Linh Sơn Thánh Mẫu là ai? Huyền tích & tín ngưỡng thờ Bà

Những ai đã lỡ cảm nhịp với vùng đất “Thánh” Tây Ninh hẳn không còn xa lạ với những truyền thuyết tâm linh lâu đời. Trong đó, các bí ẩn xoay quanh điển tích Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen vẫn được giới học thuật và tín đồ hành hương nghiên cứu sôi nổi. Hãy cùng Sun World tìm hiểu các thông tin liên quan đến vị mẫu thần có sức ảnh hưởng bậc nhất tại vùng Đông Nam Bộ nhé!

Tượng Bà Linh Sơn Thánh Mẫu
Hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu khắc sâu vào đời sống tinh thần của những người con Tây Ninh

1. Linh Sơn Thánh Mẫu là ai?

Căn cứ mô tả của các bậc kỳ lão cao niên và tài liệu chính thống, Linh Sơn Thánh Mẫu mang hình tượng của một người con gái xinh đẹp, có nước da ngăm đen nên còn được gọi là Bà Đen. Bà có tấm lòng trong sáng, đức hạnh khoan dung, vị tha, hướng về sự chung thủy sắt son và phẩm chất kiên cường.

Đặc biệt, Linh Sơn Thánh Mẫu luôn sẵn sàng dang tay cứu giúp dân lành khỏi tai ương, khổ nạn. Nhiều lời truyền miệng dân gian đã chứng thực khả năng thần thông quảng đại của Bà trong việc mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Mẹ Linh Sơn Thánh Mẫu
Sự linh nghiệm của Linh Sơn Thánh Mẫu được nhiều người chứng thực

2. Tổng hợp 2 sự tích về Linh Sơn Thánh Mẫu

Ngày nay, các dị bản xoay quanh câu chuyện Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen hầu như đều xuất phát từ hai sự tích nổi bật về người con gái tự vẫn thủ tiết và chuyện hiển linh báo mộng cho vua Gia Long.

2.1. Huyền tích về cô gái thủ tiết

Khi xưa, đất Hoang Hóa (Trảng Bàng ngày nay) nổi tiếng có cô gái Lý Thị Thiên Hương diện mạo đen đúa nhưng phẩm hạnh đoan trang, tài năng xuất chúng, hay lên chùa lễ Phật vào những ngày trăng rằm. Nhiều trai tráng trong vùng âm thầm mến mộ nàng, trong đó có tên công tử quan huyện kiêu căng ao ước lấy nàng về làm thiếp. Sau nhiều lần cám dỗ bằng tiền bạc không thành, gã bèn sai thuộc hạ dùng vũ lực bắt cóc nàng thiếu nữ tội nghiệp.

Giữa tình thế hiểm nghèo, một chàng trai tên Lê Sĩ Triệt đã anh dũng hành hiệp trượng nghĩa, giải thoát nàng Thiên Hương khỏi bọn cường hào ác bá. Chàng vốn là con nuôi của nhà sư Trí Tân, có tiếng văn hay võ giỏi, tài mạo song toàn. Cảm mến trước ơn nghĩa này, cha mẹ nàng đã hứa hôn cho hai người và bắt đầu tính chuyện trăm năm.

Nào ngờ hạnh phúc không kéo dài lâu, chàng Lê Sĩ Triệt phải lên đường tòng quân theo đuổi chí lớn, bỏ lại nàng Thiên Hương trông ngóng mỏi mòn. Trong một lần lên núi lễ Phật cầu an, nàng không may bị gia nô của tên công tử vây khốn và phải nhảy xuống hố sâu tử tiết để giữ đạo trung trinh. Nhờ căn tu vững vàng qua mấy kiếp, nàng thoát khỏi luân hồi khổ nhục và đắc đạo thành tiên.

Linh Sơn Thánh Mẫu
Theo huyền tích thứ nhất, Linh Sơn Thánh Mẫu là nàng Lý Thị Thiên Hương (Nguồn: nguoilambao.vn)

Sau ba ngày, nàng hiện hồn báo cho sư thầy Trí Tân biết về sự ra đi của mình, hy vọng thầy giúp đem thân xác phàm trần vẫn còn nguyên vẹn về chôn cất. Hòa thượng nghe lời mách bảo và thực sự tìm được di thể của người con gái bạc mệnh. Chuyện lạ đồn xa đến tai thượng quốc công Lê Văn Duyệt – trung thần của vua Gia Long. Với bản tính cương trực và không tin chuyện huyễn hoặc, Ngài liền lên núi tra xét thực hư.

Đứng trước người dân, thượng quốc công triệu hồn nàng Thiên Hương có linh thì hiển thánh. Lúc này, nàng nhập hồn vào một cô gái thôn quê và kể cho ngài Lê Văn Duyệt tường tận sự tình. Đồng thời, nàng cũng báo trước cho thượng quốc công biết về nỗi oan khiên thấu trời xanh trong tương lai của ngài. Cảm động trước tấm lòng đoan trinh ấy, ngài Lê Văn Duyệt trở về dâng sớ tâu vua, sắc phong nàng Lý Thị Thiên Hương chức Linh Sơn Thánh Mẫu, ngự tại núi Một (tức núi Bà Đen sau này).

Lịch sử đã chứng minh dự đoán của Linh Sơn Thánh Mẫu về án oan của thượng quốc công hoàn toàn linh ứng. Ngoài ra, Bà cũng nhiều lần báo mộng cho nhân dân biết trước tai ương, dịch bệnh, chỉ dẫn cách phòng ngừa thú dữ. Từ đó, uy thần hiển hách của Bà truyền mãi đến nay, hương khói thơm nghi ngút tại điện thờ Bà quanh năm suốt tháng, tán thán ân đức vô lượng của mẫu thần.

Kính lạy Mẹ Linh Sơn Thánh Mẫu
Văn hóa thờ tượng Linh Sơn Thánh Mẫu vẫn được duy trì đến tận ngày nay

2.2. Huyền tích vua Gia Long nằm mộng cầu nguyện Bà

Tương truyền thuở xưa, vùng núi Tây Ninh có nhà viên quan trấn địa phương người Miên sinh ra một cô con gái hiền thục, nết na, tên là Đênh. Từ năm 13 tuổi, nàng Đênh đã được tiếp xúc với giáo lý đạo Phật thông qua một vị thiền sư người Tàu từ Bến Cát đến Tây Ninh khai sơn lập tự. Vốn là người mộ đạo, quan trấn đã mời vị hòa thượng nghỉ lại tại nhà và kiến thiết cho thầy một ngôi chùa nằm về phía Đông chân núi.

Trong thời gian này, sư thầy tích cực truyền dạy Phật pháp đến gia đình quan trấn và cơ vệ đội, từ đó phát hiện căn tu của nàng Đênh. Ngày qua ngày, nàng miệt mài nghe thầy giảng đạo và càng thêm tôn kính chốn thiền môn. Sau thầy về lại Bến Cát, nàng vẫn tiếp tục lo việc công quả cho chùa và một lòng thành tâm hướng Phật.

Khi đến tuổi cập kê, nhan sắc trâm anh của nàng Đênh vang danh khắp vùng, khiến nhiều chàng trai mong muốn nên duyên cùng nàng. Trong đó có viên quan trấn khác nhờ bà mai hỏi cưới nàng cho trưởng nam nhà ông. Nhận thấy môn đăng hộ đối, song thân nàng Đênh liền chấp thuận mối hôn sự và hẹn ngày lành tháng tốt để đưa sính lễ.

Biết được tin này, nàng Đênh lập tức trằn trọc không thôi và tìm cách trì hoãn. Cuối cùng, nàng quyết định xuất gia cầu đạo, không lập gia đình và bỏ đi biệt tích trong đêm. Nhiều người đồn đoán rằng nàng không may bị cọp vồ trên núi và thiệt mạng. Qua một thời gian, nàng hiển thánh về và cho biết mình nay đã tu thành chánh quả, nhận lệnh ân trên phổ độ chúng sanh. Cư dân trong vùng từ đấy bắt đầu sùng bái Bà Đênh.

Sự tích Linh Sơn Thánh Mẫu
Theo huyền tích thứ hai, Linh Sơn Thánh Mẫu là nàng Đênh

Vào thế kỷ XVIII, Nguyễn Ánh phải bôn tẩu vào Nam để lẩn tránh sự truy lùng gắt gao của quân đội Tây Sơn. Tại vùng đất này, ông nằm mộng cầu mong sự giúp đỡ của Bà Đênh theo gợi ý của người dân. Đáp lại lời khấn nguyện, Bà chỉ dẫn Nguyễn Ánh tìm quả dại cứu đói và dẫn binh lính trốn thoát khỏi cảnh hiểm nguy.

Khi hoàn thành phục hưng nhà Nguyễn và lên ngôi trị vì, vua Gia Long đã sắc phong Bà Đênh chức Linh Sơn Thánh Mẫu, đúc cốt tượng đồng đen thờ Bà trong thạch động để đền đáp ơn nghĩa năm xưa. Người dân địa phương cũng bắt đầu gọi vùng núi này là núi Bà Đênh, sau đọc trại thành Bà Đen như hiện nay.

Truyền thuyết Linh Sơn Thánh Mẫu
Huyền tích này liên quan đến cuộc đời vua Gia Long

3. Vai trò của Linh Sơn Thánh Mẫu trong đời sống tín ngưỡng – tâm linh

Linh Sơn Thánh Mẫu là điểm tựa vững chãi trong tâm thức người dân địa phương lẫn các tín đồ sùng đạo trên cả nước. Việc thờ tượng Bà thể hiện tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt đã trường tồn qua hàng ngàn năm. Không dừng lại ở đó, Linh Sơn Thánh Mẫu còn hiện diện trong Phật giáo ngay từ khi du nhập vào Nam Bộ. Tại một số ngôi chùa Tây Ninh, tượng Bà được trang trọng phối thờ như một vị hộ trì Tam bảo.

Thông thường, các nhà sư sẽ đặt bàn thờ Linh Sơn Thánh Mẫu sau bàn thờ Phật và đối diện bàn thờ tổ dựa trên quy tắc bố trí “tiền Phật hậu Thánh”. Cũng có nơi bày biện gian thờ Bà ở bên phải chánh điện hoặc xây dựng miếu riêng tại khuôn viên chùa để thờ cùng các vị nữ thần khác như Diêu Trì Địa Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương… Điều này đã góp phần cho thấy tầm quan trọng của Linh Sơn Thánh Mẫu trong giáo lý đạo Phật.

Thờ Bà Linh Sơn Thánh Mẫu
Gian thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm (Nguồn: baotayninh.vn)

Không biết tự bao giờ, các vị tổ sư đắc đạo trong giới Phật giáo Tây Ninh đã tôn kính phong hiệu Bồ Tát cho Linh Sơn Thánh Mẫu. Vì vậy, Bà còn sở hữu danh xưng “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát”. Những tài liệu chứng minh cho việc này bao gồm:

  • Các văn bản, mộc bản xưa: Tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Linh Sơn Thanh Lâm hay chùa Phước Lưu vẫn lưu truyền các pháp phái thế độ và quy y có nội dung “Linh Sơn Thánh Mẫu” và “Tiên thánh lợi sanh chi bổn mạc xuất ư tư Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát tác đại chứng minh”.
  • Các sớ cầu an: Trong các nghi thức Phật giáo tại Tây Ninh, các nhà sư thường đọc thêm câu “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát chứng minh toạ hạ” hoặc đề trên sớ văn dòng chữ “Phật Bà chứng minh” (tức ám chỉ Phật Bà Linh Sơn hay Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát).

4. Nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu linh thiêng nhất ở Tây Ninh

Tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ cúng tại nhiều chùa chiền, miếu mạo tại tỉnh Tây Ninh, trong đó nổi trội và linh thiêng bậc nhất là điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Công trình được đặt tại lưng chừng núi Bà Đen ở độ cao 350m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng Đông Bắc.

Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu
So sánh vị trí của điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu trên bản đồ và hình ảnh thực tế

Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu có kết cấu 2 phần độc đáo, bao gồm một mái đá tự nhiên cao 2,5m nhô ra thành động nối liền với gian nhà thờ nhân tạo dài khoảng 8m. Gian thờ này được lợp mái đao cùng hoa văn chạm khắc hình rồng uốn lượn bắt mắt. Nước sơn vàng và mái ngói đỏ rực rỡ khiến cho kiến trúc điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu đồng điệu với quần thể chùa Bà xung quanh.

Chùa Linh Sơn Thánh Mẫu
Chiêm ngắm thiết kế độc đáo của điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Điện Bà là nơi thờ cúng riêng biệt của Linh Sơn Thánh Mẫu và một số vị thần Phật theo phong cách tôn trí “tiền Phật hậu Thánh” đặc trưng bên cạnh chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Gian ngoài cùng của điện Bà đặt tượng Quán Thế m Bồ Tát, tượng Diêu Trì Địa Mẫu tạc đứng khá lớn cùng 4 pho tượng Tứ Thiên Vương (Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Thọ và Ma Lễ Thanh).

Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được tạc tạo tinh tế
Gian thờ Diêu Trì Địa Mẫu tại điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu
Gian thờ Diêu Trì Địa Mẫu tại điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Tại hai bên cửa hang và vách hang dẫn vào gian thờ chính, du khách sẽ bắt gặp một gian thờ Ông Địa, hai miếu thờ Ông Tà và một phiến đá hình trụ cao gần 50cm, đường kính khoảng 10cm được trùm bằng một tấm vải điều đỏ. Theo nghiên cứu, phiến đá này tương tự với một Linga thờ Bà Chúa Xứ thường thấy ở chùa chiền Nam Bộ.

Gian thờ chính của điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được xây dựng trong thạch động với cách bày trí kỳ ảo nhưng không kém phần thanh tao. Trong khi hai bên gian thờ đặt lư hương cúng bái Tứ Vị Sơn Thần thì sâu bên trong là khu vực chánh điện bày trí ba tượng Linh Sơn Thánh Mẫu.

Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu Tây Ninh
Gian thờ tượng Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen

Ở vị trí cao nhất là tượng Bà da ngăm đen, mặc áo choàng và đội mũ miện kim tuyến lấp lánh, hai bên trái phải có cậu Tài cậu Quý – cô Hồng cô Hạnh phò tá. Chính giữa là tượng ngọc Linh Sơn Thánh Mẫu màu trắng nặng 240kg được điêu khắc tinh xảo, tỉ mỉ. Cuối cùng là tượng đồng mạ đen với gương mặt an yên, thanh thuần, tương truyền được đưa về từ động Thanh Long. Đặc biệt, dòng chữ “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát” đề trên khung vòm gian thờ chánh điện đã củng cố thêm địa vị của Bà trong tín ngưỡng đạo Phật.

5. Khám phá Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu Tây Ninh

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa bản địa của người dân Tây Ninh, thu hút đông đảo du khách thập phương về thăm viếng, cúng bái. Đặc biệt, vào năm 2019, Lễ vía vinh hạnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Địa điểm – Thời gian diễn ra Lễ vía Bà

Từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 Âm lịch hằng năm, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thường được tổ chức tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch và điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thuộc quần thể tâm linh núi Bà Đen.

Ngoài ra, một số nơi thờ tự Phật giáo khác tại Tây Ninh như chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu), Linh Sơn Thánh Miếu (thị xã Trảng Bàng), chùa Hạnh Lâm (huyện Châu Thành)… cũng hưởng ứng ngày lễ này.

Không gian lễ Vía Bà
Không gian núi Bà Đen treo đầy cờ hoa đa sắc nhân ngày lễ vía

Các nghi thức & lễ tại Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được tiến hành dựa trên các nghi thức long trọng. Tiêu biểu như:

  • Lễ Mộc Dục (tắm tượng): Vào rạng sáng mùng 4, sáu nữ Phật tử trung niên đóng cửa điện Bà, thổi tắt nến, thực hiện nghi thức tắm và thay áo mão cho tượng Bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Sau khi kết thúc, điện Bà chính thức mở cửa và cho phép khách hành hương vào lễ bái.
  • Lễ Hưng Tác: Cung thỉnh Thành Hoàng Bổn Cảnh – bậc hiền nhân có công xây dựng quê hương và che chở, bảo vệ dân lành.
  • Lễ nghinh Thần Chủ: Cung thỉnh Địa Tạng Vương Bồ Tát – một trong sáu vị Bồ Tát của Phật giáo đại thừa và là giáo chủ cõi U Minh.
  • Lễ khoa Tịnh Trù: Cung thỉnh Giám Trai Sứ Giả Bồ Tát – vị thần trông nom việc ăn uống của Phật tử trong chùa.
  • Lễ khoa Cấp Thủy: Cung thỉnh Long Vương, Thủy Quan, Hà Bá và các vị thần nước trông coi thủy lợi và cầu mong mưa thuận gió hòa.
  • Lễ khoa Trình Thập Cúng: Là nghi thức quan trọng nhất diễn ra vào mùng 5, lúc này, các tín nữ dâng tuần tự 10 món lễ vật lên Linh Sơn Thánh Mẫu (bao gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, thuỷ, đồ, châu và bảo).
  • Lễ bái sám hồng danh: Sám hối tội căn trước thần Phật và nhắc nhở bản thân tu tâm dưỡng tính, sống tốt đời đẹp đạo.
  • Lễ cúng Ngọ cúng Phật: Diễn ra vào 12h00 trưa hằng ngày, biểu lộ lòng thành kính và niềm tin của Phật tử với Đức Phật, chánh pháp, chúng tăng.
Nghi thức lễ vía Bà
Các nghi thức lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được thực hiện bài bản
Lễ vật dâng Linh Sơn Thánh Mẫu
Mãn nhãn với các món lễ vật dâng lên Linh Sơn Thánh Mẫu

Bên cạnh các nghi thức trong ngày lễ vía, tăng ni Phật tử và khách hành hương có thể đọc văn khấn Linh Sơn Thánh Mẫu, cầu mong mẫu thần ban thưởng hồng ân, tiêu trừ kiếp nạn và phù hộ con cháu gặp được nhiều điều may mắn, vạn sự như ý.

Khấn nguyện tại Lễ Vía Bà
Du khách thành tâm khấn nguyện tại vùng đất địa linh

Dịp Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, du khách thập phương còn có cơ hội trải nghiệm những hoạt động đặc sắc khác như các chương trình văn hóa – nghệ thuật, nghe thoại giảng Phật pháp, chiêm bái Xá Lợi Đức Phật, xin lộc núi Bà Đen… Chi tiết, du khách có thể tham khảo tại bài viết Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu.

Để viếng thăm quần thể chùa tại lưng chừng núi Bà Đen, du khách có thể di chuyển bằng tuyến cáp treo Chùa Hang với vận tốc 6m/s, thời gian di chuyển chỉ 5 phút và công suất vận chuyển 4.400 khách/giờ.
Bảng giá vé dịch vụ tại núi Bà Đen cập nhật từ ngày 01/02/2024
Bảng giá vé dịch vụ tại núi Bà Đen cập nhật từ ngày 01/02/2024 (có thể thay đổi theo thông báo mới nhất)

Trên đây là các thông tin khái quát về Linh Sơn Thánh Mẫu – vị nữ thần được nhiều người tôn vinh, sùng bái. Huyền tích và ơn đức của Bà vẫn tiếp tục lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân thông qua văn hóa thờ cúng và di sản lễ vía đậm chất tâm linh. Hãy trực tiếp ghé thăm núi Bà Đen để tìm hiểu thêm về Linh Sơn Thánh Mẫu và khám phá những trải nghiệm đặc trưng tại Sun World Ba Den Mountain bạn nhé!

 

:

Other News