Chiêm ngưỡng “Thiền Lâm Cổ tự” chùa Gò Kén Tây Ninh lâu đời

Một cuộc hành hương sẽ thiếu trọn vẹn nếu bạn bỏ lỡ bất kỳ điểm du lịch tâm linh lâu đời và thiêng liêng nào tại “Tây thành”. Đây sẽ là lưu ý quan trọng dành cho các du khách gần xa đang lên kế hoạch cho chuyến chiêm bái tâm linh đến với vùng đất Thánh mà chưa liệt kê chùa Gò Kén Tây Ninh thành một trong những điểm dừng chân ưu tiên của mình.

Toàn cảnh “Thiền Lâm cổ tự” chùa Gò Kén Tây Ninh từ trên cao
Toàn cảnh “Thiền Lâm cổ tự” chùa Gò Kén Tây Ninh khi quan sát từ trên cao (Nguồn: Internet)

1. Tổng quan về chùa Gò Kén Tây Ninh

Mỗi chùa chiền, đền tự tại Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đều gắn liền với một câu chuyện đậm sắc màu đặc thù của mỗi tôn giáo. Vậy nên, trước khi đi sâu vào chiêm ngưỡng vẻ đẹp trực quan và sống động của chùa Gò Kén Tây Ninh, bài viết sẽ cung cấp đến bạn một số thông tin khái quát về vị trí địa lý, lịch sử hình thành, đặc điểm kiến trúc và một số hoạt động thu hút tại ngôi chùa lâu đời này.

1.1. Địa điểm tọa lạc

Cách trung tâm thành phố Tây Ninh 8km, chùa Gò Kén tọa lạc trên quốc lộ 22B thuộc xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành. Giữa màu xanh bạt ngàn, mênh mông của đồng ruộng và cây cối, người dân Tây Ninh luôn tự hào về một kiến trúc hùng vĩ được xây dựng trên gò đất cao với diện tích lên đến 6000 mét vuông.

Khi quan sát trên ứng dụng Google Map có thể dễ dàng hình dung được rằng, du khách sẽ không mất quá nhiều thời gian để di chuyển đến chùa Gò Kén từ trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, ngôi chùa cách tòa thánh Tây Ninh – Một điểm du lịch nổi tiếng khác chỉ 3km.

Bản đồ đường đi từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến chùa Gò Kén
Đường đi từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến chùa Gò Kén chỉ cách nhau 8km (Nguồn: Google Map)

1.2. Lịch sử hình thành

Chùa Gò Kén là một trong những công trình tôn giáo được khởi công sớm nhất tại tỉnh Tây Ninh, chứng nhân lịch sử của những cuộc chiến tranh khốc liệt, đau thương của đất nước. Năm 1904, hòa thượng Thích Trí Lượng xây dựng ngôi chùa bằng những những vật liệu góp nhặt từ tre và nứa để tạo thành một nơi luyện tập tu hành, nuôi dưỡng tinh thần.

Do đó, thuở ban sơ, công trình chỉ mang diện mạo của một am tranh giản dị ẩn mình giữa rừng cây rậm rạp. Mãi đến năm 1914, đệ tử đầu tiên của trụ trì Thích Trí Lượng là Thích Trì Phong quyết định xây lại am tranh ngày nào thành một ngôi chùa khang trang, hoàn thiện theo bản thiết kế được gửi về từ Paris.

Các thế hệ đồ đệ sau tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị của chùa
Các thế hệ đồ đệ sau tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị của chùa (Nguồn: Internet)

Công trình sửa đổi được hoàn thành sau 12 năm, bấy giờ gọi là Thiền Lâm tự. Tuy nhiên, do tên gọi “Thiền Lâm” quá phổ biến nên người dân địa phương thường sử dụng cái tên khác gần gũi hơn là chùa Gò Kén. Nguồn gốc của tên gọi này xuất phát từ việc ngôi chùa vốn xây dựng trên một gò đất cao, xung quanh mọc nhiều dây kén – loại cây leo hiếm gặp, có quả màu đỏ, vị chua ngọt lạ miệng.

Gò Kén vẫn được xem là danh xưng chính thức đến tận ngày nay dù quanh chùa không còn mọc loài cây này nữa. Điều này đủ để cho thấy người dân vô cùng quý trọng những kỷ niệm đáng nhớ có liên quan đến địa điểm này.

