Tòa Thánh Tây Ninh (còn gọi là Đền Thánh) là công trình tôn giáo có kiến trúc độc đáo, là cơ quan trung ương của Hội thánh Cao Đài. Vào mỗi dịp lễ quan trọng của đạo giáo Cao Đài, nơi đây quy tụ vô vàn tín đồ và du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái. Hãy cùng dõi theo lịch phụng sự Âm lịch và khám phá 16 ngày lễ Tòa Thánh Tây Ninh đặc sắc thông qua bài viết sau đây.
Khái niệm cơ bản các đàn cúng tế trong đạo Cao Đài:
-
Tiểu đàn (Tiểu lễ): lễ cúng tứ thời (0h00, 6h00, 12h00, 18h00) hằng ngày tại nhà hoặc thánh thất, thường chỉ có đọc kinh.
-
Trung đàn: lễ cúng vào ngày rằm hoặc mùng một tại thánh thất, thánh tịnh của Đền Thánh, ngoài đọc kinh còn có nhạc (gồm Lôi Âm Cổ – trống và Bạch Ngọc Chung – chuông), có dâng sớ nhưng không đăng điện dâng lễ phẩm.
-
Đại đàn (Đại lễ): thực hiện đầy đủ lễ, nhạc, nội nghi (chuẩn bị lễ phẩm trước bàn hộ pháp) – ngoại nghi (dâng lễ phẩm ngay trước thiên bàn của vị chủ lễ), đăng điện dâng tam bửu, chuông trống đánh “Ngọc Hoàng Sấm”.
1. Ngày 01/01: Lễ rước chư Thần, Thánh, Tiên, Phật (Tiểu lễ)
Theo quan niệm của đạo giáo Cao Đài, các tín đồ phải cung kính thờ phụng Ngọc Hoàng Thượng Đế – Đức Chí Tôn cùng các chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nhân dịp cuối năm, các chư Thần, Thánh, Tiên, Phật sẽ lên thiên triều chấp sự với Ngọc Hoàng Thượng Đế, sau đó trở về tiếp tục dẫn dắt con người trên hành trình tu tập đức hạnh.
Lễ rước chư Thần, Thánh, Tiên, Phật được tiến hành đúng 0h00 đêm ngày 30 tháng Chạp – rạng sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán hằng năm tại Tòa Thánh Tây Ninh và các thánh thất đạo Cao Đài. Lễ rước diễn ra vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, đánh dấu sự chuyển mình của càn khôn vũ trụ và mở ra khởi đầu mới cho vạn vật trên Trái Đất.
Hầu như chỉ có các tín đồ sùng đạo hiệp hội tại Đền Thánh trong ngày lễ rước chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ai cũng mặc trên người bộ áo dài trắng truyền thống của Việt Nam và mang phong thái trang nghiêm, kính cẩn. Bàn thờ Chánh điện được bày trí giản dị nhưng không kém phần đẹp mắt với hương, nến, hoa, quả… dưới con mắt chứng giám linh thiêng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Khác với Tiểu đàn ngày thường chỉ có đọc kinh, lễ rước chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Đền Thánh bao gồm nghi thức dâng Sớ Tân Niên cầu nguyện do ngài Đầu sư Chưởng quản Hội Thánh Tây Ninh tiến hành. Trước khi bãi đàn, ngài Đầu sư đọc Thơ Chúc Xuân gửi đến các đồng đạo, cầu cho quốc thái dân an, người người an lạc. Lễ cúng thường kết thúc vào 01h30 rạng sáng cùng ngày.
Lưu ý khi tham gia rước chư Thánh, Thần, Tiên, Phật:
|
2. Ngày 09/01 – Đại lễ Đức Chí Tôn (Đại lễ)
Đại lễ Đức Chí Tôn (còn gọi là lễ vía Trời hay lễ tế Trời) được tổ chức nhằm tôn vinh sự ra đời của đấng sáng thế. Đức tin đạo Cao Đài cho rằng Đức Chí Tôn đã ban phát sự sống cho toàn cõi sinh linh, là sự tồn tại cao quý nhất luôn hiện diện trong không gian vô biên và thời gian vô tận. Năm 1926, Ngài đã chính thức khai mở Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ và trở thành người Thầy, người Cha ân cần nuôi nấng và dẫn lối con dân ngoan đạo.
