nên đặc biệt, dễ gây “nghiện” nếu trót quen dần với độ đắng, độ thơm nồng đặc trưng. Nhai kỹ vài chiếc lá cách non, bạn sẽ nhận thấy chút nhẫn ở hậu vị, khoang miệng thơm tho và cảm giác khoan khoái, mát mẻ.

9.3. Tác dụng của rau cách với sức khỏe

Dù chỉ là một loài cây mọc hoang dã nhưng rau cách sở hữu giá trị dược liệu đáng ngạc nhiên. Cụ thể:

  • Bảo vệ gan: Rau cách chứa thành phần ethanol giúp khử độc, kích thích sự phát triển của tế bào gan, từ đó giảm các biến chứng mệt mỏi và vàng da gây ra bởi bệnh viêm gan B.
  • Thanh nhiệt, giải độc: Lá rau có tính hàn cao nên có khả năng ngăn ngừa tình trạng nóng trong người, giải rượu, nhiệt miệng, nổi mụn nhọt…
  • Điều hòa huyết áp: Lá cách được xem như bài thuốc dân gian hữu hiệu để tăng lưu thông máu, đưa huyết áp về mức ổn định và cải thiện giấc ngủ, làm dịu tinh thần.

9.4. Cách thưởng thức rau cách

Rau cách càng già sẽ càng đắng, chát và xơ cứng, do đó, bạn chỉ nên chọn những bó lá non, mềm, không bị côn trùng, sâu mọt đục lỗ. Loại rau rừng này thường được ăn sống cùng bánh tráng cuốn, bánh xèo để gia tăng hương vị món ăn. Bạn cũng có thể luộc rau cách với nhiều loại rau tập tàng hoặc um lươn để hạn chế mùi hắc nồng và vị đắng chát. Món lá cách um lươn có độ béo ngậy của nước cốt dừa, đậu phộng giòn tan, độ săn chắc của thịt lươn đồng vàng ươm và chút nhẫn còn sót lại của rau rừng trứ danh.

Món lá cách um lươn
Lá cách um lươn là món đặc sản nổi tiếng của Nam Bộ (Nguồn: Internet)

10. Đọt sộp/ trâu cổ

10.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Đọt sộp (Ficus pisocarpa, họ Dâu tằm) là loài thực vật thân gỗ có chiều cao khoảng 5 – 6m, cây lâu năm lên đến 10 – 15m, vỏ cây xù xì, có thể mọc rễ thứ sinh. Lá đọt sộp thuộc dạng đơn so le, hình trái xoan, đỉnh nhọn, dài 5 – 10cm, rộng 3 – 5cm. Phần lá non thường có màu đỏ tím, sau chuyển dần sang hồng nhạt và xanh. Cụm hoa mọc trên thân cây, dạng nón ngược, gần như không cuống, kết quả nhỏ như sung, vị chát và ăn được. Đọt sộp thích nghi tốt với đất giàu mùn, tơi xốp, dễ nhân giống và uốn tỉa, tập trung phổ biến ở Nam Bộ.

Cận cảnh lá non đọt sộp
Lá non đọt sộp có màu đỏ tím đặc thù (Nguồn: Internet)

10.2. Hương vị đặc trưng của đọt sộp

Đọt sộp vừa được chăm sóc như cây cảnh phong thủy, vừa có thể sử dụng như một loại thực phẩm. Lá cây có vị chua chua, chát chát lạ miệng, phù hợp với khẩu vị nhiều người. Khi thưởng thức một cách từ tốn, độ chua chát của đọt sộp dần rõ ràng hơn, để lại dư vị thanh mát trong cổ họng và gây ấn tượng với nhiều thực khách.

10.3. Tác dụng của đọt sộp với sức khỏe

Nhiều lời truyền miệng dân gian đã chứng thực cho công dụng y học của đọt sộp. Cụ thể:

  • Điều trị bướu cổ: Lá đọt sộp có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, ức chế các tế bào ác tính và ngăn ngừa sự phình to của bướu cổ (liều lượng dùng cần có sự tư vấn của bác sĩ Đông y).
  • Tiêu thũng, giải độc: Loại rau này có tính mát nên thường được sử dụng để chữa viêm khớp, nhức mỏi tay chân, giải bỏ độc tố trong gan, trong máu.

