Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

3 Văn Miếu Quốc Tử Giám

Chào mừng quý khách đã đến với Sun World Ba Den Mountain và chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật “Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)” của họa sĩ Hoàng Phong

 

Tọa lạc tại trung tâm thủ đô Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giảm là quần thể di tích lịch sử, văn hóa và giáo dục hàng đầu Việt Nam.

Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 (năm Thần Vũ thứ hai) dưới triều vua Lý Thánh Tông, với mục đích thờ các bậc thánh hiền của Nho giáo như Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối. Sáu năm sau, vào năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ngay bên cạnh Văn Miếu, ban đầu là nơi học tập của các hoàng tử, con em quý tộc, sau này mở rộng đón nhận cả những người tài trong dân gian, trở thành trường đại học đầu tiên của nước ta.

Kiến trúc của Văn Miếu – Quốc Tử Giám được quy hoạch theo trục Bắc – Nam đối xứng, chia thành nhiều lớp không gian riêng biệt. Quần thể bao gồm các công trình chính như: cổng Văn Miếu Môn, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các (đã trở thành biểu tượng của Hà Nội), giếng Thiên Quang Tỉnh vuông vắn, khu nhà bia Tiến sĩ với 82 tấm bia đá đặt trên lưng rùa ghi danh những người đỗ đạt trong các kỳ thi Đình từ năm 1442 đến 1779, và khu Đại Thành thờ Khổng Tử cùng các học trò xuất sắc, cuối cùng là khu Thái Học.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là minh chứng sống động cho sự coi trọng giáo dục và nhân tài của cha ông ta (“hiền tài là nguyên khí quốc gia”), là nơi hun đúc tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam.

 

——————————————————————————————

Triển lãm tranh “Về Ngộ”

“Về Ngộ” là bộ tranh gồm 45 bức tranh về chủ đề Đền Chùa của hoạ sĩ Hoàng Phong.

 “Ngộ” là sự tỉnh thức, sự hiểu biết thấu đáo, là nhận ra chân lý. “Về” là sự tìm về, trở về, thuộc về. “Về Ngộ” chính là hành trình hoạ sĩ trở về quán chiếu nội tâm, soi rõ bản thể, tìm kiếm sự giác ngộ để chạm đến sự an yên trong tâm hồn.

Vẻ đẹp linh thiêng, kỳ vĩ và nguồn năng lượng của núi Bà Đen đã khơi gợi cảm hứng để hoạ sĩ vẽ bộ tranh “Về Ngộ”. Nhiều công trình tâm linh mang hồn cốt của núi Bà Đen được phác hoạ sống động như chùa Bà, hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu, Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, tượng Di Lặc Bồ Tát, đại lễ dâng đăng trên đỉnh thiêng…

Cùng với núi Bà Đen, người yêu nghệ thuật còn có thể gặp lại những ngôi đền, những mái chùa rất quen thuộc trên khắp cả nước như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Đồng (Yên Tử), chùa Keo (Thái Bình), chùa Hương (Hà Nội)…  Vẻ đẹp cổ kính, nên thơ, trầm mặc của các ngôi chùa được hoạ sĩ khắc hoạ sống động với phương pháp tả thực, cùng các chi tiết được đặc tả với sự tỉ mỉ cao độ. Bộ tranh sử dụng kỹ thuật vẽ màu nước chất tự nhiên được nghiền từ khoáng sản trên giấy Arches Pháp.

Bộ tranh “Về Ngộ” được triển lãm tại núi Bà Đen nhằm hướng đến Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025.

Hoạ sĩ Hoàng Phong

Họa sĩ Hoàng Phong sinh năm 1987, tại TP.HCM. Hội viên Hội mỹ thuật TP.HCM, thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015, Phó Chủ nhiệm CLB Friendly Art club tại Đường sách Nguyễn Văn Bình năm 2016. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã theo đuổi trường phái hội họa hiện thực được 13 năm.

:

Other News

1/14