Ngoài là điểm du lịch tâm linh – trải nghiệm nổi tiếng được nhiều du khách vãn cảnh qua đêm, núi Bà Đen gây bất ngờ vì còn là điểm cắm trại quen thuộc của dân trekking – đam mê trải nghiệm. Nếu bạn đang có kế hoạch du hí Tây Ninh và trải nghiệm cắm trại núi Bà Đen, hãy tham khảo các thông tin hữu ích dưới đây để sắp xếp lịch trình phù hợp nhé!
1. Kinh nghiệm cắm trại núi Bà Đen cho người trekking – trải nghiệm
Nếu là một trekker hoặc phượt thủ thích thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên kỳ bí và cảm giác chinh phục những cung đường núi hiểm trở, dưới đây là thông tin tham khảo về thời điểm nên đi cắm trại trên núi Bà Đen, gợi ý những địa điểm cắm trại lý tưởng và một số lưu ý giúp bạn lên kế hoạch hoàn hảo nhất cho chuyến phiêu lưu của mình.
1.1. Thời điểm cắm trại núi Bà Đen Tây Ninh lý tưởng
Chọn đúng thời điểm là “kim chỉ nam” giúp bạn có chuyến cắm trại thuận lợi, an toàn, tiết kiệm thời gian và đáng nhớ nhất. Cụ thể, có hai khoảng thời gian lý tưởng để cắm trại ở Núi Bà Đen mà dân trekking nên cân nhắc.
1.1.1. Thời điểm mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4
Mùa khô ở Tây Ninh (tháng 11 đến tháng 4 năm sau) là khoảng thời gian lý tưởng nhất để đi trekking và cắm trại tại núi Bà Đen. Vào mùa này, thời tiết thường khô ráo, nắng đẹp và không quá gắt, rất thuận lợi cho việc trekking xuyên núi hoặc dựng trại trong chuyến du lịch núi Bà Đen Tây Ninh.
Ngược lại, nếu du khách đi vào mùa mưa sẽ gặp những điều kiện thời tiết bất lợi như trời mưa, âm u, đường trơn trượt và ẩm ướt. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc tìm kiếm địa điểm và dựng trại mà còn tiềm ẩn rủi ro về độ an toàn khi đi cắm trại.
1.1.2. Thời điểm nhiệt độ trong ngày ổn định – mát mẻ
Du khách nên đi cắm trại núi Bà Đen vào những ngày trời mát mẻ, biên độ nhiệt trong ngày không quá lớn, nên dao động từ 20 độ C đến 25 độ C. Đây là mức nhiệt được các nhà nghiên cứu đánh giá là thuận lợi nhất cho cơ thể hoạt động, do đó sẽ tạo cảm giác thoải mái khi trekking và tham gia các hoạt động cắm trại.
1.2. Địa điểm cắm trại phù hợp
Du khách có thể lựa chọn địa điểm cắm trại ở núi Bà Đen tuỳ theo khu vực dừng chân nhưng nên đảm bảo vị trí dựng trại có một số đặc điểm sau:
1.2.1. Cắm trại ở những khoảng đất rộng – thông thoáng
Những khu vực đất rộng rất thuận lợi cho việc cắm trại và vui chơi cùng đồng đội, đặc biệt với nhóm đông thành viên. Ngoài ra, lựa chọn khu cắm trại núi Bà Đen ở những khoảng đất thông thoáng, ít cây cỏ rậm rạp cũng sẽ bạn dễ quan sát môi trường xung quanh hơn, hạn chế được tình trạng bị côn trùng đốt hoặc rắn rết tấn công…
1.2.2. Cắm trại ở những mỏm đá lớn – chắc chắn – bằng phẳng
Vị trí này thường mang lại cảm giác sạch sẽ hơn so với các khu đất, ngay cả khi du khách gặp điều kiện thời tiết bất lợi như mưa phùn hay môi trường ẩm ướt… Đặc biệt, khi “thả neo” tại đây, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh núi non, đồng bằng tươi xanh bên dưới.
Nếu đi vào những thời điểm đặc biệt như sáng sớm hoặc chiều tối, du khách sẽ dễ dàng có được những bức ảnh check-in xịn sò với bình minh, hoàng hôn trên núi Bà Đen. Ngoài ra, vì những mỏm đá lớn nhô ra không bị cây cối che chắn, cản trở tầm nhìn nên bạn còn có thể chiêm ngưỡng những hiện tượng kỳ ảo trên đỉnh núi Bà Đen như cầu vồng lửa, đám mây hình phượng hoàng lửa, mây ngọc, mây xà cừ…
Tuy nhiên, trước khi dựng trại tại đây, du khách cần kiểm tra thật kỹ về độ chắc chắn của những tảng đá và không nên cắm trại quá gần đầu mỏm đá, tránh những rủi ro có thể xảy ra. Du khách cũng nên tránh những tảng đá có rêu vì dễ bị trơn trượt (nếu muốn dựng trại tại đây, bạn cần dọn hết rêu để đảm bảo an toàn).
1.2.3. Cắm trại ở khu vực gần đỉnh núi
Tương tự như khu vực mỏm đá, cắm trại ở khu vực gần đỉnh núi giúp du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp hùng vĩ của núi Bà Đen vào lúc bình minh, hoàng hôn hay khi mây mù bao phủ. Đặc biệt, tại vị trí này, du khách có cơ hội quan sát “mây tụ đỉnh núi” – hiện tượng thu hút rất nhiều tín đồ săn mây đến cắm trại trên đỉnh núi Bà Đen.
Tuy nhiên, việc trekking đến khu vực gần đỉnh núi đòi hỏi du khách phải có nhiều kinh nghiệm băng rừng và sức khỏe tốt vì phải vượt qua cung đường khá dài và trắc trở. Do đó, địa điểm cắm trại này sẽ phù hợp hơn với những trekker có sức khoẻ tốt, muốn thử thách bản thân hoặc muốn “ghi danh” vào danh sách những người chinh phục thành công ngọn núi thiêng này.
Lưu ý: Du khách chỉ được cắm trại ngoài khuôn viên khu du lịch, không dựng lều trong khu du lịch làm ảnh hưởng đến cảnh quan nơi đây.
1.3. Lưu ý khi cắm trại cho người đi trekking – trải nghiệm
Vì đi trekking khá phức tạp và cần có kỹ năng nhất định nên du khách hãy ghi lại một số lưu ý dưới đây để có chuyến cắm trại núi Bà Đen “thuận buồm xuôi gió”:
1.3.1. Am hiểu kiến thức cơ bản về sinh tồn – sơ cứu
Khi cắm trại trong môi trường ngoại cảnh khá hoang sơ như núi Bà Đen, du khách nên học trước cách xử lý các vết thương cơ bản như bong gân, trật khớp hay trầy xước, chảy máu ngoài da… để xử lý trong những tình huống cần thiết.
1.3.2. Chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ
Vì leo núi, trekking nguy hiểm hơn so với hình thức di chuyển bằng cáp treo lên núi Bà Đen nên du khách cần trang bị những vật dụng, đồ bảo hộ cần thiết như gậy leo núi, đèn đội đầu, vest nước, túi nước, bó calf, áo mưa dã ngoại/leo núi, đai cố định đầu gối… Các món đồ bảo hộ giúp giảm thiểu rủi ro chấn thương và bảo vệ người đi cắm trại khỏi các tác động tiêu cực của thời tiết và điều kiện địa hình hiểm trở, nhiều sỏi đá, cây cối rậm rạp.
1.3.3. Mang theo những vật dụng thiết yếu và đồ ăn nhẹ
Một số đồ ăn nhẹ sẽ cung cấp năng lượng và dinh dưỡng giúp bạn duy trì tinh thần sảng khoái khi đi trekking, cắm trại. Trong khi đó, những vật dụng cơ bản như vật dụng để cắm trại, vật dụng vệ sinh cá nhân, đồ dùng sơ cứu… là hành trang mà mọi tín đồ đam mê xê dịch không thể thiếu trong chuyến khám phá núi Bà Đen của mình. Một số vật dụng cơ bản cho du khách muốn cắm trại núi Bà Đen được tổng hợp trong bảng sau:
Vật dụng/Đồ dùng | Số lượng | Công dụng |
Bật lửa (Cân nhắc không mang nếu đã có bếp ga) | 1 cái | Dùng để nhóm lửa sưởi ấm hoặc nấu ăn |
Bếp ga mini | 1 cái | Dùng để nấu ăn và đun sôi nước nhanh chóng, tiện lợi |
Bông băng thuốc đỏ | 1 gói | Xử lý các vết thương ngoài da |
Thuốc cảm | Tuỳ loại thuốc | Hỗ trợ làm giảm triệu chứng mệt mỏi, đau nhức cơ do bị cảm lạnh |
Kem chống nắng | 1 tuýp | Bảo vệ da khỏi tác động của tia UV khi hoạt động dưới ánh nắng mặt trời |
Kem chống côn trùng | 1 tuýp bôi/1 chai xịt | Giảm nguy cơ bị côn trùng đốt |
Dao găm nhỏ | 1 cái | Sử dụng để hỗ trợ việc dựng lều, tự vệ hoặc chế biến thức ăn… |
Điện thoại, sạc dự phòng | 1 cái | Định vị, giữ liên lạc và yêu cầu hỗ trợ khi cần |
Đèn pin | 1 cái | Giúp di chuyển an toàn khi trời tối và thực hiện một số hoạt động khác |
1.3.4. Lựa chọn trang phục thoải mái – thấm hút mồ hôi tốt
Hoạt động trekking, leo núi, đặc biệt là với những ngọn núi cao như núi Bà Đen, thường tiêu tốn khá nhiều năng lượng và tiết nhiều mồ hôi. Do đó, trang phục thoải mái, dễ vận động, thấm hút mồ hôi tốt là lựa chọn hàng đầu của mọi trekker chuyên nghiệp.
Các trang phục làm từ chất liệu như cotton, vải dù, nilon, kate… sẽ phù hợp khi du khách đi cắm trại núi Bà Đen. Ngược lại, nếu bạn chọn trang phục quá dày sẽ dễ làm tăng nhiệt độ cơ thể, gây khó chịu và thậm chí là mệt mỏi khi di chuyển.
1.3.5. Đi theo nhóm tối thiểu 3 người
Du khách nên đi theo nhóm ít nhất 3 người trở lên để đảm bảo an toàn, tăng khả năng hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, giảm thiểu rủi ro từ các tình huống không mong muốn và giúp bạn tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ cùng bạn bè.
2. Kinh nghiệm cắm trại núi Bà Đen cho người đi lễ – chiêm bái
Núi Bà Đen vốn là điểm thu hút lượng lớn du khách đi lễ và chiêm bái nên đây cũng là nơi dựng trại quen thuộc với nhóm du khách này, nhất là vào các dịp lễ lớn. Sau đây, Sun World sẽ cùng bạn tìm hiểu những thông tin mà những người đi lễ – chiêm bái cần biết khi cắm trại núi Bà Đen.
2.1. Thời điểm cắm trại núi Bà Đen lý tưởng
Khác với nhóm người đi trekking – trải nghiệm, nhóm du khách đi lễ có nhiều sự lựa chọn hơn về thời gian đi cắm trại tại núi Bà Đen. Theo đó, 2 thời điểm chính mà du khách hành hương nên cân nhắc là mùa lễ hội và thời điểm xuất hiện các hiện tượng kỳ bí.
2.1.1. Thời điểm diễn ra các lễ hội lớn trong năm
Nhìn chung, các lễ hội trên núi Bà Đen được tổ chức rải rác quanh năm, trong đó có 2 lễ hội lớn là Hội Xuân núi Bà Đen tổ chức vào tháng Giêng Âm lịch và lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu vào đầu tháng 5 Âm lịch. Như vậy, du khách có nhu cầu đi chiêm bái có thể đến núi Bà Đen cắm trại vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Lưu ý: Du khách nên mang theo đồ ăn sẵn vì không được nấu nướng trong khu vực quần thể chùa Bà.
Bảng dưới đây tổng hợp một số lễ hội nổi bật tại núi Bà Đen, mời bạn cùng tham khảo:
Lễ hội | Thời gian diễn ra (Âm lịch)* | Ý nghĩa lễ hội |
Hội Xuân núi Bà Đen | 04/01 – 30/01 | Bày tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu và đón xuân mới ấm no, bình an |
Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh | 19/02 | Tưởng nhớ công đức vĩ đại của đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong ngày đản sinh. |
Lễ Phật Đản | 15/04 | Mừng ngày đản sinh của Đức Phật, tưởng nhớ, tôn vinh cuộc đời của Ngài |
Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu | 04/05 – 06/05 | Bày tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu – một tượng đài tâm linh trong tâm thức người Nam Bộ |
Lễ Vu Lan | 15/07 | Bày tỏ lòng hiếu kính đến các bậc sinh thành |
Lễ hội Rằm Trung thu | 15/08 | Lễ hội đoàn viên, gắn kết tình cảm gia đình |
*Thời gian có thể thay đổi tùy theo kế hoạch lễ hội từng năm.
2.1.2. Thời điểm thường xuất hiện những hiện tượng kỳ ảo – tâm linh
Bên cạnh các lễ hội truyền thống đặc sắc, núi Bà Đen còn thu hút du khách đến cắm trại để chiêm ngưỡng những hiện tượng tâm linh đặc biệt từ sự kết hợp kỳ ảo của mây, trời, sương mù… Theo những ghi nhận trước đây, các hiện tượng thiên nhiên lạ kỳ như mây dạ quang, cầu vồng đơn sắc, “đĩa mây”… thường xuất hiện vào cuối năm, đầu năm hoặc gần các dịp lễ lớn. Tuy nhiên, du khách sẽ cần một chút may mắn và có “duyên” bởi những hiện tượng huyền bí này phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên và không có quy luật cố định.
2.2. Địa điểm cắm trại núi Bà Đen phù hợp
Cắm trại ở các khu vực gần chùa (ngoài khuôn viên khu du lịch vào các thời điểm trong năm và khu vực chùa Bà vào dịp Tết) không chỉ tiện cho việc chiêm bái, tham gia lễ hội ở núi Bà Đen mà còn giúp du khách cảm nhận và kết nối sâu sắc với hơi thở văn hóa của một vùng đất tâm linh. Nhiều du khách cũng tin rằng việc cắm trại qua đêm ở gần chùa sẽ giúp họ xin được lộc Bà và được các vị thần nơi đây phù hộ. Vì nằm ở gần chùa nên du khách sẽ dễ dàng tìm thấy điểm bán đồ ăn, nước uống, đồ dùng cá nhân… thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày.
Vào những ngày diễn ra lễ hội, lượng du khách đến cắm trại ở núi Bà Đen có thể hơi đông. Vì vậy, bạn nên đi sớm (ngay khi kết thúc lễ hội) để lựa chọn được vị trí dựng trại thích hợp nhất. Tuy nhiên, khi cắm trại ở các khu vực gần chùa, du khách lưu ý tránh sử dụng loại lều cắm cọc xuống đất, có thể dùng lều dạng vòm hoặc lều tự bung để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại đây và tuân thủ quy định của khu du lịch.
2.3. Lưu ý khi cắm trại cho người đi lễ – chiêm bái
Núi Bà Đen vốn được coi là “non linh” với những ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi cùng những câu chuyện truyền thuyết nhiệm màu. Vì vậy, du khách khi hành hương và cắm trại trên núi Bà Đen cần đọc kỹ những lưu ý quan trọng dưới đây để tránh phạm phải những điều kiêng kị và có trải nghiệm tâm linh đáng nhớ nhất.
2.3.1. Di chuyển lên đỉnh núi bằng cáp treo
Cáp treo là hình thức di chuyển an toàn và nhanh chóng nhất, được nhiều du khách đi chiêm bái, cắm trại qua đêm tại núi Bà Đen lựa chọn, nhất là vào dịp lễ, Tết. Vào những ngày này, người dân thường cắm trại “không khói” – tức không đốt lửa trại, không nấu ăn để hưởng tinh hoa dương khí đầu năm tại khu vực quần thể chùa hoặc chân núi. Khi di chuyển bằng cáp treo, khuyến khích du khách tối giản vật dụng mang theo, ví dụ như chăn nhỏ và chiếu gói gọn trong balo, không mang hành lý cồng kềnh, gây ảnh hưởng đến những người đi cùng chuyến cáp.
Tìm hiểu thông tin chi tiết về nhà ga Bà Đen – nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới cùng chiều dài cáp treo núi Bà Đen tại đây.
2.3.2. Lựa chọn trang phục kín đáo
Để bày tỏ lòng thành kính trước các bậc thánh thần cũng như đối với không gian tâm linh trên núi Bà Đen, du khách cần lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự như quần áo dài tay, không cắt xẻ, hở hang hay trang phục quá ôm sát cơ thể… Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với nền văn hóa và tâm linh địa phương mà còn góp phần tạo nên những kỉ niệm đáng nhớ.
2.3.3. Mang theo đồ lễ để chiêm bái
Bên cạnh các đồ vật cho buổi cắm trại núi Bà Đen, để tiện cho việc lễ bái trên núi Bà Đen vào sáng hôm sau, du khách đừng quên sửa soạn cho mình một mâm lễ cúng nho nhỏ, bởi đây được coi là cầu nối giữa người chiêm bái với “Trời Phật”. Đồ lễ không cần phải “mâm cao cỗ đầy”, chỉ cần đảm bảo 3 yếu tố: hoa tươi, trái cây, bánh kẹo và quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của người dâng lễ.
2.3.4. Trang bị thêm túi ngủ nếu cần
Các địa điểm cắm trại của nhóm du khách đi chiêm bái đều tọa lạc ở gần núi nên tiết trời về đêm khá lạnh. Vì vậy, đối với những du khách có nhu cầu cắm trại qua đêm để vãng cảnh hay đi lễ vào sáng hôm sau… (đặc biệt là vào Hội xuân đầu năm), túi ngủ là một phương án lý tưởng để chống lại cái lạnh vào buổi tối trên núi Bà Đen. Loại túi ngủ gọn nhẹ và giữ ấm tốt bạn có thể tham khảo như túi ngủ hình con nhộng, túi ngủ có mũ…
Nếu bạn đang tìm kiếm một hoạt động giải trí để thư giãn cùng gia đình, bạn bè hay muốn bày tỏ lòng thành và cầu bình an, may mắn tại ngọn núi thiêng thì cắm trại núi Bà Đen là lựa chọn phù hợp. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã có được những thông tin hữu ích để bắt đầu chuyến camping tại núi Bà Đen của mình. Chúc bạn có trải nghiệm cắm trại, trekking và chiêm bái đầy ý nghĩa trên “nóc nhà Đông Nam Bộ”!