Thông qua ngày Đại lễ, người tu hành dâng hương, cầu kinh, nhắc nhở bản thân về phải luôn cố gắng noi theo đức hiếu sinh của Ngài để tích đức và hành thiện tại đời. Các tín đồ đạo Cao Đài thường đem sắc áo trắng đặc trưng phủ đầy những con đường đi dẫn đến Tòa Thánh. Đây cũng là dịp để các tín đồ và du khách gần xa cùng nhau cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc
Theo thông lệ hằng năm, Đại lễ Đức Chí Tôn mở đầu với việc khai mạc khu triển lãm tại sân gạch trước Đền Thánh từ sáng ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo đã tái hiện xuất sắc quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước của các bậc tiền nhân cùng nhiều sự tích, truyền thuyết anh hùng bất hủ như Mai An Tiêm, Lạc Long Quân, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng…
Đến 19h00 cùng ngày, phần hội của Đại lễ diễn ra đặc sắc với các màn múa Long Mã, Tứ Linh (Rồng Nhang, Ngọc Kỳ Lân, Quy, Phụng) trước Đền Thánh, Báo Ân Từ và đi diễu hành khắp khán đài Đông Tây. Không khí lễ hội dâng cao trong điệu Nhạc Sắc Tộc ngân vang và tiếng hò reo náo nhiệt của các du khách.
Phần lễ cúng Đại đàn được cử hành long trọng vào 0h00 mùng 9 tháng Giêng Âm lịch. Các đồng đạo tín hữu chầu lễ được sắp xếp trật tự bên trong khu Chánh điện, dọc các hành lang và trên sân gạch quanh khu triển lãm, thành kính hướng về đền thờ Đức Chí Tôn. Ngài Đầu sư Chưởng quản Hội Thánh đại diện dâng Sớ Cầu Nguyện. Sau bài thuyết đạo của ngài Đầu sư, Đại đàn thường kết thúc vào 2h30 rạng sáng cùng ngày.
Lưu ý khi tham gia Đại lễ Đức Chí Tôn:
|
3. Ngày 15/01 – Lễ Thượng Ngươn (Đại lễ)
Quan niệm đạo giáo dạy rằng Trời Đất có ba ngươn (tức khoảng thời gian dài trong sự hình thành vũ trụ): Thượng Ngươn (rằm tháng Giêng), Trung Ngươn (rằm tháng 7) và Hạ Ngươn (rằm tháng 10). Trong đó, Thượng Ngươn đánh dấu sự khởi đầu của tạo hóa, bản chất con người lúc này thanh thuần chất phác, yêu thương lẫn nhau, hòa hiệp trên dưới và cùng hướng đến mục tiêu tốt đời, đẹp đạo.
Lễ Thượng Ngươn là dịp đại khai ân xá của Đức Chí Tôn, được tổ chức hằng năm để cầu nguyện Cửu Huyền Thất Tổ (9 thế hệ và 7 đời tổ trong dòng họ), các chiến sĩ trận vong và các đẳng linh hồn sớm được siêu thăng tịnh độ. Trong phong tục thờ cúng xa xưa của người Việt, trăng rằm đầu xuân cũng đánh dấu ngày lễ trọng đại để làm tròn bổn phận hiếu kính với vong linh những người đã khuất.
Phần lễ Thượng Ngươn bắt đầu vào 0h00 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, Hội Thánh thiết lễ Đại đàn và dâng Sớ Cầu Nguyện tại đền thờ Đức Chí Tôn. Sau đó, các tín đồ tổ chức cúng Cửu Huyền Thất Tổ tại Trai Đường và Báo Ân Từ, cúng tế điện cầu siêu hội cho các đẳng linh hồn tại Báo Ân Từ và Khách Đình. Mỗi nghi thức đều được tiến hành long trọng với các lễ vật đa dạng, phong phú, qua đó gửi gắm niềm tin của con cháu đến các bậc ông cha quá vãng.
Phần hội Thượng Ngươn diễn ra trong buổi sáng cùng ngày với các tiết mục truyền thống mãn nhãn như múa Long Mã, Ngọc Kỳ Lân, Nhạc Sắc Tộc. Nghệ thuật trình diễn đặc sắc làm cho bầu không khí trước Đền Thánh và Báo Ân Từ tuy trang nghiêm nhưng cũng không kém phần sôi động, vui vẻ.
Lưu ý khi tham gia lễ Thượng Ngươn:
|
4. Ngày 15/02 – Vía Đức Thái Thượng Lão Quân (Đại lễ)
Đức Thái Thượng Lão Quân (còn gọi là Thái Thượng Đạo Tổ hay Giáo Chủ Thiên Tôn) là vị tiên quyền cao chức trọng nơi cõi hằng sống thiêng liêng. Ngài biến sinh từ Tiên Thiên Khí và hiện diện trước cả khi Trời Đất thành hình và phân định. Người đời tương truyền rằng Đức Thái Thượng Lão Quân có phép lực vô biên, khả năng biến hóa khôn cùng và thường xuống cõi trần để ban phát ân lành, giáo hóa chúng sinh.
Lễ vía Đức Thái Thượng Lão Quân được tổ chức vào rằm tháng Hai Âm lịch hằng năm tại Tòa Thánh và các thánh thất họ đạo nhằm kỷ niệm sự kiện Thiên Tôn thánh đản. Đây là ngày Trời Đất khai thông, nghiệp kiếp tiêu biến, các chư vị thần tiên đều đến chúc mừng, vậy nên những lời cầu danh, cầu tài, cầu lộc, cầu con… đều rất linh nghiệm.
Lễ cúng đàn được tổ chức theo nghi thức cao nhất, trong đó có đọc Kinh Tiên giáo ca ngợi ơn đức của Đức Thái Thượng Lão Quân. Khi tiếng trống lạy vang lên, mọi người đồng loạt cúc cung bái lạy 3 lần, mỗi lần 3 gật, mỗi gật niệm: “Nam mô Thái Thượng Ðạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn”.
Theo thông lệ, lễ vía Đức Thái Thượng Lão Quân tại Tòa Thánh Tây Ninh được tổ chức khá ấm cúng với sự tham gia của con dân đạo Cao Đài tại địa phương. Nhân dịp này, các tín đồ sùng đạo chầu lễ và khấn nguyện với ân trên ban cho sức khỏe dồi dào, trí óc thông tuệ, công quả viên mãn, hướng đến giải thoát toàn diện.
Lưu ý khi tham gia vía Đức Thái Thượng Lão Quân:
|
5. Ngày 19/02 – Vía Đức Phật Quan Âm (Đại lễ)
Theo quan niệm của đạo giáo Cao Đài, Đức Phật Quan Âm là vị nữ Phật nhưng mang danh hiệu Bồ Tát, thay mặt Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cầm quyền Phật giáo trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài có tấm lòng đại từ, đại bi và khả năng thần thông quảng đại, luôn lắng nghe tiếng kêu cứu khổ đau chốn nhân sinh để kịp thời hiện thân cứu giúp.
Hội Thánh đã chọn ngày 19 tháng Hai Âm lịch – ngày Quan Âm Nam Hải thành đạo để tổ chức lễ vía Đức Phật Quan Âm mỗi năm vào 0h00 và 12h00 tại Đền Thánh, thánh thất họ Đạo trong và ngoài nước. Đây là dịp để các tín đồ sùng đạo kính cẩn nghiêng mình trước hạnh nguyên tu luyện của Ngài và cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, nhiều điều bình an.
Dù buổi lễ được diễn ra vào nửa đêm hay ban trưa, quý quan khách vẫn không quản ngại khó khăn để hội họp chung vui và quây quần bên nhau. Không gian Đền Thánh nhờ vậy mà càng thêm ấm áp, thấm tình đồng đạo tín hữu.
Trong lễ cúng Đại đàn, các chức sắc thuyết đạo nhắc nhở công đức và vai trò của Đức Phật Quan Âm trong giáo lý đạo Cao Đài. Đặc biệt, Kinh Cứu khổ là bài kinh cầu nguyện Bồ Tát hộ trì thân thể và tâm hồn con người khỏi điềm rủi, cái ác. Quan khách đọc bài kinh tổng cộng 3 lần rồi niệm câu chú “Kim Ba, Kim Ba Đế…Ta Hà Ba” theo Thầy 3 lần.
Lưu ý khi tham gia lễ vía Đức Phật Quan Âm:
|
6. Ngày 08/04 – Vía Đức Phật Thích Ca (Đại lễ)
Đây là dịp lễ quan trọng kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào thế kỷ VI Trước Công nguyên tại khu vườn Lâm Tỳ Ni của thủ đô Ca Tỳ La Vệ. Hiện nay, các tổ chức tôn giáo vẫn còn tranh cãi xoay quanh vấn đề có nên đổi ngày Phật đản sang rằm tháng Tư Âm lịch hay không. Tuy vậy, Hội Thánh Tây Ninh vẫn giữ truyền thống xa xưa của đạo giáo truyền thừa và chọn mùng 8 tháng Tư hằng năm để thiết lễ Đại đàn.
Trong văn hóa Cao Đài, Đức Phật Thích Ca được ca tụng như một đại hiền triết, một nhà đạo đức và là biểu tượng của sự an yên trong dòng chảy biến thiên chốn hồng trần. Ngài dẫn dắt tín đồ cầu tìm chân lý, buông bỏ những ham muốn thế tục tầm thường và bước vào một thế giới chỉ có niềm vui và hạnh phúc.
Lễ vía Đức Phật Thích Ca được tiến hành vào 0h00 và 12h00 tại nơi thờ tự Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ từ trung ương đến địa phương. Qua đó, quan khách tham dự thành tâm dâng hương đăng, hoa, trà, quả, cầu nguyện Đức Phật ban bố hồng ân, điển lành, độ trì chúng sinh thoát khỏi nghiệp chướng. Trong buổi thiết lễ, Chức sắc thuyết đạo nhắc lại tiểu sử và công đức vô lượng của Ngài, nhắc nhở con dân phải học hỏi và làm theo cách đối nhân xử thế đại từ, đại bi.
Đồng thời, nhân dịp lễ vía, nhiều mạnh thường quân góp của, góp sức để tổ chức nhiều bữa ăn chay miễn phí, lan tỏa nghĩa tình đồng bào quý báu đến những ai có hoàn cảnh khó khăn.
Lưu ý khi tham gia vía Đức Phật Thích Ca:
|
7. Ngày 10/04 – Lễ kỷ niệm Đức Hộ Pháp qui Thiên (Tiểu lễ)
Tên đầy đủ của sự kiện là lễ kỷ niệm hội ngày qui Thiên của Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh và Quý Thời Quân Hiệp Thiên Đài. Hiệp Thiên Đài được xem như cơ quan tư pháp quan trọng của đạo Cao Đài, là trung gian giữa Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài – tức giữa phàm phu tục tử và Ngọc Hoàng Thượng Đế. Bộ máy cao cấp của Hiệp Thiên Đài trên có ba vị Hộ Pháp – Thượng Phẩm – Thượng Sanh, dưới có Thập Nhị Thời Quân.
Đức Hộ Pháp – Đức Thượng Phẩm – Đức Thượng Sanh lần lượt là ba ông Phạm Công Tắc – Cao Quỳnh Cư – Cao Hoài Sang, những người đã có công lập bàn cầu cơ, gầy nên đạo nghiệp. Phò tá cho ba ông là 12 Quý Thời Quân có tuổi đúng theo 12 con giáp được chính Đức Chí Tôn chọn ra. Ngày các vị chức sắc cao quý này qui thiên, trở về cõi sống vĩnh hằng được kỷ niệm hằng năm vào mùng 10 tháng Tư Âm lịch tại Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh.
Theo thông lệ, lễ kỷ niệm mở đầu với màn hòa tấu cổ nhạc hiến lễ vào 19h00 ngày 9 tháng Tư trước bàn nghi tại Hộ Pháp Đường với các chức sắc hầu lễ hai bên tả hữu. Đúng 0h00 ngày 10 tháng Tư, Hội Thánh tổ chức cúng Tiểu đàn tại Đền Thánh với các nghi lễ đọc kinh, dâng sớ. Không gian tại đây được sắp đặt chu đáo với phẩm quả bắt mắt, nhang đèn và trầm hương được túc trực liên tục.
Đến 7h00 sáng cùng ngày, các quan khách tiến hành cung nghinh Bửu ảnh Đức Hộ Pháp từ Đền Thánh đến Báo Ân Từ với các nghi thức long trọng như cờ đạo, bảng đạo, lộng tàng, bàn hương án… Ngoài ra, các tiết mục truyền thống như Long Mã, trống quan và Nhạc Sắc Tộc Tần nhơn, Tà mun diễn ra song song khiến phần lễ thêm phần sinh động.
Sau khi tuần tự dâng hương, hoa, rượu, trà và thài các bài thơ kỷ niệm, Hỗn Ngươn Kinh và các lễ nghi khác tại Báo Ân Từ, toàn đạo cung nghinh Bửu ảnh Đức Hộ Pháp về lại Đền Thánh. Lễ kỷ niệm thường chính thức kết thúc vào 9h30 sáng cùng ngày.
Lưu ý khi tham gia lễ kỷ niệm hội ngày qui Thiên Đức Hộ Pháp:
|
8. Ngày 24/06 – Vía Đức Quan Thánh Đế Quân (Đại lễ)
Theo kinh sách ghi lại, Đức Quan Thánh Đế Quân (còn gọi là Quan Vũ, Quan Công, Quan Vân Trường) đại diện cho Đức Khổng Tử và cầm quyền Nho giáo trong Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài từng giáng phàm vào thời Tam quốc phân tranh và là vị anh hùng lưu danh sử sách. Đức Quan Thánh Đế Quân được người đời ca tụng bởi hành động hào hùng, trượng nghĩa và lý tưởng trừ gian, diệt ác cao cả.
