Toàn cảnh lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu & kinh nghiệm khi đi lễ

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu là ngày lễ trọng đại bậc nhất tại “Đệ Nhất Thiên Sơn” núi Bà Đen, thu hút nhiều du khách và tín đồ hành hương trên cả nước tề tựu đông đảo. Trải qua hàng trăm năm, lễ vía đã trở thành di sản linh thiêng, để lại cho con người nhiều giá trị văn hóa – tâm linh độc đáo và tô điểm thêm cho vẻ đẹp của thiên nhiên trù phú, hoang sơ.

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu
Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu – di sản quý giá cần được bảo tồn

1. Nguồn gốc của lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Lễ vía Bà là dịp tưởng nhớ công ơn của Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen – vị nữ thần có tấm lòng nhân hậu, vị tha đã chở che cho nhân dân trong vùng khỏi tai ương, bệnh tật. Cảm kích trước đức hạnh của Bà, người dân đã lập đền thờ cúng và tổ chức lễ vía hằng năm để dâng lên Linh Sơn Thánh Mẫu những phẩm quà cúng dường cũng như cầu nguyện quốc thái dân an. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, lễ vía Bà đã được duy trì trong suốt ba thế kỷ.

Lễ vía Bà
Lễ vía Bà đã đi vào đời sống tinh thần của người dân Tây Ninh

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu gắn liền với nhiều điển tích tâm linh huyền bí. Trong đó, câu chuyện về nàng Lý Thị Thiên Hương tử tiết giữ mình được nhiều người công nhận. Chuyện kể rằng vào thế kỷ XVIII, viên quan trấn nhậm Hoang Hóa (tức Trảng Bàng ngày nay) có cô con gái hiền lương, thục đức tên Lý Thị Thiên Hương. Nhiều chàng trai trong vùng cảm mến và ao ước lấy nàng làm vợ.

Trong một lần bị cường hào ác bá vây bắt, nàng được tráng sĩ Lê Sĩ Triệt cứu giúp và cùng chàng hứa hẹn nên duyên. Tuy nhiên, đáp lại lời chiêu mộ của Nguyễn Ánh, chàng đành tòng quân ra trận và để lại nàng Thiên Hương chờ đợi tại quê nhà. Bất hạnh thay, khi lên núi lễ Phật, nàng lại bị kẻ ác toan tính hãm hại và buộc phải nhảy xuống hố sâu tuẫn tiết.

Sau khi mất, nàng Thiên Hương đắc đạo thành tiên và hiển thánh báo mộng trong hình hài người con gái đen đúa. Các bậc kỳ lão địa phương thường truyền tai nhau về sự linh nghiệm của nàng khi cảnh báo trước điềm dữ, tai ương và chỉ dẫn dân lành thoát khỏi tình thế nguy nan. Từ đó, cư dân bản địa bắt đầu thờ phụng Linh Sơn Thánh Mẫu và gọi địa danh này là núi Bà Đen.

Điện thờ Bà Linh Sơn Thánh Mẫu
Điển tích Linh Sơn Thánh Mẫu được lưu truyền rộng rãi trong dân gian

2. Địa điểm – thời gian diễn ra lễ vía Bà

Theo thông lệ hằng năm, ngày lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu thường được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 Âm lịch tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch và điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (chùa Bà và điện Bà). Sở dĩ lễ vía kéo dài trong suốt 3 ngày xuất phát từ huyền tích nàng Lý Thị Thiên Hương hiển linh báo cho nhà sư Trí Tân biết về sự ra đi của mình. Bấy giờ, thân xác phàm trần của nàng đã ở dưới hố sâu 3 ngày nhưng vẫn còn nguyên vẹn.

Giá trị tín ngưỡng – tâm linh sâu sắc của lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được công nhận như Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018. Hàng ngàn, hàng vạn Phật tử và du khách có cơ hội tụ họp đông đúc tại núi Bà Đen để thưởng ngoạn thiên nhiên và chiêm bái quần thể kiến trúc độc đáo.

