Ghé thăm đình Hiệp Ninh – Công trình cổ kính giữa lòng Tây Ninh

Đình Hiệp Ninh là ngôi đình cổ được xây dựng cách nay hơn 100 năm với nhiều cột trụ điêu khắc tinh xảo và độc đáo. Đây được xem là điểm du lịch tâm linh lâu đời và thiêng liêng nằm giữa lòng thành phố Tây Ninh. Nếu có dịp ghé thăm vùng “đất thánh”, du khách gần xa đừng bỏ lỡ Di tích văn hoá – lịch sử này nhé!

  • Địa chỉ: Khu phố 4, Đường 30 tháng 4, P. 3, TP. Tây Ninh
  • Năm xây dựng: Khoảng năm 1880
  • Giờ hoạt động: Tự do
  • Giá vé tham quan: Miễn phí
  • Chi phí khác: Không
  • Chỉ đường: Tại đây

1. Đình Hiệp Ninh Tây Ninh ở đâu? 

Đình Hiệp Ninh tọa lạc tại khu phố 4, đường 30 tháng 4, phường 3, Tây Ninh và chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 4km. Người dân xứ Tây thành luôn tự hào về một kiến trúc lâu đời đã được xây dựng hơn 100 năm, không chỉ với lối điêu khắc ấn tượng mà còn gắn liền với những giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Đình Hiệp Ninh nhìn trên thực tế và bản đồ
Đình Hiệp Ninh – Ngôi đình cổ kính hơn 100 năm tuổi tại Tây Ninh (Nguồn: Internet)

2. Lịch sử hình thành của đình Hiệp Ninh 

Đình Hiệp Ninh Tây Ninh là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc vô cùng độc đáo còn tồn tại đến ngày nay với mái đình cong cong, được lợp ngói mới đều tăm tắp, đỏ au và ngời sáng. Nơi đây còn lưu giữ nét đồ sộ của những họa tiết trang trí điêu khắc dày đặc, tinh xảo và có giá trị cao.

Kiến trúc Đình Hiệp Ninh
Đình Hiệp Ninh là một trong những ngôi đình có kiến trúc vô cùng độc đáo còn lưu trữ gần như nguyên vẹn đến ngày nay (Nguồn: Internet)

Tính đến nay, chưa có tài liệu, sử sách nào khẳng định chính xác về ngày, tháng, năm thành lập ngôi đình cổ. Trong cuốn sách Tây Ninh di tích lịch sử danh lam thắng cảnh của Bảo tàng tỉnh (2001) có viết, thời gian xây dựng đình “vào khoảng năm 1880”, nhưng cũng không trích nguồn tư liệu chính xác. Năm 2021, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh có thực hiện một báo cáo về “Kết quả kiểm kê tư liệu văn tự Hán Nôm” cũng có đề cập đến thông tin: “Đình Hiệp Ninh được thành lập trong thời kỳ mở đất, khoảng những năm giữa thế kỷ 19…

Ngược dòng thời gian, ngôi đình cổ có kiến trúc khá đơn giản, được xây dựng bằng mây, tre và nứa. Tuy vậy, tại Bảo tàng Tây Ninh hiện còn lưu giữ tấm ảnh toàn cảnh đình Hiệp Ninh được tu bổ tôn tạo bề thề lần 1 vào năm 1901 và lần thứ 2 vào năm 1910. So với ngôi đình cổ hiện nay, diện mạo sau khi tu bổ lần đầu tiên không có sự khác biệt quá nhiều. Chính điều này cho ta một suy luận lịch sử khá thú vị, đó là ngôi đình cổ chắc chắn được xây dựng kiên cố trước thời điểm tu bổ năm 1901, phần nào kiểm chứng độ xác thực của thông tin ngôi đình cổ được xây dựng trước những năm 1900.

