TÔN TƯỢNG BỒ TÁT DI LẶC

Nằm ở độ cao 900m trên đỉnh núi Bà Đen, bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ ở tư thế ngồi, với khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ, hình tướng mập mạp, cổ đeo tràng hạt. Tượng Phật Di Lặc ngồi trên thác nước chảy tràn, mắt hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc như hướng về tương lai, bao quát toàn cảnh đồng bằng Nam bộ cùng hồ Dầu Tiếng rộng lớn. Là biểu trưng cho sự vui vẻ, an lạc, may mắn, tài lộc và hạnh phúc, từ trên cao, Phật Di Lặc nở nụ cười hỉ hả như ban phước lành, nỗi hân hoan và niềm hạnh phúc vĩnh cửu tới chúng sinh.

 

Tượng có chiều cao 36 mét, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m2, nặng 5.112 tấn, cổ đeo chuỗi Phật châu gồm 54 hạt. Đại Tượng Phật Di Lặc được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. Từng viên đá sa thạch được lọc lựa kỹ lưỡng, kiểm tra màu, vân đá, và kích thước chuẩn xác, sau đó được điêu khắc theo mẫu thiết kế. Các viên đá sa thạch được xếp chồng lên nhau thành 54 lớp, mỗi viên đá ghép trung bình có chiều dài 100-120cm, cao bình quân 70cm, dày 50cm. Tổng khối lượng đá sa thạch sử dụng để ghép nên bức tượng là 2.025m3.

Tượng Phật Di Lặc được đặt trên địa hình đặc biệt, nằm trên đỉnh phân thuỷ có địa hình dốc lớn của núi Bà Đen. Trong điều kiện thời tiết trên đỉnh núi thường xuyên gió lớn, sương mù dày đặc, từng khâu trong quá trình xây dựng và chế tác tượng đều vô cùng phức tạp. Trong đó, định vị phần vỏ tượng và phần lắp đá là công đoạn phức tạp hơn cả. 120 nhân công đã thay phiên nhau làm việc từ sáng đến 21h  và hoàn thiện công trình Đại tượng Phật chỉ trong khoảng thời gian 9 tháng. Từng viên đá đều được đánh dấu một cách khoa học để có thể lắp đặt chuẩn xác. Các vị trí phức tạp nhất của tượng Phật là bàn tay, bàn chân, mũi, cằm, miệng, và chuỗi hạt, đòi hỏi sự chế tác và ghép đá tỉ mỉ, cầu kỳ để đảm bảo tính cả tính kỹ thuật, mỹ thuật và linh hồn cho tượng Phật.

So với những bức tượng Phật lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng, Đại tượng Phật Di Lặc tại Núi Bà Đen là bức Tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới.

Trong văn hoá Phật giáo, có nhiều truyền thuyết về Phật Di Lặc, nhưng tựu chung lại Di Lặc Bồ Tát chính là vị Phật của tương lai. Hiện, Ngài đang là Bồ Tát trú tại cung trời Đâu suất (cõi trời nằm giữa Dạ Ma thiên và Lạc Biến hoá thiên), sau hàng vạn năm nữa sẽ giáng thế và kế tiếp Đức Phật Thích Ca để tuyên thuyết và truyền thừa chánh pháp.

Theo truyền thuyết, niềm vui lớn nhất của vị Bồ Tát này là biến những buồn phiền, giận dữ, áp lực của con người thành niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì vậy, Phật Di Lặc còn được gọi là Phật Cười, và luôn có tướng mạo mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quýt xung quanh. Người ta tin rằng nụ cười nội tâm của Phật Di Lặc mạnh tới mức luôn toả sáng trên khuôn mặt hiền từ và hoan hỉ.

 

Vào những ngày đầu tiên của năm mới, Lễ Vía Phật Di Lặc được tổ chức rất lớn ở nhiều nơi trên thế giới, với mong ước được trọn năm an vui hạnh phúc và đặt mọi hi vọng vào tương lai. Tại núi Bà Đen, Lễ Vía Phật Di Lặc là một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm, được tổ chức trong suốt Tháng Giêng. Rất nhiều nghi thức trang trọng và thiêng liêng được tổ chức trong những ngày này, để nguyện cầu cho quốc thái dân an, vạn sự an yên hỉ lạc. Với Phật tử và du khách, đây sẽ là dịp để cầu Đức Di Lặc phù hộ cho một năm an vui và một tương lai thịnh vượng.

Phật Di Lặc tới đâu, ở đó có hạnh phúc, có niềm vui, sự an lạc và may mắn. Bởi vậy, hành trình hành hương đến với núi Bà Đen để chiêm bái Di Lặc Bồ Tát sẽ là hành trình tìm đến miền đất của sự hoan hỉ, cởi bỏ mọi muộn phiền, âu lo để kiếm tìm niềm hạnh phúc viên mãn.