10.4. Cách thưởng thức đọt sộp

Bộ phận ăn được của đọt sộp nằm ở phần lá non đỏ tím hoặc hồng nhạt, có độ mềm và hương vị chua chát vừa phải. Bạn có thể thưởng thức đọt sộp cùng với bánh xèo đẫm nhân, nhúng lẩu mắm thơm ngon hoặc chấm cùng các món kho trên mâm cơm gia đình hằng ngày. Đặc biệt, người miền quê ưa chuộng vị ngọt tự nhiên của sản vật đồng ruộng như cá, tép rong, ếch, nhái… ăn kèm với rau rừng tươi mát và “hòa tấu” nên chất mộc mạc, dân dã tự bao đời nay.

Đọt sộp được chấm cùng các món cá kho
Đọt sộp thường được chấm cùng các món cá kho đậm vị (Nguồn: Internet)

11. Lá trâm sắn

11.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Trâm sắn (Syzygium cinereum, họ Sim) là loài thực vật thân gỗ, khi trưởng thành có thể cao đến 15 – 20m, đường kính thân cây khoảng 30 – 50cm. Lá có dạng trái xoan, đầu nhọn, đuôi nêm, mép nguyên, dài 5 – 8cm, rộng 2 – 3,5cm. Hoa trâm sắn thuộc loại lưỡng tính, màu trắng xanh, phấn trắng, nhị nhiều, tập trung ở nách lá. Quả cây hình cầu, kích thước khoảng 1cm, khi chín chuyển sang màu đỏ tím, vị chát và ăn được. Trâm sắn thường mọc ven sông suối trong rừng và phân bổ chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Cận cảnh trâm sắn sai trĩu quả
Trâm sắn thường sai trĩu quả chín vào độ tháng 8 hằng năm (Nguồn: Internet)

11.2. Hương vị đặc trưng của lá trâm sắn

Lá trâm sắn có vị hàn the, đắng, chát và tỏa ra hương thơm tinh dầu thoang thoảng. Hương vị nồng nàn của loại rau này nhanh chóng kích thích vị giác của người thưởng thức. Những ai lần đầu ăn thử lá trâm sắn có thể cảm thấy không quen, nhưng sẽ nhanh chóng thích thú với độ đắng chát hài hòa của món quà quý được thiên nhiên ban tặng.

11.3. Tác dụng của lá trâm sắn với sức khỏe

Hàm lượng dinh dưỡng trong trâm sắn được đánh giá khá cao, có thể áp dụng trong y học cổ truyền. Cụ thể:

  • Hỗ trợ trị các bệnh đường hô hấp: Vị hàn the của lá trâm sắn hỗ trợ giảm nhẹ tình trạng viêm phế quản, hen suyễn, đau họng…
  • Nhuận tràng: Chất xơ trong lá giúp tăng cường hoạt động của ruột già, điều trị rối loạn tiêu hóa, cải thiện tình trạng táo bón, ăn không tiêu.

11.4. Cách thưởng thức lá trâm sắn

Lá trâm sắn thơm ngon nằm ở những chồi non, phiến lá xanh nhạt, mềm, mỏng, không bị úa vàng do tác động của thời tiết hoặc sâu bệnh. Bạn có thể ăn sống trực tiếp loại rau rừng này cùng các món bánh xèo, bánh tráng cuốn, thằn lằn núi… để tăng độ đậm đà của món ăn. Ngoài ra, lá trâm sắn có thể cuốn cùng thịt bò tơ Tây Ninh hấp mềm, ngọt thanh, da giòn sần sật, đồng thời điểm thêm chút chát, đắng và the mát. Nhờ vậy, món bò tơ cuộn rau rừng Tây Ninh là món ăn hấp dẫn được nhiều du khách săn đón.

