Phóng tác theo nguyên bản tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi (Ấn Độ) Thế kỷ V
Phật đứng ở Mathura, Ultar Pradesh thời kỳ Gupta Thế kỷ 5, hiện vật ở Bảo tàng Quốc gia New Delhi. Pho tượng Phật đứng tìm thấy ở Mathura, Ultar Pradesh thời kỳ Gupta TK V (Bảo tàng Quốc gia New Delhi) và pho tượng Đức Phật ngồi thuyết pháp TK V (Bảo tàng khảo cổ Sarnath, Ấn Độ) đã thiết lập nên một hình tượng chuẩn mực cho điêu khắc Phật giáo từ đó trở về sau. Các pho tượng như vậy đã làm nên phong cách được gọi là phong cách Gupta quốc tế. Nhứng đặc điểm như tóc xoắn ốc, gương mặt cân phân, đôi mắt khép hờ nhìn xuống, cổ cao ba ngấn, các nếp áo tạo thành các đường gân ôm sát cơ thể vạm vỡ với đôi vai lớn và eo khá thon. Sự mô tả đức Phật ngồi hay đứng đều lấy trục chính của cơ thể làm trọng tâm, khiến cho các bức tượng đạt đến sự thanh thản, siêu thoát. Đôi tay tượng đứng đưa lên có thể theo thế phổ độ chúng sinh (dù rằng hai bàn tay đã bị gãy) và lối kết ấn thế thuyết pháp ở pho tượng ngồi cũng là một ký hiệu đặc trưng. Ngoài ra, vành hào quang phía đằng sau được chạm trổ hoa văn theo các hình tròn đồng tâm đã tạo nên cho pho tượng này một bố cục chắc chắn. Kiểu thức tạc khắc này được gọi là “phong cách hình học” và cách mô tả nếp áo tạo gân kể trên là thuật ngữ “áo dính ướt”. Có thể nói, các đặc trưng đó bằng cách này hay cách khác đã theo chân Phật giáo truyền bá khắp châu Á đến tận TK XVI.