Hình ảnh đình cổ Đinh Hiệp Ninh những năm 1900
Một trong số ít hình ảnh ngôi Đình cổ từ những năm 1900 còn được lưu giữ (Nguồn: Internet)

Có dịp ghé chiêm bái Đình Hiệp Ninh và hỏi chuyện người lớn tuổi trong làng, du khách không khỏi trầm trồ trước dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngôi đình cổ trăm năm tuổi không chỉ là di tích mà còn nhân chứng đã chứng kiến lịch sử vang bóng một thời. Trong sự kiện cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám mùa thu lịch sử năm năm 1945, lực lượng thanh niên tiền phong đã tập trung tại đây, sát cánh cùng quần chúng cách mạng để lật đổ ách đô hộ của thực dân phát xít, xây dựng chính quyền cách mạng mới.

Đình Hiệp Ninh được nhà nước công nhận là Di tích Lịch Sử và Kiến Trúc – Nghệ Thuật, theo quyết định Quyết định số 1430/QĐ-BT ngày 12/10/1993.

3. Đình Hiệp Ninh thờ ai? 

Trò chuyện với mọi người, ông Trần Văn Hai (Trưởng ban Quý tế đình Hiệp Ninh) chia sẻ, đình Hiệp Ninh thờ Thành Hoàng làng bổn cảnh Trần Văn Thiện – người có công di dân, khai hoang lập ấp, giữ gìn đất đai và bảo vệ biên thùy. Tại Bảo tàng Tây Ninh hiện nay vẫn còn lưu giữ sắc phong bằng vải lụa quý, thêu hạt châu và kim tuyến của vua Khải Định ban vào ngày 18 tháng 3 năm 1917.

Đình Hiệp Ninh thờ Thành Hoàng làng bổn cảnh Trần Văn Thiện
Đình Hiệp Ninh thờ Thành Hoàng làng bổn cảnh Trần Văn Thiện – người có công di dân, khai hoang lập ấp (Nguồn: Internet)

4. Ý nghĩa về văn hóa – lịch sử của đình Hiệp Ninh 

4.1. Về văn hóa

Theo tín ngưỡng dân gian, đình làng là nơi thể hiện rõ nét những giá trị của đời sống văn hóa. Đối với người dân Nam bộ nói chung (Tây Ninh nói riêng), Thành Hoàng làng là vị thân luôn bảo hộ và che chở cho cả dân làng có một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy và hạnh phúc.

Vẻ uy nghi của đình ngoài căn nguyên tín ngưỡng còn là sự kết tinh của “hồn thiêng sông núi”, được xây đắp qua nhiều thế hệ, bằng máu và mồ hôi khai phá, bảo vệ đất đai làng xóm. Với ý nghĩa đó, di tích lịch sử đình Hiệp Ninh không chỉ là công trình kiến trúc tinh xảo mà còn thể hiện lòng biết ơn của người dân Tây Ninh đối với Thành Hoàng làng.

Đình Hiệp Ninh là nhân chứng cho thời kỳ lịch sử kiêu hùng
Ngôi đình cổ không chỉ mang dấu ấn văn hóa đậm đà bản sắc mà còn là nhân chứng cho thời kỳ lịch sử kiêu hùng (Nguồn: Internet)

4.2. Về lịch sử

Song song đó, đình còn là nhân chứng của thời kỳ lịch sử kiêu hùng của dân tộc, cùng nhân dân chiến thắng giặc ngoại xâm. Ngôi đình cổ chứng kiến sự hiện diện của lớp lớp thanh niên tiền phong thời bấy giờ, sự nhiệt huyết và ý chí hăng hái khi tham gia vào phong trào của cuộc tổng khởi nghĩa của dân quân Tây Ninh giành chính quyền ngày 25/8/1945.

Đây cũng là nơi chứng kiến sự gan dạ của các chiến sĩ làm cách mạng, dù gian truân vẫn kiên trung với Đảng và nhân dân. Đặc biệt, trong giai đoạn những năm 1959 – 1960, đình Hiệp Ninh còn là căn cứ của Tỉnh ủy Tây Ninh do đồng chí Hoàng Lê Kha bám trụ, được người dân tin tưởng và hỗ trợ.