Cầu khấn tại Lễ hội vía Bà Tây Ninh
Lễ vía Bà thu hút các tín đồ hành hương về với núi Bà Đen
Ngoài lễ vía Bà, vào dịp đầu năm, núi Bà Đen thu hút đông đảo khách hành hương từ mọi miền đất nước quy tụ để tận hưởng không khí lễ hội nhộn nhịp của lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát, hội xuân núi Bà Đen… hay tham quan triển lãm Vô Niệm – không gian tri thức và nghệ thuật Phật giáo đầy màu nhiệm trên đỉnh thiêng núi Bà Đen – Tây Ninh; giúp du khách gác lại những ưu tư, muộn phiền và hòa mình vào cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, tráng lệ.

3. Chiêm ngưỡng 10 hình ảnh đẹp tại lễ vía Bà

Mỗi khi đến mùa lễ vía, núi Bà Đen lại tấp nập chào mừng các đoàn khách thập phương ghé thăm. Nhiều người phải choáng ngợp trước khung cảnh quần thể chùa được trang hoàng lung linh với hàng trăm cờ hội Phật giáo, đèn hoa sen, đèn nón lá, đèn bông lúa. Hương nhang khói nghi ngút và các phẩm lễ linh đình được bày trí trang trọng tại điện Bà, chùa Bà. Không khí lễ hội cũng không kém phần sôi động với nhiều hoạt động văn nghệ đặc sắc.

Mời bạn trải nghiệm lễ hội vía Bà Tây Ninh qua các hình ảnh sau đây:

Toàn cảnh quần thể chùa Bà hiện ra từ trên cao
Toàn cảnh quần thể chùa Bà hiện ra từ trên cao
Đèn lồng cơ hoa lễ hội vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu
Cận cảnh những chiếc đèn lồng và cờ hoa rực rỡ
Lễ vật dâng lễ vía Bà Tây Ninh
Phẩm lễ dâng lên chư vị thánh thần
Trang trí lễ hội vía Bà Đen
Du khách bái lễ trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Linh Sơn Tiên Thạch
Nghi thức lễ vía Bà Đen
Nghi thức lễ vía được cử hành bởi các bậc cao tăng lão luyện
Dàn nhạc lễ vía Bà núi Bà Đen
Dàn nhạc tấu trong các nghi thức
Khách khấn vái này vía Linh Sơn Thánh Mẫu
Khách hành hương ngồi trật tự, ngay ngắn tại chánh điện chùa Bà
Gian thờ Bà Đen
Gian thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại điện Bà đầy ắp lễ phẩm cao quý
Tiết mục múa mâm vàng được đầu tư phục sức chỉn chu
Tiết mục múa mâm vàng được đầu tư phục sức chỉn chu
Tiếng trống nhịp nhàng khuấy động mùa lễ vía
Tiếng trống nhịp nhàng khuấy động mùa lễ vía

4. 6 nghi thức & lễ tại lễ hội vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu tôn vinh tín ngưỡng thờ mẫu đã gắn bó mật thiết với người Việt Nam từ thuở ban sơ. Đồng thời, nét đẹp tâm linh của lễ vía là sự kết hợp hài hòa giữa phong tục thờ cúng dân gian và nghi thức Phật giáo trang nhã. Điều này được thể hiện thông qua 6 nghi thức và lễ tiêu biểu dưới đây.

4.1. Lễ Mộc Dục (tắm tượng)

Đây là nghi thức truyền thống của đạo Phật trong các ngày lễ vía với ý nghĩa tẩy trừ phiền não, làm thanh khiết tượng Phật đang được thờ phụng. Vào đúng 0h00 rạng sáng mùng 4 tháng 5, sáu vị Phật tử trung niên (trong đó có ba vị sư cô nhà chùa) đóng cửa điện Bà, tắt gần hết đèn nến, thắp hương trước gian thờ Linh Sơn Thánh Mẫu để xin phép tắm và thay áo mão cho Bà.

lễ Mộc Dục
Các phẩm vật phục vụ lễ Mộc Dục được chuẩn bị tỉ mỉ từ trước

Sau nửa tuần hương, đoàn người tiến hành cởi áo tượng và chuyền tay nhau những gáo nước thơm nấu từ hoa sứ, hoa lan, hoa lài, hoa sen… tắm táp tượng Linh Sơn Thánh Mẫu. Dòng nước mát lạnh cũng giúp gột rửa chân tâm của những người con sùng đạo, củng cố đức tin và soi rọi con đường tu thân dưỡng tính. Khi hoàn tất tắm rửa, đoàn người lau khô tượng Bà bằng những chiếc khăn xông thơm tinh dầu và mặc áo mão tinh tươm.

Nghi thức Mộc Dục chấm dứt sau lễ thắp hương vái lạy tượng Bà, thắp sáng đèn nến và mở cửa cho đoàn khách bên ngoài vào cúng viếng. Lúc này, bạn có thể xin lại những phẩm vật của nghi lễ như nước tắm, hoa thơm, khăn tắm để giữ làm kỷ niệm cũng như là một hình thức xin lộc Bà để cầu bình an, tài vận.

4.2. Lễ Hưng Tác

Lễ Hưng Tác là nét đẹp văn hóa dân gian diễn ra vào sáng ngày mùng 4 tại chánh điện chùa Bà. Thông qua đó, Phật tử và khách hành hương cung thỉnh Thành Hoàng Bổn Cảnh – bậc vĩ nhân có công xây dựng quê hương, bảo vệ bờ cõi đất nước. Đây là một trong những tập tục thờ tổ tiên vẫn được duy trì tại nhiều đình làng Việt Nam. Theo đó, các nhà sư đọc văn khấn cung thỉnh Ngài về hội họp trong tiếng đàn nhị, sáo tam réo rắt.

Lễ Hưng Tác
Lễ Hưng Tác cung thỉnh Thành Hoàng Bổn Cảnh

4.3. Lễ khoa Trình Thập Cúng

Mùng 5 được xem là ngày lễ vía Bà chính thức với lễ khoa Trình Thập Cúng, dâng lên những thức quà cao quý và bày tỏ lòng tôn kính với Linh Sơn Thánh Mẫu đại từ, đại bi. Nghi lễ được diễn ra tại điện Bà trong tiếng nhạc hân hoan và lời xướng văn của thầy sám chủ vị. Thầy chủ vị chỉ dẫn các tín nữ tuần tự cúng hiến 10 món lễ phẩm bao gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, thuỷ, đồ, châu và bảo lên gian thờ tượng Bà.

Lễ khoa Trình Thập Cúng
Lễ khoa Trình Thập Cúng tại điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Sau khi hoàn tất Trình Thập Cúng, đoàn người cử hành đăng đàn Chẩn tế âm siêu dương thới để cầu siêu, độ trì cho những vong linh vất vưởng chốn phàm trần. Các nhà sư của chùa thay phiên túc trực tại điện Bà trong ngày này và tụng kinh gõ mõ liên tục.

4.4. Lễ thỉnh ông Tiêu về chùa

Cũng vào mùng 5 lễ vía, quý tăng ni long trọng tiến hành lễ thỉnh ông Tiêu về chùa tại tiền đường Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Ông Tiêu (hay Tiêu Diện Đại sĩ) là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế m mang chức trách hàng yêu phục ma, phổ độ chúng sanh. Đây là nghi lễ đậm chất Phật giáo Bắc tông, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Không khí buổi lễ diễn ra trang nghiêm với những màn dâng hương, dâng hoa, làm phép của thầy chủ vị và sự tham gia nhiệt tình của quý quan khách. Lễ phẩm bao gồm tiền lẻ, muối, gạo được đính trên những trụ giấy đơn sơ. Sau khi bãi đàn, du khách bắt đầu tranh giành lễ phẩm với ao ước thể hiện sự nỗ lực để được hưởng lộc ông Tiêu – tục lệ “giật cô hồn” đặc thù tại Nam Bộ. Đặc biệt, tương truyền ai lấy được cờ ông Tiêu cắm trên các trụ giấy về treo tại nhà sẽ được Ngài phù hộ, che chở.

Cận cảnh các trụ giấy thỉnh ông Tiêu treo đầy tiền lẻ, muối, gạo
Cận cảnh các trụ giấy thỉnh ông Tiêu treo đầy tiền lẻ, muối, gạo

4.5. Lễ Bái sám hồng danh

Lễ Bái sám hồng danh được trịnh trọng cử hành trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 lễ vía Bà Tây Ninh tại chánh điện chùa Bà. Đây là nghi thức quan trọng với các tín đồ sùng đạo nhằm sám hối tội căn, giải trừ nghiệp chướng trước bàn thờ chư Phật. Qua những lời trì niệm của thầy chủ vị, quý quan khách quỳ lạy tổng 108 lần – đại diện cho 108 phiền não, đẩy lùi điều ác và hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ.

Du khách thành khẩn Bái sám hồng danh trước bàn thờ chư Phật
Du khách thành khẩn Bái sám hồng danh trước bàn thờ chư Phật

4.6. Lễ cúng Ngọ cúng Phật

Lễ cúng Ngọ cúng Phật diễn ra vào 12h00 trưa ba ngày lễ vía nhằm biểu lộ lòng tin với Đức Phật và nhắc nhở con người phải tích đức, hướng thiện. Bàn thờ chánh điện chùa Bà được bày trí hương, đăng, hoa, quả và nhiều lễ phẩm chỉn chu. Các cao tăng và Phật tử cung kính cầu an đệ tử và cầu siêu hương linh trong tiếng tụng kinh gõ mõ và tiếng đàn sắc tộc ngân nga.

Lễ cúng Ngọ cúng Phật tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch
Lễ cúng Ngọ cúng Phật tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch

5. Các hoạt động khác không nên bỏ lỡ khi tham gia lễ vía Bà

Ngoài những nghi thức truyền thống mang đậm dấu ấn tâm linh, du khách không nên bỏ qua các hoạt động đặc sắc sau đây tại núi Bà Đen trong các ngày lễ vía.

5.1. Xin lộc Bà ngụ ý gặp nhiều may mắn – bình an

Bên cạnh xin nước, hoa, khăn tắm hay tranh lễ phẩm ông Tiêu, du khách cũng có thể xin lộc chùa Bà Tây Ninh tại điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Lộc Bà là một nhúm gạo trắng hoặc tiền lẻ đựng trong giấy gói đẹp mắt, đem đến may mắn, bình an cho người sở hữu. Theo chia sẻ của nhiều khách hành hương, Linh Sơn Thánh Mẫu thường chứng giám cho các lời cầu an, cầu con, cầu duyên, cầu tài… của người thành tâm khấn nguyện.

Du khách tập trung về điện Bà để chiêm bái và xin lộc
Du khách tập trung về điện Bà để chiêm bái và xin lộc

5.2. Lắng nghe giảng pháp về huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu

Tham gia ngày lễ vía, bạn sẽ có cơ hội lắng nghe bài giảng pháp chi tiết về huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu. Qua đó, du khách có thể hiểu rõ hơn vai trò của Bà trong triết lý Phật gia cũng như các tập tục cúng bái tại núi Bà Đen Tây Ninh. Trong lễ vía Bà 2023, bài giảng pháp do ni cô Thích Nữ Diệu Hải – Phó viện chủ hệ thống chùa núi Bà chủ trì.

Bài giảng pháp nhận được nhiều sự quan tâm của du khách gần xa
Bài giảng pháp nhận được nhiều sự quan tâm của du khách gần xa

5.3. Gặp gỡ Viện chủ hệ thống chùa Bà

Thông thường, Viện chủ hệ thống chùa Bà – Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa sẽ ghé thăm và trò chuyện cùng du khách tại núi Bà Đen trong ngày chính lễ mùng 5 tháng 5 m lịch. Bà tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, góp công tôn tạo, phục dựng hệ thống chùa Bà hậu chiến tranh và cống hiến cuộc đời cho các hoạt động thiện nguyện. Có thể nói, Bà là tấm gương mẫu mực của một bậc chân tu với lối sống tốt đời đẹp đạo.

Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa hoan hỉ giao lưu cùng quý quan khách
Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa hoan hỉ giao lưu cùng quý quan khách

5.4. Dâng hoa đăng – bày tỏ lòng thành kính

Lễ dâng hoa đăng tại tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh được tổ chức thường xuyên để kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm. Qua đó, bạn có thể tự tay ráp đèn, ghi lời ước nguyện để gửi đến các đấng thiêng liêng, tìm được sự an yên và thanh thản trong tâm hồn.

Dâng đăng núi Bà
Lồng đèn hoa đăng tôn lên vẻ đẹp của đỉnh thiên sơn Bà Đen

(*) Lưu ý: Nghe giảng pháp, gặp gỡ Viện chủ và dâng hoa đăng là các hoạt động không cố định, phụ thuộc vào chương trình mỗi năm. Do đó, bạn nên kiểm tra trước lịch trình lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được cập nhật kịp thời trên Fanpage Sun World Ba Den Mountain.

5.5. Mãn nhãn với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật

Vào buổi tối các ngày mùng 4, mùng 5, nhiều tiết mục dân gian như múa mâm vàng, múa bóng rỗi, múa rồng nhang – long mã hay những trích đoạn cải lương được trình diễn mãn nhãn tại điện Bà. Các nghệ sĩ uyển chuyển, thướt tha trong bộ trang phục cầu kỳ và góp điệu múa, lời ca tỏ lòng kính mến với Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen. Nhờ vậy, chương trình biểu diễn góp phần thể hiện phong tục thờ mẫu và truyền bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ vào đời sống nhân dân.

Tiết mục cải lương mang lại tiếng cười cho du khách
Tiết mục cải lương mang lại tiếng cười cho du khách

Ngoài ra, nhiều hoạt động văn nghệ đặc sắc khác như đánh trống, múa lân, múa sen… cũng được tổ chức xuyên suốt tại nhà ga Bà Đen, nhà ga Vân Sơn và quần thể chùa Bà – một trong các chùa ở Tây Ninh nổi tiếng mà bạn nên nghé thăm – hứa hẹn đem đến cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc ấn tượng.

Hòa mình với những màn múa lân nhiệt huyết trong ngày lễ vía
Hòa mình với những màn múa lân nhiệt huyết trong ngày lễ vía

5.6. Ngủ lại qua đêm tại quần thể chùa

Để tận hưởng trọn vẹn ba ngày lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, nhiều du khách lựa chọn trải chiếu quanh quần thể chùa Bà để ngủ lại qua đêm cũng như tiếp xúc gần gũi hơn với vùng đất địa linh. Không khí về đêm ở lưng chừng núi đem đến cảm giác mát mẻ, sảng khoái cho khách hành hương. Đồng thời, trường năng lượng ngày lễ vía cũng giúp nhiều người nhận thấy cơ thể khỏe khoắn, trí óc minh mẫn.

Du khách qua đêm tại quần thể chùa với tâm trạng phấn chấn
Du khách qua đêm tại quần thể chùa với tâm trạng phấn chấn (Nguồn: Internet)

6. Cảm nhận thực tế của du khách khi tham gia lễ vía Bà

Nhìn chung, các du khách tham gia lễ hội vía Bà Đen đều có trải nghiệm hành hương đáng nhớ bên cạnh người thân, gia đình và bạn bè. Nhiều người mong muốn quay lại vào dịp lễ năm sau và tiếp tục phát huy di sản văn hóa tâm linh của vùng đất Tây Ninh. Những cảm nhận thực tế sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giá trị của lễ vía Bà trong tâm thức của khách tham quan.

cảm nhận của du khách về lễ vía Bà
Du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cố gắng sắp xếp tham gia lễ vía Bà mỗi năm
cảm nhận của du khách về lễ vía Bà
Anh Trần Hoàng đến từ Hà Nội mong muốn cầu an, tài lộc cho gia đình
cảm nhận của du khách về lễ vía Bà
Lễ tắm Bà thu hút nhiều tín đồ hành hương qua lời kể của nhiếp ảnh gia nổi tiếng
cảm nhận của du khách về lễ vía Bà
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc qua chia sẻ của Youtuber Bỏng Ngô Mario

7. Lưu ý khi tham gia lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Để có chuyến tham quan và hành hương như ý đến “nóc nhà Nam Bộ” nhân dịp lễ vía Bà Đen, bạn nên chú ý một số vấn đề sau đây.

7.1. Chuẩn bị đồ lễ phù hợp

Trước khi di chuyển lên quần thể tâm linh núi Bà Đen, bạn nên chuẩn bị sẵn lễ phẩm cần thiết để dâng lên Linh Sơn Thánh Mẫu cũng như chư vị thần Phật. Bạn có thể mua hoa quả, bánh mứt, trà thơm, nhang đèn, đặc sản vùng miền… tùy theo thành ý của bản thân và phù hợp với điều kiện tài chính cho phép. Lễ phẩm có thể không quá cầu kỳ, xa hoa vì sự tín tâm mới là yếu tố quyết định tính chất linh thiêng của lễ vía Bà.

lễ vật dâng lễ vía Bà
Bạn nên chuẩn bị đồ lễ dựa trên tâm ý hướng về Linh Sơn Thánh Mẫu

Nếu không có thời gian chuẩn bị tại nhà, bạn có thể mua đồ cúng tại các đại lý, cửa hàng dọc đường hoặc ghé mua tại các quầy sạp dưới chân núi Bà Đen. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu trước chất lượng và giá cả sản phẩm bằng cách đọc đánh giá trên các diễn đàn, hội nhóm Facebook, tránh tình trạng các nhà buôn tăng giá vào dịp lễ lớn.

Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị lễ phẩm theo số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9… Theo quan niệm dân gian, số lẻ là số dương tượng trưng cho may mắn, giúp con người hữu hình kết nối với thần thánh vô hình.

7.2. Bảo quản tư trang cẩn thận

Trong ba ngày lễ vía Bà, lượng du khách ghé thăm núi Bà Đen có thể lên đến con số hàng trăm ngàn vào cùng một thời điểm. Do đó, đám đông gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự cũng như phòng tránh trộm cắp. Để chủ động bảo quản tư trang, bạn không nên mang nhiều vòng vàng, đá quý trên người, đồng thời cất giữ ví tiền, điện thoại, giấy tờ tùy thân, trang sức… vào túi đựng/balo chắc chắn và kiểm tra thường xuyên.

Dòng người cúng bái tấp nập trong lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu
Dòng người cúng bái tấp nập trong lễ vía Bà núi Bà Đen

7.3. Có mặt ở quần thể chùa Bà từ sớm

Cũng vì lượng khách đông đảo mùa lễ vía, bạn nên đến sớm để có thể chiêm bái trọn vẹn kiến trúc độc đáo của quần thể chùa Bà và tận hưởng khung cảnh yên bình, thanh tịnh. Theo kinh nghiệm, bạn nên đến chân núi từ 6h00 đến 8h00 sáng và đi tuyến cáp treo Chùa Hang lên lưng chừng núi Bà Đen. Nếu may mắn, bạn cũng có thể chiêm ngắm những áng mây trôi nổi bồng bềnh khắp sườn núi, tiếp thêm linh khí cho mùa vía Bà thuận lợi.

Mây mù bao phủ thiên sơn trong lễ vía Bà 2023
Mây mù bao phủ thiên sơn trong lễ vía Bà 2023

7.4. Lựa chọn nơi lưu trú phù hợp

Nếu muốn tham gia từ hai đến ba ngày lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, bạn nên đặt phòng khách sạn Tây Ninh gần núi Bà Đen hoặc nghỉ ngơi qua đêm tại quần thể chùa Bà.

  • Trường hợp đặt phòng khách sạn: Bạn nên tham khảo vị trí, giá phòng, tiện ích, tầm nhìn theo nhu cầu cá nhân trên các website uy tín như Agoda, Booking, Traveloka… Bên cạnh đó, bạn lưu ý đặt phòng trước ít nhất 3 – 5 ngày để đảm bảo khách sạn không bị quá tải trong mùa lễ.
  • Trường hợp nghỉ ngơi tại quần thể chùa: Bạn nên mang theo các vật dụng sinh hoạt cần thiết như chiếu, nệm, khăn tắm, chăn bông, thuốc chống côn trùng… Đặc biệt, bạn cần chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống để không phải mất thời gian di chuyển mua sắm.
Chùa Bà về đêm
Du khách có thể lưu trú và chiêm ngắm quần thể chùa Bà vào ban đêm

Dù bận rộn với cuộc sống thường nhật, nhiều tín đồ hành hương vẫn dành thời gian tham gia lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với vị nữ thần đáng kính. Người dân địa phương và các du khách thập phương đã và đang góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của di sản lễ vía Bà. Ngoài ra, “Đệ Nhất Thiên Sơn” núi Bà Đen còn rất nhiều lễ hội đặc sắc diễn ra quanh năm. Cùng khám phá các lễ hội núi Bà Đen nhé!

:

Other News