Đặc biệt, chùa Gò Kén Tây Ninh đã cùng nhân dân trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, hứng chịu đạn pháo loạn lạc của quân địch. Đến năm 1970, công trình chính thức được trùng tu và cải tạo. Sau cùng đến năm 2007, Đại Đức Thích Thiện đã đứng ra kêu gọi quyên góp và xây dựng lại chùa với một diện mạo khang trang và uy nghiêm hơn.

1.3. Kiến trúc chủ đạo

Thông thường, rất khó lòng để kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhà thờ cửa vòm phương Tây đan xen với chạm khắc rồng phượng của chùa chiền phương Đông. Ấy vậy mà điểm giao thoa kỳ diệu giữa cổ kính và hiện đại lại được thể hiện xuất sắc trong thiết kế của chùa Thiền Lâm Tây Ninh.

Chùa Gò Kén có diện tích 450m2 với tổng thể được lợp bằng mái ngói móc, cửa chính hình mái vòm và mở ở vách đầu hồi, ngôi chùa khơi gợi trí tưởng tượng đến hình ảnh của một nhà thờ Cơ Đốc giáo nằm gọn giữa không gian nào là tượng Phật, nào là đình đài trang nghiêm. Sự đặc biệt này biến chuyến vãng cảnh chùa Gò Kén thành một trải nghiệm vừa thân quen, vừa mới lạ nếu so sánh với nhiều điểm du lịch tâm linh khác.

Thiết kế mái móc, cửa chính mái vòm của chùa Gò Kén
Thiết kế mái móc, cửa chính mái vòm của chùa Gò Kén (Nguồn: Internet)

Quần thể kiến trúc chùa được chia thành nhiều khu vực như Chánh điện, Tháp Chuông, Tháp Giáo, các khu tượng, vườn tược… Bên trong Chánh điện không thiết kế ngang, không lớp lang từ trước ra sau theo lối mòn của chùa chiền Nam Bộ xưa mà phá cách với hai hàng cột dọc chạy dài, mỗi hàng 6 cột, chia không gian thành 3 phần tách biệt nhưng vẫn thông thoáng và rộng rãi.

Sau khi đi qua cửa vào Chánh điện, du khách sẽ được diện kiến 14 bàn thờ tổ tiên chạm khắc tinh xảo, đẹp mắt, đặc biệt là bàn thờ Phật cao đến 3m được tô điểm thêm bằng những câu đối, đại tự, bao lam rực rỡ sắc vàng son. Ngoài ra, Tháp Chuông và Tháp Giáo cũng là những điểm nhấn của Thiền Lâm tự với lối thiết kế kết hợp đan xen giữa đá và gỗ, tạo cảm giác vừa mộc mạc, đơn sơ, vừa vững chãi, oai hùng.

Ngôi chùa vừa mang nét vững chãi oai hùng
Ngôi chùa vừa mang nét mộc mạc, đơn sơ, vừa vững chãi oai hùng (Nguồn: Internet)

Trước sân chùa, hình ảnh tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền dưới tán cây bồ đề xanh mát đem đến cho du khách cảm giác an yên và thanh tịnh. Mặt khác, bức tượng cao 25m khắc họa Quán Thế Âm Bồ Tát cưỡi rồng được đặt trang trọng trên tòa sen trắng giữa hồ và tượng Phật Niết bàn thiêng liêng dài 25m đã trở thành những cảnh quan hiếm có, không chỉ thu hút nhiều Phật tử đến viếng bái mà còn kích thích trí tò mò của du khách gần xa.

Tượng Phật Quán Thế Âm tại chùa Gò Kén
Tượng Phật Quán Thế Âm tại chùa Gò Kén (Nguồn: Internet)

Dường như chính gam màu nhã nhặn của thiên nhiên đối chọi với vẻ uy nghi của đền đài đã làm nổi bật hơn bức tượng Phật Quán Thế Âm lớn bậc nhất của miền Đông Nam Bộ, khiến ai đi qua tọa độ này cũng phải thán phục.