Bò tơ Tây Ninh hấp cuốn lá trâm sắn chấm cùng mắm nêm
Bò tơ Tây Ninh hấp cuốn lá trâm sắn chấm cùng mắm nêm chua ngọt (Nguồn: Internet)

12. Đọt mọt/ lá lụa/ cây mót

12.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Đọt mọt (Cynometra ramiflora, họ Đậu) là loài thực vật thân gỗ, cây trưởng thành cao đến 15 – 30m. Lá đọt mọt thuộc dạng kép chẵn, lúc non có màu trắng vàng phơn phớt, sau chuyển dần sang hồng và xanh, hình lưỡi liềm, dài 5 – 10cm, rộng 2 – 4,5cm, rũ xuống như những tấm vải lụa. Cây có những chùm hoa ngắn ở nách lá, kết quả nâu, kích thước khoảng 2 – 3cm, bề mặt xù xì. Ở Việt Nam, đọt mọt thường mọc dại trong rừng ngập mặn, rừng nước lợ hoặc ven nguồn nước.

Cận cảnh lá đọt mọt
Lá đọt mọt rũ xuống như những thước vải lụa mượt mà nên còn được gọi là lá lụa (Nguồn: Internet)

12.2. Hương vị đặc trưng của đọt mọt

Lá đọt mọt là sự hòa quyện tinh tế của giữa vị chua ngọt và chút chát nhẹ đặc trưng của rau rừng nên được nhiều dân bản địa và du khách ưa chuộng. Hương vị rau nhẹ nhàng, mát mẻ, giúp thanh nhiệt khoang miệng trong những ngày nắng oi ả của vùng Đông Nam Bộ. Vị chua ngọt của đọt mọt hứa hẹn đọng lại dấu ấn khó quên trong chuyến hành trình khám phá ẩm thực của bạn.

12.3. Tác dụng của đọt mọt với sức khỏe

Một số tài liệu chính thống đã chứng minh công hiệu chữa trị hữu ích của đọt mọt với một số chứng bệnh nguy hiểm. Cụ thể:

  • Tiềm năng chống ung thư: Nghiên cứu của Bangladesh cho biết chiết xuất đọt mọt có tác dụng chống lại các tế bào ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết.
  • Giảm đường huyết: Thực nghiệm trên loài chuột chỉ rõ lá đọt mọt hỗ trợ giảm lượng đường glucose trong máu sau khi ăn.
  • Kháng khuẩn: Chất tanin và saponin trong lá đọt mọt có hoạt tính kháng khuẩn từ mức trung bình trở lên, giúp điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ, nấm, mề đay…

12.4. Cách thưởng thức đọt mọt

Để thưởng thức món ngon như ý, bạn nên chọn lọc những ngọn đọt mọt non, màu trắng vàng, mềm mịn như nhung và rửa sạch bụi bẩn. Loại rau này thường ăn sống cùng bánh xèo, bánh tráng cuốn, cá kho tộ hoặc trụng sơ cùng lẩu mắm cá linh, cá sặc, cá chốt… Người dân Nam Bộ thường đùa rằng cứ đến mùa đọt mọt thay lá mới, nhà nhà lại tất bật đổ bánh xèo ăn kèm để lưu giữ vị chua ngọt mê mẩn của thức quà này.

Bánh xèo cuốn rau đọt mọt
Bánh xèo cuốn rau đọt mọt tô điểm nét đẹp của ẩm thực truyền thống (Nguồn: Internet)

13. Đọt choại/ rau choại/ rau chạy

13.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Đọt choại (Stenochlaena palustris, họ Dương xỉ) là loài thực vật dây leo, có thể trưởng thành đến 25 – 30m. Cành non uốn cong và cuộn chặt thành nhiều vòng, dài 40 – 50cm, khi phát triển sẽ tháo vòng dần, cành già hóa xơ, bền dai, chịu nước. Lá cây thuộc dạng kép lông chim, mọc so le ngắt quãng, dài 7 – 20cm, mép lá răng lược, lá non uốn cong và có màu nâu vàng (còn gọi là lá sinh sản hoặc lá bào tử). Đọt choại sinh sống chủ yếu ven mương nước, ao hồ tại Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Cận cảnh ngọn rau đọt choại
Cận cảnh hình dáng kỳ lạ của ngọn rau đọt choại (Nguồn: Internet)

13.2. Hương vị đặc trưng của đọt choại

Đọt choại được mệnh danh là “lộc trời” vùng sông nước bởi hương vị thơm ngon, khó nhầm lẫn với bất kỳ loại rau rừng nào. Ban đầu, vị của rau thiên đắng, chát, nhưng càng nhai lâu càng tiết ra vị bùi bùi và ngọt thanh tự nhiên. Bên cạnh đó, loại rau này có độ nhớt đặc trưng tương tự đậu bắp nên mang đến trải nghiệm bon miệng, khá thú vị khi thưởng thức.

13.3. Tác dụng của đọt choại với sức khỏe

Đọt choại được xem như một vị thuốc dân gian hữu hiệu, chữa được một số bệnh lý thông thường. Cụ thể:

  • Tăng lưu thông máu: Đọt choại giàu chất sắt nên giúp sản sinh huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu, tăng cường quá trình vận chuyển oxy đến cơ thể.
  • Chống oxy hóa: Bã rau giã nhuyễn chứa vitamin A, vitamin C nên có thể đắp lên da để trị các bệnh da liễu và giảm tốc độ lão hóa.
  • Tăng cường sức đề kháng: Chất dinh dưỡng trong đọt choại giúp nâng cao hệ miễn dịch và hỗ trợ trị cảm cúm, sốt cao…

13.4. Cách thưởng thức đọt choại

Phần rau choại ngon nhất nằm ở đọt lá gần gốc cây, có độ mềm và giòn vừa phải, bạn nên cắt khoảng 10 – 20cm tính từ ngọn cây trở xuống để chế biến món ăn. Loại rau rừng này thường xuất hiện trong các mâm rau tập tàng chấm mắm kho, tương bần, cuốn bánh tráng, bánh xèo hay nhúng cùng lẩu mắm miền Tây. Ngoài ra, đọt choại xào bò tơ thơm lừng là món ăn cực kỳ đưa cơm, tạo nên sự giao thoa diệu kỳ giữa hai sản vật quý giá.

Món đọt choại xào bò tơ thơm ngon
Thích thú với món đọt choại xào bò tơ thơm ngon, hấp dẫn (Nguồn: Internet)

14. Lá lộc vừng/ lá chiếc (phân bổ ở Đông Nam Bộ)

14.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Lộc vừng (Barringtonia acutangula) là một loài thực vật thân gỗ lâu năm cao khoảng 5 – 15m, đường kính dao động 40 – 80cm. Lá cây mang hình dáng trái xoan hoặc mác ngược, dài 8 – 12cm, rộng 4 – 5cm, mép lá có răng cưa nhỏ. Chồi lộc vừng non thường có màu đỏ hồng, sau mới phát triển thành màu xanh lục. Các chùm hoa đỏ hoặc trắng dài 30 – 50cm, bên ngoài có lông, nhị nhiều, quả hình bầu dục. Hiện nay, lộc vừng phân bố rộng rãi từ Hòa Bình đến Bình Dương và thuộc bộ cây cảnh tứ quý sanh – sung – tài – lộc.

Cận cảnh cây lộc vừng
Hoa lộc vừng thường nở rộ vào tháng 6, tháng 7 hằng năm (Nguồn: Internet)

14.2. Hương vị đặc trưng của lá lộc vừng

Không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, lá lộc vừng còn được dùng làm rau sống, nấu canh, trộn gỏi với vị chát nhẹ, lôi cuốn tâm hồn của những người yêu thích ẩm thực. Độ chát của rau chỉ thoáng qua phút chốc nhưng vẫn để lại dư vị nhẫn đắng ở cuống họng, không nồng nhưng đủ lôi cuốn thực khách.

14.3. Tác dụng của lá lộc vừng với sức khỏe

Theo nghiên cứu của y học hiện đại và cổ truyền, nhiều bộ phận của lộc vừng đều có khả năng thuyên giảm triệu chứng bệnh. Trong đó, phần lá có tác dụng:

  • Nhuận tràng: Loại rau này chứa nhiều chất xơ nên có khả năng kích thích hoạt động tiêu hóa, hỗ trợ điều trị tiêu chảy, táo bón, kiết lỵ.
  • Chống viêm, cầm máu: Nhờ thành phần tanin, bạn có thể dùng bã lá lộc vừng để đắp vào các vết thương hở để phòng chống viêm nhiễm và cầm máu.

14.4. Cách thưởng thức lá lộc vừng

Lá lộc vừng già khá dày, nhiều xơ và vị chát nặng, do đó, bạn chỉ nên chọn lựa chồi non đỏ hồng vừa hé lá để thưởng thức. Loại rau này thường xuất hiện trên mâm cơm gia đình để chấm cùng các món kho quẹt mặn mà hay bát mắm nêm chua ngọt. Cầu kỳ hơn, người miền quê còn ăn kèm lá lộc vừng với bánh xèo hay gỏi cá. Đặc biệt, món gỏi cá trộn lộc vừng được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị tươi mát, vừa chua, vừa chát, kích thích cảm giác thèm ăn của thực khách.

Gỏi cá ăn cùng lộc vừng và các loại rau rừng
Gỏi cá ăn cùng lộc vừng và các loại rau rừng có hương vị thơm ngon khó cưỡng (Nguồn: Internet)

15. Lá cóc (phân bổ ở Đông Nam Bộ)

15.1. Đặc điểm sinh trưởng và nhận dạng

Cóc (Spondias dulcis, họ Xoài) là loài thực vật thân gỗ, cây trưởng thành có độ cao khoảng 9 – 12m, cành giòn dễ gãy. Lá cóc thuộc dạng kép đối xứng, hình thuôn tròn, dài 6 – 10cm, mép lá răng cưa. Hoa của cây có màu trắng, mọc thành chùm với chiều dài có thể lên đến 30cm, kết thành quả hạch, hình trứng, thịt quả chua ngọt. Loại rau rừng này phân bố rộng tại Đông Nam Bộ và khắp cả nước nhờ khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và chống chịu được nhiều loại sâu bệnh độc hại.

Cận cảnh lá cóc
Lá cóc là sản vật phổ biến tại vùng nhiệt đới nóng ẩm (Nguồn: Internet)

15.2. Hương vị đặc trưng của lá cóc

Lá cóc có vị chua, mùi thơm, hậu vị chát nhẹ nên được nhiều người yêu thích và áp dụng vào chế biến món ăn. Độ chua của lá không mạnh như thịt quả nhưng đem lại cảm giác thanh mát, sảng khoái trong khoang miệng. Hơn hết, hương vị của loại rau rừng này có thể giảm vị tanh của thịt cá và làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.

15.3. Tác dụng của lá cóc với sức khỏe

Bên cạnh giá trị ẩm thực, lá cóc còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người. Cụ thể:

  • Nhuận tràng: Hàm lượng chất xơ trong loại rau này giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, cải thiện tình trạng táo bón, ăn không tiêu.
  • Điều trị viêm mũi dị ứng: Lá cóc chứa nhiều vitamin C giúp kháng viêm, kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng và đẩy nhanh tốc độ hồi phục của người bệnh.

15.4. Cách thưởng thức lá cóc

Bộ phận ngon nhất của loại rau rừng này nằm ở những đọt cóc xanh tươi bao gồm cả lá và cọng. Cọng non thường có độ giòn và vị chua đậm đà hơn, thích hợp để cuốn kèm bánh tráng phơi sương dẻo dai hay bánh xèo thơm lừng. Bên cạnh đó, lá cóc còn là nguyên liệu tuyệt hảo trong món canh chua cá đồng, giúp giảm đi mùi tanh vốn có của thủy sản nước ngọt và tạo nên độ chua thanh tao cho nước dùng.

Món canh chua lá cóc
Canh chua lá cóc giúp giải nhiệt trong những ngày hè oi ả (Nguồn: Internet)

Bánh canh, bò tơ, bánh tráng, bánh xèo… đã khéo léo tôn tạo nên một nền ẩm thực đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, nếu những món ngon này chỉ đơn độc mà không ăn kèm rau rừng Tây Ninh thì khó lòng gây tiếng vang với du khách thập phương. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về đặc điểm, công dụng, hương vị của 15 loại rau rừng nổi bật. Đừng quên thưởng thức món đặc sản này nếu có dịp ghé thăm vùng đất Thánh nhé!

:

Other News