Chùa Hang Tây Ninh – Điểm chiêm bái lưng chừng núi Bà Đen

Chùa Hang Tây Ninh hay còn được biết đến với tên gọi khác là Linh Sơn Long Châu tự, là ngôi chùa linh thiêng, thu hút đông đảo du khách thập phương ghé thăm bởi vẻ đẹp huyền bí cùng sự tích nhuốm màu tâm linh. Hãy cùng Sun World khám phá những câu chuyện tâm linh gắn liền với diện mạo cổ kính của ngôi chùa này nhé!

Khung cảnh chùa Hang Tây Ninh
Khám phá chùa Hang – điểm chiêm bái quen thuộc của nhiều Phật tử

1. Chùa Hang Tây Ninh nằm ở đâu? 

Chùa Hang nằm trong quần thể các chùa toạ lạc ở lưng chừng núi Bà Đen, thuộc xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Sau khi đi tuyến cáp treo Chùa Hang (từ nhà ga Bà Đen đến ga chùa Hang), du khách đi theo lối ra bên tay trái sẽ dẫn đến Chùa Hang.

Bậc thang dẫn lên cổng chùa Hang Tây Ninh
Bậc thang dẫn lên cổng chùa Hang Tây Ninh (Nguồn: Internet)
Vị trí của chùa Hang nhìn trên bản đồ
Chùa Hang nằm trong hệ thống chùa trong khu du lịch núi Bà Đen
Vị trí chùa Hang Tây Ninh trên bản đồ khu du lịch núi Bà Đen
Chùa Hang nằm ở vị trí số 20, gần khu vực ga cáp treo chùa Hang

2. Giai thoại tên gọi chùa Hang Tây Ninh 

Chùa Hang vốn là một hang đá cách thung lũng suối Vàng (nằm trong khu vực Ma Thiên Lãnh – nơi giao giữa núi Bà Đen, núi Heo và núi Phụng) khoảng 200m, đến năm 1830 được xây dựng theo hệ phái Bắc Tông. Từ năm 1864, đây là nơi tu tập của thầy Huệ Mạng Kim Thiền cùng một nhà sư họ Chăm và có tên gọi là Linh Sơn Long Châu tự. Ngôi chùa này được trùng tu năm 1995 trước khi có diện mạo khang trang như hiện nay.

Tên gọi chùa Hang hiện nay bắt nguồn từ sự tích “Ông Đá nứt hai trên núi Điện Bà” được lưu truyền trên khắp Tây Ninh. Sự tích kể rằng, ngày xưa, đường đi lên núi Điện Bà rất hiểm trở. Khách hành hương đến chùa Hang phải đi vòng qua một “ông Đá” to, chặn lấp giữa cửa. Thương người dân đi lại vất vả, Sư tổ Tánh Thiền – Quảng Thông muốn rút ngắn đường đi cho khách thập phương nhưng không biết làm cách nào, đành tụng kinh cầu nguyện chư Phật Thánh Tiên.

Chuyện kỳ lạ là đến ngày cầu nguyện thứ 100 thì “ông Đá nứt đôi ra, hai bên đá mở ra chừa một lối đi bề ngang 1,5m”, tạo thành cổng vào hang. Kể từ đó, người dân muốn lên núi viếng thăm chùa Hang có đường đi lại dễ dàng hơn. Lối đi vào chùa hiện nay nằm giữa hai tảng đá lớn được cho là dấu tích của câu chuyện năm xưa.

Dấu tích “đá nứt” năm xưa vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận bây giờ
Mặc dù con đường vào chùa Hang đã được xây dựng lại nhưng dấu tích “đá nứt” năm xưa vẫn còn đó (Nguồn: Internet)
Tây Ninh nổi tiếng với tên gọi “Vùng Đất Thánh” vì sở hữu nhiều ngôi chùa, đình miếu thờ, tháp cổ với kiến trúc độc đáo, gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử hào hùng và giá trị văn hoá từ hàng ngàn năm. Bên cạnh chùa Hang Tây Ninh, bạn có thể tham khảo thông tin về các địa điểm du lịch mang đậm giá trị tâm linh, văn hoá nổi tiếng khác tại Tây Ninh như đình Hiệp Ninh, tháp Chóp Mạt hay tháp cổ Bình Thạnh.  

3. Chùa Hang Tây Ninh thờ ai? 

Chùa Hang Tây Ninh thờ Đạt Ma Sư Tổ, Bà chúa xứ (mặt trắng), ba ông Phúc – Lộc – Thọ, Phật Thích Ca Mâu Ni Niết Bàn, Phật Di Lặc, Ngũ Hành nương nương… Cụ thể chùa có quy mô lớn với 2 khu vực thờ cúng là chùa nhân tạo và hang đá tự nhiên.

3.1. Khu vực chùa nhân tạo

  • Tiền đường thờ Quan Thế Âm Bồ Tát

  • Tầng trệt: chính điện thờ Sư Tổ Đạt Ma, bên trái thờ Bà Linh Sơn – Bà Chúa Xứ

  • Tầng lầu: chánh điện Phật thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, Tam bảo, Ngọc Hoàng Đại Đế, Hộ Pháp, Phật Thích Ca Mâu Ni, Đạt Ma Sư tổ…

Không gian thờ cúng trang nghiêm bên trong chùa Hang
Không gian thờ cúng trang nghiêm bên trong chùa Hang

3.2. Khu vực hang đá tự nhiên

Lên qua một cầu thang, đi sâu vào hang đá phía trong là khu vực thờ ba ông Phúc Lộc Thọ, ông Thổ Địa – Thần Tài, Phật Thích Ca Mâu Ni Niết Bàn, Phật Di Lặc, Ngũ Hành Nương Nương…

Ngay gần hai tảng đá lớn dẫn vào hang là bàn thờ Cửu huyền – một tấm bia đá lớn màu đen, chữ vàng bóng loáng, có mái che. Đây là nơi tưởng niệm 181 cán bộ chiến sĩ trinh sát đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các cán bộ chiến sĩ này thuộc Liên đội 7 Trinh sát – đơn vị chủ lực đã “bám núi” đánh giặc hàng chục năm trời.

Bàn thờ Cửu huyền nằm tựa vào tảng đá lớn bên chùa Hang
Bàn thờ Cửu huyền nằm tựa vào tảng đá lớn bên chùa Hang (Nguồn: Internet)

Khi đến chùa Hang lễ bái, du khách có thể dâng lễ lên Thánh Mẫu để được bà phù hộ. Ngoài ra, bạn có thể lễ bái tại điện thờ Đạt Ma Tổ Sư để tiêu trừ các nguồn năng lượng xấu hay cầu bình an từ Phật Bà Quán Thế Âm; cầu thịnh vượng, may mắn và sức khỏe từ ông Phúc – Lộc – Thọ… Nhiều du khách cũng chọn dừng chân trước bàn thờ Cửu huyền nghi ngút khói hương, dành vài phút tưởng niệm để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các thế hệ đi trước.

4. Kiến trúc chủ đạo của chùa Hang Tây Ninh 

Từ Linh Sơn Tiên Thạch Tự nhìn lên, du khách sẽ thấy chùa Hang ẩn hiện giữa lưng chừng vách núi và được bao phủ bởi những tán cây xanh xanh mướt. Sau khi vượt qua trăm bậc thang dẫn đến chùa, du khách sẽ đến điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu và bên cạnh là khu vực thờ Đạt Ma Tổ Sư. Khu vực thờ cúng ở khuôn viên chùa có diện tích không quá lớn, đặc trưng bởi lối thiết kế đơn giản. Hai cột trước điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu nổi bật với hoa văn chạm khắc hình rồng cuốn quanh thân cột.

Nằm sâu vào trong khuôn viên phía trước chùa Hang là khu vực “cửa Đá” dẫn vào hang thờ và bàn thờ Cửu huyền ở bên cạnh. Phía trong hang bao gồm nhiều khu vực thờ cúng nhỏ, được chia theo kết cấu các khoang đá bên trong. Đầu tiên là bàn thờ ba ông Phúc – Lộc – Thọ, tiếp đến là Ngũ hành nương nương, Quan Thế Âm Bồ Tát…

Một góc khuôn viên trước chùa Hang ở Tây Ninh
Một góc khuôn viên trước chùa Hang (Nguồn: Internet)
Điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu và Đạt Ma Tổ Sư nằm trong khuôn viên chùa
Điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu và Đạt Ma Tổ Sư nằm trong khuôn viên chùa (Nguồn: Internet)
Bàn thờ ba ông Phúc - Lộc - Thọ nằm ngay gần cửa hang đá
Bàn thờ ba ông Phúc – Lộc – Thọ nằm ngay gần cửa hang đá (Nguồn: Internet)

5. Cách di chuyển đến chùa Hang Tây Ninh 

Chùa Hang nằm trong khu du lịch núi Bà Đen nên du khách hành hương cần di chuyển đến chân núi Bà Đen trước. Sau đó tiếp tục di chuyển từ chân núi lên khu vực chùa Hang ở lưng chừng núi.

5.1. Di chuyển từ trung tâm Tây Ninh đến chân núi Bà Đen 

Từ trung tâm TP. Tây Ninh đến chân núi Bà Đen chỉ khoảng 10km nên bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô. Mỗi phương thức di chuyển có những ưu và nhược điểm riêng:

  • Xe máy: Chỉ cần đổ đầy bình xăng là du khách có thể tha hồ vi vu đến “non thiêng” và tham quan đến các điểm du lịch lân cận theo lộ trình cá nhân. Tuy nhiên, loại phương tiện này sẽ bất lợi cho bạn khi di chuyển nếu gặp tình hình thời tiết thất thường như mưa rào, nắng gắt… Phương thức này cũng phù hợp với các cặp đôi và du khách lẻ hơn các nhóm du khách đi theo đoàn.

  • Ô tô: Chi phí xăng xe cho phương thức này “nhỉnh” hơn so với xe máy (khoảng 100.000 VNĐ đi từ trung tâm TP. Tây Ninh) nhưng bù lại, du khách sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ô tô cũng là phương tiện di chuyển phù hợp cho nhóm du khách đi chiêm bái cùng gia đình hoặc đi theo đoàn đông người. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng ô tô sẽ mất nhiều thời gian hơn xe máy nếu gặp tình trạng tắc đường, đặc biệt là vào dịp lễ hội đông đúc.

Du khách có thể lựa chọn hai phương tiện di chuyển là ô tô và xe máy từ TP. Tây Ninh đến chân núi Bà Đen
Ô tô và xe máy là hai phương thức mà du khách có thể lựa chọn để di chuyển từ TP. Tây Ninh đến chân núi Bà Đen

Tóm lại, du khách có thể chọn đi ô tô để chủ động trong việc di chuyển, đi chiêm bái với nhóm đông người hoặc mang theo nhiều đồ lễ. Trong khi đó, các nhóm du khách nhỏ lẻ có thể chọn đi xe máy để tiết kiệm chi phí và thuận tiện cho di chuyển trong những ngày lễ hội đông đúc ở núi Bà Đen.

5.2. Di chuyển từ chân núi Bà Đen đến chùa Hang

Phương thức di chuyển nhanh chóng, an toàn và được nhiều du khách lựa chọn nhất là đi tuyến cáp treo Chùa Hang, sau đó đi ra cửa ga bên trái và leo bộ đến chùa. Tuyến cáp chùa Hang xuất phát từ chân núi (Nhà ga Bà Đen) đến quần thể chùa (Nhà ga Chùa Hang), có giá vé dao động từ 100.000 VNĐ – 250.000 VNĐ/người. Cụ thể, giá vé cáp treo chùa Hang 1 chiều là 100.000 VNĐ/trẻ em và 150.000 VNĐ/người lớn, giá vé 2 chiều là 150.000 VNĐ/trẻ em và 250.000 VNĐ/người lớn.

Lưu ý: 

  • Giá vé áp dụng từ 06/01/2024 đến 31/01/2024. Du khách có thể theo dõi giá vé cáp treo mới nhất trên website https://badenmountain.sunworld.vn/ hoặc thông qua Fanpage Sun World Ba Den Mountain.

  • Để tiết kiệm thời gian xếp hàng, dành nhiều thời gian hơn cho việc chiêm bái, du khách có thể mua vé trực tuyến tại đây.

Nhiều du khách lựa chọn di chuyển bằng cáp treo đến chùa Hang
Di chuyển bằng cáp treo đến chùa Hang là phương thức được nhiều khách hành hương lựa chọn

Nếu đã có dịp ghé thăm chùa Hang, du khách đừng bỏ lỡ những ngôi chùa linh thiêng không kém trên núi Bà Đen như Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà), Linh Sơn Hòa Đồng, chùa Quan Âm, động Ba Cô hay chùa Linh Sơn Phước Trung (chùa Trung)… 

Đặc biệt là quần thể triển lãm văn hóa Phật giáo trên đỉnh núi Bà. Đây là nơi sở hữu nhiều công trình văn hoá đặc sắc như Tượng Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi, Trụ kinh Bát Nhã dát vàng cùng hàng trăm tác phẩm mang đậm hơi thở Phật giáo khác. 

Như vậy, chùa Hang Tây Ninh không chỉ là một điểm chiêm bái tâm linh nổi tiếng trên núi Bà Đen mà còn là nơi lưu giữ một phần ký ức hào hùng trong lịch sử dân tộc. Hãy đến với chùa Hang, đắm chìm trong những làn khói nhang phảng phất, cảm nhận sự kết nối sâu sắc với văn hóa Phật giáo và dòng chảy lịch sử sống động tại nơi đây! 

:

Other News