1.4. Hoạt động nổi bật tại chùa

Đến với chùa Gò Kén Tây Ninh, du khách không chỉ trầm trồ với lối kiến trúc độc đáo, giao thoa văn hóa, mà còn có cơ hội đắm mình vào không khí lễ hội và các hoạt động tôn giáo, công tác xã hội ý nghĩa được tổ chức hằng năm tại đây. Chẳng hạn như:

1.4.1. Lễ vía Quán Thế Âm: Diễn ra mỗi độ rằm tháng Bảy, đây là dịp để Phật tử tứ phương hội ngộ đông đúc và cầu nguyện. Mỗi ánh đèn hoa đăng lung linh mang theo ước mong của du khách tỏa sáng, củng cố niềm tin về một ngày mai tươi sáng, thuận buồm xuôi gió. Không gian của ngôi cổ tự cũng vì vậy mà càng thêm lộng lẫy, tôn vinh lên nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của địa phương.

Thả hoa đăng ngay dưới chân tượng Phật tại chùa Gò Kén Tây Ninh
Thả hoa đăng ngay dưới chân tượng Phật (Nguồn: Internet)

1.4.2. Đại lễ Phật Đản: Nếu ghé thăm chùa Gò Kén vào rằm tháng Tư, bạn sẽ được tham gia ngày hội lớn của Phật gia, nơi các trụ trì chia sẻ lại câu chuyện truyền cảm hứng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên con đường tìm ra chân lý thiện lành, sống tốt đời, đẹp đạo. Theo nghi thức truyền thống, các bậc cao tăng tiến hành lễ Dục Mộc (tắm Phật) nhằm cầu chúc mùa màng bội thu, người người an lạc.

Bên cạnh đó, chùa Gò Kén Tây Ninh còn tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện quanh năm như quyên góp cho các hoàn cảnh khó khăn, xây nhà đoàn kết cho hộ nghèo, hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí… Đây đã trở thành một nghĩa cử cao đẹp, nâng cao phương châm sống “lá lành đùm lá rách” trong quần chúng nhân dân.

Tây Ninh nổi tiếng với tên gọi “Vùng Đất Thánh” vì sở hữu nhiều ngôi chùa, đình miếu thờ với kiến trúc độc đáo và linh thiêng. Bên cạnh chùa Bà Tây Ninh, bạn có thể tham khảo thông tin về các địa điểm mang đậm giá trị văn hoá tâm linh khác tại Tây Ninh như chùa Hang Tây Ninh hay đình Hiệp Ninh.

2. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa Gò Kén Tây Ninh

Với bề dày lịch sử kiêu hùng và sự đầu tư xây dựng tâm huyết của trụ trì các đời, vẻ đẹp độc đáo của chùa Gò Kén Tây Ninh thể hiện cả ở cảnh sắc ban ngày lẫn ban đêm.

2.1. Chiêm ngưỡng 6 hình ảnh của chùa vào ban ngày

Có thể nói, ban ngày ngôi cổ tự khoác lên mình nét oai vệ, tràn trề linh khí của một nơi tu tâm dưỡng tính. Ánh nắng của sớm mai len lỏi vào từng tán cây bồ đề, soi rọi vết tích năm tháng trên những bức phù điêu thiêng liêng, những cửa võng mạ vàng được khắc họa rồng, phượng, hoa, lá. Những đền các, tượng đài thu vào trọn vẹn tầm mắt của những ai muốn gửi gắm niềm tin chốn Phật tự, cũng như đáp ứng nhu cầu khám phá của các du khách.

Cổng vào Thiền Lâm tự Gò Kén
Cổng vào Thiền Lâm tự Gò Kén gây ấn tượng với lối kiến trúc mái đình Nam Bộ được bốn tượng đá lân sư trấn giữ (Nguồn: Internet)
Chánh điện của chùa với thiết kế cửa vòm và tường vôi vững chãi
Chánh điện của chùa được xây dựng sáng tạo với cửa vòm và tường vôi vững chãi (Nguồn: Internet)
Phật Thích Ca Mâu Ni thiền tu an tĩnh dưới tán bồ đề
Phật Thích Ca Mâu Ni thiền tu an tĩnh dưới tán bồ đề cao tuổi xum xuê (Nguồn: Internet)
Lư hương và lễ vật cúng bái trước tượng Phật Quán Thế Âm tại chùa Thiền Lâm Gò Kén
Lư hương và lễ vật cúng bái trước tượng Phật Quán Thế Âm cao nhất Đông Nam Bộ (Nguồn: Internet)
Vườn Lâm Tỳ Ni tại chùa Thiền Lâm Tây Ninh vào ngày xuân
Tiểu cảnh được lồng ghép khéo léo trong vườn Lâm Tỳ Ni vào ngày xuân (Nguồn: Internet)
Cận cảnh công trình Bảo Tháp Xá Lợi cao 9 tầng sắp hoàn thiện
Cận cảnh công trình Bảo Tháp Xá Lợi cao 9 tầng sắp hoàn thiện bên cạnh điện thờ Phật khang trang giữa hồ (Nguồn: Internet)