Lễ vía Đức Quan Thánh Đế Quân được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch hằng năm tại Đền Thánh và thánh thất đạo Cao Đài. Toàn thể con dân ngoan đạo hướng về điện thờ để khẩn cầu Đức Quan Thánh Đế Quân thánh đản giai kỳ, qua đó nhắc nhở bản thân phải học theo đức tính Liêm – Tiết – Hiếu – Trung, lấy chân tâm làm đầu.
Vào đúng 0h00 và 12h00 cùng ngày, người chủ trì bắt đầu thiết lễ Đại đàn, tiến hành dâng hương đăng, hoa, trà, quả, cầu nguyện Đức Quan Thánh Đế Quân độ trì chúng sinh thoát khỏi khổ ải, nghiệp chướng. Các chức sắc thuyết đạo về công đức của Ngài, khắc ghi đạo lý giữ lòng thiện niệm, không kiêu căng tự đại và cố gắng tu tâm sửa mình.
Lễ phẩm cúng bái với Đức Quan Thánh Đế Quân được chuẩn bị tỉ mỉ tùy thuộc vào điều kiện sẵn có của mỗi thánh thất Cao Đài. Tựu trung lại, tín đồ dự lễ vía đều cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực nếu thành tâm với Ngài.
Lưu ý khi tham gia vía Đức Quan Thánh Đế Quân:
|
9. Ngày 15/07 – Lễ Trung Ngươn (Đại lễ)
Tiếp nối lễ Thượng Ngươn vào rằm tháng Giêng, lễ Trung Ngươn vào rằm tháng Bảy hằng năm là dịp để tín đồ Cao Đài dâng lên tấm lòng kính báo với vong linh quá vãng, khắc sâu đạo lý “cây có cội, nước có nguồn”, đền ơn đáp nghĩa, trân trọng những điều mà mình đang có được.
Căn cứ nhiều nghiên cứu chính thống về Nho giáo, lễ Trung Ngươn là dịp kỷ niệm ngày vua Thuấn địa quan xá tội, xem xét tấm lòng hiếu thảo của con cháu mà siêu độ cho linh hồn người đã khuất. Ngoài ra, trong kinh điển Phật giáo, đây đồng thời là dịp tăng ni, Phật tử cúng dường Vu lan báo hiếu. Ai còn cha mẹ thì mong ước cho người được mạnh khỏe, hạnh phúc, ai kém may mắn hơn thì cầu nguyện cho linh hồn đấng sinh thành được an nghỉ ở phương xa.
Cứ đến ngày 15 tháng Bảy Âm lịch hằng năm, toàn đạo Cao Đài cúng Đại đàn lễ Trung Ngươn tại Đền Thánh trung ương và thánh thất địa phương. Khắp nơi treo đầy cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện để ban phát phước lành, cầu siêu độ cho Cửu Huyền Thất Tổ, đồng bào tử nạn, chiến sĩ hy sinh và mọi chư vong linh sớm thoát khỏi kiếp đọa đày.
Nghi thức cúng lễ Trung Ngươn được tiến hành tương đối giống với lễ Thượng Ngươn. Điểm khác biệt ở chỗ các chức sắc không dâng Sớ Cầu Nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ mà chỉ cầu nguyện cho các đẳng chơn hồn.
Lưu ý khi tham gia lễ Trung Ngươn:
|
10. Ngày 15/08 – Hội Yến Diêu Trì Cung (Tiểu lễ)
Hội Yến Diêu Trì Cung Tòa Thánh Tây Ninh – bữa tiệc kết nối giữa thể xác và tâm linh – là một trong hai ngày lễ trọng đại nhất của đạo giáo Cao Đài bên cạnh Đại lễ Đức Chí Tôn. Các tài liệu lịch sử ghi nhận rằng, vào rằm tháng Tám năm Ất Sửu 1925, ba ông Cao – Tắc – Sang đã lập bàn cầu cơ, chiêu đãi Đức Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương. Ngay sau đó, các vị lần lượt giáng cơ và tặng lại các bài thơ 4 câu quý giá. Sự kiện này đánh dấu buổi khai đạo cứu đời đầu tiên và mở ra thời kỳ phát triển hưng thịnh của đạo giáo.
Hằng năm cứ đến tiết trời mát mẻ giữa thu, toàn đạo Cao Đài hướng về Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh để hưởng ứng Hội Yến Diêu Trì Cung trong hai ngày 15 và 16 tháng Tám Âm lịch. Qua đó, các tín đồ và du khách từ Nam chí Bắc, trong và ngoài nước có cơ hội tề tựu đông vui giữa không gian cờ hoa đa sắc. Người người thành tâm hiếu kính với Đức Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương, cầu mong ơn trên chứng giám và độ trì nhân thế.
Theo tập tục, phần lễ của Hội Yến bao gồm cúng Tiểu đàn tại Đền Thánh vào 0h00 sáng và cúng Đại đàn Đức Phật Mẫu tại Báo Ân Từ vào 12h00 trưa ngày 15 tháng Tám. Phẩm quả linh đình được bày biện đẹp mắt, hương đèn được thắp sáng liên tục. Trong điệu nhạc bát âm huyền bí, các tín đồ cử hành lễ nghi cung nghinh Đức Phật Mẫu và Cửu vị tiên nương về hội họp với con cháu toàn đạo.
Phần hội của Hội Yến cũng diễn ra đặc sắc với gian trưng bày triển lãm của các họ đạo và cuộc diễu hành rước cộ bông hoành tráng trước Đền Thánh, Báo Ân Từ và khắp khán đài Đông, Tây. Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã khắc họa tinh xảo hình ảnh các linh vật độc đáo từ hoa quả các miền. Những màn múa Rồng Nhang, múa Long Mã và nhiều chương trình văn nghệ dân gian thu hút sự chú ý của các du khách.
Trong khoảng thời gian này, khu vực Trai Đường của Tòa Thánh Tây Ninh nghi ngút khói bếp và chiêu đãi du khách các bữa ăn chay miễn phí. Các món ăn thanh đạm nhưng đủ chất, đủ vị, thấm nhuần tinh thần đùm bọc, sẻ chia.
\
Lưu ý khi tham gia Hội Yến Diêu Trì Cung:
|
11. Ngày 18/08 – Vía Đức Lý Giáo Tông (Đại lễ)
Đức Lý Giáo Tông (còn gọi là Lý Thái Bạch, Thái Bạch Kim Tinh hoặc Lý Đại Tiên Trưởng) là vị Tiên đứng đầu, thay mặt Thái Thượng Lão Quân cầm quyền Tiên giáo trong Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ, kiêm nhiệm chức Giáo Tông – chức sắc cao nhất của đạo Cao Đài. Vào thời nhà Đường, Ngài giáng trần và trở thành bậc đại thi hào kỳ tài của văn học thế giới.
Ngày 18 tháng Tám Âm lịch hằng năm được Hội Thánh chọn ra để thiết lễ vía Đức Lý Giáo Tông. Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của đấng thiêng liêng, con dân toàn đạo ca ngợi trí tuệ vô song và tài năng hi hữu của Ngài. Qua đó, Đức Lý Giáo Tông ban phát hồng ân cho những người tín tâm khấn nguyện.
Vào 0h00 sáng và 12h00 trưa cùng ngày, lễ cúng được diễn ra trang nghiêm tại Tòa Thánh Tây Ninh và các thánh thất địa phương. Lễ – Nhạc – Đồng nhi được thực hiện nề nếp, trật tự, cung nghinh Đức Lý Giáo Tông thánh đản. Các chức sắc thuyết đạo, nhắc nhở môn đệ về công ơn của Ngài trong quá trình hình thành và phát triển của đạo giáo.
Lưu ý khi tham gia vía Đức Lý Giáo Tông:
|
12. Ngày 27/08 – Vía Đức Khổng Thánh (Đại lễ)
Học thuyết Cao Đài dạy rằng Đức Khổng Thánh Tiên Sư (hay Khổng Tử) là đấng giáo chủ thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Nhờ có sự dẫn dắt của Ngài, Nho giáo đã phát triển hưng thịnh, trở thành triết lý nhân sinh có hệ thống chặt chẽ và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân dân. Do đó, Đức Chí Tôn chủ trương dùng giáo lý Nho giáo để dạy dỗ môn đồ, ổn định trật tự đạo đức xã hội.
Vào ngày 27 tháng Tám Âm lịch hằng năm, toàn đạo hân hoan tổ chức lễ vía Đức Khổng Thánh đản sinh tại nơi thờ tự từ trung ương đến địa phương. Tín đồ sùng đạo được dịp tụ tập đông vui và dâng hương đăng, hoa, trà, quả lên đấng thiêng liêng, cầu nguyện những điều tốt lành, may mắn, nhất là trong học tập – thi cử.
Vào 0h00 và 12h00 cùng ngày, tín đồ đạo Cao Đài chính thức làm lễ Đại đàn cung nghinh Đức Khổng Thánh thánh đản. Các chức sắc thuyết đạo nhắc về tiểu sử của Ngài và tôn vinh giá trị trường tồn của Nho giáo trong dòng chảy thời gian vô tận. Lễ vật dâng lên Đức Khổng Tử có thể không cao sang, quyền quý nhưng phải xuất phát từ chân tâm thành kính của người con đạo giáo.
Trong tiếng hòa tấu bát âm liên hồi, chức sắc và đồng đạo cùng nhau đọc bài Kinh Nho giáo, sau đó cúc cung bái 3 lạy, mỗi lạy 3 gật và niệm câu: “Nam mô Khổng Thánh Tiên Sư hưng nho Thạnh thế Thiên Tôn”.
Lưu ý khi tham gia vía Đức Khổng Thánh:
|
13. Ngày 13/10 – Lễ kỷ niệm Đức Quyền Giáo Tông (Tiểu đàn)
Tên đầy đủ của sự kiện là Lễ kỷ niệm hội ngày qui Thiên của Đức Quyền Giáo Tông, quý Đầu sư, chức sắc hàng Thánh nam nữ. Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung (thánh danh là Thượng Trung Nhựt) được Đức Lý Thái Bạch ban quyền Giáo Tông hữu hình tại thế. Ngài cũng là một trong 12 vị môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn, có công xây dựng và truyền bá nghiệp đạo từ thuở ban sơ.
Hội Thánh Cao Đài đã chọn ngày mất của ông Lê Văn Trung để tổ chức lễ kỷ niệm tưởng nhớ Đức Quyền Giáo Tông, quý Đầu sư và chức sắc hàng Thánh nam nữ – các bậc quá vãng đã qui Thiên về cõi hằng sống. Thông thường, vào 19h00 ngày 12 tháng 10 Âm lịch, hòa tấu cổ nhạc hiến lễ được tiến hành. Các cơ quan đạo cùng một số họ đạo hiến dâng lễ phẩm và bày trí trước Bửu ảnh Đức Quyền Giáo Tông.
Đến 0h00 ngày 13 tháng 10 Âm lịch, Hội Thánh chính thức thiết lễ cúng Tiểu đàn tại Đền Thánh. Ngài Đầu sư Chưởng quản dâng sớ lên Đức Chí Tôn, cầu nguyện cho linh hồn các vị về hiệp hội cùng con cháu. Đến 7h00 sáng cùng ngày, đạo hữu tụ họp trước Đền Thánh để cung nghinh Bửu Ảnh Đức Quyền Giáo Tông đến Báo Ân Từ hành lễ tế điện.
Lễ cung nghinh được tiến hành song song với chương trình biểu diễn múa Long Mã, Nhạc Sắc Tộc khiến không gian Tòa Thánh trở nên sôi động. Sau khi tế điện, đạo hữu đưa Bửu Ảnh về lại Đền Thánh và kết thúc lễ kỷ niệm vào 9h30 sáng.
Lưu ý khi tham gia lễ kỷ niệm hội ngày qui Thiên Đức Quyền Giáo Tông:
|
14. Ngày 15/10 – Lễ Hạ Ngươn và kỷ niệm ngày hoằng khai Đại đạo (Đại lễ)
Lễ Hạ Ngươn được tổ chức vào rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm, song hành với lễ kỷ niệm ngày khai Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ (từ năm 1926). Tín đồ sùng đạo tụ họp đông đúc về Đền Thánh và tỏ lòng biết ơn với Cửu Huyền Thất Tổ và các vong linh các bậc tiền nhân, đồng thời nhắc nhớ nhau về ngày hoằng khai Đại đạo linh thiêng trong lịch sử.
Trong giáo lý đạo Cao Đài, Hạ Ngươn là giai đoạn mạt kiếp khi Đức Chí Tôn ban Đại Ân Xá cho nhân loại để tu hành qui hồi cựu vị. Do vậy, lễ Hạ Ngươn được xem như dấu chấm cuối cùng để mở ra một trang mới, một khởi đầu mới tốt đẹp hơn.
Chương trình phần lễ và phần hội của lễ Hạ Ngươn tương đối giống với lễ Thượng Ngươn nhưng không dâng Sớ với Cửu Huyền Thất Tổ. Ngoài ra, sau khi cúng tế đàn, ngài Đầu sư Chưởng quản Hội Thánh còn giảng thuyết tổng kết những thành tích mà Hội Thánh đã đạt được trong năm đạo vừa qua và đề ra phương hướng cho năm đạo tiếp theo.
Ngày lễ Hạ Ngươn và lễ kỷ niệm ngày hoằng khai Đại đạo chứng kiến sự tham gia đông đúc của các tín đồ, du khách trong và ngoài nước. Trong khi lễ cúng Đại đàn diễn ra trang nghiêm thì điệu múa Chhay Dăm uyển chuyển, tiếng Nhạc Sắc Tộc ngân vang và màn múa Long Mã – Ngọc Kỳ Lân ấn tượng đã thành công khuấy động không khí buổi lễ.
Lưu ý khi tham gia lễ Hạ Ngươn và lễ kỷ niệm ngày hoằng khai Đại đạo:
|
15. Ngày 25/12 Dương lịch – Vía Đức Jésus Christ (Đại lễ)
Khác với các sự kiện còn lại, lễ vía Đức Jésus Christ (còn gọi là Gia Tô Giáo Chủ) được tổ chức theo Dương lịch vì Ngài vốn sinh ra ở phương Tây. Theo kinh sách Cao Đài ghi lại, Đức Jésus Christ là một trong Tam Thế Phật, giánh sanh để cứu độ sắc dân ở châu Âu trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Ngài giáo huấn con dân phải biết tu tâm dưỡng tính, âm thầm tạo điều phước lành và biết yêu thương những phận đời khốn cùng.
Kỷ niệm ngày Chúa giáng sinh vào 25 tháng 12 Dương lịch (còn gọi là lễ Noel), Tòa Thánh Tây Ninh và các thánh thất đạo Cao Đài cử hành long trọng tế bái Đại đàn. Qua đó, toàn đạo hướng về bàn thờ chư vị thánh thần, cầu nguyện Chúa Jésus Christ ban thưởng hồng ân và chở che cho họ qua khỏi khổ đau, bệnh tật.
Không khí buổi lễ diễn ra thân mật với sự góp mặt của nhiều tín đồ đạo Cao Đài địa phương. Các chức sắc thuyết đạo về tiểu sử của Chúa Jésus Christ và nhắc nhở ơn đức của Ngài đối với đạo giáo.
Lưu ý khi tham gia vía Đức Chúa Jésus Christ:
|
16. Ngày 24/12 – Lễ đưa chư Thần, Thánh, Tiên, Phật triều Thiên (Tiểu lễ)
Theo đạo Cao Đài, phong tục đưa ông Táo về trời của nhân dân nước Nam thực chất chính là lễ đưa chư Thần, Thánh, Tiên, Phật triều thiên. Cứ đến độ 24 tháng Chạp Âm lịch hằng năm, các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật trở về Ngọc Hư Cung để chấp lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế Đức Chí Tôn. Từ đó, các đấng thiêng liêng phán định tội phước của nhân loại và lập nên những luật lệ giới hạn vi diệu cho quả địa cầu trong năm mới.
Chiếu theo thông lệ, đúng 0h00 ngày 24 tháng Chạp, Hội Thánh Tây Ninh thiết lễ Tiểu đàn đưa chư Thần, Thánh, Tiên, Phật triều thiên tại Đền Thánh và thánh thất địa phương. Ngài Đầu sư Chưởng quản Hội Thánh dâng sớ, cầu nguyện cho một năm mới bình an, người người hưởng lạc. Lễ cúng thường kết thúc vào 1h30 sáng cùng ngày.
Sau đó, ngài Đầu sư chưởng quản tiến hành thuyết đạo và đọc thơ chúc xuân, mong Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Trọn Lành độ trì nhân thế. Lễ đưa chư Thần, Thánh, Tiên, Phật triều thiên cũng hoàn thành trọn vẹn lịch phụng sự trong năm của đạo Cao Đài, mở ra một vòng tuần hoàn mới.
Lưu ý khi tham gia lễ đưa Thần, Thánh, Tiên, Phật triều thiên:
|
Trên hành trình khám phá xứ Tây thành và tận hưởng không khí sôi động của 16 ngày lễ, bạn đừng bỏ lỡ các món ăn đặc sản địa phương để hiểu hơn về đất trời, ẩm thực và con người tại vùng đất Thánh. Tham khảo bài viết ăn gì ở Tây Ninh, quán cafe đẹp ở Tây Ninh để lên thực đơn trải nghiệm cùng người thân và bạn bè.
Trên đây là 16 ngày lễ Tòa Thánh Tây Ninh ấn tượng theo lịch phụng sự Âm lịch hằng năm. Mỗi ngày lễ đều có những hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ công ơn các đấng trọn lành và những người đã khuất. Dựa vào đó, các tín đồ sùng đạo và du khách gần xa có thể tham khảo cũng như hiểu thêm về văn hóa tín ngưỡng của một tôn giáo nội sinh – Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ.