Khám phá “Đệ Nhất Thiên Sơn” tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh

Dừng chân ghé lại vùng “đất thánh”, du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh thấp thoáng giữa những tầng mây bảng lảng và rừng cây ngút ngàn. Công trình ấn tượng này thực chất có tên gọi là tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, đặt trang trọng trên đỉnh núi Bà – một điểm nhấn thu hút khách tham quan trên hành trình khám phá Tây Ninh đầy bất ngờ.

Công trình tuyệt tác tượng Phật núi Bà Đen
Chiêm ngưỡng công trình tuyệt tác tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh

1. 5 thông tin tổng quan về tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh 

Để đạt được dáng dấp bề thế như hiện tại, tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh đã trải qua quá trình xây dựng công phu và được đầu tư sáng tạo về mặt thẩm mỹ. Trước khi đi vào chiêm ngắm thành tựu này, hãy cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử hình thành, hình tượng nguyên mẫu, kiến trúc thiết kế, những kỷ lục đáng kinh ngạc và ý nghĩa sâu sắc của công trình.

1.1. Lịch sử hình thành 

Nhận thấy tiềm năng phát triển văn hóa du lịch đầy triển vọng tại “đệ nhất thiên sơn” Nam Bộ, Tập đoàn Sun Group đã ấp ủ nhiều dự án kiến trúc độc đáo, trong đó có tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh. Tượng Phật núi Bà Đen ngự trên đỉnh “nóc nhà Đông Nam Bộ” thuộc khu vực trung tâm của tỉnh Tây Ninh. Qua bàn tay nghệ thuật tài hoa của nhà điêu khắc Phạm Bá Đua và các đồng nghiệp, công trình đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động từ đầu năm 2021 nhân dịp Tết Nguyên Đán.

1.2. Hình tượng nguyên mẫu

Nguyên mẫu tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh lấy cảm hứng từ hình tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Theo kinh điển Phật giáo và quan niệm của người xưa, Quán Thế Âm là sự tồn tại thánh thuần và thiêng liêng. Ngài đại diện cho lòng từ bi hỷ xả, trí óc mẫn tuệ, khả năng biến hóa khôn lường và tinh thần bác ái cứu khổ, cứu nạn.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã tìm đến nhiều ngôi chùa phía Bắc và tham khảo các mẫu tượng Quán Thế Âm quý giá trong kho tàng bảo vật quốc gia. Đặc biệt, một trong 40 bức tượng Phật cổ xưa đặt tại khu di tích quốc gia Bổ Đà Sơn, tỉnh Bắc Giang đã trở thành cảm hứng then chốt cho thiết kế và tên gọi sau cùng của tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.

Các pho tượng Quán Thế Âm được trưng bày tại đại sảnh
Hình tượng Quán Thế Âm còn được thể hiện qua các pho tượng trưng bày tại đại sảnh dưới chân tượng Phật

Không phụ thuộc vào bất kỳ mẫu mã cứng nhắc nào, điểm sáng tạo độc đáo của tượng Phật là biết chắt lọc những tinh túy trong hoa văn, phục sức, áo mũ, tư thái. Từ đó, công trình vừa đảm bảo quy thức tạc tượng trong tín ngưỡng tôn giáo, vừa chuyển tải đầy đủ hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ, đại bi.

1.3. Kiến trúc chủ đạo

Tượng Phật núi Bà Đen gây ấn tượng với chiều cao 72m và đúc từ 170 tấn đồng đỏ. Công trình khơi gợi về kiến trúc của tượng Phật nhà Lê – thời kỳ nổi tiếng bởi kỹ thuật chế tác điêu luyện, họa tiết phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Gương mặt Phật Bà được tạc tạo đầy đặn, tròn trịa, trán điểm tuệ nhãn, tỏa ra khí khái nhân hậu, đức hạnh hiền từ.

Đặc biệt, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đội vương miện khắc họa hoa văn Đức Phật A Di Đà nhằm tôn vinh giáo lý mẫn tuệ của phái thiền tu, đồng thời phân biệt với khăn trùm đầu phổ biến ở các tượng Phật Trung Quốc.

Cận cảnh hoạ tiết trên phần đầu tượng Phật
Cận cảnh họa tiết sống động trên phần đầu tượng Phật

Thông thường, tòa sen dưới chân tượng ở nhiều quốc gia chỉ được làm trơn hoặc đơn giản tô vẽ bằng những đường chỉ hoa. Ngạc nhiên thay, vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng của hoa sen Việt được nghệ nhân vận dụng tối đa với tạo hình đám mây và ba giọt nước, mang ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa.

Kết hợp với khối đế bốn tầng có kiến trúc đồng tâm, thu nhỏ dần khi lên cao, tượng Phật núi Bà Đen như được nâng đỡ trên một đài sen khổng lồ đang nở rộ khoe sắc. Xung quanh tượng là tứ đại thiên vương, mỗi vị trông nom một phương trời, bảo hộ chúng sinh.

Tượng Phật được nâng đỡ trên đài sen khổng lồ
Tượng Phật như được nâng đỡ trên đài sen khổng lồ

Trái với vẻ cổ kính bên ngoài, thiết kế dưới chân tượng Phật được trang hoàng hiện đại với khu triển lãm Phật giáo rộng hơn 4.000 mét vuông gồm 4 tầng riêng biệt. Tại đây, du khách được trải nghiệm không gian nghệ thuật sống động qua các công nghệ tiên tiến như 3D mapping, hologram và các phiên bản mô phỏng tác phẩm Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới.

Quang cảnh dưới chân tượng Phật Bà
Quang cảnh dưới chân tượng Phật Bà
Tại khu triển lãm dưới chân tượng Phật là không gian nghệ thuật ấn tượng
Không gian nghệ thuật ấn tượng tại khu triển lãm dưới chân tượng Phật

1.4. Kỷ lục được xác lập 

Vào đúng 02:02:02 ngày 22/02/2022, tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức trao bằng xác nhận kỉ lục Châu Á “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi”. Đồng thời, tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng tự hào công nhận đây là “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi”.

Để đạt được hai kỷ lục đáng kinh ngạc trên, đội ngũ nhân công đã vận dụng tài tình công nghệ gia công cơ khí áp lực cao đến từ châu Âu, hoàn thiện việc tạo tác bức tượng Phật Bà cao 72m trên đỉnh thiên sơn cách mặt nước biển 986m.

1.5. Ý nghĩa công trình tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh

1.5.1. Giá trị văn hóa – tinh thần

Tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh chính là một công trình biểu tượng đậm chất văn hóa – tinh thần. Nét văn hóa đặc sắc thể hiện ở hình tượng nguyên mẫu Bồ Tát Quán Thế Âm khắc họa từ kiến trúc tượng Phật Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là thời nhà Lê. Tượng Phật hướng tầm mắt từ trên cao bao quát cả vùng đất như đang ban phát phước lành, trở thành điểm tựa tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là nơi du khách và Phật tử tứ phương hội ngộ để tìm lại sự an yên, thanh thản sau những thăng trầm của cuộc sống thường nhật.

Chiêm ngưỡng tượng Phật từ hai bên cầu thang ở cự ly gần
Du khách đến chiêm ngắm tượng Phật ở cự ly gần từ hai bên cầu thang

Khắc sâu giá trị văn hóa – tinh thần to lớn ấy, mỗi du khách khi đến tham quan tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cần phải có ý thức giữ gìn và bảo tồn vẻ đẹp của công trình. Hòa thượng Thích Niệm Thới – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh trịnh trọng tuyên bố: “Trong tương lai, công trình sẽ là di sản kế thừa cho con cháu và sẽ trường tồn với thời gian”.

1.5.2. Giá trị kinh tế

Tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác đã chứng tỏ tiềm năng kinh tế vượt bậc thông qua việc thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, chiêm ngắm. Cụ thể, theo ghi nhận tại Chuyên trang thông tin của Thông tấn xã Việt Nam, trong năm 2022, tỉnh Tây Ninh đã đón 4,5 triệu lượt khách, tăng 200%; tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sun World Ba Den Mountain cho biết đã có hơn 3,2 triệu lượt khách ghé thăm núi Bà Đen, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 90% lượng khách du lịch của tỉnh. Con số ấn tượng này vượt xa nhiều khu du lịch nổi tiếng khác trên cả nước như Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế… Tính đến 16h00 chiều ngày 31/12/2023, ga đi cáp treo Sun World Ba Den Mountain chính thức cán mốc 5 triệu lượt khách và góp phần đưa Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu cả nước.

Đông đảo du khách đến thăm quan và chiêm ngắm tượng Phật
Tượng Phật thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, chiêm ngắm

Hiện tại, Sun World Ba Den Mountain vẫn đang tiếp tục tu tạo, bổ sung nhiều công trình và góc trải nghiệm khác trên đỉnh núi Bà Đen nhằm xúc tiến du lịch. Đến năm 2030, ngành du lịch dự kiến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Tây Ninh, đóng góp trên 10% tỷ trọng GRDP và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhiều lĩnh vực khác.

2. Chiêm ngắm 4 hiện tượng lạ xuất hiện trên đỉnh Bà Đen

Mặc dù không phải công trình đậm chất tâm linh như các bức tượng Phật ở khu vực chùa nhưng tương truyền từ khi tượng Phật Bà ngự trên đỉnh thiên sơn, người dân xung quanh đã chứng kiến nhiều hiện tượng kỳ bí xuất hiện. Hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các hiện tượng thú vị này qua một số hình ảnh dưới đây.

2.1. Hiện tượng “dĩa mây” 

“Dĩa mây”, hay còn gọi là mây thấu kính, xuất hiện ở những dãy núi cao hoặc khu vực khuất gió dọc theo sườn núi. Khi có một dòng không khí đối lưu khô ẩm bay qua ngọn núi hoặc đồi, lượng hơi ẩm bị đẩy lên cao và đạt đến điểm bão hòa, ngưng tụ thành đám mây trắng có hình dạng dĩa bay hoặc chiếc nón khổng lồ. Hiện tượng đặc biệt này chỉ tan biến đi khi nhiệt độ không khí thay đổi hoặc bị xâm lấn bởi chùm mây khác to hơn.

Hiện tượng "dĩa mây" kỳ lạ trên núi Bà Đen ngày 24/11/2022
Thích thú với “dĩa mây” kỳ lạ trên núi Bà Đen ngày 24/11/2022

Vốn chỉ thường xuất hiện ở môi trường ôn đới như núi Phú Sĩ (Nhật Bản), vậy nên, việc du khách bắt gặp được “dĩa mây” tại núi Bà Đen là điều hết sức may mắn. Không ít người còn cho rằng quần mây hình nón vĩ đại mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng, đem lại nhiều điềm lành, tài lộc cho người chứng kiến. Để có cơ hội săn “dĩa mây”, bạn nên ghé thăm núi Bà Đen vào tháng 11 hằng năm vì lúc này nhiệt độ không khí thấp, mưa nhiều và độ ẩm cao, có khả năng lặp lại thiên tượng kỳ bí ấy.

2.2. Hiện tượng mây dạ quang 

Mây dạ quang được hình thành từ những tinh thể bụi bị đóng băng khi gặp không khí ẩm cô đọng ở tầng trung lưu. Những tinh thể nhỏ này phản chiếu lại ánh sáng trên bầu trời đêm, tựa như một tấm gương trời trong suốt, soi rọi mọi điều thế tục chốn dương gian.

Hiện tượng mây dạ quang sáng rực tại núi Bà đêm ngày 13/02/2023
Mây dạ quang khiến cả một vùng trời núi Bà sáng rực đêm ngày 13/02/2023 (Nguồn: Internet)

Mây dạ quang không quá xa lạ với các quốc gia xứ lạnh như Mỹ, Canada, Đan Mạch… nhưng lại cực kỳ hiếm có tại vùng nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Hiện tượng này xuất hiện lần đầu tiên tại núi Bà Đen vào ngày 13/02/2023.

2.3. Hiện tượng cầu vồng đơn sắc 

Cầu vồng đơn sắc chỉ xuất hiện khi ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng từ các các tinh thể băng trong bầu khí quyển tạo phản ứng khúc xạ với hơi ẩm sương mù ở góc độ phù hợp. Phổ màu rực rỡ của cầu vồng được ví như một hào quang thần thánh, kết nối đất trời và tạo nên cảnh tượng “bồng lai tiên cảnh” có một không hai. Nhiều du khách vẫn thường đến thăm núi Bà Đen vào những ngày sương mù để hy vọng gặp lại vầng hào quang hiếm có này.

Hiện tượng cầu vồng đơn sắc vào sáng mùng 5 Tết Quý Mão
Cầu vồng đơn sắc hiện ra sắc nét sáng mùng 5 Tết Quý Mão (Nguồn: Internet)

2.4. Hiện tượng biển mây bao quanh núi

Danh xưng “nóc nhà Đông Nam Bộ” giúp cho núi Bà Đen Tây Ninh nổi tiếng với các tín đồ “săn” mây. Thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng biển mây bao la, hùng vĩ vây quanh màu xanh bát ngát của rừng cây là độ cuối đông – đầu xuân, khi bình minh bắt đầu lấp ló phía chân trời.

Để trải nghiệm trọn vẹn hiện tượng này, bạn nên dậy sớm và bắt chuyến cáp treo đầu tiên lên đỉnh núi. Qua đó, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác cùng cabin đi xuyên qua những làn mây trắng xóa, đồng thời bắt gặp khoảnh khắc tượng Phật núi Bà Đen được ánh ban mai chiếu rọi.

Hướng dẫn trải nghiệm hiện tượng biển mây bao quanh núi

3. 14 hình ảnh cực mãn nhãn về tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh 

Tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh hấp dẫn khách tham quan bởi nét đẹp đặc trưng, ấn tượng bất kể ngày hay đêm. Nếu chưa có cơ hội ghé thăm công trình này, mời bạn chiêm ngưỡng qua màn hình nhỏ các khoảnh khắc mãn nhãn dưới đây.

3.1. Tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh vào ban ngày

Vào ban ngày, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn hiện lên uy nghi giữa nền trời xanh biếc, trong trẻo, tô điểm bằng những làn mây lững thững cùng lớp áo xanh mướt của núi Bà. Ánh nắng mặt trời chiếu rọi lên đường nét của Phật Bà, làm nổi bật chất liệu đồng đỏ đặc trưng, tôn vinh tài hoa thiết kế của nghệ nhân điêu khắc.

Ngoài ra, nhân dịp Tết Nguyên đán hoặc những ngày lễ lớn trong năm, quảng trường đại tượng còn được tô điểm hàng trăm loài hoa đua sắc, nào mai đào, loa kèn, nào thu cúc, hải đường…

Mây trắng bao quanh tượng Phật Bà
Lạ mắt với cảnh tượng Phật Bà “cưỡi” mây thoát tục
Cận cảnh gương mặt phúc hậu của bức tượng Phật bằng đồng
Gương mặt hiền lành, phúc hậu của bức tượng Phật bằng đồng
Tứ đại thiên vương được đặt quanh chân tượng Bà
Tứ đại thiên vương được đặt quanh chân tượng Bà để trấn yểm các phương
Hình ảnh Phật Bà hướng mắt về phía mặt trời
Hình ảnh Phật Bà hướng mắt về phía mặt trời khiến không gian càng thêm thanh tịnh
Quảng trường tượng Phật được thiết kế với những đĩa nước ấn tượng
Quảng trường tượng Phật được thiết kế với những đĩa nước ấn tượng
Hoa nở rộ làm tôn thêm nét đẹp tượng Phật
Thảm hoa nở rộ làm tôn thêm nét đẹp tượng Phật
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn nhìn từ hướng nhà ga Tâm An
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn nhìn từ hướng nhà ga Tâm An

3.2. Tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh vào ban đêm 

Vào ban đêm, tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh được thắp sáng bằng một hệ thống đèn led tinh xảo, biến đỉnh núi Bà thành ngọn hải đăng giữa biển đêm thành thị. Thêm vào đó, trong các thời điểm Bà Đen tưng bừng trẩy hội, dưới chân tượng Phật lại tề tựu nhiều du khách, Phật tử phương xa cùng nhau dâng hoa đăng và thành tâm khấn nguyện.

Khi màn đêm buông xuống, bầu trời núi Bà thay lớp áo mới
Bầu trời núi Bà thay lớp áo mới khi màn đêm dần buông
Quần thể tượng Phật được thắp sáng rạng rỡ
Đêm về cũng là lúc quần thể tượng Phật được thắp sáng
Cảnh quan ảo diệu trên đỉnh núi Bà
Mây đêm tạo nên cảnh quan ảo diệu trên đỉnh núi Bà
Hàng ngàn chiếc đèn led dưới chân tượng Phật
Rung động trước hàng ngàn chiếc đèn led dưới chân tượng Phật
Ánh sáng từ công trình phản chiếu trên đĩa nước
Ánh sáng từ công trình phản chiếu tuyệt đẹp trên đĩa nước
Không khí linh thiêng dưới chân tượng Phật Bà vào đêm lễ vía Quán Thế Âm
Không khí linh thiêng dưới chân tượng Phật Bà vào đêm lễ vía Quán Thế Âm
Du khách dâng đăng trước tượng Phật để cầu nguyện bình an
Tượng Phật là nơi gửi gắm ước nguyện của du khách mỗi dịp dâng đăng

4. Gợi ý cách di chuyển đến tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh 

Nhằm giúp các du khách cả nước có một chặng đường thuận lợi đến tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh, bài viết sẽ gợi ý đến bạn những phương thức di chuyển dưới đây.

4.1. Di chuyển đến Tây Ninh

Đối với các khách tham quan xa tại khu vực phía Bắc hoặc miền Trung, bạn nên tham khảo những tuyến xe khách đường dài trung chuyển đến TP. Hồ Chí Minh như Hoàng Long, Phượng Hoàng, A Ba, Hiền Phước. Vé xe có giá dao động từ 500.000 đến 1.000.000 VNĐ.

Nếu có ngân sách dư dả từ 1.500.000 đến 3.000.000 VNĐ, bạn có thể cân nhắc di chuyển bằng máy bay đến sân bay Tân Sơn Nhất để tiết kiệm thời gian. Sau đó, du khách chọn các tuyến xe khách Sài Gòn – Tây Ninh như Saco Travel, Huệ Nghĩa, Thái Dương. Vì phải trải qua hành trình khá dài và mệt mỏi, bạn không nên tự lái xe/ đi xe buýt để đảm bảo sức khỏe.

Đối với du khách ở khu vực phía Nam và hành khách trung chuyển tại Sài Gòn, bạn nên chọn đi xe máy hoặc xe khách tùy theo điều kiện địa lý, tài chính cho phép. Ngoài ra, bạn còn có thể bắt tuyến xe buýt số 703 đi cửa khẩu Mộc Bài và tiếp tục lên tuyến số 05 để đến trung tâm thành phố Tây Ninh. Tuy mất khoảng 3 đến 4 tiếng nhưng di chuyển bằng xe buýt chắc chắn sẽ giúp bạn đỡ tốn chi phí thuê xe, xăng xe.

Bạn có thể di chuyển địa phận trung tâm thành phố Tây Ninh bằng xe bus
Bạn có thể di chuyển bằng xe bus để giảm chi phí

(*) Lưu ý: Tuyến buýt số 703 Bến Thành – Mộc Bài đã tạm dừng hoạt động từ ngày 15 tháng 8 năm 2023 và chưa rõ thời gian hoạt động trở lại. Trước khi khởi hành, du khách nên kiểm tra lại thông tin trên hệ thống website của các công ty vận tải hành khách để có hình thức di chuyển phù hợp. 

4.2. Di chuyển đến khu vực núi Bà Đen 

Sau khi đã đến địa phận trung tâm thành phố Tây Ninh, du khách có thể tiếp tục di chuyển bằng xe máy, xe ô tô hoặc xe buýt sau khi đã xem xét ưu/nhược của mỗi phương tiện.

  • Xe máy: Với khoảng cách chỉ tầm 7km, du khách nhanh chóng đến được chân núi Bà Đen khi men theo đường Bời Lời từ trung tâm thành phố. Đặc biệt, trong những dịp lễ lớn khi lượng du khách thập phương ùa về bái lễ núi Bà, xe máy sẽ giúp bạn luồn lách dễ dàng hơn qua dòng người tấp nập.

  • Ô tô: Cùng lộ trình như xe máy, xe ô tô lại phù hợp với những du khách đi theo đoàn hoặc đi cùng gia đình, bạn bè, người thân. Mặt khác, di chuyển bằng ô tô còn hỗ trợ bạn chủ động mang nhiều lễ vật cúng bái trang trọng.

  • Xe buýt: Từ bến xe Tây Ninh, bạn lên tuyến buýt số 01 để đi thẳng đến Khu du lịch núi Bà Đen. Chi phí vé xe rất bình dân nhưng du khách cần cân nhắc lịch trình vì xe chỉ chạy trong giờ hành chính.

Chi tiết tuyến đường từ thành phố Tây Ninh đến chân núi Bà Đen trên bản đồ
Chi tiết tuyến đường bộ từ thành phố Tây Ninh đến chân núi Bà Đen (Nguồn: Google Map)

4.3. Di chuyển từ vị trí khu vực dưới chân núi Bà Đen đến đỉnh núi bà Đen

Từ chân núi, du khách có thể leo bộ hoặc đi cáp treo để lên đỉnh núi Bà Đen. Theo kinh nghiệm, phương thức di chuyển bằng đường bộ sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, vào những ngày có mưa hoặc sương mù, đường đi trên núi sẽ rất trơn trượt và dễ dẫn đến sự cố bất ngờ.

Sun World Ba Den Mountain phục vụ khách tham quan hệ thống cáp treo tiên tiến, hiện đại, rút ngắn thời gian leo núi chỉ còn từ 5 đến 10 phút. Đối với những ai muốn chiêm ngưỡng tượng Phật núi Bà Đen, bạn chọn đi tuyến cáp treo Vân Sơn đưa thẳng lên đỉnh núi. Khi nhìn từ cabin, khung cảnh hùng vĩ của núi Bà sẽ mang đến cho bạn những tấm ảnh check-in vô cùng thú vị.

Du khách được thưởng ngoạn toàn cảnh thiên nhiên khi đi cáp treo
Khi đi cáp treo, du khách được thưởng ngoạn toàn bộ quang cảnh đồng bằng và đồi núi

5. Review từ du khách khi chiêm bái tượng Phật núi Bà Đen 

Đánh giá của những du khách đã ghé thăm tượng Phật núi Bà Đen sẽ đem đến góc nhìn trực quan, giúp bạn hiểu rõ hơn về giá trị công trình. Nhìn chung, mọi người đều nhận xét tích cực về kiến trúc và cảnh quan độc đáo của tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.

Đánh giá thực tế của du khách vêf tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn
Cảm nhận của du khách về tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn
Đánh giá về cảnh quan từ hai Youtuber Colorman và Phạm Dũng
Cảnh quan đặc sắc qua lời kể của hai Youtuber Colorman và Phạm Dũng
Du khách cho rằng, tượng Phật làm tôn thêm vẻ đẹp của ngọn núi Bà Đen
Theo du khách, tượng Phật làm tôn thêm vẻ đẹp của ngọn núi Bà Đen
Tiktoker Bữu Vi Vu chiêm bái không gian triển lãm bên trong tượng Phật 
Cùng Tiktoker Bữu Vi Vu chiêm bái không gian triển lãm bên trong tượng Phật
Đánh giá về trải nghiệm kỹ xảo ba chiều từ tài khoản Youtube Cứ từ
Tài khoản Youtube Cứ từ từ trải nghiệm kỹ xảo ba chiều ấn tượng

Tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh hứa hẹn là điểm tham quan không thể bỏ lỡ tại núi Bà Đen nói riêng và Tây Ninh nói chung. Công trình thể hiện tài hoa nghệ thuật của các nghệ nhân và ẩn chứa nhiều giá trị thiết thực trong đời sống kinh tế, văn hóa – tinh thần. Đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng tượng Phật nếu có dịp khám phá “Đệ Nhất Thiên Sơn” trong thời gian tới nhé!

:

Other News