2.2. Chiêm ngưỡng 6 hình ảnh của chùa vào ban đêm

Sau khi rũ bỏ cái nắng chói chang của ban ngày, chùa Gò Kén Tây Ninh lập tức khoác vào một lớp áo mới lung linh bởi đèn hoa ngập tràn sức sống của ban đêm. Đặc biệt, mỗi ngày rằm, ánh trăng sáng tỏ cùng dòng người cúng bái tấp nập làm cho không khí ngôi cổ tự thêm rộn ràng.

Ánh đèn rực rỡ phản chiếu quần thể kiến trúc trang nghiêm tại chùa Gò Kén ở Tây Ninh
Mặt hồ của Thiền Lâm tự phản chiếu lại ánh đèn rực rỡ của quần thể kiến trúc (Nguồn: Internet)
 Đèn hoa đăng được thả vào dịp lễ vía Quán Thế Âm
Những đèn hoa đăng đa sắc gửi gắm ước nguyện của du khách dịp lễ vía Quán Thế Âm (Nguồn: Internet)
Kiệu rước sắc Quan Thế Âm trong ngày rằm tháng Hai âm lịch
Kiệu rước sắc Quan Thế Âm lộng lẫy trong ngày rằm tháng Hai âm lịch (Nguồn: Internet)
Hệ thống đèn led được bố trí để ca ngợi trí tuệ và lòng từ bi của Phật Di Lặc
Hệ thống đèn led được bố trí công phu để ca ngợi trí tuệ và lòng từ bi của Phật Di Lặc (Nguồn: Internet)
Bàn thờ tổ Chánh điện
Bàn thờ tổ Chánh điện mang sắc thái tâm linh huyền bí nhờ hương và hoa (Nguồn: Internet)
Đèn lồng ngày Tết tại khu trưng bày 18 vị la hán
Đèn lồng ngày Tết tô điểm cho khu trưng bày 18 vị la hán (Nguồn: Internet)

3. Nên khám phá chùa Gò Kén Tây Ninh vào thời điểm nào trong năm?

Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên thì nên viếng thăm Thiền Lâm tự mỗi dịp Tết đến xuân về. Vào thời điểm này, quần thể ngôi chùa vừa được bao trùm bởi sắc xanh của đồng ruộng, vừa được trang trí nổi bật bằng hoa tươi, giấy màu, câu đối đỏ. Cảnh vật căng tràn nhựa sống đem đến cho du khách niềm phấn khởi cho một năm mới tốt lành và cho ra những bức ảnh check-in vô cùng đặc sắc.

Trong trường hợp bạn là một tín đồ sùng đạo thì không nên bỏ lỡ những dịp lễ vía Phật được tổ chức tại chùa Gò Kén, chẳng hạn lễ vía Quán Thế Âm và thả hoa đăng, lễ vía Địa Tạng Vương Bồ Tát, lễ Vu Lan báo hiếu… Các sự kiện này thường tập trung vào tháng Tư, Bảy… âm lịch hằng năm và thu hút nhiều Phật tử tứ phương tề tựu.

4. Phương thức di chuyển đến chùa Gò Kén Tây Ninh

Thiền Lâm Gò Kén cách trung tâm thành phố Tây Ninh không xa. Du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy, xe khách hoặc xe buýt sao cho phù hợp với điều kiện thực tế cho phép.

  • Nếu di chuyển bằng xe máy, xe khách: Từ trung tâm thành phố, bạn men theo tuyến đường 30 tháng 4 và đi thẳng ra quốc lộ 22B tại ngã ba Cầu Nổi. Sau khi đi được khoảng 5km, bạn rẽ trái vào đường Long Thành Trung cho đến khi bắt gặp cổng tam quan ghi hán tự Thiền Lâm. Bạn vào cổng và đi thêm 250m để đến khuôn viên chính của chùa. Toàn bộ quá trình di chuyển mất khoảng 15 phút.
  • Nếu di chuyển bằng xe buýt: Bạn có thể trực tiếp đón tuyến buýt số 703 đi từ Sài Gòn đến cửa khẩu Mộc Bài, sau đó đi chuyến số 05 đến trung tâm thành phố Tây Ninh. Tại đây, bạn có thể tiếp tục đón tuyến buýt số 7 đi cửa khẩu Xa Mát và nhớ lưu ý tài xế cho bạn xuống trạm tại chùa Gò Kén. Phương thức này tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ giúp du khách tiết kiệm đáng kể chi phí xăng xe.
Nhìn từ bản đồ, tuyến đường đến chùa Gò Kén thẳng và dễ đi
Nhìn từ bản đồ vệ tinh, tuyến đường đến chùa Gò Kén không cần phải rẽ hướng nhiều lần (Nguồn: Google Map)

(*) Lưu ý: Tuyến buýt số 703 Bến Thành – Mộc Bài đã tạm dừng hoạt động từ ngày 15 tháng 8 năm 2023 và chưa rõ thời gian hoạt động trở lại. Trước khi khởi hành, du khách nên kiểm tra lại thông tin trên hệ thống website của các công ty vận tải hành khách để có hình thức di chuyển phù hợp. 

5. 4 lưu ý khi chiêm bái chùa Gò Kén Tây Ninh

Chùa Gò Kén Tây Ninh vừa là trọng điểm du lịch, vừa là trung tâm Phật giáo của tỉnh Tây Ninh. Do đó, việc bảo tồn văn hóa tín ngưỡng và thể hiện lòng kính trọng với kiến trúc tâm linh phải được ưu tiên hàng đầu. Bài viết xin chia sẻ đến bạn một số lưu ý quan trọng về phục sức, hành vi, lời nói khi hành hương đến địa danh này.

5.1. Lựa chọn trang phục lịch sự – kín đáo

Bạn nên chọn những bộ quần áo kín đáo, lịch thiệp với gam màu nhã nhặn như nâu, trắng, xám… tránh những trang phục hở hang, phá cách, cắt xẻ. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị một đôi dép lê đơn giản để tiện tháo rời khi vào điện thờ cúng bái và dễ dàng di chuyển hơn trong khuôn viên thanh tịnh của chùa.

5.2. Giữ gìn vệ sinh chung khi chiêm bái chùa Gò Kén

Là một điểm đến nổi tiếng tại Tây Ninh, hằng năm chùa Gò Kén đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch trên cả nước. Mỗi du khách đều cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi để đảm bảo cảnh quan sạch đẹp cho chốn tịnh thất trang nghiêm. Việc không giữ gìn cảnh quan ngôi chùa cũng là hành vi bất kính với chư vị thánh thần và đi ngược lại triết lý sống của Phật gia.

5.3. Không làm ồn – ảnh hưởng đến nơi tu tập linh thiêng

Du khách đa phần tìm đến chùa Gò Kén Tây Ninh với mục đích bái tế tượng Phật, cầu chúc sức khỏe và bình an. Do vậy, bạn nên di chuyển một cách nhẹ nhàng, cẩn trọng lời ăn, tiếng nói, tránh làm ồn, gây ảnh hưởng đến tâm trạng của mọi người xung quanh.

Các nữ Phật tử tỏ lòng thành kính với Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni nhân dịp lễ Vu Lan báo hiếu
Các nữ Phật tử tỏ lòng thành kính với Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni nhân dịp lễ Vu Lan báo hiếu (Nguồn: Internet)

5.4. Không sờ hoặc tì đè vào chân tượng Phật Quán Thế Âm tại chùa Gò Kén

Tượng Phật Quán Thế Âm đã trở thành một biểu tượng của Thiền Lâm Gò Kén và sẽ thật thiếu sót nếu bạn không tranh thủ có một bức ảnh check-in thú vị tại đây. Tuy nhiên, du khách không nên sờ hoặc tì đè vào chân tượng Phật vì có thể làm hỏng nước sơn của tượng và vô tình thực hiện cử chỉ không tôn trọng với đấng bề trên.

6. Review chùa Gò Kén Tây Ninh qua lăng kính trải nghiệm thực tế

Mỗi du khách khi nối gót rời cổng chùa Gò Kén ai cũng ít nhiều có cảm xúc luyến tiếc, bồi hồi. Nhìn chung, mọi người đều có ấn tượng sâu sắc với quy mô đầu tư của công trình cổ kính và đánh giá tích cực về kiến trúc cũng như cảnh quan cây cối nơi đây. Cụ thể:

Chia sẻ của Tiktoker Thích du lịch về cây bồ đề cao tuổi
Chia sẻ của Tiktoker Thích du lịch về cây bồ đề cao tuổi
Tài khoản Youtube Bùi Văn Dùng cảm thán trước tượng Phật Quán Thế Âm
Tài khoản Youtube Bùi Văn Dùng cảm thán trước tượng Phật Quán Thế Âm
Không khí lễ hội nhộn nhịp qua lăng kính của Youtuber Trí Bảy
Không khí lễ hội nhộn nhịp qua lăng kính của Youtuber Trí Bảy
Tài khoản Tiktok có tên Ô Tít vô cùng ấn tượng với không gian cổ tự
Tài khoản Tiktok có tên Ô Tít vô cùng ấn tượng với không gian cổ tự
Trải nghiệm của Youtuber TVQ Vietnam khi vãn cảnh chùa vào đầu xuân
Trải nghiệm của Youtuber TVQ Vietnam khi vãn cảnh chùa vào đầu xuân

7. Gợi ý 3 điểm tham quan khác gần chùa Gò Kén Tây Ninh

Do tọa lạc gần trung tâm thành phố Tây Ninh nên ngoài chùa Gò Kén, du khách có thể lựa chọn ghé thăm nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác tại đây như núi Bà Đen, Tòa Thánh Tây Ninh hay hồ Dầu Tiếng.

7.1. Núi Bà Đen

Cách Thiền Lâm tự khoảng 30km về hướng đông bắc là “Đệ Nhất Thiên Sơn” Bà Đen với núi non trùng điệp và nhiều công trình tôn giáo lâu đời. Bà Đen còn được ưu ái gọi bằng cái tên “nóc nhà Nam Bộ” – một biểu tượng thân quen của mảnh đất và con người Tây Ninh. Hơn hết, khu du lịch Sun World Ba Den Mountain sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm hệ thống cáp treo tiên tiến, mang tầm cỡ quốc tế, đưa con người đến gần hơn với thiên nhiên trù phú và hoang sơ.

Nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi đến với Sun World Ba Den Mountain
Nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi đến với Sun World Ba Den Mountain

7.2. Tòa Thánh Tây Ninh

Sau khi đã thăm quan chùa Gò Kén, bạn chỉ mất khoảng 10 phút di chuyển để đến với Tòa Thánh Tây Ninh, nơi thờ tự linh thiêng của đạo Cao Đài. Tòa Thánh là sự pha trộn độc đáo giữa nhiều lối kiến trúc tâm linh trên thế giới, tạo nên một tổng thể đặc sắc nhưng không hề xung đột, đối chọi lẫn nhau.

7.3. Hồ Dầu Tiếng

Cung đường du lịch Tây Ninh của bạn sẽ thật thiếu sót nếu không tham quan hồ Dầu Tiếng – hồ nước nhân tạo lớn bậc nhất Việt Nam. Không chỉ có giá trị về mặt thủy lợi, hồ còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp nên thơ, trữ tình và một hệ sinh thái hiếm có. Theo kinh nghiệm, bạn nên ghé qua hồ Dầu Tiếng vào sáng sớm hay chiều muộn, hoặc lựa chọn cắm trại qua đêm. Thời điểm ánh nắng giao thoa với mặt hồ sóng sánh nơi phía chân trời cũng là lúc thiên nhiên phác họa nên một bức tranh thủy mặc thơ mộng, khiến ai có dịp đi qua cũng phải say sưa ngắm nhìn.

Ngoài 3 địa điểm vừa kể trên, cách chùa Gò Kén khoảng 26km, tháp Chóp Mạt là một trong ba ngọn tháp cổ, “chứng nhân sống” cho nền văn hóa Óc Eo hơn 1.300 năm còn sót lại tại Nam Bộ. Nếu bạn yêu thích khám phá, tìm hiểu những giá trị về văn hoá, lịch sử, địa điểm này đáng để bạn lưu tâm trong chuyến hành trình của mình.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về chùa Gò Kén Tây Ninh giúp bạn có thêm hành trang cho chuyến du lịch sắp tới của mình. Hy vọng bạn sẽ đạt được một trải nghiệm chiêm bái thú vị và có những khoảnh khắc đáng nhớ tại ngôi cổ tự trăm năm tuổi này.

: