Không phải một điểm đến hùng vĩ, hoang sơ như núi Bà Đen hay hoành tráng, diễm lệ như Tòa Thánh Cao Đài, song tháp Chóp Mạt Tây Ninh (còn gọi là tháp Chót Mạt) vẫn để lại cho du khách gần xa nhiều ấn tượng đặc biệt. Trên hết, đứng trước ngọn tháp có niên đại ngàn năm, ai cũng phải xuýt xoa trước thời kỳ vàng son của nền văn minh Óc Eo trong lịch sử loài người.
|
1. Tháp Chóp Mạt Tây Ninh ở đâu?
Khu di tích tháp Chóp Mạt tọa lạc tại ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Tây Ninh hơn 20km về phía tây bắc. Công trình được xây dựng trên một gò đất cao hình chữ nhật và bao quanh bằng tường gạch thấp. Do không bị cản trở tầm nhìn, du khách đi từ xa vào đã thấy ngọn tháp cổ nghiêm trang nằm giữa sắc xanh mơn mởn của cánh đồng lúa tươi tốt.
2. Sơ lược lịch sử hình thành & Nguồn gốc tên gọi tháp Chóp Mạt
2.1. Lịch sử hình thành
Tháp Chóp Mạt là một trong ba ngọn tháp cổ mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Óc Eo còn sót lại tại Nam Bộ cùng với tháp Bình Thạnh (Trảng Bàng, Tây Ninh) và tháp Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Theo ghi nhận trong các tài liệu lịch sử, công trình đã được hoàn thiện từ thế kỷ VIII. Nhưng mãi đến thế kỷ XIX, cụ thể là năm 1886, các chuyên gia người Pháp mới đặt chân đến đây, mở đầu cho công cuộc khai phá tiềm năng khảo cổ học quý giá của địa danh này.
Lúc mới phát hiện, cụm tháp Chóp Mạt đã bị hư hại tương đối nghiêm trọng với một tháp đã sụp hoàn toàn, một tháp lại nghiêng và mất dần phần đỉnh. Do vậy, nhiều đợt sửa chữa, trùng tu đã được tiến hành vào các năm 1938, 2003 và 2013 để tháp có được hình dáng như ngày hôm nay. Đặc biệt, căn cứ Quyết định số 937/QĐ-BT ngày 23 tháng 7 năm 1993, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận tháp cổ Chóp Mạt là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, từ đó đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của chứng tích hiếm hoi.
Trên đây là những thông tin khái quát về lịch sử hình thành của tháp Chóp Mạt. Để tìm hiểu sâu hơn, du khách nên trực tiếp đến thăm và trải nghiệm, lắng nghe thuyết minh của hướng dẫn viên đoàn hoặc hỏi thăm người dân địa phương.
2.2. Nguồn gốc tên gọi
Không ai biết người của nền văn minh Óc Eo đã đặt tên gì cho ngọn tháp cổ của họ. Vậy nên, khi nhận thấy phần đỉnh chóp đã bị hao mòn, người đương thời liền gọi nơi đây bằng cái tên dân dã – tháp Chóp Mạt. Từ “Mạt” ở đây bao hàm ba tầng ý nghĩa:
-
Hư hỏng, tàn lụi hay mất, tiêu tan (Mạt mát, mạt rỗng, mạt vỡ).
-
Cũng có nghĩa là không còn nữa.
-
Cũng có nghĩa là cuối cùng, tận cùng (mạt thế, mạt vận).
Xét trên phương diện kiến trúc, phần đỉnh tháp được xem là nơi quan trọng nhất cũng là đỉnh cao của nghệ thuật. Việc mất đi phần đỉnh đã khiến tuyệt tác này không còn trọn vẹn, đánh dấu sự suy tàn của nền văn minh Óc Eo. Dù trải qua ba lần trùng tu nhưng các bậc thầy vẫn chưa phục hồi được phần đỉnh này, tựa như không thể trở lại một thoáng rực rỡ đã qua đi của thời đại cũ.
3. 3 đặc trưng thú vị của công trình tháp Chóp Mạt Tây Ninh
Với vị thế như một “chứng nhân sống” của lịch sử, tháp Chóp Mạt Tây Ninh lưu giữ nhiều điểm đặc trưng thú vị, kích thích trí óc tò mò của khách tham quan.
3.1. Công trình hình vuông trên gò đất cao
Cấu trúc tổng thể của tháp lấy cảm hứng từ nền văn minh Óc Eo giai đoạn hậu Phù Nam – quốc gia từng thống trị đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông vào những thế kỷ đầu Công Nguyên. Kết hợp giữa kiến trúc nguyên bản và công tác tái tạo, ngọn tháp trở thành điểm giao thoa của tinh hoa nghệ thuật cổ đại và hiện đại.
Phần móng nền của tháp có cạnh dài 5m, chiều cao 10m tính từ mặt đất lên đến điểm cao nhất. Phần chân tháp gồm ba tầng giật cấp xếp chồng lên nhau, càng lên cao càng nhỏ dần và không có chóp. Với tạo hình khối vuông, tháp Chóp Mạt tựa thể một ngọn bút lớn màu đỏ cam đang toan tính vươn mình xuyên qua những tầng mây xanh.
3.2. Chất liệu thô sơ kiến tạo nên công trình độc đáo – chắc chắn
Toàn bộ công trình được xây dựng bằng hai loại vật liệu chính, bao gồm gạch nung khổ lớn với kích thước 7 x 18 x 25cm, và đá phiến. Đây vốn dĩ là hai chất liệu thô sơ, khó gia công và kết dính với nhau. Ấy vậy mà không dùng đến hỗn hợp xi măng, người cổ đại vẫn có thể xếp các phiến đá và gạch nung chồng khít, hầu như không xuất hiện kẽ hở. Điểm đặc biệt này đã chứng minh mức độ phát triển vượt bậc trong tri thức về xây dựng và kiến trúc của nền văn minh xưa cũ.
3.3. Thể hiện nghệ thuật điêu khắc – chạm trổ tài hoa
Công trình chỉ có một cửa duy nhất hướng về phía Đông được hoàn thiện từ chất liệu đá hoa cương, trước cửa còn sót lại vết tích của một bầu nước hình vuông đẹp mắt, các cạnh còn lại hướng về ba phía Tây – Nam – Bắc. Chi tiết trên bốn mặt tường của ngọn tháp đã bị bào mòn mạnh mẽ dưới sức mạnh của thời gian, vậy nên người thợ phục chế chỉ có thể tái tạo đơn giản họa tiết phù điêu và hoa văn tượng thần từ những dấu vết mờ nhạt trên mặt tường phía Tây và phía Bắc.
Trên mặt tường ngoài của tháp Chóp Mạt, hình ảnh chạm khắc nổi hoa lá, chim muông, thánh thần… hiện lên một cách sống động qua bàn tay tài hoa của người thợ lành nghề Phù Nam. Toàn thể họa tiết, hoa văn đều gắn liền mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của con người, đem đến cho du khách một xúc cảm hoài niệm khó tả.
Bức tranh về thiên nhiên cho thấy lối sinh hoạt và sự trân trọng của người xưa với cảnh vật, trong khi bức tranh về tín ngưỡng, tôn giáo lại làm nổi bật sự thành kính, tôn vinh các đấng tâm linh – cụ thể là hai vị thần Linga và Yoni trong văn hóa thờ thần đậm chất Óc Eo.
4. Cảm nhận vẻ đẹp của tháp Chóp Mạt Tây Ninh qua review & hình ảnh
Hứng chịu gió sương của miền Đông Nam Bộ trong suốt chiều dài hơn một thập kỷ, khu di tích tháp Chóp Mạt vẫn sừng sững tồn tại, để lại cho hậu thế nhiều băn khoăn, trăn trở về nền văn minh Óc Eo rực rỡ của người Việt cổ. Kiến trúc độc đáo và những câu chuyện bí ẩn đằng sau chắc chắn vẫn còn tiêu tốn giấy mực nghiên cứu của các chuyên gia. Bên cạnh đó, công trình tháp cổ làm đa dạng thêm cho vùng “đất thánh” Tây Ninh, trở thành niềm tự hào khôn nguôi của mảnh đất và người dân nơi đây.
4.1. Cảm nhận qua review – đánh giá thực tế từ du khách
Nhìn chung, các du khách đều có những nhận xét tích cực về cảnh quan và lối kiến trúc vững chãi của tháp Chóp Mạt Tây Ninh. Tuy công trình không có dáng dấp bề thế, vĩ đại nhưng vẫn đem đến một trải nghiệm đặc trưng và khó quên trong lòng của người ghé thăm.
4.2. Cảm nhận qua 12 hình ảnh trực quan
Từ bất kỳ góc độ nào, tháp Chóp Mạt Tây Ninh vẫn hiện lên uy nghiêm và linh thiêng. Hãy cùng thưởng thức các bức ảnh từ xa đến gần để hiểu rõ hơn vẻ đẹp của tháp.
4.1. Hình ảnh tháp Chóp Mạt Tây Ninh từ xa
Nhìn ở một khoảng cách nhất định, du khách có thể quan sát toàn cảnh khu di tích tháp Chóp Mạt khoác lên mình lớp áo trầm mặc, cổ kính. Không gian ngọn tháp dù không được trang trí đèn lồng, cờ hoa, cũng không đầu tư tiểu cảnh rực rỡ, đa sắc, nhưng vẫn khiến người xem phải bồi hồi da diết, tiếc nuối cho một nền văn minh đã từng hiện diện tại đây.
4.2. Hình ảnh cận cảnh tháp Chóp Mạt Tây Ninh
Khi tiến đến quan sát gần hơn, du khách có thể lý giải được nguồn gốc của thứ cảm giác thiêng liêng kỳ lạ xuất phát từ những chi tiết rất nhỏ. Những viên gạch, phiến đá thô sơ cùng những họa tiết được sắp đặt công phu, tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa, đưa con người hiện đại đến gần hơn với đời sống văn hóa, tinh thần của vương quốc Phù Nam.
5. Phương thức di chuyển đến tháp Chóp Mạt Tây Ninh
Du khách có mong muốn đến tham quan khu di tích tháp Chóp Mạt có thể xuất phát trực tiếp từ thành phố Tây Ninh. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp ghé thăm Sun World Ba Den Mountain và tháp Chóp Mạt để tìm hiểu trọn vẹn văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng địa phương.
5.1. Cách di chuyển từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến tháp Chóp Mạt
Từ trung tâm thành phố Tây Ninh, bạn đi theo tuyến Quốc lộ 22B hướng về cửa khẩu Xa Mát. Sau khoảng từ 20 đến 30 phút, bạn sẽ bắt gặp biển báo rẽ trái để vào khu di tích. Tiếp đó, bạn di chuyển thêm 2km để đến được cổng vào tháp cổ. Bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc xe ô tô, mỗi phương thức sẽ phù hợp với những nhu cầu khác nhau.
-
Xe máy: Đây là phương tiện phù hợp với những đoàn khách nhỏ, ít người, hoặc những bạn trẻ đam mê du hí trên các cung đường tuyệt đẹp của Tây Ninh. Bạn có thể dùng xe máy cá nhân hoặc thuê xe với giá khoảng 100.000 – 200.000 VNĐ/xe/ngày.
-
Xe ô tô: Dù không có tính cơ động cao như xe máy, nhưng xe ô tô lại tiện lợi với những đoàn khách đông đúc hoặc với trẻ em, người lớn tuổi. Ngoài ra, số lượng người thuê xe càng nhiều thì sẽ càng giúp tiết kiệm quỹ ngân sách du lịch.
Bên cạnh đó, du khách có thể di chuyển đến tháp Chóp Mạt bằng xe buýt. Với chi phí khoảng 15.000 – 20.000 VNĐ/lượt, bạn có thể bắt tuyến xe buýt số 7 đi từ bến xe Tây Ninh đến cửa khẩu Xa Mát và xuống trạm tại biển chỉ dẫn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải đi bộ hoặc bắt taxi, xe ôm để di chuyển trong 2km còn lại.
5.2. Cách di chuyển từ Sun World Ba Den Mountain đến tháp Chóp Mạt
Sau khi đã trải nghiệm các dịch vụ du lịch đặc sắc tại Sun World Ba Den Mountain, du khách có thể di chuyển bằng xe máy hoặc xe ô tô theo đường Bời Lời và rẽ phải vào đường tỉnh 784 hướng về tháp Chóp Mạt. Tại điểm giao nhau với đường tỉnh 781B, bạn tiếp tục rẽ trái thêm khoảng 10 km rồi rẽ phải vào Quốc lộ 22B. Từ đây, bạn chỉ cần di chuyển thêm khoảng 1km và bắt gặp bảng chỉ dẫn như trên. Toàn bộ quá trình mất gần 40 phút.
(*) Lưu ý: Theo Google Maps, đường tỉnh 781B bị giới hạn sử dụng hoặc là đường riêng. Bạn nên đọc kỹ các hướng dẫn trên đường đi hoặc hỏi thăm người dân địa phương để nắm được thông tin chính xác.
Nếu muốn di chuyển bằng xe buýt, bạn cũng có thể bắt tuyến số 1 về lại bến xe Tây Ninh, sau đó lên tuyến số 7 và di chuyển như gợi ý bên trên. Phương án này sẽ cần đi vòng quãng đường khá dài và mất đáng kể thời gian để đến được di tích.
6. Lộ trình du lịch tháp Chóp Mạt Tây Ninh cùng một số điểm khác khi đến Tây Ninh
Ngoài ghé thăm tháp Chóp Mạt, ở Tây Ninh còn rất nhiều điểm tham quan, trải nghiệm du lịch tâm linh và văn hóa hấp dẫn khác. Chẳng hạn như: Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain, tháp cổ Bình Thạnh, tòa thánh Tây Ninh, tham gia lễ hội Tòa Thánh Tây Ninh, vãn cảnh Chùa Thiền Lâm Gò Kén, Chùa Khmer Khedol,…
Tham khảo gợi ý lịch trình du lịch 2 ngày 1 đêm tại tháp Chóp Mạt Tây Ninh và một số điểm đến hấp dẫn khác gần khu di tích dưới đây bạn nhé!
Ngày |
Thời gian |
Hoạt động |
Ngày 1 |
Sáng 7h00 – 11h00 |
Khởi hành đến trung tâm thành phố Tây Ninh bằng xe máy, xe ô tô, hoặc xe buýt (thời gian di chuyển phụ thuộc vào phương tiện và vị trí xuất phát của mỗi người). |
Trưa 11h00 – 13h00 |
Check-in phòng khách sạn và thưởng thức đặc sản như bánh xèo rau rừng, bò tơ Tây Ninh, ốc núi… |
|
Chiều 13h00 – 18h00 |
Di chuyển đến tháp Chóp Mạt, khám phá kiến trúc cổ và check-in ở đây. Sau đó, du khách có thể tiếp tục tham quan các điểm đến nổi tiếng khác tại Tân Biên như Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát. |
|
Tối 18h00 – 22h00 |
Di chuyển về khách sạn nghỉ ngơi, ăn tối và vui chơi tại chợ đêm Tây Ninh. |
|
Ngày 2 |
Sáng 7h00 – 11h00 |
Ăn sáng và di chuyển đến Tòa Thánh Tây Ninh để chiêm ngưỡng kiến trúc tâm linh độc nhất và tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng. |
Trưa 11h00 – 13h00 |
Ăn trưa và nghỉ ngơi tại các quán ăn địa phương xung quanh Tòa Thánh. |
|
Chiều 13h00 – 16h00 |
Di chuyển đến Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain để hòa mình vào không khí lễ hội náo nhiệt, check-in quang cảnh núi rừng hùng vĩ, hoang sơ cũng như chiêm bái quần thể tâm linh đa dạng, phong phú. |
|
Chiều tối 16h00 – 18h00 |
Di chuyển về lại thành phố Tây Ninh, thực hiện thủ tục trả phòng khách sạn và ra về. |
Với một bề dày lịch sử đáng nể và giá trị văn hóa – nghệ thuật không thể xóa nhòa, tháp Chóp Mạt Tây Ninh xứng đáng được nhiều người biết đến và viếng thăm. Dù hiện trạng khai thác du lịch còn một số hạn chế, du khách không nên bỏ qua ngọn tháp cổ của nền văn minh Óc Eo trên hành trình khám phá mảnh đất xinh đẹp xứ Tây thành.