Đình Hiệp Ninh chứng kiến sự gan dạ của các chiến sĩ làm cách mạng
Đình Hiệp Ninh là nơi chứng kiến sự gan dạ của các chiến sĩ làm cách mạng, dù gian truân vẫn kiên trung với Đảng

5. Kiến trúc độc đáo hơn trăm năm tuổi của đình Hiệp Ninh

Đình Hiệp Ninh Tây Ninh là một công trình bề thế, có diện tích tổng thể lên đến 800m2 và được xem là ngôi đình lớn nhất tại tỉnh Tây Ninh. Kiến trúc chính của đình được xây theo hình chữ tam, bao gồm 5 gian và 3 khu vực chính, lần lượt là tiền đình, chính đình và hậu đình. Mời du khách cùng chiêm bái kiến trúc tinh xảo hơn trăm năm tuổi của ngôi đình cổ qua những thông tin được chia sẻ dưới đây.

5.1. Kiến trúc cổng đình

Đình Hiệp Ninh là ngôi đình cổ duy nhất ở tỉnh Tây Ninh có kiến trúc cổng nhị quan – một phong cách “biến tấu” của cổng tam quan. Theo hình ảnh tu sửa được lưu giữ tại Bảo Tàng Tây Ninh, cổng nhị quan có khả năng được dựng và tu sửa vào năm 1910, là nét đặc sắc trong kiến trúc đình ở miền Tây Nam Bộ.

Kiến trúc cổng nhị quan của cổng Đình Hiệp Ninh
Đình Hiệp Ninh là ngôi đình cổ duy nhất ở tỉnh Tây Ninh có kiến trúc cổng nhị quan, một kiểu “biến tấu” khá đặc biệt
(Nguồn: Internet)

Một cổng đình theo lối nhất quan, giáp quốc lộ lớn 22A, cổng còn lại dẫn vào sân đình, gọi là nhị quan. Ở giữa hai cổng là bức bình phong hình tượng Rồng đang bay ẩn trong mây nhìn xuống, được ốp lát bằng gốm sứ, tông màu xanh trắng với từng đường nét tinh xảo và tỉ mỉ. Hai bên cột trụ của cổng được chạm khắc 2 đôi câu đối bằng chữ Nôm. Cổng đình có kiểu dáng vòm cao và thoáng, có trụ cột sơn màu vàng, trên mái lợp ngói đỏ và đặt cặp lân bằng sành tráng men.

Bức bình phong hình tượng Rồng nổi bật nằm giữa hai cổng
Ở giữa hai cổng là bức bình phong hình tượng Rồng được ốp lát bằng gốm sứ nổi bật trên nền sơn vàng lung linh dưới ánh nắng (Nguồn: Internet)

5.2. Kiến trúc khu vực tiền đường (tiền đình)

Qua khỏi cổng nhị quan, khi bước vào sân đình, trước mặt du khách sẽ là khu vực tiền đình. Ở hai bên của của điện có am thờ chúa Tiên, chúa Sứ cùng hàng cây Sao đen cổ thụ được trồng từ thời xây đình và tu bổ lại. Mặt tiền đình có lầu chuông và gác trống, điểm độc đáo ở kiến trúc này nằm ở lối xây dựng vuông với hai tầng bề thế, mái ngói uy nghi lộng lẫy. Ở đầu hồi của hiên đình là những mái cửa vòm cao và rộng, đối xứng hai đầu tạo thế cân đối, vững chãi.

Cận cảnh mặt tiền Đình Hiệp Ninh Tây Ninh
Mặt tiền đình có lầu chuông và gác trống được xây dựng vuông với hai tầng bề thế, uy nghi (Nguồn: Internet)

Cửa chính của tiền đình gồm 3 gian đóng gỗ, nước sơn nâu cổ kính vẫn giữ nguyên độ sáng bóng và bền chắc qua thời gian. Bước qua cửa tiền đình, du khách bắt gặp bức màn lớn được chạm lộng hoa dây (tức là chạm trổ trên gỗ bằng kỹ thuật chạm kép, xuyên từ bên này qua bên kia để khắc họa sống động hình ảnh hoa dây quấn quít) vô cùng tỉ mỉ, sinh động.

Hình ảnh "Lưỡng long chầu nguyệt" được chạm trổ bên trên mái đình
Bên trên mái đình được chạm trổ hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” độc đáo (Nguồn: Internet)

5.3. Kiến trúc khu vực chính điện (chính đình)

Đình Hiệp Ninh có kiến trúc xây dựng theo kiểu chữ Tam, có 3 lớp nhà. Bước qua tiền đường, ở lớp nhà tiếp theo du khách sẽ bắt gặp kiến trúc chính điện (chính đình). Trên mái đình được chạm khắc hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” – biểu tượng đặc trưng cho sức mạnh tâm linh và phản chiếu trí tuệ, lưu dấu tài hoa của ông cha ta ngày xưa. Đây là hình ảnh hai con rồng chầu vào vòng tròn (tượng trưng cho viên ngọc) hoặc cá chép ngóng về mặt trăng, tất nhiên là bóng trăng được in chiếu xuống mặt nước.

Hình ảnh biểu tượng trên mái đình Đình Hiệp Ninh
Trên mái đình được chạm khắc hình ảnh biểu tượng đặc trưng cho sức mạnh tâm linh vô cùng chỉn chu và tinh xảo (Nguồn: Internet)

Bước qua cửa chính đình, bạn có thể quan sát trên mặt dựng giữa gian treo Cuốn thư gỗ cách điệu (được trang trí với họa tiết tinh xảo, uyển chuyển), tạo thành từng mảnh, khắc chữ mạ vàng ở chính giữa vô cùng độc đáo. Ban thờ Thành Hoàng bổn cảnh được đặt ở chính giữa, uy nghi và vững vàng, đây cũng là một tác phẩm gỗ được điêu khắc thủ công còn lưu giữ đến tận ngày này. Các ban thờ: Tả ban, hữu ban, tiền hiền hay hậu hiền cũng được chế tác tinh xảo, nổi bật lên nét cong hài hòa, trang trọng và uy nghiêm.

Bàn thờ thành hoàng làng Đinh Hiệp Ninh
Ban thờ Thành Hoàng bổn cảnh được đặt ở chính giữa, uy nghi và vững vàng (Nguồn: Internet)

5.4. Kiến trúc khu vực hậu đường (hậu đình)

Nối tiếp với kiến trúc của khu vực tiền đình và chính đình, du khách có dịp chiêm ngưỡng không gian tương tác nghệ thuật tại hậu đường. Bước qua khoảng sân rộng với tường gạch áp sát và gạch ngói đỏ đã phủ màu xưa cũ là không gian điện rộng rãi và lộng lẫy. Phía trên mái đình được lợp mái ngói đỏ đều tăm tắp, hàng nghìn viên ngói âm dương được ví như vảy Rồng đã khắc họa sự bề thế của toàn bộ kiến trúc.

Kiến trúc hậu đường với những hoạ tiết chạm khắc tinh xảo, cửa nâu, tường vàng
Kiến trúc hậu đường có nét tương đồng với tiền đường và chính điện, vẫn là họa tiết chạm khắc tinh xảo, cửa nâu, tường vàng (Nguồn: Internet)

Toàn bộ hậu đình là một công trình điêu khắc gỗ vô cùng tinh xảo, cột gỗ dựng thẳng đứng, cả cột tròn và cột vuông (đường kính 30cm), cột cao nhất là 6,5m được kết nối với đòn tay, các vì dọc và vì xiên tạo thành giá đỡ vững vàng đỡ phần mái ngói bên trên.

Y môn của đình (hay còn gọi là cửa võng, một loại “cửa giả”, ngắn và không có cánh) cũng được chạm lộng chỉn chu, các chi tiết dây hoa leo cách điệu và đan xen với nhau qua từng đường chạm nổi, khảm trai, sơn son thếp vàng sống động đến từng chi tiết nhỏ nhất. Điểm độc đáo còn nằm ở họa tiết mang đặc trưng của kiến trúc nghệ thuật Đình làng Việt Nam xưa và nay, đó là tứ linh, tứ quý, tứ dân, câu đối…

6. 5 trải nghiệm nên thử khi có dịp ghé thăm đình Hiệp Ninh 

Nếu có dịp ghé chiêm bái ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi Hiệp Ninh, du khách đừng bỏ lỡ 5 trải nghiệm vô cùng thú vị dưới đây.

6.1. Chiêm ngưỡng hiện vật quý báu mang đậm dấu ấn lịch sử 

Đình Hiệp Ninh là một trong số ít những ngôi đình được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật quý báu, đồ thờ tự quý giá có giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Đầu tiên phải kể đến sắc phong thần – được vua Khải Định ban cho Thành Hoàng làng bổn cảnh Trần Văn Thiện vào ngày 18 tháng 3 năm 1917. Sắc phong này được dệt trên vải lụa quý, thêu kim tuyến và đính hạt châu.

Các cột gỗ bên trong Đình Hiệp Ninh
Trong đình là những cột gỗ dựng thẳng đứng, cả cột tròn và cột vuông được chạm khắc hoa dây, sơn son thếp vàng công phu và vững chãi (Nguồn: Internet)

Tiếp đến là ngai thờ, ban thờ và các tác phẩm gỗ điêu khắc vô cùng quý giá với lịch sử niên đại 1901. Vật phẩm thờ cúng tại Đình không chỉ quý hiếm của chất liệu gỗ xưa mà còn bởi từng chi tiết chạm trổ tài hoa, chạm lộng hoa lá, hoa dây, vân mây, sơn son, thếp vàng công phu và tinh xảo còn lưu giữ gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Tủ thờ Đương kim Thiên Tử Thượng vị cũng là hiện vật quý báu, được dựng từ năm 1902 với biểu tượng “hạc trên lưng rùa” trang nghiêm, linh thiêng và ngụ ý cho sự hài hoà giữa trời và đất.

Mỗi năm, cứ vào dịp Lễ Kỳ Yên, người dân và du khách lại có dịp được chiêm ngưỡng kiệu thỉnh sắc cổ của đình Hiệp Ninh. Kiệu được chế tác từ gỗ quý, qua năm tháng vẫn giữ nguyên độ chắc và nâu óng, kiệu lớn có 2 tầng mái và cong 4 mặt, được chạm khắc hình Rồng, hoa dây với độ hoàn hảo đến chi tiết nhỏ nhất.

Di tích trong đình Hiệp Ninh được chế tác tinh xảo, được lưu giữ gần như nguyên vẹn
Di tích đình Hiệp Ninh còn lưu giữ 12 bộ liễn trên 24 cột chính và kiệu thỉnh sắc được chế tác vô cùng tinh xảo, cầu kỳ còn lưu giữ gần như nguyên vẹn (Nguồn: Internet)

Di tích đình Hiệp Ninh còn lưu giữ 12 bộ liễn (câu đối) treo trên 24 cột chính, mỗi chi tiết đều được chế tác tỉ mỉ, cầu kỳ. Ý nghĩa của câu liễn đều tôn thờ công đức của Thành Hoàng làng và tổ tiên đã có công khai hoang mở cõi. Chính những hiện vật quý báu này luôn nhắc nhở chúng ta về lịch sử vẻ vang và những giá trị văn hoá cần gìn giữ.

6.2. Tham gia lễ hội truyền thống được tổ chức tại Đình 

Hàng năm cứ đến dịp rằm tháng 8 âm lịch, người dân và du khách lại nô nức ghé về đình Hiệp Ninh để tham gia lễ Cầu Bông. Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày liên tiếp, thường là ngày 15 và 16 với nhiều nét sinh hoạt văn hoá độc đáo. Lễ Cầu Bông gồm nhiều nghi thức truyền thống, được tổ chức từ khu vực tiền đường đến chính đình, hậu đình như: lễ an vị, lễ cúng cầu một năm đất nước thái bình, nhà nhà an cư hưởng phúc, mưa thuận gió hoà và luôn ấm no, hạnh phúc.

Khung cảnh lễ Cầu Bông đình Hiệp Ninh
Lễ Cầu Bông được tổ chức trong 2 ngày liên tiếp, thường là ngày 15 và 16 tháng Tám âm lịch hàng năm (Nguồn: Internet)

Bên cạnh lễ Cầu Bông, nếu có dịp đến với Tây Ninh vào mùa xuân, bạn nhất định không được bỏ lỡ lễ hội lớn nhất năm – lễ Kỳ Yên đình Hiệp Ninh. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 3 âm lịch hàng năm với nghi thức rước kiệu thỉnh sắc cổ độc đáo, đoàn người rước kiệu kéo dài từ cổng đình đến UBND phường với tiếng trống dồn vang, không khí sôi nổi mà trang nghiêm.

Nghi thức này biểu trưng cho sự oai hùng, kiêu hành dũng cảm và mong muốn một năm quốc thái dân an. Tiếp đến là nghi lễ Túc Yết (trưởng làng hoặc Trưởng ban Quý tế đình Hiệp Ninh dâng hương để ra mắt các vị thần, thường về lúc chiều muộn hoặc đêm), bước sang ngày hôm sau sẽ là lễ Tế điện.

Không khí Lễ Kỳ Yên đình Hiệp Ninh
Lễ Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, nổi bật với nghi thức rước kiệu thỉnh sắc cổ (Nguồn: Internet)

Khi ghé thăm Đình vào những ngày có lễ hội, du khách chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng thích thú khi được trải nghiệm sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người dân Tây Ninh. Không chỉ được thăm bái, chiêm ngưỡng, lắng nghe văn ca múa nhạc dân gian, tiếng trống đình vang dội mà còn được hòa chung vào không khí linh thiêng, cùng cầu nguyện cho một năm tràn đầy sung túc, vạn sự hanh thông cùng người dân mến khách và đôn hậu. Đây cũng là dịp người dân và du khách gặp gỡ, trò chuyện, vui chơi để thêm phần gắn kết, thắt chặt tính cộng động.

6.3. Dâng hương – Khấn vái Thành Hoàng 

Du khách ghé thăm đình Hiệp Ninh đa phần với mong muốn bái tế thần linh và bày tỏ tấm lòng thành tâm kính cẩn. Chính vì thế dâng hương hay thành tâm khấn vái Thành Hoàng chắc chắn là nghi lễ và trải nghiệm không thể bỏ qua, cầu chúc sức khỏe và bình an. Du khách cần lưu ý di chuyển một cách nhẹ nhàng, cẩn trọng lời ăn, tiếng nói, không làm ồn gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

6.4. Tìm hiểu lịch sử cuộc tổng kháng chiến Cách mạng tháng Tám

Đình Hiệp Ninh là nhân chứng của thời kỳ lịch sử kiêu hùng của dân tộc, nhất là trong cuộc tổng kháng chiến Cách mạng tháng Tám. Bạn có thể tìm gặp ông Trần Văn Hai (Trưởng ban Quý tế đình Hiệp Ninh) hoặc các người lớn tuổi ở làng để nghe kể về một thời lịch sử huy hoàng. Đây là những trải nghiệm được người “mắt thấy tai nghe” kể lại, vô cùng hấp dẫn.

Đình Hiệp Ninh là căn cứ của Tỉnh ủy Tây Ninh giai đoạn 1959 - 1960
Giai đoạn 1959-1960, đình Hiệp Ninh còn là căn cứ của Tỉnh ủy Tây Ninh lúc bây giờ, do đồng chí Hoàng Lê Kha bám trụ (Nguồn: Internet)

Trong cuộc kháng chiến năm ấy, lớp lớp thanh niên đã “trú ngụ” ở ngôi Đình để nung nấu ý chí, rèn luyện thân thể và sức khỏe để tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa của dân quân Tây Ninh giành chính quyền ngày 25/8/1945. Chính sự hy sinh này đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của cuộc tổng kháng chiến Cách mạng tháng Tám lịch sử.

6.5. Chụp ảnh – Lưu giữ kỷ niệm khi tham quan đình Hiệp Ninh 

Tây Ninh được mệnh danh là “vùng đất thánh” với sự hiện diện đậm nét của các yếu tố tâm linh. Vì vậy, khi đến chiêm bái đình cổ Hiệp Ninh, du khách đừng quên lưu lại những giây phút yên bình thông qua tấm ảnh kỉ niệm. Không gian cổ kính với hàng cây Sao cổ thụ, gạch rêu, tường cũ, gỗ nâu, ngói âm dương đều tăm tắp và hiện vật cổ xưa chắc chắn sẽ giúp bạn có những bức ảnh cực “thần thái”.

Bức ảnh kỉ niệm của du khách về không khí yên bình tại đình
Có dịp đến chiêm bái đình cổ Hiệp Ninh, du khách đừng quên lưu lại những giây phút yên bình thông qua tấm ảnh kỉ niệm nhé (Nguồn: Internet)

Chụp ảnh là trải nghiệm không thu phí, bạn chỉ cần chú ý giữ phép lịch sự, không ảnh gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh đang chiêm bái tại đình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lựa chọn trang phục lịch sự, quần áo dài, rộng rãi, thoải mái để tạo dáng trang nhã, chụp những tấm ảnh phù hợp với lễ nghi của địa danh linh thiêng này. Việc này không chỉ thể hiện tấm lòng thành với bậc thần thánh mà còn giữ gìn không khí trang nghiêm vốn có của ngôi đình làng Việt Nam.

Nội quy đình Hiệp Ninh
Hãy tuân thủ nội quy của Đình khi chiêm bái, tham quan hay chụp ảnh (Nguồn: Internet)

7. Cách di chuyển đến đình Hiệp Ninh Tây Ninh 

Đình Hiệp Ninh cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 4km. Du khách có thể lựa chọn phương tiện di chuyển sao cho thuận tiện nhất. Cụ thể, nếu di chuyển bằng xe máy hoặc xe khách, bạn chỉ mất khoảng 10 – 15 phút cho cả quãng đường hoặc gọi taxi với chi phí khoảng 50.000 – 60.000 VNĐ/ chiều.

Bản đồ chỉ dẫn từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến đình Hiệp Ninh
Đình Hiệp Ninh cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 4km, rất dễ để di chuyển bằng nhiều phương tiện như ô tô, xe máy…

Cụ thể, từ trung tâm thành phố Tây Ninh, bạn đi dọc theo đường 30 tháng 4 đến vòng xuyến trung tâm Tây Ninh, tiếp tục đi thẳng theo trục đường chính. Sau khi đi được khoảng 4km, bạn đi qua vòng xuyến nhỏ, rẽ trái vào đường 30/4 cho đến khi đi qua trường THCS Trần Hưng Đạo. Bạn đi tiếp khoảng 700m, rẽ vào cổng và đi thêm 250m để đến khuôn viên chính của đình.

Ngoài ghé thăm đình Hiệp Ninh, ở Tây Ninh còn rất nhiều điểm tham quan, trải nghiệm du lịch tâm linh và văn hóa hấp dẫn khác. Chẳng hạn như: Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain, tòa thánh Tây Ninh, Chùa Thiền Lâm Gò Kén, Chùa Khmer Khedol, Hồ Dầu Tiếng, Hồ Núi Đá…

Nếu bạn chưa biết đến Tây Ninh có gì chơi, hãy tham khảo gợi ý lịch trình ngay nhé!

Không chỉ là một điểm đến du lịch tâm linh, đình Hiệp Ninh còn là nơi mà du khách tìm về để cảm nhận sự mộc mạc cổ kính và nét bình yên sau những nhịp sống nhanh ngoài kia. Nếu có dịp đến với Tây Ninh, bạn đừng quên ghé thăm, chiêm bái ngôi đình cổ và trải nghiệm văn hóa kiến trúc độc đáo nơi đây nhé!

:

Other News